Xây dựng quy trình nuôi heo rừng (Sus scrofa Linnaeus, 1758) theo mô hình nuôi nhốt cải tiến tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai và khảo sát bổ sung các chế phẩm sinh học vào thức ăn đến một số chỉ tiêu sinh trưởng trên heo rừng

Chủ nhiệm nhiệm vụ: BSTY. Vũ Trí Hiếu

Và các cộng sự

Đồng chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thanh Bình

Cơ quan thực hiện: Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Sinh học Đồng Nai

Mục tiêu của nhiệm vụ:

– Xây dựng mô hình nuôi nhốt heo rừng, phát triển mô hình chăn nuôi thú hoang dã (thay đổi giống vật nuôi mới) góp phần thay đổi kinh tế nông hộ.

– Bảo tồn heo rừng trên cơ sở tác động và ứng dụng công nghệ sinh học.

Kết quả nghiên cứu:

  1. Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và sản xuất của heo rừng trong điều kiện nuôi nhốt

1.1 Một số đặc điểm sinh học của heo rừng trong điều kiện nuôi nhốt

Màu lông của heo rừng thay đổi theo giai đoạn tháng tuổi và có màu lông không đồng nhất trên cơ thể. Ở giai đoạn sơ sinh, heo rừng có màu dạng sọc cánh dưa, cứ hai bên mình cách dọc sống lưng 1 – 1,5 cm là có sọc chạy dọc liên tục từ phía sau mông tới sau hốc tai (100%). Mỗi bên gồm 6 sọc: 3 sọc đậm màu vàng sọc dưa và xen 3 sọc màu nâu đen, phần dưới bụng có màu trắng bạc.

Ở giai đoạn trưởng thành, heo rừng có màu lông bên má hơi bạc, vùng bụng màu trắng đục, toàn thân màu nâu hung hoặc đen hung. Lông dựng đứng, chĩa ra và cứng, lông được bố trí thành từng cụm chụm 3 lông.

Heo rừng có mình thon hình trụ, bụng gọn đặc biệt là heo đực, 4 chân cao, 2 chân sau dài hơn hai chân trước tạo thành thế lao người về phía trước, thích nghi với điều kiện phòng vệ bỏ chạy trốn khi có tiếng động lạ.

Theo quan sát của chúng tôi nhận thấy trong điều kiên nuôi nhốt có sân chơi, heo rừng biểu hiện một số tập tính như đi lại, ngủ nghỉ, tập tính bầy đàn, tập tính tự vệ.

Hình 1.: Heo rừng trưởng thành

1.2 Một số chỉ tiêu sinh trưởng và phát dục của heo rừng con được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt

Heo rừng tăng trọng lượng chậm, heo rừng đực có tốc độ tăng trọng luôn cao hơn heo rừng cái trong cùng một độ tuổi, heo rừng sau cai sữa có sự tăng về trọng lượng tương đối chậm hơn các giai đoạn khác. Sau giai đoạn cai sữa tốc độ tăng trọng của heo rừng tăng nhanh hơn, heo rừng có thể xuất bán thịt vào giai đoạn 7 tháng tuổi trở lên khi trọng lượng heo đạt từ 28,40 kg trở lên.

Kết quả cho thấy tăng trọng tuyệt đối cả trên heo rừng đực và heo rừng cái mạnh nhất vào giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi và giai đoạn 6 – 9 tháng tuổi cụ thể là tăng 215,47±0,81 g/con/ngày ở heo đực và 177,78±0,58 g/con/ngày ở heo cái, sau giai đoạn 9 tháng tuổi tăng trọng tuyệt đối trên cả heo đực và heo cái đều giảm.

Kết quả cho thấy tăng trưởng tuyệt đối dài thân thẳng trên heo đực và heo cái cũng tăng từ giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi và cao nhất vào giai đoạn 6 – 9 tháng tuổi.

Tuổi phối giống lần đầu của heo rừng tại là 230,17 ± 5 ngày so với tài liệu nghiên cứu của Nguyễn Lân Hùng (2006) là 6 – 7 tháng thì tuổi phối giống tại địa điểm nghiên cứu có trễ hơn, điều này có thể giải thích do heo rừng có tốc độ tăng trưởng chậm, heo rừng ở độ tuổi sinh sản có trọng lượng thấp và thể trạng nhỏ, vì vậy việc phối giống lần đầu trễ cũng là một trong những lý do để heo rừng được chăm sóc và chuẩn bị về mặt thể chất tốt trước khi bước vào sinh sản.

