Nghiên cứu ảnh hưởng dòng chảy, ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đề xuất giải pháp quản lý lưu vực sông và giảm thiểu tác động sự xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu đến lưu vực sông tỉnh Đồng Nai

Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Ngọc Tuấn

Và các cộng sự

Cơ quan thực hiện: Viện Khí tượng Thủy văn, Hải văn và môi trường

Mục tiêu của nhiệm vụ:

– Đánh giá được ảnh hưởng của BĐKH đến dòng chảy trên các lưu vực sông chính tỉnh Đồng Nai, qua đó đánh giá ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn (XNM)

– Đáh giá được tổn thương do XNM trong bối cảnh BĐKH tỉnh Đồng Nai

– Đề xuất được các giải pháp giảm thiểu tác động của XNM trong bối cảnh BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Kết quả nghiên cứu:

Trong bối cảnh XNM và BĐKH ngày một tăng cường, gia tăng thách thức đến các lĩnh vực sản xuất và đời sống, Dự án “Nghiên cứu ảnh hưởng dòng chảy, ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đề xuất giải pháp quản lý lưu vực sông và giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu đến lưu vực sông tỉnh Đồng Nai” được triển khai thực hiện với sự chủ trì của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai và Viện Khí Tượng Thủy Văn Hải văn và Môi trường là đơn vị tư vấn.

Hình 1. Phân chia tiểu lưu vực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Sau 15 tháng đầu tư nghiên cứu, một số kết luận được rút ra như sau:

  1. Hiện trạng XNM trên các sông chính tỉnh Đồng Nai

Kết quả đánh giá hiện trạng XNM trên một số sông chính tỉnh Đồng Nai năm 2014 và diễn biến XNM trong những năm gần đây (2010-2014) cho thấy độ mặn phân bố rõ nét theo không gian – giảm dần từ khu vực cửa sông vào nội địa. Năm 2014, độ mặn trung bình mùa khô của các sông Gò Gia, Thị Vải, Đồng Tranh, Lòng Tàu, Nhà Bè dao động tương ứng trong khoảng 29,0-30,6‰; 9,4 – 26,9‰; 11,1-18,8‰; 5,7-8,0‰ và 2,8‰ – gây nhiều khó khăn cho hoạt động sử dụng nước. Sông Đồng Nai chịu ít tác động của XNM nhất: độ mặn cực đại giảm dần từ đoạn 4 đến đoạn 2, tương ứng 3,1‰ – 0,033‰.

Trong chuỗi số liệu quan trắc, độ mặn trung bình tại các sông Thị Vải, Đồng Tranh, Lòng Tàu, Nhà Bè và Đồng Nai có xu hướng giảm nhẹ đến năm 2014. Riêng sông Gò Gia, độ mặn có xu thế tăng với mức độ không đáng kể. Ngoài ra, ghi nhận xu thế gia tăng độ mặn cực tiểu – phần nào cho thấy dấu hiệu tăng cường XNM tại địa phương.

Hình 2. Vị trí quan trắc độ mặn khu vực tỉnh Đồng Nai (Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai)
  1. Đánh giá nguy cơ XNM các sông chính tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh BĐKH

Dự án thực hiện tính toán lưu lượng xả qua các hồ chứa Trị An, Phước Hòa, Dầu tiếng ứng với các kịch bản BĐKH vào năm 2020 và 2030. Một số kết quả chính thu được như sau:

– Lưu lượng xả ứng với kịch bản A1FI thấp nhất trong những ngày đầu xả tràn cũng như thời gian ngậm nước lâu hơn các kịch bản khác. So với hiện trạng, lưu lượng xả năm 2020, 2030 thay đổi không đáng kể.

– Mực nước trong hồ chứa: Không vượt quá MNDGC (hay MNTK và MNDBT), không thấp dưới MNC

– Tốc độ hạ của mực nước hồ: Đạt chuẩn hạ cho phép

– Dung tích hồ chứa: Đạt chuẩn cho phép và không thấp dưới dung tích chết

Hình 3. Bản đồ chỉ số phơi nhiễm tổng hợp với xâm nhập mặn – hiện trạng

Trên cơ sở tính toán ảnh hưởng của BĐKH đến lưu lượng xả của các hồ chứa, Dự án thực hiện phân tích, đánh giá diễn biến XNM trên các sông chính tỉnh Đồng Nai ở hiện trạng và trong bối cảnh BĐKH (năm 2020, 2030 với kịch bản phát thải thấp, trung bình và cao). Kết quả như sau:

-Ứng với các kịch bản BĐKH, độ mặn trên các sông chính tỉnh Đồng Nai năm 2020 và 2030 tăng nhiều hơn so với hiện tại, nói khác hơn là ranh giới mặn (RGM) ngày càng đi sâu về phía thượng lưu.

