Xác lập quyền chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” cho sản phẩm chôm chôm

Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thị Huệ

Và các cộng sự

Cơ quan thực hiện: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai

Mục tiêu của nhiệm vụ:

– Mục tiêu chung:

– Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” cho sản phẩm chôm chôm tại thị xã Long Khánh, huyện Thống Nhất, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ.

– Góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

– Mục tiêu cụ thể:

Xây dựng vùng chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” cho sản phẩm chôm chôm vùng nghiên cứu.

Xây dựng hệ thống văn bản làm căn cứ cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” cho sản phẩm chôm chôm.

Kết quả nghiên cứu:

  1. Về nội dung xác định các tiêu chí đặc thù của chôm chôm Long Khánh

Đề tài đã bám sát các mục tiêu đề ra, hoàn thành cơ bản các nội dung chính đã có các sản phẩm khoa học kèm theo bản thuyết minh, thực hiện các nội dung nghiên cứu về địa hình, địa mạo, địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng, cây và trái chôm chôm cũng như các yếu tố canh tác để xây dựng cơ sở khoa học cho viêc xác định vùng chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” cho sản phẩm chôm chôm được phân bố ở thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ của tỉnh Đồng Nai.

Hình 1. Hoạt động lấy mẫu đất và mẫu quả vùng chôm chôm Long Khánh

Kết quả phân tích các yếu tố về điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, địa mạo, khí hậu) bên cạnh yếu tố về con người (tập quán, kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác) đã làm nổi bật tính khác biệt, đặc trưng riêng vùng chôm chôm Long Khánh trên hai giống chôm chôm nhãn và chôm chôm Java.

Kết quả xác định giá trị đặc thù của chôm chôm nhãn thể hiện qua các chỉ tiêu: trong lượng quả từ 23,15 – 30,32g, kích thước quả nhỏ, cao từ 38,09 – 43,13mm và đường kính trung bình từ 32,85 – 35,66mm; hạt dạng hình bầu dục, nặng 1,91 – 2,39g; khối lượng phần cùi nặng 11,32 – 14,92g, dày 6,11 – 7,44mm. Về chất lượng quả, chôm chôm nhãn có các giá trị đặc thù được xác định như: 17,91 – 19,42% độ Brix, 76,71 – 81,24% hàm lượng nước; 11,18 – 18,24% đường tổng số; 9,74 – 55,25mg/100ml Vitamin C; 267- 341mg/kg P2O5ts, 1.024 – 1.453mg/kg K2Ots; 69 – 104mg/kg Ca; 105 – 138 mg/kg Mg; 18 – 49mg/kg Na; 1 – 6mg/kg Fe.

Chôm chôm Java có dạng quả hình bầu dục, dài từ 41,44 – 45,54mm, lớn nhất đạt 50mm. Bên ngoài quả được bao phủ bởi lớp gai (lông, râu) dài hơn chôm chôm nhãn và hình dạng quả đẹp hơn. Khi chín, quả chuyển từ màu xanh sang màu đỏ và đỏ sẫm rất đẹp. Gai chôm chôm cũng chín đều hơn và số lượng gai cũng nhiều hơn. Trọng lượng quả trung bình từ 30,17 – 36,26g, quả lớn đạt trên 40g. Khối lượng phần cùi (thịt) quả nặng 13,66 – 17,19g, dày 6,63 – 8,18mm. Quả không có đường ráp ở giữa nên dễ phân biệt với quả chôm chôm nhãn. Về chỉ tiêu chất lượng quả, khoảng giá trị đặc thù được xác định như: 17,74 – 19,45% độ Brix, 76,84 – 80,86% hàm lượng nước; 10,57 – 13,68% đường tổng số; 14,03 – 52,89mg/100ml Vitamin C; 275- 341mg/kg P2O5ts, 1.185 – 1.487mg/kg K2Ots; 63 – 91mg/kg Ca; 89 – 118 mg/kg Mg; 23 – 53mg/kg Na; 2 – 5mg/kg Fe.

Tổng diện tích đề xuất bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh trên địa bàn thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ là 6.731,47ha. Trong đó, thị xã Long Khánh (2.445,12ha), Xuân Lộc (1.235,865ha ), Thống Nhất (1.995,374ha), Cẩm Mỹ (1.055,11ha). .

  1. Về nội dung xác lập quyền Chỉ dẫn địa lý Long Khánh cho sản phẩm chôm chôm

Chỉ dẫn địa lý Long Khánh cho sản phẩm chôm chôm java và chôm chôm nhãn đã được đăng bạ để bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo Quyết định của Quyết định số 2350/QĐ-SHTT ngày 8 tháng 6 năm 2016 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Long Khánh số 048 cho sản phẩm chôm chôm của tỉnh Đồng Nai.

Hình 2. Vườn trồng chôm chôm Java khu vực thị xã Long Khánh

  1. Về nội dung quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Long Khánh

Đã xây dựng và thiết lập được mô hình quản lý và kiểm soát chỉ dẫn địa lý bao gồm mô hình cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của từng cơ quan.

Đã hoàn thiện và đưa vào sản xuất Hệ thống nhận diện Chỉ dẫn địa lý Long Khánh cho sản phẩm chôm chôm của tỉnh Đồng Nai với mục tiêu không chỉ là tạo sự thống nhất xuyên suốt, sự nhận biết, sự khác biệt, thể hiện tính đặc thù của sản phẩm mà còn nhắm đến việc tác động đến nhận thức, tính chuyên nghiệp cao khi áp dụng cho các thành viên được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Long Khánh.

Đã hoàn thiện dự thảo các Bộ quy chế như: Quy chế Quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý; Quy chế cấp phát tem nhãn; Quy trình kỹ thuật chuẩn về canh tác; Quy chế trao quyền sử dụng; Quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm làm cơ sở để vận hành Chỉ dẫn địa lý Long Khánh vào thực tế một cách có hệ thống và hiệu quả. Các bộ Quy chế sẽ được trình các cấp có thẩm quyền và ban hành trong thời gian tới.

Đã thành lập được Ban vận động thành lập Hội chôm chôm Long Khánh và vận động được hơn 200 hội viên đăng ký tham gia và hoàn thiện phần lớn các hồ sơ liên quan xin UBND tỉnh thành lập Hội Chôm chôm Long Khánh.

Hình 3. Hình ảnh đại diện Hệ thống tem nhãn sản phẩm

 

Về Trần Thiếu Nga

Check Also

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là …