Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Minh Khang
Và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Công ty TNHH MTV TCT Cao su Đồng Nai
Mục tiêu của nhiệm vụ:
Khảo nghiệm và tuyển chọn giống để làm cơ sở cho việc xây dựng cơ cấu bộ giống cao su thích hợp đưa vào sản xuất tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai.
Kết quả nghiên cứu:
Đề tài “Khảo nghiệm giống cao su tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai” được thực hiện từ tháng 01 năm 2012 đến tháng 12 năm 2015 với mục tiêu khảo nghiệm và tuyển chọn giống để làm cơ sở cho việc xây dựng cơ cấu bộ giống cao su thích hợp đưa vào sản xuất tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Các nội dung chính của đề tài bao gồm:
- Khảo nghiệm Chung tuyển:
– Thiết lập thí nghiệm mới: đã thiết lập mới 03 thí nghiệm Chung tuyển tại Đồng Nai gồm 02 thí nghiệm trồng năm 2014 tại An Lộc và Thái Hiệp Thành, 01 thí nghiệm trồng năm 2015 tại Dầu Giây.
– Đánh giá giống trên các thí nghiệm: đánh giá đặc tính giống trên 02 thí nghiệm trồng năm 2009 tại Cẩm Đường và An Viễng, 01 thí nghiệm trồng năm 2010 tại Cẩm Đường, 02 thí nghiệm thiết lập năm 2014 tại An Lộc và Thái Hiệp Thành và 01 thí nghiệm mới thiết lập năm 2015 tại Dầu Giây. Kết quả đánh giá giống trên hệ thống Chung tuyển bước đầu đã ghi nhận một số giống có sinh trưởng khỏe, năng suất mở cạo năm đầu khá và tương đối ít mẫn cảm với một số bệnh hại chính (ngoài bệnh phấn trắng gây hại nặng trên tất cả các giống) trong đó nổi bật nhất là các giống RRIV 106, RRIV 114, RRIV 125 và IRCA 130. Ngược lại, hai giống RRIV 112 và LH 97/657 đều có năng suất ban đầu rất thấp đồng thời có sinh trưởng kém (RRIV 112) và nhiễm nặng bệnh nấm hồng (LH 97/657).
Hình1. Sản lượng cao su thiên nhiên của 6 quốc gia dẫn đầu trong giai đoạn 2010 – 2014 (ngàn tấn)
(Nguồn: Hiệp hội Cao su Việt Nam)
- Khảo nghiệm Sản xuất thử:
– Thiết lập thí nghiệm mới: đã thiết lập mới 06 thí nghiệm Sản xuất thử tại Đồng Nai gồm 04 thí nghiệm trồng năm 2012 tại Cẩm Đường, 01 thí nghiệm trồng năm 2014 tại Thái Hiệp Thành và 01 thí nghiệm trồng năm 2015 tại Ông Quế.
– Đánh giá giống trên các thí nghiệm: đánh giá đặc tính giống trên 01 thí nghiệm trồng năm 2004 tại Cẩm Mỹ, 01 thí nghiệm trồng năm 2006 tại Cẩm Đường, 01 thí nghiệm trồng năm 2011 tại Hàng Gòn, 04 thí nghiệm trồng năm 2012 tại Cẩm Đường, 01 thí nghiệm trồng năm 2014 tại Thái Hiệp Thành và 01 thí nghiệm trồng năm 2015 tại Ông Quế. Kết quả đánh giá giống trên hệ thống Sản xuất thử bước đầu ghi nhận một số giống có sinh trưởng khỏe trong giai đoạn KTCB, trong đó nổi bật nhất là các giống RRIV 109, RRIV 125 và LTD 98/673. Trên các thí nghiệm đang trong giai đoạn khai thác, đã ghi nhận một số giống cho năng suất từ 1,9 đến 2,0 tấn/ha/năm như RRIV 109, LK 301 và PB 255, tuy nhiên cần chú ý một số hạn chế của các giống này như nhiễm nhẹ bệnh rụng lá mùa mưa đối với giống RRIV 109 hoặc không thích hợp ở các vùng đất xấu đối với giống PB 255. Ngược lại, một số giống có thành tích sinh trưởng rất kém như RRIV 120 hoặc đạt năng suất thấp như LH 88/241.
Hình 2. Lưu đồ cải tiến giống cao su cơ bản tại Việt Nam
(đường liền: chính; đường đứt khúc: phụ)
- Mô hình trình diễn giống mới:
– Thiết lập mô hình trình diễn mới: đã thiết lập mới 01 mô hình trình diễn trong năm 2015 trên giống RRIV 209 tại Dầu Giây.
– Đánh giá giống trên các mô hình trình diễn: đánh giá đặc tính giống trên 05 mô hình thiết lập năm 2008, 06 mô hình thiết lập năm 2009 và 26 mô hình thiết lập 2010 cho các giống LK 202 (Ông Quế), LK 206 (Cẩm Mỹ, Cẩm Đường), RRIV 106 (Cẩm Đường, Bình Lộc, Ông Quế, Long Thành, Trảng Bom), RRIV 109 (Ông Quế, Cẩm Mỹ), IRCA 130 (Cẩm Đường, Bình Lộc, Trảng Bom), RRIV 115 (Bình Lộc, Ông Quế, Cẩm Đường, Long Thành), RRIV 112 (Cẩm Mỹ), RRIV 114 (Cẩm Mỹ, Trảng Bom và Thái Hiệp Thành) và RRIV 124 (Cẩm Đường, Bình Lộc, Trảng Bom, Bình Sơn, Long Thành). Kết quả đánh giá giống trên các mô hình trình diễn trong giai đoạn KTCB đã bước đầu ghi nhận một số giống có sinh trưởng khỏe và nhiễm nhẹ một số bệnh hại chính như RRIV 106, RRIV 109 và RRIV 114; ngược lại, giống RRIV 112 có biểu hiện rất kém cả về khả năng sinh trưởng và khả năng chống chịu bệnh phấn trắng. Trên các mô hình trình diễn trong giai đoạn khai thác mủ, đã ghi nhận một số giống đồng thời có sinh trưởng khỏe và năng suất cao như RRIV 106 (gần 2,2 tấn/ha/năm ở năm cạo thứ 2), RRIV 109 (trên 1,8 tấn/ha/năm ở năm cạo đầu tiên) và IRCA 130 (trên 1,7 tấn/ha/năm ở năm cạo đầu tiên); ngược lại, giống LK 206 có năng suất chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha/năm, đồng thời tương đối mẫn cảm đối với bệnh nấm hồng.
Hình 3. Sơ đồ tổng thể các diện tích cao su thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai
- Phân tích ảnh hưởng của giống và môi trường đến khả năng sinh trưởng:
– Kết quả phân tích mức độ ảnh hưởng của giống và điều kiện môi trường tại hai thí nghiệm Chung tuyển trồng năm 2009 ở Cẩm Đường (đất đỏ) và An Viễng (đất xám) đến khả năng sinh trưởng của các giống cao su cho thấy các yếu tố giống, môi trường và tương tác giống – môi trường đều có ảnh hưởng ý nghĩa đến khả năng sinh trưởng trong giai đoạn KTCB của các giống trong đó yếu tố giống (kiểu gen) chiếm 85,18%, kế đến là tương tác giống – môi trường chiếm 10,32% và cuối cùng là yếu tố môi trường chiếm 4,5%.
– Các giống có tính thích nghi rộng và sinh trưởng tương đối khỏe trong giai đoạn KTCB bao gồm RRIV 106, RRIV 107, RRIV 114, RRIV 125, LH 98/42 và IRCA 130.