Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai

Chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Nguyễn Thị Điệp

Đồng chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Bùi Xuân Khôi

Và các cộng sự

Cơ quan thực hiện: Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Cẩm Mỹ

Mục tiêu của nhiệm vụ:

+ Mục tiêu chung

Nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm tạo lợi thế cạnh tranh hồ tiêu Cẩm Mỹ trên thị trường.

+ Mục tiêu cụ thể

– Đánh giá tình hình sản xuất hồ tiêu tại huyện Cẩm Mỹ có đối chiếu với các tiêu chí để đạt được GLOBALG.A.P.

– Đánh giá hiệu quả của long não trong việc phòng trừ côn trùng hại rễ hồ tiêu và an toàn sản phẩm.

– Xác định mức phân bón phù hợp cho hồ tiêu trồng trên đất xám ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

– Xây dựng được 10ha hồ tiêu giai đoạn kinh doanh sản xuất đạt chứng nhận GLOBALG.A.P..

– Nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo GLOBALG.A.P. cho cán bộ kỹ thuật và hộ nông dân trồng tiêu trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ.

Kết quả nghiên cứu:

  1. Điều tra hiện trạng sản xuất hồ tiêu đối chiếu với các tiêu chí của GLOBALG.A.P. và đánh giá hiện trạng đất, nước vùng sản xuất hồ tiêu tại huyện Cẩm Mỹ

1.1 Điều tra hiện trạng sản xuất hồ tiêu đối chiếu với các tiêu chí của GLOBALG.A.P.

Đa số người dân trồng hồ tiêu ở 3 xã Lâm San, Sông Ray và Bảo Bình huyện Cẩm Mỹ đều có kinh nghiệm chăm sóc cây hồ tiêu, Tuy nhiên, để sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P. nhà vườn cần phải thay đổi nhận thức về sản xuất hồ tiêu không chỉ quan tâm đến năng suất mà còn phải  quan tâm đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và người lao động. Vì vậy, nếu so sánh với các tiêu chí của GLOBALG.A.P. người dân trồng hồ tiêu của huyện cẩm Mỹ cần phải khắc phục nhiều điểm. Các điểm này sẽ khắc phục được nếu người dân được hỗ trợ tư vấn của các đơn vị có chuyên môn về tiêu chuẩn GLOBALG.A.P..

1.2 Phân tích hiện trạng ô nhiễm trên vùng sản xuất hồ tiêu tại huyện Cẩm Mỹ

Qua kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước cho thấy vùng sản xuất hồ tiêu ở 3 xã Lâm San, Sông Ray và Bảo Bình có thể sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P..

  1. Nghiên cứu về ảnh hưởng của long não đến phòng trừ sâu hại rễ hồ tiêu và an toàn sản phẩm.

– Sử dụng long não hạt trong bịch nhựa (hoạt chất Naphthalene) phòng trừ được rệp sáp hại rễ tiêu, hiệu quả phòng trừ rệp sáp từ 49,34-74,58% cao hơn so với sử dụng thuốc Basudin 10G và Regent 0,3G. Hiệu quả phòng trừ tuyến trùng của long não thấp từ 13,91-26,19%.

– Sử dụng Basudin 10G và Regent 0,3G làm giảm mật độ tuyến trùng trong đất và rễ cây hồ tiêu. Hiệu lực phòng trừ tuyến trùng của Basudin 10G và Regent 0,3G từ 50,65-78,26%. Hiệu lực phòng trừ rệp sáp của Basudin 10G và Regent 0,3G từ 46,52-65,69%.

– Sử dụng long não (hoạt chất Naphthalene) cho cây hồ tiêu đảm bảo an toàn sản phẩm.

Hình 1. Nông dân Lâm San thu hoạch tiêu
  1. Nghiên cứu ảnh hưởng của các mức bón phân N, P2O5, K2O đến năng suất và chất lượng hồ tiêu trên đất xám huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai

Mức bón 300N + 150 P2O5 + 300 K2O kg/ha/năm cho hồ tiêu trên nền đất xám ở huyện Cẩm Mỹ đã có ảnh hưởng tốt tới các chỉ tiêu về sinh trưởng và năng suất của cây hồ tiêu. Năng suất trung bình ở mức bón 300N + 150 P2O5 + 300 K2O đạt 3,72 kg/trụ, dung trọng 580g/lít cho hiệu quả kinh tế ước tính 667 triệu đồng/ha/năm cao hơn so với đối chứng và các nghiệm thức còn lại.

  1. Xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P.

Các nhà vườn tham gia mô hình đã nhận thức được tầm quan trọng khi sản xuất theo Global G.A.P và nhiệt tình tham gia. Cả 7 xã viên đều tuân thủ tốt các qui định của  Global G.A.P, ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ. Cả 7 hộ tham gia sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn  Global G.A.P. đã được tổ chức chứng nhận quốc tế BVC đánh giá đều đạt tiêu chuẩn  Global G.A.P.

Qua phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn GLOBALG.A.P. cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các biện pháp của nhà vườn.

Hình 2. Nông dân học tập kinh nghiệm mô hình trồng tiêu tại xã Lâm San

 

  1. Chuyển giao công nghệ

5.1 Đào tạo kỹ thuật viên “Sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P.”

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Mỹ  và Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã phối hợp với UBND xã Lâm San tổ chức khóa đào tạo kỹ thuật viên cho 11 nhà vườn ở xã Lâm San  từ ngày 12/5/2014-21/5/2014. Các học viên sau khi đào tạo lý thuyết và thực hành đã nắm vững qui trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P., có khả năng áp dụng tốt kỹ thuật sản xuất hồ tiêu và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nhà vườn trồng hồ tiêu trong huyện khi nhân rộng dự án. Cuối khóa học, học viên tham gia bài kiểm tra, kết quả cả 11 nhà vườn đều đạt yêu cầu được Trung tâm cấp giấy chứng “Kỹ thuật viên Sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P.”.

5.2 Tập huấn chuyển giao kỹ thuật

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã phối hợp với UBND xã Lâm San, Sông Ray và Bảo Bình đã tổ chức 3 lớp tập huấn với số lượng học viên là 40 lượt người/lớp. Thời gian tập huấn được chia làm 4 đợt. Đợt 1 từ ngày 26/6-30/6/2014 (xã Lâm San), đợt 2 từ ngày 26-27/8/2014 (xã Sông Ray), đợt 3 từ ngày 5-7/9/2014 (xã Sông Ray), đợt 3 từ ngày 17-21/9/2014 (xã Bảo Bình).

5.3 Hội thảo đầu bờ

Sau 22 tháng thực hiện mô hình trình diễn, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Mỹ  và Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã phối hợp với xã Lâm San, tổ chức hội thảo đầu bờ kết hợp với lễ trao giấy chứng nhận GLOBALG.A.P. cho 7 tổ viên THT ấp 3 Lâm San. Buổi hội thảo có 120 cán bộ địa phương nhà vườn ở 6 xã Lâm San, Sông Ray, Bảo Bình, Xuân Bảo, Xuân Mỹ, Xuân Tây và Xuân Đường tham dự.

Qua buổi hội thảo, các nhà vườn hồ tiêu có thể trao đổi kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu và cùng thảo luận những những thuận lợi và khó khăn khi sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P.. Từ đó, các nhà vườn  đã nắm được kỹ thuật canh tác hồ tiêu.

Hình 3. Nông dân học tập kinh nghiệm mô hình trồng tiêu tại THT cây tiêu ấp 3 xã Lâm San

 

Về Trần Thiếu Nga

Check Also

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là …