Tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp của tỉnh đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Việc ứng dụng máy móc và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm đáng kể chi phí, thời gian và công sức lao động. Từ đó không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Là một trong những hộ chăn nuôi gà đẻ quy mô lớn tại xã Thanh Vân (Tam Dương), từ năm 2017, anh Nguyễn Văn Thiều đã đầu tư chuồng trại và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, trang trại của anh Thiều có 6 chuồng nuôi hiện đại, trong đó có 4 chuồng bán tự động và 2 chuồng tự động hóa hoàn toàn, bao gồm các khâu cho ăn, cung cấp nước, điều hòa nhiệt độ và làm mát với mức đầu tư lên tới hàng tỷ đồng cho mỗi chuồng.

Việc tối ưu hóa quy trình sản xuất đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu lao động tại trang trại. Hiện tại, với quy mô duy trì thường xuyên 7 đến 8 vạn con gà, anh Thiều chỉ cần 6 – 7 lao động để vận hành toàn bộ hệ thống, giảm gần một nửa so với hình thức chăn nuôi truyền thống.

Anh Thiều cho biết: “Giờ đây, một công nhân có thể quản lý 10.000 con gà với chuồng tự động, và khoảng 7.000 – 8.000 con đối với chuồng bán tự động”.

Không chỉ tiết kiệm chi phí nhân công, mô hình chăn nuôi hiện đại còn giúp kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong chuồng trại, hạn chế dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ đẻ trứng đạt trên 90% và kéo dài thời gian khai thác trứng lên tới 24 tháng (vượt trội so với phương thức chăn nuôi truyền thống vốn chỉ đạt 12 – 18 tháng).

Bên cạnh đó, việc sử dụng chuồng kín kết hợp với phương pháp nuôi gà trên lồng còn giúp anh tối ưu hóa mặt bằng, tăng quy mô đàn trên cùng một đơn vị diện tích.

Anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa (huyện Lập Thạch) đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật ngay từ khi bắt tay vào xây dựng mô hình trồng thanh long với diện tích 4ha.

Với sự hỗ trợ của tỉnh, hiện anh đã đưa vào vận hành hệ thống tưới nước và bón phân tự động, cùng hệ thống IoT giám sát và dự báo khí hậu nông nghiệp phục vụ canh tác. Hệ thống này được kết nối với máy tính và điện thoại thông minh, cho phép theo dõi độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng đất… từ đó, anh Thành có thể kịp thời nắm bắt tình hình sinh trưởng của cây trồng, điều chỉnh chế độ tưới tiêu, bón phân phù hợp.

Việc áp dụng công nghệ số và tối ưu hóa quy trình sản xuất đã giúp anh Thành giảm tới 30% nhân công cho khâu tưới tiêu và bón phân; tiết kiệm 30 – 40% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất.

HTX Nông sản Tam Dương (thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương) ứng dụng công nghệ 4.0 trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Thực tế cho thấy, việc tối ưu hóa quy trình sản xuất thông qua ứng dụng máy móc và công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí, sức lao động mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thiếu hụt lao động nông thôn và yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đón bắt xu thế sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, những năm qua, tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ thiết thực về vốn, đào tạo kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp và nông hộ liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng mô hình mẫu…

Nhờ đó, cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong trồng trọt. Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt trong lĩnh vực giống và quy trình canh tác như hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)…

Trong chăn nuôi, các trang trại quy mô lớn cũng đã áp dụng công nghệ chuồng kín, sử dụng thức ăn công nghiệp, hệ thống máng ăn, uống tự động… qua đó góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp tại tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn ít, chủ yếu mới được triển khai ở một số khâu sản xuất, chưa mở rộng đến khâu chế biến và tiêu thụ.

Phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; tập quán và ý thức sản xuất của một bộ phận người dân còn tự phát, thiếu liên kết; nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho máy móc, công nghệ hiện đại vẫn cao, vượt quá khả năng của số đông bà con nông dân.

Tối ưu hóa quy trình sản xuất được xem là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Do đó, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, người dân cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, chủ động tiếp cận công nghệ mới, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Coi tối ưu hóa quy trình sản xuất không chỉ là giải pháp mà còn là cơ hội giúp nông nghiệp Vĩnh Phúc chuyển mình mạnh mẽ, từng bước hướng tới nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại và bền vững.

Nguồn: Baomoi.com

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Gỡ nút thắt giảm nghèo từ chuyển đổi cây trồng ở Yên Sơn

Trên những quả đồi trước đây chỉ trồng ngô sắn cằn cỗi, nay phủ xanh …