-Sự chênh lệch độ mặn giữa các kịch bản 2, 3, 4 (tương ứng kịch bản A1FI, B1, B2 – năm 2020) và giữa các kịch bản 5, 6, 7 (năm 2030) không đáng kể. Điển hình như chênh lệch mức tăng độ mặn giữa các kịch bản 2, 3 và 4 tại trạm Cát Lái <0,092%, tại trạm Nhà Bè <0,017%.

– Các ranh giới mặn (RGM) được phân chia phục vụ đánh giá như sau: RGM 1 (độ mặn <0,25‰); RGM 2 (độ mặn từ 0,25‰ – 0,5‰); RGM 3 (độ mặn từ 0,5‰ – 1‰); RGM 4 (độ mặn từ 1- 2‰); RGM 5 (độ mặn từ 2- 4‰); RGM 6 (độ mặn từ 4 – 8‰); RGM 7 (độ mặn từ 8 – 18‰) và vùng có độ mặn >18‰. Các kịch bản được phân tích, đánh giá bao gồm: KB1 – hiện trạng, KB 2 (năm 2020, A1FI), KB 5 (năm 2030, A1FI). Kết quả tính toán vùng nước mặt (km) tương ứng với các RGM được tóm tắt như sau:

  KB1 (Hiện trạng) KB2 (A1FI – 2020) KB5 (A1FI – 2030)
Vùng 1 53,5 48,5 44,5
Vùng 2 63 54 52
Vùng 3 9 4 4,5
Vùng 4 4 9,5 11,5
Vùng 5 7 13 10,5
Vùng 6 4 6 6
Vùng 7 15 13,5 13,5
Vùng 8 4km trên sông Lòng
Tàu, toàn bộ sông Đồng Tranh, Thị Vải và Gò Gia (đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai)
6 km sông Lòng Tàu, toàn bộ sông Đồng Tranh, Thị Vải và Gò Gia (đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai). 7,5 km trên sông Lòng Tà
toàn bộ sông Đồng Tranh, Thị Vải và Gò Gia (đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai).

 

  1. Đánh giá tính dễ bị tổn thương do XNM trong bối cảnh BĐKH tại tỉnh Đồng Nai

Nhằm phục vụ đánh giá tính DBTT do XNM trong bối cảnh BĐKH tại tỉnh Đồng Nai, Dự án tiến hành xây dựng Bộ chỉ thị đánh giá thông quan phương pháp kế thừa, tổng hợp tài liệu và tham vấn chuyên gia. Bộ chỉ thị được thiết lập với 43 chỉ thị, phân thành 03 nhóm chính: Mức độ phơi nhiễm (6), mức độ nhạy cảm (17) và khả năng thích ứng với XNM (20). Tính DBTT do XNM trong bối cảnh BĐKH tại tỉnh Đồng Nai được tính toán tổng hợp trên cơ sở chỉ số phơi nhiễm – E, độ nhạy cảm – S và năng lực thích ứng – AC.

Kết quả tính toán trong giai đoạn 2014 – 2030 cho thấy TDBTT giảm qua các năm. Số lượng các xã có chỉ số V ở mức trung bình cao giảm từ 10 (2014) xuống 7 (2020) và 5 (2030). Nhơn Trạch là địa phương dễ bị tổn thương nhất với XNM (V = 55,28 năm 2014); tiếp sau là huyện Long Thành (V = 43,48 năm 2014); Tp Biên Hòa ít tổn thương do XNM nhất trên địa bàn nghiên cứu, duy trì mức độ trung bình thấp trong suốt giai đoạn 2014-2030 (V = 34,55 năm 2014). Nghiên cứu cũng thực hiện tính toán trường hợp giả định S và AC không thay đổi so với hiện trạng. Kết quả cho thấy sự gia tăng chỉ số V theo thời gian; tuy không đáng kể (<3 đơn vị) nhưng thể hiện vai trò quan trọng của chỉ số AC trong hệ thống các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do XNM tại địa phương.

