Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật quản lý một số sâu bệnh hại chính giai đoạn ra hoa đậu trái và nâng cao hiệu quả kinh tế vườn điều ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai

Chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Nguyễn Thị Rỡ

Và các cộng sự

Đồng chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Đỗ Văn Thịnh

Cơ quan thực hiện: Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thống Nhất.

Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Mục tiêu chung:

Nâng cao hiệu quả kinh tế vườn điều qua việc quản lý một số sâu bệnh hại nguy hiểm giai đoạn ra hoa đậu trái, xử lý ra hoa tập trung, thay thế dần vườn điều già cỗi bằng giống mới cao sản và thâm canh vườn điều.

+ Mục tiêu cụ thể:

– Đánh giá những thuận lợi, khó khăn của nhà vườn khi sản xuất điều trong điều kiện hiện nay và đề xuất biện pháp giải quyết;

– Quản lý tốt hơn bọ xít muỗi gây hại ở giai đoạn ra hoa đậu trái trên cây điều. Giảm 30-50% mức độ gậy hại ở lô mô hình so với lô đối chứng. Hiệu quả kinh tế tăng 15-20%;

– Quản lý tốt hơn bệnh thán thư ở giai đoạn ra hoa đậu trái trên cây điều. Giảm 30-50% mức độ gậy hại ở lô mô hình so với lô đối chứng. Hiệu quả kinh tế tăng 15-20%;

– Tăng tỷ lệ đậu trái và năng suất từ 15-20% ở lô mô hình xử lý ra hoa tập trung so với lô đối chứng;

– Cải thiện năng suất vườn điều già cỗi bằng giống điều cao sản mới năng suất cao.

– Năng suất và hiệu quả kinh tế tăng từ 20-25% ở lô mô hình thâm canh tổng hợp so với lô đối chứng.

– Chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trồng điều thông qua tập huấn và hội thảo đầu bờ.

Kết quả nghiên cứu:

  1. Điều tra hiện trạng canh tác cây điều trên địa bàn huyện Thống Nhất

Trong năm 2015 diện tích trồng điều trên toàn huyện hiện là 2.297 ha, trong đó tập trung ở các xã Quang Trung (531 ha), Hưng Lộc (421 ha), Xuân Thạnh (384,7 ha), Gia Tân 1 (300,3 ha). Giống điều được trồng phổ biến là giống địa phương chiếm 75%, đa số các vườn đều trồng thuần thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch.

Đối với phân bón hữu cơ chỉ có 35% nhà vườn sử dụng tuy nhiên lượng phân bón còn ít chưa phù hợp với khuyến cáo. Còn phân vô cơ 100% nhà vườn đều sử dụng, các loại phân vô cơ dùng phổ biến là phân Urea, lân, kali, NPK 16:16:8, NPK 20:20:15, lượng phân bón chủ yếu theo kinh nghiệm của nhà vườn, qua điều tra cho thấy nhà vườn bón phân đạm và lân cao trung bình hơn so với khuyến cáo, hàm lượng kali hơi thấp.

Đối với sâu bệnh hại: Bệnh thán thư, bọ xít muỗi, xén tóc nâu là 3 loại sâu bệnh hại quan trọng nhất trên cây điều, qua điều tra cho thấy vẫn xuất hiện nhiều ở 3 xã Quang Trung, Xuân Thạnh và Thống Nhất.

Hình 1-2. Vườn điều già cỗi và trồng bằng giống điều địa phương cho năng suất thấp
  1. Xây dựng các mô hình trình diễn

2.1. Mô hình quản lý bọ xít muỗi giai đoạn ra hoa đậu trái trên vườn điều

Địa điểm thực hiện: Vườn điều 12 năm tuổi hộ ông Lê Văn Tánh, ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất.

Diện tích tham gia mô hình: 1,0ha.

Thời gian thực hiện: tháng 12/2013 – 05/2016

Sau 30 tháng thực hiên, đã ghi nhận bọ xít muỗi (Helopeltis antoni) thường gây hại nặng vào giai đoạn từ trước trổ hoa đến giai đoạn đậu trái. Giai đoạn này cành lá phát triển mạnh, cây điều ra hoa và đậu trái non, đây là những thức ăn chính của bọ xít muỗi. Các biện pháp phòng trừ đã được áp dụng để giảm mật số bọ xít muỗi ở giai đoạn trước ra hoa đối với lô mô hình nên cành lá, chùm hoa và trái non được bảo vệ. Ở lô tác động tỷ lệ hạt bọ xít muỗi gây hại trung bình 2 vụ chỉ có 3,29% có ý nghĩa so với lô đối chứng 12,36%, giảm 73,37% so với đối chứng. Sở dĩ trong lô tác động có được kết quả này là do trong lô tác động đã áp dụng biện pháp quản lý bọ xít muỗi đúng lúc, kịp thời giúp cho vườn cây ít bị bọ xít muỗi gây hại, cây sinh trưởng tốt.

Hình 3-4. Hướng dẫn kỹ thuật cho nhà vườn ở mô hình quản lý bọ xít muỗi hộ ông Lê Văn Tánh

Biện pháp quản lý bọ xít muỗi được áp dụng trong lô mô hình đã giúp các cây ra chồi non, chùm hoa, hạt bị bọ xít muỗi gây hại ít hơn so với lô đối chứng. Nhờ đó các cây trồng lô tác động có khả năng đậu trái cao (trung bình 2 vụ từ 5,52 hạt/chùm) cao hơn có ý nghĩa so với lô đối chứng (trung bình 2 vụ từ 3,56 hạt/chùm). Trọng lượng 100 hạt khác biệt không có ý nghĩa giữa lô tác động kỹ thuật và lô đối chứng. Năng suất ở lô tác động kỹ thuật 1,64 tấn/ha cao hơn lô đối chứng 1,36 tấn/ha tương đương với mức tăng năng suất 20,59% so với đối chứng.

Với giá bán trung bình 2 vụ là 30.000 đồng/kg hạt tươi. Ở lô tác động kỹ thuật áp dụng biện pháp quản lý bọ xít muỗi đã làm tăng chi phí đầu tư do đầu từ thêm công lao động, thuốc BVTV so với lô đối chứng nhưng nhờ năng suất tăng nên lô tác động kỹ thuật đạt thu nhập cao (49,2 triệu đồng/ha) so với đối chứng là 40,8 triệu đồng/ha. Lợi nhuận ở lô tác động kỹ thuật (25.107.000 đồng/ha) cao hơn so với lô đối chứng (gần 18.432.000 đồng/ha). Tỷ suất lợi nhuận ở lô tác động kỹ thuật (1,04 lần) cũng cao hơn so với lô đối chứng (0,82 lần).

Như vậy đối với vườn điều giống địa phương 12 năm tuổi, khi áp dụng biện pháp quản lý bọ xít muỗi đã làm tăng lợi nhuận lên 36,21 % so với lô đối chứng.

2.2. Mô hình quản lý bệnh thán thư ở giai đoạn ra hoa đậu trái trên vườn điều

Địa điểm thực hiện: Vườn điều 10 năm tuổi hộ ông Nguyễn Văn Ngũ ấp Lê Lợi I, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất.

Diện tích tham gia mô hình: 1,0ha.

Thời gian thực hiện: tháng 12/2013 – 05/2016

Sau 30 tháng thực hiên, qua theo dõi, ghi nhận tỷ lệ chùm hoa, hạt non bị bệnh thán thư ở lô tác động kỹ thuật thấp hơn ở lô đối chứng có ý nghĩa thống kê.

Hình 3. Hướng dẫn kỹ thuật cho nhà vườn ở mô hình quản lý bệnh thán thư hộ ông Nguyễn Văn Ngũ

Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây hại. Bệnh thường phát triển mạnh ở giai đoạn từ ra hoa đến đậu trái. Đặc biệt là giai đoạn đầu khi hình thành trái. Lúc này vỏ trái mềm, non, đang phát triển, nhiều dinh dưỡng rất thích hợp cho nấm Colletotrichum gloeosporioides xâm nhập và gây bệnh (Phạm Văn Biên, 2002). Với các biện pháp tác động quản lý bệnh thán thư đã làm cho tỷ lệ hạt bị bệnh thán thư ở 2 vụ (3,22%) giảm đáng kể so với đối chứng (8,38%) giảm 61,58% so với đối chứng.

