Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Trúc Quyên
Đồng chủ nhiệm: TS. Đinh Thế Nhân
ThS. Trương Phước Hương
và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai
Mục tiêu của đề tài:
Thiết lập cơ sở lý luận vững chắc để tiến hành chuyển đổi thành công diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước lợ hiện nuôi không hiệu quả sang nuôi cá chẽm tại hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Kết quả nghiên cứu:
1 Hiện trạng NTTS nước lợ tại Long Thành, Nhơn Trạch
– Trình độ của những hộ dân NTTS chưa cao, chủ yếu là trình độ cấp 1 và cấp 2 (chiếm tỷ lệ tương ứng là 39,1% và 41,1%); trình độ mù chữ chiếm tỷ lệ khá cao (11,7%), còn trình độ cấp 3 chỉ chiếm 8% trong tổng số hộ điều tra.
– Nhóm tuổi là lực lượng lao động chính trong nghề NTTS là từ 30-40, chiếm tỷ lệ cao nhất (58%)
– Tỷ lệ hộ có kinh nghiệm từ 10-15 năm chiếm 26,6% và trên 15 năm tham gia NTTS chiếm 26,3%.
– Có đến 80% số hộ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nhưng khi áp dụng vào thực tế (như việc sử dụng thuốc) thì nhiều hộ dựa vào kinh nghiệm bản thân (chiếm 31%) hoặc qua nhiều cách để nắm được phương pháp NTTS mà không đến tham gia các lớp học.
– Có 60% số hộ nuôi thâm canh, 14,9% số hộ nuôi bán thâm canh, 20% số hộ nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến và 5,1% số hộ nuôi với hình thức quảng canh.
– Diện tích ao nuôi của các hộ NTTS đa số tập trung chủ yếu dưới 10.000 m2 (162 hộ, chiếm 46,3%).
– Có sự chênh lệch khá lớn về quy mô diện tích mặt ao NTTS giữa các hộ, có hộ quy mô lên đến 400.000 m2 trong khi có hộ quy mô chỉ 1.500 m2, hộ quy mô lớn nhất hơn 250 lần hộ quy mô nhỏ trên địa bàn khảo sát.
– Các loại thủy sản được nuôi chính bao gồm tôm thẻ, tôm sú, cá trê, tôm càng xanh và cá chẽm (56,3% số hộ nuôi tôm thẻ, 40,6% số hộ nuôi tôm sú).
– Có đến 84% các hộ không có ao xử lý nước thải, số hộ có ao xử lý chiếm tỷ lệ rất thấp tương đương 16%.
– Có 96,86% số hộ có ao chứa xử lý nước cung cấp vào ao nuôi nhưng chỉ có 16% số hộ có ao xử lý nước thải.
– Có 54,6% số hộ được khảo sát trả lời là không đánh giá được chất lượng giống thủy sản.
– Thời điểm xuất hiện bệnh chủ yếu vào giữa vụ (272 hộ, chiếm tỷ lệ 77,8%).
– Có 45% số hộ sử dụng điện lưới (chủ yếu tập trung vào những hộ có hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh).
– Hầu hết các hộ nuôi đều bán thủy sản tại ao nuôi (94%) và bán cho thương lái là chủ yếu (97%).
– Có 176 hộ (50,3%) lời ít hơn các vụ trước (tức là thu nhập từ vụ nuôi sau không cao hơn vụ nuôi trước), 161 hộ (46%) lời như các vụ trước (tức là thu nhập giữ nguyên), chỉ có 3,7% số hộ có lời hơn so với các vụ trước (tức là thu nhập từ vụ nuôi sau cao hơn vụ nuôi trước).
– Có 81% số hộ vẫn muốn tiếp tục NTTS, 19% số hộ không muốn tiếp tục.
Có thể thấy, việc NTTS của các hộ nơi đây chưa thật sự hiệu quả do còn nhiều bất cập nhưng NTTS dường như là phương thức để tạo ra thu nhập chủ lực cho người dân nơi đây, dù sản xuất không hiệu quả nhưng họ không có hoặc chưa thấy được phương án sản xuất nào khác khả thi hơn.