  1. Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của XNM trong bối cảnh BĐKH đến các lưu vực sông tỉnh Đồng Nai

– Xác định nhu cầu thích ứng với XNM: Kết quả phân tích các mắt xích khiếm khuyết cần quan tâm trong công tác thích ứng với XNM trên địa bàn nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng thích ứng (07 khía cạnh)  là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất, sau đó là mức độ phơi nhiễm (03 khía cạnh) và mức độ nhạy cảm (07 khía cạnh). Các khu vực dễ bị tổn thương với XNM bao gồm xã Phú Hữu, Phú Đông, Phước Khánh, Vĩnh Thanh, Long Thọ, Phước An (H. Nhơn Trạch), Long Phước, Phước Bình, Phước Thái, Tân Hiệp (H. Long Thành).

– Các giải pháp nội vi nhằm tăng cường năng lực thích ứng với XNM trên địa bàn tỉnh Đồng Nai: được xây dựng theo các nhóm (i) Giải pháp tăng cường năng lực; (ii) Giải\pháp điều chỉnh; (iii) Giải pháp công nghệ; (iv) Giải pháp cơ chế; (v) Giải pháp về cơ sở hạ tầng; (vi) Giải pháp sinh thái; và (vii) Giải pháp về kinh tế. Trong đó,

  • Nhóm giải pháp công trình: (i) Tăng cường hiệu quả các công trình thủy lợi -cải thiện hiệu quả tưới tiêu nông nghiệp; cải thiện hệ thống thủy lợi; đẩy mạnh hoạt động quan trắc; từng bước tổ chức chống XNM trên địa bàn… (ii) Nâng cao tỷ lệ cấp nước và hiệu quả sử dụng nước (chống thất thoát nguồn nước, tiết kiệm nước).
  • Nhóm giải pháp phi công trình: (i) Truyền thông nâng cao năng lực thích ứng với XNM và BĐKH; (ii) Tăng cường ngân sách, các chương trình, kế hoạch, hoạt động hỗ trợ công tác thích ứng XNM; (iii) Ổn định sản xuất nông nghiệp, công nghiệp thích ứng với XNM; (iv) Đa dạng hóa các giống, phát triển diện tích các cây trồng chịu mặn và các loài thủy sản nước lợ (mặn); (v) Định hướng, hướng dẫn canh tác nông nghiệp thích ứng XNM và BĐKH, chuyển đổi hiệu quả cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ; (vi) Nâng cao chất lượng y tế và giáo dục cho cộng đồng, hạn chế mức độ gia tăng dân số; và (vii) Bảo vệ, duy trì và phát triển mảng xanh (rừng).

– Các giải pháp thích ứng XNM ngoại vi tỉnh Đồng Nai (phạm vi lưu vực sông): (i) Tích cực phối hợp với UBND Tp.HCM nhằm kiểm soát tốt độ mặn trên địa bàn tỉnh thông qua việc điều tiết hồ Dầu Tiếng, Trị An; (ii) Kiến nghị Trung ương xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai vào mùa khô; (iii) Đánh giá tác động của dự án Đê biển Gò Công – Vũng Tàu đến diễn biến độ mặn trên các sông chính tỉnh Đồng Nai; (iv) Thường xuyên cập nhật tình hình các công trình, dự án ngăn triều, ngăn mặn tại hạ lưu sông Đồng Nai; (v) Gắn kết quy hoạch phát triển KTXH trong lưu vực với nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước nói chung và hạn chế XNM nói riêng; và (vi) Thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý môi trường lưu vực, quản lý chất lượng nước mặt -trong đó có vấn đề XNM.

– Đề xuất các đề tài/dự án ưu tiên nhằm tăng cường năng lực thích ứng với XNM trong bối cảnh BĐKH tại tỉnh Đồng Nai: Bằng phương pháp chuyên gia, hội thảo, đánh giá đa tiêu chí, 13 đề tài/dự án nhằm tăng cường năng lực thích ứng với XNM trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được đề xuất và sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025

 

Về Trần Thiếu Nga

Check Also

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là …