Quản lý bệnh thán thư ở giai đoạn ra hoa đậu trái trên vườn điều là yếu tố quan trọng và quyết định đến năng suất. Ở lô tác động kỹ thuật đã áp dụng quản lý bệnh thán thư và kết quả là bệnh thán thư được kiểm soát tốt. Từ đó giúp cho cây có khả năng ra hoa, đậu trái tốt. Số hạt/chùm ở lô tác động kỹ thuật đạt 5,76 hạt/chùm cao hơn lô đối chứng 3,22 hạt/chùm có ý nghĩa thống kê. Trọng lượng 100 hạt ở lô tác động kỹ thuật và lô đối chứng khác biệt không có ý nghĩa nhưng năng suất ở lô tác động kỹ thuật đạt 2,65 tấn/ha cao hơn khác biệt có ý nghĩa so với lô đối chứng (1,99 tấn/ha).

Lợi nhuận thu được từ việc đầu tư ở lô tác động kỹ thuật (48.133.000 đồng/ha/năm) cao hơn so với lô đối chứng (31.848.000 đồng/ha/vụ), tăng  51,13%.

2.3. Mô hình xử lý ra hoa tập trung trên vườn điều giai đoạn kinh doanh

Địa điểm thực hiện: Vườn điều (12 năm tuổi) của ông Nguyễn Mạnh Đàm ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Diện tích tham gia mô hình: 1,0ha.

Thời gian thực hiện: tháng 12/2013 – 05/2016

Sau 30 tháng thực hiện mô hình, các biện pháp tác động trên vườn điều đã cho hiệu quả. Các biện pháp tác động như bón phân hợp lý‎‎, cân đối kết hợp với tỉa cành đã giúp cho cây điều trong lô tác động kỹ thuật sinh trưởng, phát triển tốt so với đối chứng

Ở lô tác động kỹ thuật và lô đối chứng đã áp dụng tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại nên tỷ lệ gây hại ở mức thấp và khác biệt không có ‎ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên tình hình sinh trưởng ở lô tác động kỹ thuật tốt hơn và ít sâu bệnh hại hơn. Các đối tượng dịch hại quan trọng trên cây điều được ghi nhận bao gồm bọ xít muỗi, sâu đục chồi và bệnh thán thư hạt.

Trên lô tác động kỹ thuật, với các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng đã làm cho cây điều rụng lá sớm và đồng loạt (98%) trong khi ở lô đối chứng ra hoa không tập trung và tỷ lệ ra hoa đạt 65%. Do đó vườn điều trong lô tác động kỹ thuật đã ra hoa đồng loạt vụ năm 2015, vụ năm 2016 lần lượt sớm hơn 8 ngày, 12 ngày so với đối chứng để ra hoa tự nhiên. Khi xử lý ra hoa mà gặp mưa hoặc sương mù thì sử dụng thuốc Antracol hoặc Amistar phun từ 1-2 lần để phòng trừ bệnh thán thư.

Năng suất ở lô tác động kỹ thuật trung bình 2 vụ 1,80 tấn/ha cao hơn có ý nghĩa so với lô đối chứng 1,29 tấn/ha. Như vậy việc bón phân cân đối, hợp lý và xử lý ra hoa tập trung liên tục trong 2 năm đã làm tăng năng suất điều 39,53 % so với kỹ thuật canh tác của nhà vườn.

Lợi nhuận thu được từ lô tác động kỹ thuật là 35.518.000 đồng/ha cao hơn so với lô đối chứng (20.070.000 đồng/ha), tăng 62,02% và tỷ suất lợi nhuận ở lô tác động kỹ thuật (1,51 lần) cao hơn so với lô đối chứng (1,08 lần).

Qua phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy xử lý ra hoa đồng loạt áp dụng trong lô tác động kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các biện pháp của nhà vườn. Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ dân trên địa bàn đã tích cực học tập và áp dụng vào vườn điều của nhà mình. Theo đánh giá của chủ hộ tham gia mô hình và các hộ dân trồng điều áp dụng kỹ thuận thì biện pháp áp dụng phát huy hiệu quả làm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế so với cách chăm sóc cũ của nhà vườn.