– Chi phí đầu tư ban đầu bình quân 181,51 triệu đồng/hộ, cao nhất lên đến 3.500 triệu đồng/hộ và thấp nhất là 0 (vì những hộ này nuôi theo hình thức quảng canh, tận dụng ao nuôi có sẵn, không có chi phí đầu tư gì đáng kể).
– Ở vụ 1 (2016), có 350 hộ nuôi, trong đó 70% hộ nuôi có lời, với trung bình lợi nhuận là 158,11 triệu đồng/hộ/vụ và độ lệch chuẩn là 188,27 triệu đồng/hộ/vụ; 30% hộ nuôi bị lỗ, với trung bình lợi nhuận âm 61,43 triệu đồng/hộ/vụ và độ lệch chuẩn là 107,93 triệu đồng/hộ/vụ. Tương tự, ở vụ 2 (2016), chỉ có 11 hộ nuôi, trong đó 36% hộ nuôi có lời, với trung bình lợi nhuận là 67,55 triệu đồng/hộ/vụ và độ lệch chuẩn là 78,69 triệu đồng/hộ/vụ; 64% hộ nuôi bị lỗ, với trung bình lợi nhuận âm 105,58 triệu đồng/hộ/vụ và độ lệch chuẩn là 183,22 triệu đồng/hộ/vụ.
– Trong năm 2016, có 244 hộ nuôi có lợi nhuận dương (tức có lời) chiếm tỷ lệ gần 70% tổng số hộ điều tra; có 106 hộ nuôi thủy sản có lợi nhuận âm (tức bị lỗ) tương ứng với tỷ lệ 30%, không có hộ NTTS nào huề vốn.
– Phân theo đối tượng nuôi thì lợi nhuận bình quân cao nhất thuộc về những hộ nuôi cá chẽm (188,43 triệu đồng/hộ/vụ), tiếp theo là hộ nuôi tôm càng xanh (83,33 triệu đồng/hộ/vụ), và thấp nhất thuộc về tôm sú (23,05 triệu đồng/hộ/vụ).
– Kiểm định thống kê khác nhằm so sánh kết quả và hiệu quả kinh tế NTTS theo đối tượng nuôi cho thấy, với độ tin cậy 95%, lợi nhuận bình quân hộ nuôi cá chẽm là cao nhất, cao hơn hộ nuôi tôm thẻ chân trắng 132,54 triệu đồng/hộ và cao hơn hộ nuôi tôm sú 32,85 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên nếu xét về chỉ tiêu hiệu quả kinh tế thì sự khác biệt của chỉ tiêu này không có ý nghĩa về mặt thống kê.
2 Kết quả mô hình nghiên cứu nuôi thương phẩm cá chẽm ở các mật độ khác nhau
– Môi trường thí nghiệm: trong suốt quá trình thí nghiệm, các yếu tố môi trường hoàn toàn phù hợp với sự sinh trưởng bình thường của cá chẽm.
– Tăng trưởng về khối lượng của cá thí nghiệm: sự khác biệt không có ý nghĩa về mặt thống kê (P>0,05) ở cả 3 nghiệm thức từ ngày nuôi đầu tiên đến ngày nuôi thứ 150. Đến ngày thứ 180, khối lượng trung bình thay đổi đáng kể, KLTB của cá ở mật độ 1 con/m2 là lớn nhất (542,22 g/con) cao hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05) so với cá ở mật độ 5 con/m2 (427,92 g/ con), tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa về mặt thống kê so với cá ở mật độ 3 con/m2 (433,9 g/con). KLTB của cá ở NT 1 ở ngày 210 và 240 lần lượt là 692,22 g/con và 920 g/con, và cao hơn có ý nghĩa thống kê so với các trong các nghiệm thức còn lại (P>0,05). Trong thí nghiệm này, KLTB sau 8 tháng nuôi của cá trong các nghiệm thức NT 1, NT 2 và NT 3 lần lượt là 920 g/con, 829 g/con và 790 g/con, cao hơn trong nghiên cứu của Vũ Anh Tuấn và ctv (2015) cho thấy rằng cá chẽm được nuôi ở miền Nam Việt Nam, với mật độ là 2,2 con/m2 sau 9,5 tháng nuôi đã đạt khối lượng trung bình là 780 g/con.
