Từ những luống rau sạch tới những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên trên những cánh đồng doanh thu hàng tỷ đồng – huyện Yên Mô đang chứng minh rằng nếu có quyết tâm, tư duy mới, nông thôn hoàn toàn có thể trở thành vùng đất khởi nghiệp và thịnh vượng.
Yên Mô là huyện nông nghiệp truyền thống của tỉnh Ninh Bình, những năm qua đang dần lột xác nhờ bước chuyển mình mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất.
Chỉ trong vài năm qua, hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả ra đời, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ của các HTX với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Hành trình này không chỉ cho thấy sức sống của nông thôn mới mà còn là minh chứng cho tinh thần sáng tạo, vượt khó của người nông dân.
Miền đất khởi nghiệp nông nghiệp
Yên Mô là một trong những huyện có địa hình bán sơn địa, nhiều vùng trũng thấp, trước kia thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập úng, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết. Giai đoạn trước năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện vẫn còn cao, nhiều xã trong diện đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, với các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, bộ mặt sản xuất nông nghiệp của Yên Mô đã thay đổi rõ rệt.
Từ những cánh đồng trũng, người dân đã mạnh dạn chuyển sang mô hình canh tác kết hợp thủy sản, trồng cây ăn quả, lúa chất lượng cao… Trong quá trình đó, các HTX đã đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ và đưa khoa học công nghệ vào đồng ruộng.
Một trong những điểm sáng của huyện là HTX Nông sản sạch Yên Hòa (xã Yên Hòa). Thành lập năm 2018 với chỉ 10 thành viên, đến nay HTX đã phát triển lên hơn 70 hộ tham gia, sản xuất trên diện tích hơn 50 ha lúa hữu cơ và rau an toàn.
Với phương châm “Sạch từ đất – Chuẩn từ giống – An toàn đến tay người tiêu dùng”, HTX Yên Hòa đã đầu tư hệ thống nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản và máy móc hiện đại phục vụ canh tác.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, đại diện HTX, chia sẻ: “Chúng tôi xác định rõ từ đầu là muốn làm nông nghiệp phải gắn với thị trường. Vì vậy, ngay từ khâu giống, quy trình canh tác, thu hoạch đều có sự giám sát chặt chẽ. Chúng tôi cũng ký hợp đồng bao tiêu với các đơn vị ở Hà Nội và TP.HCM, nên đầu ra ổn định, giá bán cao hơn hẳn so với trước”.
Nhờ đó, doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí đạt trên 1 tỷ đồng. Nhiều hộ dân trong xã Yên Hòa từng thuộc diện hộ nghèo, nay đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm nhờ trồng rau hữu cơ và lúa Nhật theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vươn lên nhờ đổi mới tư duy
Tương tự, ở xã Yên Mạc, nơi trước kia nổi tiếng với làng nghề truyền thống chế biến nông sản khô, một làn gió mới đã thổi vào từ khi HTX Chăn nuôi tổng hợp Yên Mạc được thành lập năm 2020. Tận dụng diện tích đất vườn đồi và vùng chăn nuôi tập trung, HTX triển khai mô hình chăn nuôi gà thả đồi, lợn sinh học và kết hợp trồng dược liệu dưới tán cây ăn quả.
Chị Nguyễn Thị Lan, Giám đốc HTX, cho biết: “Tôi sinh ra ở đây, từng chứng kiến người dân chật vật với vài sào ruộng, không đủ ăn. Khi học xong đại học nông nghiệp, tôi trở về quê với mong muốn làm điều gì đó khác biệt. HTX ra đời từ khát vọng đó”.
Không chỉ chăn nuôi sạch, HTX còn ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, sử dụng hệ thống camera theo dõi chuồng trại, cung cấp thông tin qua mã QR cho từng sản phẩm. Năm 2024, doanh thu của HTX đạt hơn 7 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương, thu nhập bình quân đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Hay như tại xã Khánh Thượng, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Thượng là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Với diện tích 12 ha nhà lưới, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, HTX chuyên sản xuất rau quả cao cấp như cà chua cherry, dưa lưới, dưa chuột baby… theo quy trình hữu cơ.
“Chúng tôi không làm nông nghiệp truyền thống mà xác định rõ đây là kinh doanh nông nghiệp. Việc đầu tư bài bản ngay từ đầu giúp HTX đủ tiêu chuẩn cung ứng cho các siêu thị lớn như Big C, WinMart và đang đàm phán xuất khẩu sang Nhật Bản”, đại diện HTX chia sẻ.
Nhờ mô hình hiện đại, hiệu quả cao, doanh thu hàng năm của HTX lên tới 10 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 2 tỷ. HTX cũng tổ chức các tour trải nghiệm nông nghiệp cho học sinh, sinh viên và khách du lịch, góp phần quảng bá sản phẩm và tăng giá trị dịch vụ.
Hợp lực để vươn xa
Dễ nhận thấy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo ở Yên Mô có dấu ấn đậm nét của các HTX, tổ hợp tác. Đây là kết quả của chính sách hỗ trợ thiết thực từ ban ngành tỉnh, địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, trong 3 năm qua, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ hơn 10 HTX tại Yên Mô thông qua các chương trình mục tiêu, mô hình thí điểm và gói hỗ trợ kỹ thuật – tài chính.
Các nội dung hỗ trợ tập trung vào những mảng thiết yếu như: Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị HTX, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh bền vững; Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất: nhà màng, hệ thống tưới tự động, giống cây trồng, thiết bị sơ chế bảo quản nông sản; Kết nối thị trường tiêu thụ nông sản, đưa sản phẩm HTX lên sàn thương mại điện tử, tham gia hội chợ, kết nối với siêu thị; Hỗ trợ xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.
Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, một trong những trọng tâm được Liên minh HTX Việt Nam triển khai ở Yên Mô là thúc đẩy tư duy đổi mới trong quản trị HTX. Các lớp tập huấn về quản lý điều hành, kế toán HTX, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tiếp cận thị trường… được tổ chức định kỳ tại địa phương với sự tham gia của hàng trăm lượt cán bộ, thành viên HTX.
Bên cạnh đó, một số chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ cho sản phẩm HTX cũng đang được thí điểm tại huyện Yên Mô. Một số HTX như HTX Chăn nuôi tổng hợp Yên Mạc, HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Hưng… đã đăng ký nhãn hiệu, mã số vùng trồng và xúc tiến quảng bá trên sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart.
Không chỉ riêng lẻ từng HTX, tại Yên Mô, nhiều xã đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản giữa các HTX với doanh nghiệp và nhà phân phối lớn. Huyện đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển HTX kiểu mới, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đầu tư hạ tầng sản xuất và xúc tiến thương mại.
Hướng tới giai đoạn 2025 – 2030, huyện Yên Mô xác định tiếp tục nhân rộng các mô hình HTX có doanh thu cao, đầu tư mạnh vào ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại điện tử và du lịch nông nghiệp. Đồng thời, huyện chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ, thu hút trí thức trẻ về làm việc tại HTX, hình thành đội ngũ “nông dân công nghệ” thời đại mới.
Nguồn: Baomoi.com