Trên những quả đồi trước đây chỉ trồng ngô sắn cằn cỗi, nay phủ xanh bởi màu xanh bạt ngàn của bưởi, cam, chè đặc sản…, Yên Sơn (Tuyên Quang) đang từng bước thoát khỏi cái bóng nghèo đói bằng sự đổi mới tư duy sản xuất và liên kết chặt chẽ giữa nông dân với HTX.
Huyện Yên Sơn – vùng đất đồi trung du rộng lớn với hơn 91.000 ha tự nhiên, phần lớn là đồi núi và đất lâm nghiệp, từng là địa phương nghèo khi phần lớn người dân sống phụ thuộc vào các loại cây trồng truyền thống như ngô, sắn, keo… cho hiệu quả kinh tế thấp.
Bước ngoặt chuyển đổi
Nhận diện rõ những rào cản này, từ năm 2015, Yên Sơn bắt đầu triển khai đồng bộ các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân thay thế những loại cây kém hiệu quả bằng các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, cam, chè, nhãn…
Điều đáng chú ý ở Yên Sơn là quá trình chuyển đổi cây trồng không chỉ là câu chuyện giống cây, mà là thay đổi cả tư duy làm nông nghiệp. Huyện tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết với các doanh nghiệp và đặc biệt là phát triển mô hình HTX nông nghiệp để dẫn dắt người dân làm ăn bài bản.
Kết quả, đến năm 2024, toàn huyện đã hình thành được hàng trăm ha vùng chuyên canh bưởi đặc sản, hơn 700 ha chè chất lượng cao, nhiều mô hình trồng cam, nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ chỗ thu nhập bấp bênh, giờ đây nhiều hộ đã có doanh thu hàng trăm triệu mỗi năm. Nhưng điều đáng nói hơn, là chính các HTX đã trở thành “bà đỡ” giúp người nông dân không chỉ sản xuất giỏi, mà còn làm giàu bền vững.
Giữa vùng đất xã Trung Trực, nơi từng chỉ có rừng keo và nương sắn bạc màu, HTX nông nghiệp Trung Trực nổi lên như một điểm sáng điển hình trong phong trào chuyển đổi sản xuất.
Thành lập từ năm 2019, HTX đã liên kết hơn 60 hộ dân chuyển đổi gần 50 ha đất đồi sang trồng bưởi Diễn, cam Vinh và chè giống mới. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, tưới nhỏ giọt, cùng quy trình chăm sóc đạt chuẩn VietGAP, các loại cây trồng của HTX đều cho năng suất, chất lượng vượt trội.
Đòn bẩy từ nông nghiệp hàng hóa
Ông Nguyễn Văn Sơn – đại diện HTX Trung Trực cho hay HTX không chỉ cung cấp giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho thành viên, mà còn tổ chức bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Mỗi vụ thu hoạch, HTX còn mở rộng sang khâu sơ chế, đóng gói và bán hàng qua sàn thương mại điện tử.
Nhờ đó, doanh thu bình quân mỗi năm của HTX đạt trên 4 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 35 lao động thường xuyên với mức thu nhập 6 – 8 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, nhiều hộ trước đây thuộc diện cận nghèo nay đã vươn lên khá giả nhờ trồng bưởi và chè dưới sự dẫn dắt của HTX.
Tương tự, tại xã Kim Phú – nơi từng có tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 20%, HTX dịch vụ nông nghiệp Kim Phú đã chứng minh rằng, chỉ cần đi đúng hướng, người nông dân hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống.
Thời gian qua, HTX phát triển mô hình sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả, sơ chế nông sản. Điều đặc biệt là HTX đã xây dựng được vùng trồng rau theo quy trình hữu cơ rộng hơn 30 ha, cung ứng đều đặn cho chuỗi siêu thị lớn và các trường học tại Tuyên Quang.
Bà Hoàng Thị Nhàn – một trong những thành viên HTX chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ trồng rau nhỏ lẻ, đem ra chợ bán lẻ từng mớ. Giờ thì làm theo đơn đặt hàng, có kỹ thuật viên hướng dẫn, sản phẩm bán với giá cao gấp 2 – 3 lần trước. Thu nhập ổn định, gia đình tôi thoát nghèo sau 2 vụ rau”.
Không dừng lại ở trồng trọt, HTX Kim Phú còn đào tạo nghề cho lao động nữ, hỗ trợ vốn vay sản xuất, mở rộng sản phẩm qua kênh online. Đến nay, HTX đã có gần 80 thành viên chính thức, doanh thu mỗi năm trên 5 tỷ đồng, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống dưới 5%.
Một mô hình khác đang phát huy hiệu quả là HTX nông lâm nghiệp hữu cơ Tân Tiến (xã Tân Tiến), với sản phẩm chủ lực là chè Shan tuyết và tinh dầu thảo dược. Thay vì chỉ thu mua nguyên liệu thô, HTX đầu tư dây chuyền chế biến, xây dựng thương hiệu riêng, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT như Postmart, Voso, Shopee…
Nhờ định hướng đúng, HTX Tân Tiến hiện đạt doanh thu gần 6 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động địa phương. Đáng chú ý, hơn 70% lao động là người dân tộc thiểu số, nhiều hộ nhờ đó thoát nghèo bền vững.
Định hướng đi bền vững
Theo thống kê của UBND huyện Yên Sơn, đến hết năm 2024, toàn huyện đã có hơn 40 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó có 12 HTX đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. Tổng số lao động có việc làm thường xuyên qua các HTX đạt trên 1.000 người, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn dưới 7%.
Có thể thấy, HTX là một trong những lực lượng nòng cốt để phát triển nông nghiệp hàng hóa, đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất tại Yên Sơn. Để có được kết quả này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ địa phương, thì những chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chương trình tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hàng chục HTX tại huyện Yên Sơn. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công hỗ trợ kinh phí tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm cho HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu (xã Thái Bình).
Nhằm giúp các HTX tại Yên Sơn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm và lễ ký kết hợp đồng đại lý bao tiêu sản phẩm cho 26 HTX, tổ hợp tác với 1 HTX phân phối, bán lẻ.
Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã tích cực hỗ trợ các HTX tại Yên Sơn trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Có thể nói, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá cả thị trường nông sản nhiều biến động, việc xây dựng các chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín, hiệu quả, do HTX làm trung tâm đang được xem là hướng đi chiến lược ở Yên Sơn. Từ những quả đồi nghèo khó, giờ đây nông dân huyện Yên Sơn đang nắm bắt cơ hội, làm chủ cuộc sống bằng tinh thần hợp tác và đổi mới.
Nguồn: Baomoi.com