Chủ nhiệm nhiệm vụ: CN. Nguyễn Văn Thắng
Đồng chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Lê Thị Chung
Và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ; Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ
Mục tiêu của nhiệm vụ:
Xây dựng quy trình phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trên cây mãng cầu xiêm gồm: rệp sáp giả, sâu đục quả, bệnh thối gốc xì mủ thân và bệnh thối rễ vàng lá.
Xây dựng mô hình sản xuất cây mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
Kết quả nghiên cứu:
Cẩm Mỹ là huyện có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cây ăn quả với nhiều loại cây ăn quả đặc sản. Một số chủng loại cây ăn quả trong huyện có diện tích tập trung và chất lượng ngon, có khả năng thương mại hóa cao ở thị trường trong nước và có tiềm năng xuất khẩu. Trong đó có thể kể đến là cây mãng cầu xiêm, đây là loại cây ăn quả được tiêu thụ chủ yếu trong nước. Năm 2008, diện tích mãng cầu xiêm trong huyện là 401.3 ha, đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nhà vườn ở huyện Cẩm Mỹ (60-200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do sự khai thác quá mức về năng suất của nhà vườn dẫn đến sự suy kiệt của cây đây là điều kiện thuận để dịch hại bùng phát. Từ năm 2008 – 2011, dịch hại thối rễ vàng lá đã làm cho hàng trăm ha mãng cầu xiêm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Đến năm 2011, diện tích mãng cầu xiêm của huyện còn khoảng 224 ha, giảm 177.3 ha so với năm 2008, cây mãng cầu xiêm còn sống chủ yếu ở vườn trồng xen canh hay vườn tạp.
Mặt khác, cây mãng cầu xiêm là cây chủ lực của huyện Cẩm Mỹ nhưng đến nay loại cây này chưa được xây dựng thương hiệu và xác nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa thể truy nguyên xuất xứ hàng hóa và công bố tiêu chuẩn cơ sở. Đây cũng là một trong những rào cản khi hội nhập cũng như ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Trước yêu cầu của phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ cũng như để làm cơ sở cho việc mở rộng sản xuất mãng cầu xiêm theo hướng chất lượng cao và an toàn thực phẩm đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trên cây mãng cầu xiêm và xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai” được thực hiện. Qua 3 năm triển khai, với đội ngũ nghiên cứu nhiều kinh nghiệm và làm việc nghiên túc chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu một số vấn đề còn tồn tại trong sản xuất mãng cầu xiêm từ đó đưa ra các kết luận cho từng thí nghiệm mô hình từ đó xây dựng được qui trình sản xuất mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP cho tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể:
– Kết quả khảo sát hiện trạng sản xuất mãng cầu xiêm đối chiếu với yêu cầu của VietGAP: Qua kết quả điều tra trên đây, có thể kết luận rằng vùng sản xuất cây mãng cầu xiêm tại địa bàn xã Xuân Bảo, Bảo Bình huyện Cẩm Mỹ có khả năng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
– Kết quả phòng trừ sâu đục quả trên mãng cầu xiêm: Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Success 25 EC (Spinosad), Vertimec (Abamectin), thuốc hóa học Suprathion 40 EC (Methidathion) và bao quả có hiệu quả phòng trừ sâu đục quả mãng cầu xiêm cao hơn so với các loại thuốc Bitadin WP (Bacillus thuringiensis var. kurstaki) và phun nước lã. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo không nên bao quả mãng cầu xiêm vì bao quả phòng được sâu đục quả gây hại nhưng không phòng được rệp sáp giả gây hại. Mặt khác độ chín thu hoạch của mãng cầu xiêm từ dao động rất lớn 4-10 tháng phụ thuộc vào dinh dưỡng của cây nên khi bao quả khó xác định thời điểm chín.
Hình 1. Cây mãng cầu xiêm sinh trưởng phát triển tốt ở nghiệm thức phun thuốc Agri-phos 400 và có năng suất cao | |||||||
– Kết quả phòng trừ rệp sáp giả trên mãng cầu xiêm : Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Abatin (Abamectin) và thuốc hóa học Suprathion 40EC (Methidathion) phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày sẽ đem lại hiệu quả phòng trừ rệp sáp cao hơn so với các nghiệm thức phun thuốc Benmetent 2x 109 BT (Beauveria +Metarhizium Entomophathorales) và phun nước áp lực cao.
– Kết quả phòng trừ bệnh thối rễ vàng lá trên mãng cầu xiêm : Sử dụng thuốc trừ bệnh Carben 50 WP (Carbendazim) (chỉ số bệnh 10,83%), và Viben (Benomyl) (chỉ số bệnh 13,33%) cho hiệu quả phòng trừ cao hơn so với các loại thuốc Mancozeb80 WP (Mancozeb), Alpine 80WP (Fosetyl Aluminium) hay Alfamil 25WP (Metalaxyl). – Kết quả phòng trừ thối gốc xì mủ trên mãng cầu xiêm : Sử dụng Agri- Fos 400 (Phosphonate) và Aliette (Fosetyl Aluminium) có hiệu quả phòng trừ được bệnh thối gốc xì mủ trên mãng cầu xiêm cao nhất chỉ số bệnh lần lượt là: 5,83 %; 7,50 %) so với các loại thuốc Ridomil (Metalaxyl + Mancozep), Bordocop Super 25WP (Copper Sulfate) hay chế phẩm Trichoderma (Trichoderma). |
|||||||
|
|||||||
Hình 2. Đoàn kiểm tra đánh giá mô hình sản xuất mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP | Hình 3. Cây mãng cầu xiêm trong mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất cao | ||||||
– Kết quả thực hiện mô hình VietGAP trên mãng cầu xiêm: Sau 36 tháng áp dụng qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cả 7 xã viên tổ hợp tác mãng cầu xiêm Xuân Bảo đã được Công ty Khử trùng và Giám Định FCC cấp giấy chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác mãng cầu xiêm Xuân Bảo với diện tích 4,5 ha. Các mô hình này cây mãng cầu xiêm sinh trưởng phát triển tốt, năng suất và chất lượng cao. Sau khi thực hiện mô hình nhà vườn đã thay đổi nhận thức trong sản xuất, quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức con người và môi trường. Các hộ tham gia mô hình sẽ là hạt nhân để nhân rộng mô hình VietGAP sau này.
– Đã biên soạn Sổ tay hướng dẫn “Qui trình sản xuất mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai”.
– Đã tập huấn cho 120 lượt nhà vườn về sản xuất mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP và 40 nhà vườn được tham quan mô hình GAP. Qua các lớp tập huấn, tham quan nhà vườn đã nhận thức đầy đủ về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP.