Chủ nhiệm nhiệm vụ: Th.S Nguyễn Thanh Thủy
Và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững
Mục tiêu chung:
Nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn và là cơ sở để nhân rộng mô hình ở thành phố Biên Hòa.
Mục tiêu cụ thể:
– Đề xuất giải pháp phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua điều tra khảo sát;
– 10.000 m2 sản xuất rau ăn lá trong nhà lưới được cấp giấy chứng nhận VietGAP, năng suất > 30% và hiệu quả kinh tế tăng > 20% so với sản xuất ngoài nhà lưới;
– Nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho cán bộ kỹ thuật và nhà vườn trên địa bàn thành phố Biên Hòa thông qua tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên, tham quan học tập, hội thảo đầu bờ.
- Điều tra hiện trạng sản xuất rau đối chiếu với các yêu cầu của VietGAP & phân tích mối nguy gây ô nhiễm vùng sản xuất ở Tp. Biên Hòa
Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp Tp. Biên Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tp. Biên Hòa phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo giá trị gia tăng cao.
Thực tế, nông dân Biên Hòa cũng đang chuyển đổi dần sang sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị. Tp. Biên Hòa đang lập các dự án xây dựng các vùng sản xuất rau truyền thống Tân Mai, Trảng Dài, Tân Phong, Hố Nai thành vùng chuyên canh rau an toàn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ năm 2016 của Cục Thống Kê tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hoà có 534,0 ha trồng rau, sản lượng đạt 12.562,0 tấn/năm. Vùng sản xuất rau của thành phố Biên Hoà tập trung ở 2 phường Trảng Dài và Tân Phong. Hiện ở phường Trảng Dài có khoảng 418,0 ha và phường Tân Phong có khoảng 52,0 ha trồng rau ăn lá các loại và rau gia vị. Trong đó, hiện có khoảng 30,0 ha sản xuất rau trong nhà lưới. Quy mô sản xuất khá nhỏ, cụ thể có 45% số hộ được điều tra có diện tích sản xuất rau <400m2, diện tích sản xuất từ 400 đến <1.000m2 có 20,0% số hộ và ≥ 1.000m2 có 35,0%.
Như vậy, việc sản xuất rau trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP ở phường Tân Phong và Trảng Dài là phù hợp với quy hoạch của địa phương và của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả điều tra khảo sát cho thấy một số vườn rau (7,5%) hiện đang toạ lạc lân cận với khu vực nghĩa trang, điều này là một trong những nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh sản phẩm rau.
Việc đánh giá hay phân tích và biện pháp hạn chế các mối nguy gây ảnh hưởng đến độ an toàn của sản phẩm rau chưa được nhà vườn quan tâm. Kết quả điều tra ghi nhận có 100,0% số hộ được điều tra chưa thực hiện việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa học và sinh học từ các hoạt động trước đó và từ các khu vực xung quanh. Các hộ cũng chưa có các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả các nguy cơ ô nhiễm
- Phân tích mối nguy gây ô nhiễm vùng sản xuất rau theo VietGAP ở Tp. Biên Hòa
Kết quả phân tích mẫu đất trồng ở vùng sản xuất rau ở thành phố Biên Hoà cho thấy: các chỉ tiêu hàm lượng arsen, chì, đồng, kẽm, crom và cadimi ở cả 4 mẫu đất đều dưới mức giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất nông nghiệp ở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03-MT:2015/BTNMT theo quy định của tiêu chuẩn VietGAP hiện hành (TCVN 11892-1-2017)
Kết quả phân tích các mẫu nước tưới trong vùng sản xuất rau cho thấy: Không có phát hiện hàm lượng của arsen, chì, thuỷ ngân và cadimi trong 04 mẫu nước tưới dùng để sản xuất rau ở thành phố Biên Hoà
Kết quả phân tích các mẫu rau trên vùng sản xuất ở thành phố Biên Hoà cho thấy: hàm lượng Chì và Cadimi trong 04 mẫu sản phẩm rau đều dưới giá trị giới hạn của một số kim loại nặng trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm kim loại nặng và vi sinh vật trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT và QCVN 8- 3:2011/BYT) theo quy định của tiêu chuẩn VietGAP hiện hành (TCVN 11892-1- 2017). Về chỉ tiêu dư lượng thuốc trừ sâu gốc cúc bao gồm các hoạt chất: Bifenthrin, Cyfluthrin, Cypermethrin, Deltamethrin, Fenvalerate, Permethrin và Phenothrin đều không có phát hiện trong các sản phẩm rau được phân tích
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát thực địa các mối nguy có thể gây ô nhiễm đất, nước cho vùng sản xuất rau theo VietGAP như các nhà máy, xí nghiệp, bãi rác tập trung, chất thải khu công nghiệp, bệnh viện, đường giao thông chính, chất thải khu chăn nuôi, nghĩa trang… Kết quả điều tra khảo sát cho thấy một số vườn rau hiện đang canh tác nằm sát với khu vực nghĩa trang (chiếm 7,5% số vườn điều tra), điều này là một trong những nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh sản phẩm rau. Những vườn này không đủ điều kiện sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Có 45% số hộ được điều tra có diện tích sản xuất rau < 400 m2, diện tích sản xuất từ 400 đến <1.000 m2 có 20,0% và ≥ 1.000 m2 có 35,0% số hộ. Theo nhóm nghiên cứu, diện tích vườn từ ≥ 100 m2 đã có thể làm nhà lưới để sản xuất rau, sau đó tùy theo sản lượng, khả năng cung ứng của nhà vườn để có phương án tiêu thụ. Tuy nhiên, việc có nên làm nhà lưới hay không tùy thuộc vào khả năng kinh tế của nhà vườn và nhu cầu của thị trường (nếu kênh tiêu thụ mà nhà vườn tiếp cận được có nhu cầu rau an toàn thì nhà vườn xem xét khả năng kinh tế, hạnh toán chi phí & lợi nhuận để đưa ra quyết định).
Các yêu cầu của sản xuất rau an toàn theo VietGAP vẫn là yêu cầu mới lạ đối với nông dân. Hầu hết sản xuất theo kinh nghiệm và tập quán canh tác cũ. Tỷ lệ % nông hộ tuân thủ các yêu cầu VietGAP là rất thấp, kể cả những yêu cầu bắt buộc (chỉ tiêu nhóm A). Để thay đổi tập quán sản xuất, phải thay đổi suy nghĩ, nhận thức của nhà vườn về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sản xuất rau an toàn, Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến khích và chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau an toàn để nhà vườn hiểu và áp dụng trong sản xuất.
- Mô hình sản xuất rau ăn lá trong nhà lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP
Xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10.000m2 (01 ha), có 5 hộ tham gia ở phường Trảng Dài. Vườn rau sinh trưởng phát triển tốt, năng suất các loại rau tăng trung bình 30,03%, hiệu quả kinh tế tăng trung bình 246,81% so với đối chứng sản xuất rau không sử dụng lưới.
Các thành viên trong Tổ hợp tác khi tham gia thực hiện mô hình đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Bền vững tập huấn các nội dung theo quy định của VietGAP:
– Xây dựng và áp dụng hệ thống thực hành Nông nghiệp tốt VietGAP;
– Quy trình kỹ thuật sản xuất rau ăn lá (mồng tơi, rau dền, cải ngọt, cải bẹ xanh và cải thìa);
– Sơ cấp cứu; An toàn lao động;
– Hiệu quả và an toàn trong việc sử dụng thuốc BVTV;
– Ghi chép nhật ký sản xuất;
– Xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng (nhà lưới, kho phân bón, thuốc BVTV, nhà vệ sinh, điểm xử lý thuốc BVTV).
Hình 1. Chọn địa điểm thực hiện mô hình |
- Chuyển giao công nghệ
Phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Nông nghiệp Bền vững đã phối hợp với UBND phường Trảng Dài, UBND phường Tân Phong tổ chức 2 lớp tập huấn với số lượng học viên là 40 lượt người/lớp.
Trong thời gian thực hiện dự án, cơ quan chuyển giao đã tổ chức 01 cuộc hội thảo gồm 60 người gồm các hộ nông dân tham gia mô hình, cán bộ và nhà vườn địa phương.
Hình 2. Tập huấn tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa |
- Biên soạn sổ tay “Quy trình sản xuất rau ăn lá theo tiêu chuẩn VietGAP ở thành phố Biên Hòa”
Đã biên soạn quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho 5 loại rau với nội dung ngắn gọn, cô đọng, rõ ràng, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa phù hợp với thực tế sản xuất.
- Tuyên truyền nhà vườn sản xuất rau thực hiện quy trình VietGAP
Tuyên truyền sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP: Đã thực hiện quay video quy trình kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai.
- Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Liên kết tiêu thụ sản phẩm: Đã liên kết tiêu thụ với công ty rau mầm Xuân Anh để đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán rau cho THT.