– Tốc độ tăng trưởng chiều dài của cá chẽm: sau 30 ngày nuôi, cá ở NT 3 con/m2 có chiều dài trung bình (167,57 mm/con) lớn nhất và nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với chiều dài trung bình (CDTB) của cá ở NT 1 con/m2 và NT 5 con/m2 (P< 0,05). Tuy nhiên, từ ngày thứ 60 đến cuối thí nghiệm, cá ở NT 1 con/m2 có chiều dài trung bình lớn nhất và có ý nghĩa thống kê so với cá ở NT 5 con/m2 (P<0,05). Từ ngày 150 đến 240, chiều dài trung bình của cá ở NT 1 con/m2 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với cá ở NT 3 con/m2 (P<0,05). Trong suốt thí nghiệm, chiều dài trung bình của cá ở NT 3 con/m2 luôn cao hơn cá ở NT 5 con/m2. Tuy nhiên ở giai đoạn cuối thí nghiệm thì sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Nguyên nhân của sự khác biệt rõ về tăng trưởng chiều dài từ ngày 150 khi giữa NT 1 con/m2 so với NT 3 con/m2 và NT 5 con/m2 có thể là vì lúc này cá lớn nên có sự cạnh tranh về không gian sống nên nuôi ở mật độ càng cao thì càng chậm phát triển.
– Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối và tương đối về khối lượng của cá chẽm
Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P>0,05) ở cả 3 nghiệm thức về tăng trưởng tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trong suốt quá trình thí nghiệm. Tốc độ tăng trưởng khối lượng theo ngày ở cả 3 nghiệm thức là tương đối giống nhau theo quy luật tăng trọng, tăng trưởng chậm trong giai đoạn đầu và tăng nhanh ở giai đoạn sau đến khi đạt mức tối đa. Cụ thể ngày thứ 30, ở NT 1 có tăng trưởng tuyệt đối là 1,11 g/ngày, NT 2 là 1,11 g/ngày và NT 3 là 1,00 g/ngày và tăng dần cho đến cuối cụ thí nghiệm. Đến ngày 240, tăng trưởng tuyệt đối ở NT 1 là 7,57 g/ngày, NT 2 là 7,33 g/ngày và NT 3 là 7,27 g/ngày. Lý Văn Khánh và ctv (2010) thì khi nuôi ở mật độ 5 con/m2 có tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng là 3,5 g/ngày. Như vậy, tăng trưởng tuyệt đối của cá chẽm của thí nghiệm là hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước đó.
So sánh giữa tăng trưởng tuyệt đối (g/ngày) và tăng trưởng tương đối (%/ngày) về khối lượng cá chẽm có thể thấy rằng: Tuy ở ngày nuôi thứ 30 và 60 lại có tăng trưởng tuyệt đối thấp hơn các tháng còn lại nhưng lại có tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhất. Cụ thể, ở ngày nuôi thứ 30 và 60, ở NT 1 là 3,15- 3,22%/ngày, NT 2 là 3,33 – 2,88%/ngày và NT 3 là 0,89 – 2,95%/ngày. Càng về sau thì tăng trưởng tương đối giảm nhưng tăng trưởng tuyệt đối lại tăng. Nguyên nhân có thể do quy luật phát triển là cá càng lớn thì tốc độ tăng trưởng tương đối càng giảm. Qua ngày thứ 240, ở NT 1 có tốc độ tăng trưởng tương đối là 0,93%/ngày, NT 2 là 1,03%/ngày và NT 3 là 1,07%/ngày.
– Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối và tương đối về chiều dài của cá chẽm
Có sự khác biệt thống kê (P< 0,05) về tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài giữa các nghiệm thức ở các ngày 30, 60 và 150. Từ ngày thứ 180 đến ngày thứ 240 thì không nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P> 0,05) ở cả 3 nghiệm thức. NT 1 là 0,5 mm/ngày, NT 2 là 0,5 mm/ngày và NT 3 cũng là 0,5 mm/ngày. Kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài giảm dần khi cá càng lớn.