2.4. Mô hình cải tạo vườn điều già cỗi bằng giống điều cao sản năng suất cao

Mô Hình 1. cưa toàn bộ cây điều già cỗi để trồng giống điều mới

– Địa điểm thực hiện: Vườn điều được cưa toàn bộ cây điều già cỗi (20 năm tuổi) để trồng giống điều PN1 của ông Hoàng Văn Vĩnh ở ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

– Qui mô thực hiện: 1,0 ha

– Thời gian thực hiện: 06/2014 – 5/2016

Mô Hình 2. cưa 1/2 diện tích cây điều già cỗi để trồng giống điều mới

– Địa điểm thực hiện: Vườn điều được cưa ½ cây điều già cỗi (15 năm tuổi) để trồng giống điều PN1 của ông Trần Quốc Thông (ấp Lê Lợi I, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

– Qui mô thực hiện: 1,0 ha

– Thời gian thực hiện: 12/2013 – 5/2016

* Đối với phần diện tích điều trồng mới

– Tỷ lệ cây chết ở vườn sản xuất đại trà từ 4,12 – 5,72%, trong khi ở vườn mô hình được chăm sóc tốt sau trồng và tưới nước đầy đủ nên không có cây chết. Đồng thời tạo cho cây có sức khỏe tốt giúp cây phát triển nhanh.

– Chiều cao cây sau 22 tháng trồng ở cả vườn sản xuất đại trà và vườn mô hình đều cao hơn 2m. Tuy nhiên chiều cao cây ở vườn mô hình đạt từ 2,42 – 2,60m, cao hơn có ý nghĩa so với vườn đối chứng (2,05 – 2,25m).

– Số cành cấp 1 khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa vườn mô hình và vườn sản xuất đại trà. Tuy nhiên, ở vườn mô hình thường xuyên tỉa cành tạo tán nên cây điều có bộ khung cân đối, phát triển đều hơn ở vườn đối chứng.

– Đường kính thân và đường kính tán luôn phát triển tỷ lệ thuận với chiều cao cây. Đường kính tán sau 22 tháng trồng đều đạt hơn 2m ở cả vườn mô hình và vườn đối chứng. Tuy nhiên đường kính thân và đường kính tán ở vườn mô hình cao hơn có ý nghĩa so với vườn sản xuất đại trà.

Cây điều trong lô tác động được áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp đã hạn chế nhiều sâu bệnh gây hại. Có 3 loại sâu bệnh hại quan trọng ở cả vườn mô hình và vườn sản xuất đại trà gồm bọ xít muỗi, sâu đục chồi và bệnh thán thư. Tỷ lệ gây hại trong vườn mô hình ở 2 điểm mô hình đều thấp khác biệt có ý nghĩa so với lô đối chứng, tỷ lệ sâu bệnh hại giảm từ 38,45-46,11% so với đối chứng.

– Vụ năm 2016 (sau trồng 24 tháng) đã thu được 90kg/ha

* Đối với phần diện tích điều cũ: Sau 30 tháng thực hiện dự án, tình hình cây điều sinh trưởng, phát triển ở lô tác động tốt hơn so với lô mô hình

Qua theo dõi, ghi nhận ba loại sâu bệnh hại chính trên vườn điều gồm bọ xít muỗi, sâu đục chồi và bệnh thán thư. Tỷ lệ hại ở lô tác động kỹ thuật thấp hơn ở lô đối chứng có ý nghĩa thống kê ở cả 3 đối tượng gây hại và ở các điểm thực hiện mô hình. Tỷ lệ sâu bệnh hại trung bình 2 vụ giảm từ 29,45-38,75% so với đối chứng.

Năng suất ở lô tác động kỹ thuật trung bình 2 vụ 1,67 tấn/ha cao hơn có ý nghĩa so với lô đối chứng 1,17 tấn/ha. Biện pháp thâm canh tổng hợp trên vườn điều đã phát huy hiệu quả, năng suất tăng 31,50 % so với lô đối chứng của nông dân.

Áp dụng các biện pháp cải tạo vườn điều già cỗi làm cho lợi nhuận thu được từ lô tác động kỹ thuật trung bình 2 vụ là 28.078.000 đồng/ha cao hơn so với lô đối chứng (19.930.000 đồng/ha), tăng 40,88% và tỷ suất lợi nhuận ở lô tác động kỹ thuật (1,27 lần) cao hơn so với lô đối chứng (1,10 lần).

