Một nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học Na Uy thực hiện cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tăng tỷ lệ phát hiện polyp khoảng 8% trong quá trình nội soi đại tràng, nhưng tác động đến nguy cơ ung thư là rất hạn chế.
Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phương Tây. Tại Na Uy, khoảng 5.000 người mắc căn bệnh này mỗi năm. Hiện nước này đã triển khai chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng trên toàn quốc. Theo đó, xét nghiệm tìm máu trong phân (FIT) được sử dụng để xác định những bệnh nhân cần nội soi đại tràng. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới, Na Uy dự kiến thay thế hoàn toàn xét nghiệm này bằng nội soi cho tất cả công dân 55 tuổi.
Trong quá trình sàng lọc ung thư đại trực tràng bằng nội soi, AI thường được sử dụng để hỗ trợ phát hiện polyp; những khối mô bất thường có thể phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, lợi ích lâm sàng của AI cần được đánh giá kỹ lưỡng, tương tự các công cụ chẩn đoán và điều trị khác. Đây là lý do các hướng dẫn quốc tế về ứng dụng AI trong nội soi đại tràng đã được xây dựng, dẫn đầu bởi tổ chức MAGIC của Na Uy và được công bố trên BMJ Rapid Recommendations.
Một đánh giá hệ thống gần đây đã tổng hợp kết quả từ 44 thử nghiệm ngẫu nhiên với hơn 30.000 bệnh nhân. Kết quả cho thấy AI giúp phát hiện nhiều polyp hơn, nhưng chưa có dữ liệu rõ ràng về ảnh hưởng dài hạn của nó đối với tỷ lệ mắc ung thư và tử vong.
Một nghiên cứu mô phỏng quy mô lớn do Đại học Oslo dẫn đầu đã phân tích tác động của AI đến nguy cơ mắc ung thư, tỷ lệ tử vong và số lượng bệnh nhân phải theo dõi thêm sau nội soi. Nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ khoảng 15 nghiên cứu trước đó và vừa được công bố trên BMJ Medicine.
Tiến sĩ Natalie Halvorsen cho biết: “Dự án cho thấy AI có thể giúp giảm nguy cơ ung thư bằng cách cải thiện khả năng phát hiện polyp, nhưng cũng làm tăng đáng kể số lượng bệnh nhân phải nội soi theo dõi. Điều quan trọng là nguy cơ ung thư; yếu tố chính mà bệnh nhân quan tâm; chỉ giảm ở mức tối thiểu”.
Hướng dẫn của BMJ Rapid Recommendations khuyến nghị không sử dụng AI trong nội soi đại tràng như một phương pháp sàng lọc thường quy cho người trưởng thành. Tuy nhiên, tài liệu này cũng nhấn mạnh rằng có sự không chắc chắn trong khuyến nghị và các đánh giá kinh tế y tế cần được đưa vào trong các cập nhật tiếp theo.
Ngoài BMJ Rapid Recommendations, Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (AGA) và Hiệp hội Nội soi Tiêu hóa Châu Âu (ESGE) cũng đưa ra hướng dẫn về AI trong nội soi dựa trên nghiên cứu của nhóm Na Uy. Tuy nhiên, các tổ chức này có quan điểm khác nhau. Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ không đưa ra khuyến nghị cụ thể, trong khi ESGE ủng hộ sử dụng AI vì cho rằng đa số bệnh nhân sẽ muốn có sự hỗ trợ này trong quá trình nội soi.
Tiến sĩ Halvorsen nhận xét: “Điều này cho thấy sự phức tạp trong việc đưa ra khuyến nghị, khi các tiêu chí như chẩn đoán quá mức (overdiagnosis) và gánh nặng cho hệ thống y tế được đánh giá khác nhau”.
Dự án nghiên cứu trên là một phần của dự án OPERA do EU tài trợ, với mục tiêu đánh giá xem AI có thể giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng hay không.
Theo giáo sư Yuichi Mori, trưởng dự án OPERA: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy AI giúp tăng khả năng phát hiện polyp nhưng chỉ có tác động rất nhỏ đến nguy cơ ung thư. Việc áp dụng AI trong y tế nên giới hạn ở những công cụ đã được chứng minh lợi ích lâm sàng rõ ràng”.
Một số kết quả chính của nghiên cứu:
* Giảm nhẹ nguy cơ ung thư: AI giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng trong 10 năm từ 0,82% xuống 0,71%. Đối với nội soi sau khi xét nghiệm FIT, nguy cơ giảm từ 5,82% xuống 5,77%.
* Tăng số ca theo dõi: Việc sử dụng AI dẫn đến tăng 20% số ca nội soi theo dõi trong 10 năm do phát hiện nhiều polyp hơn, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Giáo sư Yuichi Mori nhấn mạnh: “AI trong nội soi có thể mang lại lợi ích, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức về việc tăng số lần nội soi không cần thiết. Điều quan trọng là phải cân nhắc giữa lợi ích và tác động đến bệnh nhân cũng như hệ thống y tế”.
Theo: vista.gov.vn