Chu kỳ động dục là 20,67 ± 1 ngày, chu kỳ này cũng tương đương với một số nghiên cứu trước đây là 20 – 21 ngày.

Kết quả nghiên cứu cho thấy số heo con đẻ ra trên ổ trung bình trên ổ là 6,73 con, chứng tỏ khả năng sinh sản của heo rừng là tương đối nhiều, heo rừng mẹ rất khéo trong việc chăm sóc và bảo vệ con sơ sinh.

  1. Đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung chế phẩm sinh học VEM – K đến sự sinh trưởng của heo rừng.

2.1 Trọng lượng sống

Từ 1,5- 3 tháng và 6-9 tháng có sự khác biệt giữa lô đối chứng với các lô sử dụng Vem-k, từ 3-6 tháng và 9-12 tháng không có sự khác biệt giữa các lô thí nhiệm với lô đối chứng.

Qua bảng 3.8 chúng tôi nhận thấy sự chênh lệch mức tăng trọng của heo trong giai đoạn từ 45 ngày đến 3 tháng có sự chênh lệch lớn theo từng lô thí nghiệm. tương tự từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 9 các lô sử dụng chế phẩm Vem-k cũng có sự khác biệt rõ rệt.

Hình 2. Heo đào bới đất

Tuy nhiên giai đoạn từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 và từ tháng 9 đến tháng 12 thì không có sự khác nhau giữa lô đối chứng và lô sử dụng chế phẩm. Tuy nhiên, có điểm cần lưu ý trong thí nghiệm này, ở những lô theo dõi có những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình theo dõi về tăng trọng trong thí nghiệm này như: điều kiện vi khí hậu, bệnh lý, tình trạng sinh lý. Cần có khảo sát với số lượng lớn, ổn định các điều kiện ảnh hưởng sẽ cho kết quả chính xác hơn về khả năng tăng trọng trong điều kiện thí nghiệm.

Qua khảo sát về sự tăng trọng của heo rừng trong điều kiện nuôi nhốt trên, chúng tôi bước đầu đã đánh giá khả năng tăng trọng của heo rừng có sử dụng chế phẩm Vem-k trong thức ăn tốt, phù hợp với một số nghiên cứu của Lê Thị An Nhiên trên heo nhà.

2.2 Một số chỉ tiêu chất lượng thịt xẻ của heo rừng 3 lô thí nghiệm

Kết quả cho thấy lệ móc hàm và tỉ lệ quày thịt xẻ ở heo rừng tương đối cao. Ở 3 lô thí nghiệm 2 loại tỉ lệ này gần như tương đương nhau. Vì vậy, việc sử dụng chế phẩm Vem – k trong nuôi heo, có ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trọng nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng thịt xẻ.

Nhìn chung, các chỉ tiêu về phảm chất thịt xẻ trong mẫu thịt thăn và thịt sườn như tỉ lệ béo, tỉ lệ nước, độ pH và tỉ lệ protein ở 3 lô thí nghiệm là tương đương nhau.

  1. Khảo sát một số biểu hiện về hành vi lên giống và giao phối trong điều kiện nuôi nhốt

Một số hành vi lên giống ở heo rừng cái

Việc ghi nhận một số biểu hiện về hành vi lên giống của heo rừng cái có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chính xác thời điểm để phối giống cho heo rừng cái nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản và tận dụng tối đa khả năng sinh sản trên heo rừng cái, nhằm tăng hiệu quả trong chăn nuôi heo rừng.

Một số hành vi lên giống ở heo rừng đực

Heo rừng trong thời gian động dục rất sung sức, thấy bóng heo cái là muốn phá chuồng để ra, đặc biệt khi đánh hơi được mùi đặc trưng của heo cái trong thời kỳ động dục thì heo đực trở nên hung phấn, chạy nhảy rối rít trong chuồng. Ở tuổi động dục thì heo đực rất hung dữ, khác hẳn bản tính hiền lành lúc còn nhỏ.