Tăng trưởng tương đối về chiều dài giảm dần cho đến cuối khi cá càng lớn. Cụ thể, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,05) ở ngày thứ 30 giữa NT 1 là 1,71%/ngày và NT 3 là 1,68%/ngày so với NT 2 là 2%/ngày. Qua ngày thứ 60 cũng nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,05) ở NT 1 là 1,14%/ngày so với NT 2 là 0,79%/ngày và NT 3 là 1,03%/ngày. Nhưng qua ngày thứ 90 và 120 thì sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P> 0,05) ở cả 3 nghiệm thức. Ở ngày thứ 150 có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P< 0,05) ở NT 1 là 0,45%/ngày so với NT 2 là 1,13%/ngày và NT 3 là 0,89%/ngày. Từ ngày nuôi thứ 180 đến ngày thứ 240 thì không nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P> 0,05) ở cả 3 nghiệm thức.
– Tỷ lệ sống của cá các NT 1, NT 2 và NT 3 lần lượt là 96%, 92% và 88%, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Tỷ lệ sống của cá trong nghiên cứu này cao hơn tỷ lệ sống của cá ở các nghiên cứu khác.
– Hệ số chuyển đổi thức ăn : cá ở NT 1 có hệ số thức ăn là 1,51 thấp hơn so với NT 2 (1,55) và NT 3 (1,57), tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (P>0.05). Kết quả này phù hợp với kết quả của các nghiên cứu khác trên cá chẽm.
3 Đánh giá hiệu quả kinh tế – kỹ thuật nuôi cá chẽm nước lợ tại các hộ đối chứng và mô hình
Đối với nhóm 10 hộ đối chứng, nếu tính diện tích nuôi theo chuẩn 5.000 m2, mật độ nuôi chủ yếu là 3 con/ m2 thì mỗi hộ nuôi cá chẽm sẽ chi tổng chi phí là 862,93 triệu đồng cho mỗi vụ nuôi, trong đó chi phí nhiều nhất là thức ăn 600,16 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 70% tổng chi phí). Với giá bán cá chẽm bình quân là 68,9 nghìn đồng/kg và sản lượng bình quân 15.017 kg thì doanh thu đạt được là 1.034 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận bình quân là 171,78 triệu đồng/hộ/vụ nuôi. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí là 0,19 lần. Như vậy, tất cả các hộ nuôi cá chẽm trong nhóm đối chứng đều có lời.
Đối với mô hình nuôi cá chẽm ở 3 mật độ khác nhau của nghiên cứu này thì thấy rằng, chi phí tỉ lệ thuận với mật độ nuôi, khi nuôi ở mật độ nuôi càng cao thì chi phí bỏ ra cũng càng lớn. Chi phí thức ăn ở NT 3 con/m2 và 5 con/m2 gấp lần lượt là 2,7 và 4,1 lần so với NT 1 con/m2. Chi phí thuốc, men và hóa chất lần lượt gấp 1,23 và 1,35 lần giữa NT 3 con/m2 và NT 5 con/m2 so với NT 1 con/m2. Tương tự chi phí giống, điện và các chi phí khác gấp 2 và 3 lần giữa các nghiệm thức 3 con/m2 và 5 con/m2 so với NT 1 con/m2. Chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ cao nhất trong giá thành sản xuất (chiếm 69%, tương tự với 10 hộ đối chứng), tiếp đến là chi phí con giống (chiếm 13%) và chi phí thuốc men, hóa chất (chiếm 10%) trong giá thành sản xuất. Doanh thu tăng theo mật độ nuôi, dao động từ 111.283 – 437.914 nghìn đồng. Cũng như doanh thu, lợi nhuận cũng có khuynh hướng tăng theo mật độ nuôi là 63.351 nghìn đồng ở NT 1 con/m2 và NT 3 con/m2 là 236.272 nghìn đồng và NT 5 con/m2 là 349.969 nghìn đồng. Tỷ suất lợi nhuận lại cao nhất ở NT 3 con/m2 là 17,3%, sau đó đến NT 5 con/m2 là 16,8% và NT 1 con/m2 là 11,42%. Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy ở NT 3 con/m2 cho tỷ suất lợi nhuận cao nhất, trong khi đó ở NT 5 con/m2 lại cho lợi nhuận cao nhất nhưng lại có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với NT 3 con/m2 (ở NT 5 con/m2 có tổng chi phí đầu tư tăng 66% so với NT 3 con/m2).
