Tại huyện Mang Yang (Gia Lai), những nỗ lực không ngừng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đang mang lại “luồng gió mới” cho nền nông nghiệp địa phương. Nông dân nơi đây không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Ứng dụng công nghệ – “chìa khóa” thành công
HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ An Lộc, xã Đak Jơ Ta là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Sau hơn 1 năm học tập và áp dụng các mô hình nông nghiệp xanh, HTX đã tự chế tạo chế phẩm sinh học từ mật mía, bã đậu nành và giấm để chăm sóc cây trồng chủ lực như hồ tiêu. Phương pháp này không chỉ giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh mà còn cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng.
Bà Phạm Thị Từ Vân, Giám đốc HTX An Lộc chia sẻ: “Nhờ sản xuất khoa học, HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm ổn định cho các thành viên và lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương“.
Chuyển đổi cây trồng – nâng cao thu nhập
Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mang Yang đang tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, sầu riêng, chanh dây, cây ăn quả… Các HTX, tổ hợp tác đã trở thành “lá cờ đầu”, dẫn dắt nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị.
Điển hình là HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đăk TaLey) với mô hình trồng chanh dây. Ông Hoàng Long Quân, một trong những hộ nông dân tham gia mô hình, cho biết: “Hiện, gia đình có 2.000 gốc chanh dây, hàng năm thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Để đạt được điều này, gia đình tôi phải thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc chanh dây theo chỉ dẫn của HTX, chủ yếu sử dụng phân chuồng để sản xuất theo hướng hữu cơ”.
HTX Hùng Thơm Gia Lai đã liên kết với hơn 150 hộ dân sản xuất hơn 300ha chanh dây, trong đó có 80ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. HTX cũng đầu tư máy móc, công nghệ mới để chế biến ra 15 dòng sản phẩm từ chanh dây, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Hùng Thơm Gia Lai, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, chỉ có đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ mới giúp các HTX, nông dân giải được bài toán thị trường, nâng cao giá trị canh tác, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.”
Điểm tựa vững chắc từ chính sách hỗ trợ
Những thành công trên có được là nhờ sự hỗ trợ toàn diện từ các ban ngành chức năng huyện, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Gia Lai. Các chính sách tập trung vào nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng cho các HTX.
Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh Gia Lai đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ HTX về chính sách sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số, thương mại điện tử và nghiệp vụ kế toán. Liên minh cũng khuyến khích các HTX gắn sản xuất với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã có 8 sản phẩm của 4 HTX được chứng nhận OCOP 4 sao và 24 sản phẩm của 15 HTX được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Những chính sách hỗ trợ này đã tạo “bệ phóng” vững chắc cho sự phát triển của các HTX tại Mang Yang, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Theo: vista.gov.vn