2.5 Mô hình thâm canh tổng hợp vườn điều giai đoạn kinh doanh

– Địa điểm thực hiện: Vườn điều (8 năm tuổi) của bà Phan Thị Ngọc Phương ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

– Qui mô thực hiện: 1,0 ha

– Thời gian thực hiện: 12/2013 – 5/2016

Sau 30 tháng thực hiện, tỷ lệ gây hại của sâu bệnh chính trên cây điều ở lô tác động kỹ thuật thấp hơn lô đối chứng có ý nghĩa qua thống kê.

Qua theo dõi, ghi nhận ba loại sâu bệnh hại chính trên vườn điều gồm bọ xít muỗi, sâu đục chồi và bệnh thán thư. Tỷ lệ hại ở lô tác động kỹ thuật thấp hơn ở lô đối chứng có ý nghĩa thống kê ở cả 3 đối tượng gây hại. Tỷ lệ sâu bệnh hại trung bình 2 vụ ở lô tác động giảm từ 34,17-43,22% so với đối chứng.

Năng suất ở lô tác động kỹ thuật (2,35 tấn/ha) cao hơn có ý nghĩa so với lô đối chứng (1,86 tấn/ha/năm), tăng 26,34% so với đối chứng. Lợi nhuận thu được từ lô tác động kỹ thuật là 47.590.000 đồng/ha/năm cao hơn so với lô đối chứng 37.050.000 đồng/ha/năm, tăng 28,45% so với đối chứng. Qua phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy tỷ suất lợi nhuận ở lô tác động kỹ thuật (2,08 lần) cao hơn so với đối chứng (1,98 lần).

Tóm lại việc áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật trên vườn điều kinh doanh sẵn có đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà vườn. Trong quá trình thực hiện các điểm mô hình thì các hộ dân trồng điều trên địa bàn và khu vực lân cận đã tích cực đến tham quan, học tập và được chủ vườn chia sẻ những kỹ thuận áp dụng. Sau đó các hộ cũng đã áp dụng trên vườn điều của nhà mình và cho đến này cho hiệu quả tốt, năng suất cao hơn so với cách chăm sóc truyền thống.

  1. Chuyển giao công nghệ

3.1. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật

Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thống Nhất, UBND xã Xuân Thạnh, Hưng Lộc và Quang Trung đã tổ chức 6 lớp tập huấn trong tháng 6/2014 với 240 lượt nhà vườn trên địa bàn 3 xã Xuân Thạnh, Hưng Lộc và Quang Trung. Trong đó mỗi xã tổ chức 2 lớp tập huấn.

Kết quả đạt được: Sau buổi tập huấn, qua phiếu khảo sát cho thấy 100% nhà vườn hài lòng về nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Cả 240 lượt nhà vườn tham gia lớp tập huấn đều hiểu được quy trình trồng, thâm canh cây điều và biện pháp quản lý sâu bệnh hại chính giai đoạn ra hoa đậu trái trên cây điều và có thể áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất điều tại địa phương.

3.2. Hội thảo đầu bờ

Sau 25 tháng thực hiện mô hình trình diễn, tháng 12/2015 Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì dự án, cơ quan phối hợp thực hiện, UBND và Hội Nông dân các xã Quang Trung, xã Hưng Lộc, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức 4 lớp hội thảo đầu bờ với 160 lượt nhà vườn và cán bộ địa phương của huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai nhằm báo cáo tình hình thực hiện mô hình, giới thiệu các biện pháp kỹ thuật áp dụng và xem vườn mô hình, nhà vườn và cán bộ địa phương cùng thảo luận về các biện pháp kỹ thuật áp dụng trong vườn mô hình như kỹ thuật trồng, tỉa cành tạo tán, bón phân, xử lý ra hoa, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây điều tại lô tác động kỹ thuật và so sánh với đối chứng trong các mô hình được thực hiện trong dự án. Nhà vườn tham dự đặt các câu hỏi thảo luận; chủ vườn cùng cán bộ kỹ thuật phân tích và giải đáp từng câu hỏi. Thông qua các buổi hội thảo đầu bờ đã giúp cho nhà vườn và cán bộ địa phương tăng cường hiểu biết và kỹ năng trồng và chăm sóc cây điều cũng như một số khâu quan trọng trong biện pháp tăng năng suất điều.

Về Trần Thiếu Nga

Check Also

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là …