Lợi nhuận nuôi cá chẽm của các hộ NTTS sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động giá cả thị trường đầu ra. Do đó, nghiên cứu thực hiện phương pháp phân tích độ nhạy bằng cách cho giá bán thay đổi từ 50 nghìn đồng/kg đến 90 nghìn đồng/kg (với giả định các yếu tố khác không thay đổi), từ đó thấy được giá bán nằm ở mức nào thì hộ nuôi hòa vốn, lời hay lỗ.
4 Đánh giá chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản không hiệu quả sang nuôi cá chẽm tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch
Trên cơ sở kết quả phỏng vấn PRA 36 cán bộ và nông dân tại địa phương, báo cáo này chỉ ra các điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới như sau:
a. Điểm mạnh
Về điều kiện tự nhiên: đất đai là yếu tố được đánh giá cao với tỷ lệ 42% hoàn toàn đồng ý và 30% đồng ý. Kế tiếp là yếu tố khí hậu với tỷ lệ là 33% hoàn toàn đồng ý.
Nâng cao thu nhập cho hộ nuôi cá chẽm là yếu tố mà người nuôi rất quan tâm với 64% người được phỏng vấn là đồng ý. Yếu tố này cho thấy, nuôi cá chẽm có thể tăng thu nhập cho nông hộ so với các vật nuôi khác.
Cơ sở hạ tầng trong vùng nuôi được xem là một lợi thế trong vùng, tại vùng nuôi phần cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi.
Lao động nhà cũng là một thuận lợi của hộ cá chẽm. Với tỷ lệ 75% người được phỏng vấn là đồng ý thì lao động trong nghề là không đáng lo ngại.
b. Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi thì những khó khăn đã cản trở sự phát triển của ngành nuôi cá chẽm trong tỉnh, các yếu tố khó khăn như: Giá vật tư đầu vào cao; khó thu hút lao động; kiến thức nuôi cá chẽm còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm; chưa có liên kết trong sản xuất; người nuôi thiếu vốn đầu tư; giá bán cá chẽm không ổn định…là những yếu tố làm cho nông hộ e ngại mở rộng quy mô hay gắn bò lâu dài với nghề nuôi cá chẽm.
c. Cơ hội
Khi Việt Nam gia nhập các tổ chức thế giới thì Việt Nam có rất nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, lao động trong nước được nâng cao tay nghề hơn và trao đổi được những kinh nghiệm của các nước nhằm cải thiện sản lượng trong nuôi cá chẽm tại Việt Nam. Bên cạnh đó thì nhà nước cũng rất chú trọng trong phát triển nông nghiệp.
d. Thách thức
Nghề nuôi cá chẽm trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khu vực, nếu chúng ta không cải thiện chất lượng thì cá chẽm Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với các nước. Mặt khác, những tiêu chuẩn về ATTP ngày càng khắt khe, thu nhập người tiêu dùng Việt Nam còn thấp nên khó tiếp cận sản phẩm này.
e. Ma trận SWOT ngành nuôi cá chẽm
Phân tích SWOT ngành nuôi cá chẽm tại tỉnh Đồng Nai
Ma trận SWOT | Cơ hội (O)
O1: Nhà nước ngày càng chú trọng đến nông nghiệp O2: Lao động được nâng cao kiến thức. O3: Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm từ cá của người Việt Nam ngày càng tăng O4: Tiếp cận với công nghệ hiện đại O5: Vốn đầu tư ban đầu được hỗ trợ
|
Thách thức (T)
T1: Tiêu chuẩn ATTP đối với mặt hàng thực phẩm ngày càng khắc khe T2: Thu nhập của người tiêu dùng thấp so với giá cá được bán T3: Ngành nuôi cá chẽm phải cạnh tranh về diện tích với các ngành khác và cạnh tranh với các nước trong khu vực T4: Chưa có các tiêu chí đánh giá chất lượng cá chẽm |
Điểm mạnh (S)
S1: Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp. S2: Cơ sở hạ tầng đáp ứng được cho nuôi cá chẽm thương phẩm. S3: Nông hộ có kinh nghiệm S4:Chủ yếu sử dụng lao động nhà S5: Nguồn cung cấp thức ăn tự nhiên tại địa phương dồi dào. |
Giải pháp chiến lược SO:
(1)S1-2O1-2,5: Nhà nước nên xã hội hoá trong đầu tư nông nghiệp. (2)S3-5O3,4,6: Giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo thị trường tiêu thụ
|
Giải pháp chiến lược ST:
(3)S1-5T1-4: Ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng cá thương phẩm. |
Điểm yếu (W)
W1: Chất lượng lao động cung ứng cho nuôi cá chẽm còn thiếu. W2: Kiến thức nuôi cá chẽm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm W3: Thiếu liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến. W4: Chất lượng môi trường nuôi không ổn định W5: Nông hộ thiếu vốn đầu tư. W6: Chưa có quy hoạch vùng nuôi cá chẽm. |
Giải pháp chiến lược WO:
(4)W1-6O1-5: Dựa vào sự quan tâm của nhà nước để tăng diện tích nuôi cá chẽm. Hỗ trợ nâng cao ý thức hợp tác sản xuất của nông hộ để tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều. |
Giải pháp chiến lược WT:
(5)W1-6T1-4: Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, cũng như nguồn lao động tại chỗ nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi. |
.Như vậy, có thể thấy rằng, dù việc chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ sang nuôi cá chẽm tại Đồng Nai là một nhu cầu có thực, khả thi với rất nhiều điểm mạnh (từ nội tại lẫn bên ngoài) và cơ hội nhưng vẫn phải đối mặt với những điểm yếu và thách thức không nhỏ. Do đó, để có thể khắc phục các điểm yếu cũng như vuợt qua những thách thức thì cần xác định rõ số diện tích có thể chuyển đổi cũng như khả năng, điều kiện tham gia và một số điểm lưu ý khi nuôi cá chẽm của nông hộ.
5 Ước tính diện tích nuôi tôm không hiệu quả có thể chuyển sang nuôi cá chẽm
Nhóm nghiên cứu chọn 350 hộ để điều tra thực tế, số lượng mẫu này đại diện cho tổng thể những người nuôi trồng thủy sản tại hai huyện. Dựa trên những số thông tin thu thập được, tỷ lệ diện tích nuôi tôm không hiệu quả suy rộng cho cả hai huyện Long thành và Nhơn Trạch hiện được giả định dưới 19% tổng diện tích nuôi tôm. Do đó diện tích mặt nước lợ nuôi tôm không hiệu quả cần chuyển đổi là không vượt quá 352,64 ha.
6 Khả năng, điều kiện tham gia
Căn cứ trên diện tích của 350 hộ được khảo sát và dựa vào tiềm lực kinh tế, tinh thần trách nhiệm và uy tín của hộ thì tổng số hộ dự kiến có thể chuyển đổi là 122/350 hộ (tương ứng với 208/352,64 ha có thể chuyển đổi). Cụ thể như sau:
– Đối với nhóm hộ nuôi tôm nhưng chỉ đạt mức hiệu quả thấp (lợi nhuận nhỏ hơn 50 triệu đồng/năm) thì nên chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình nuôi cá chẽm. Số hộ dự kiến chuyển đổi là 81 hộ với diện tích chuyển đổi khoảng 176 ha. Vì nhóm hộ này đã có sự đầu tư ban đầu trong nuôi tôm nên việc chuyển sang mô hình nuôi cá chẽm là tương đối thuận tiện.
– Đối với nhóm hộ nuôi tôm thua lỗ thì việc chuyển đổi sẽ gặp khó khăn hơn. Qua thống kê cho thấy, khoảng 106 hộ nuôi tôm không đạt hiệu quả; trong đó các hộ trả lời không tiếp tục sản xuất có tới 43/106 hộ. Đây là các hộ có quy mô vốn nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm. Căn cứ vào kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản thì nên chuyển những hộ đã có kinh nghiệm nuôi trồng trên 5 năm và có quy mô vốn từ 200 triệu/1000m2 để chuyển đổi phù hợp và hạn chế rủi ro về sản xuất. Theo thống kê thì có 55 hộ trả lời sẽ chuyển đổi sang mô hình nuôi cá chẽm, với diện tích khoảng 70 ha. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào kinh nghiệm nuôi trên 5 năm kết hợp chi phí đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng thì số hộ có thể chuyển đổi là 41 hộ, với diện tích chuyển đổi là 32 ha.
Như vậy, diện tích còn lại (144,64/352,64 ha) nằm ở các hộ khác trong vùng (ngoài 350 hộ được khảo sát).