Khảo sát những bệnh thường xảy ra trên heo rừng nuôi nhốt và đề xuất một số biện pháp chữa trị

  1. Khảo sát những bệnh thường xảy ra trên heo rừng nuôi nhốt và đề xuất một số biện pháp chữa trị

Các bệnh thường gặp trên đàn heo con theo mẹ: phân trắng heo con, viêm đường hô hấp, bệnh ký sinh trùng ngoài da, tiêu chảy

Kết quả được ghi nhận heo bị bệnh ký sinh trùng ngoài da là bệnh thường gặp nhất ở đàn heo con với 70 ca chiếm 58,33%.

Bệnh tiêu chảy phân trắng cũng là bệnh chiếm tỉ lệ cao trên đàn heo con chiếm 21,67 %, sau đó là bệnh tiêu chảy chiếm 15%. Trong đó số con được điều khỏi là 22 ca chiếm 64,71%.

Bệnh viêm đường hô hấp với 9 ca mắc chiếm 7,5% và điều trị khỏi 100%, đặc biệt trong điều trị cần giữ ấm cho heo, kèm chích bromhexin với liều 1ml/kg.

Điều trị

Colivinavet và smecta: pha gói 10g trong 75ml nước, dùng 5ml cho mỗi con, 2 lần/ngày và dùng liên tục 4 -5 ngày.

Bổ sung men tiêu hóa sống và chất điện giải: 1g/1it nước.

Bổ sung dinh dưỡng cho heo mẹ.

Một số bệnh thường gặp trên heo lứa: Tiêu chảy, Viêm đường hô hấp, Giun đũa, Tụ huyết trùng

+ Điều trị heo bị tiêu chảy như sau:

Chích kết hợp 2 kháng sinh: Bio. Doc Sone, septotryl liều 1ml/10kg P, 1 lần/ngày trong vòng 4 – 5 ngày.

Bổ sung men tiêu hóa và chất điện giải trong thức ăn hoặc pha nước cho heo uống.

Bổ xung năng lượng cấp thời cho heo bệnh (tiêm ATP liều 1ml/5kg P). tăng sức đề kháng cho heo (tiêm gluco K-C liều 1ml/6-8kg P).

Ngừng cho heo ăn thức ăn hiện tại, chuyển sang cho heo bệnh ăn cháo trắng, pha men tiêu hóa lactyzym vào cháo với liều 10g/40kg P.

Sau khi heo khỏi bệnh chích thuốc bổ: ADE-Bcomplex: 1ml/10kg P.

+ Điều trị heo bị viêm đường hô hấp như sau

Tách riêng những con bệnh ra khỏi đàn để tránh lây lan. Giữ ấm cho heo bệnh. Sử dụng kháng sinh, đồng thời vừa trộn thức ăn cho heo ăn toàn đàn và tiêm cho những con bệnh.

Trộn tylosin hoặc tiamulin với liều 10-20 mg/kg P cho toàn đàn ăn liên tục 5-7 ngày. Tiêm bắp cho những heo ốm, dùng 1 trong các loại thuốc sau: tylosin với liều 1ml/10 kg P, tiêm bắp thịt, ngày 2 lần, liệu trình: 6 ngày; hoặc tiamulin với liều 1ml/10 kg P, có thể kết hợp với kanamycin với liều 1 ml/5 kg P, liệu trình 6 – 7 ngày. Sử dụng các loại thuốc trợ tim, trợ sức cho con vật như: vitamin B1, B12, vitamin C… Kết hợp với việc chăm sóc và nuôi dưỡng tốt.

+ Điều trị heo bị giun đũa như sau:

Dùng thuốc sổ giun levamisol liều 7,5mg/1 kg P trộn vào thức ăn cho heo ăn.

Phòng bệnh: định kỳ sổ giun cho heo 6 tháng/lần bằng albensol.TP liều 2g/10kg P hoặc tiêm invermectin liều 1ml/10kg P.

Hình 3. Heo tụ tập thành bầy

Một số bệnh thường gặp trên heo thịt và heo nái sinh sản

Trong suốt quá trình theo dõi và ghi nhận các bệnh trên từng lứa tuổi heo rừng, kết quả cho thấy không có trường hợp bệnh nào xảy ra trên heo thịt và heo cái sinh sản.

Các qui trình vệ sinh chăn nuôi

+ Vệ sinh chuồng trại và thiết bị dụng cụ chuồng nuôi

+ Vệ sinh cho heo rừng

+ Vệ sinh sát trùng chuồng heo định kỳ

 

Về Trần Thiếu Nga

Check Also

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là …