Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS. TS Nguyễn Văn Thọ
Đồng chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Lê Minh Công
và các công sự
Cơ quan chủ trì nhiệm vụ: Hội khoa học Tâm lý – giáo dục Đồng Nai
Mục tiêu của nhiệm vụ:
+ Mục tiêu chung:
Nghiên cứu thực trạng, xây dựng và thử nghiệm mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên nghiện Internet – game online tại Đồng Nai, từ đó đề ra các giải pháp tổng thể trong việc dự phòng tình trạng nghiện Internet – game online và can thiệp làm giảm các trường hợp nghiện internet – game online.
+ Mục tiêu cụ thể:
- Khảo sát thực trạng nghiện Internet – game online ở thanh thiếu niên tại Đồng Nai.
- Xây dựng mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên nhằm giảm nghiện Internet – game online tại tỉnh Đồng Nai.
Kết quả nghiên cứu:
- Thực trạng nghiện Internet – game online và đề xuất mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên nhằm giảm nghiện Internet – game online tại Đồng Nai
+ Tỷ lệ nghiện Internet – game online ở thanh thiếu niên tại Đồng Nai.
Tỷ lệ nghiện Internet ở thanh thiếu niên tại Đồng Nai theo nghiên cứu là 10.09%, trong đó tỷ lệ nghiện Internet ở mực độ nhẹ chiếm 71.7%, tỷ lệ nghiện Internet ở mức độ trung bình/vừa chiếm 26.8%, tỷ lệ nghiện Internet ở mức độ nặng là 1.6%.
Tỷ lệ nam giới nghiện Internet cao gấp 2.5 lần so với nữ giới (72.4% và 27.6%).
Tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện Internet ở thành thị cao gấp đôi so với ở nông thôn hoặc miền núi (11,56%; 5,95% và 5,75%).
Thanh thiếu niên nghiện Internet đa phần là học sinh (60.6%), và sinh viên (32.3%).
Thanh thiếu niên nghiện Internet đa phần có học lực trung bình (42.4%) và khá (28.2%).
+ Biểu hiện tâm lý của thanh thiếu niên nghiện Internet.
Thanh thiếu niên nghiện Internet có biểu hiện tâm lý khó khăn ở tất cả các trạng thái hơn so với bình thường. Các khó khăn tập trung thường là:1) Mất kiểm soát về thời gian sử dụng Internet;2) Ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội; 3) vấn đề khó khăn cảm xúc (triệu chứng như hội chứng cai); 4) Sức chịu đựng sử dụng Internet ngày càng gia tăng.
+ Thực trạng nghiện Internet – game online ở thanh thiếu niên tại Đồng Nai.
Thanh thiếu niên nghiện Internet thường sử dụng Internet một ngày từ 1 – 3 giờ (44.9%), đồng thời, có nhiều em sử dụng Internet từ 3 – 5 giờ một ngày (25.2%), thậm chí có nhiều em sử dụng trên 5 giờ một ngày (19.7%). Như vậy, thanh thiếu niên nghiện Internet thường dành rất nhiều thời gian một ngày để sử dụng Internet.
Thanh thiếu niên nghiện Internet thường truy cập/sử dụng Internet vào buổi tối (45.2%), buổi chiều (21.7%) và buổi trưa (21%).
Đa phần thanh thiếu niên nghiện Internet bắt đầu sử dụng Internet khi đang là học sinh THCS (35.7%), có nhiều em bắt đầu biết sử dụng Internet từ khi đang là học sinh tiểu học (19.1%).
Hình 1. Tỷ lệ nghiện game theo giới
Thanh thiếu niên nghiện Internet biết đến Internet chủ yếu là do tự tìm hiểu (28.0%) và do bạn bè giới thiệu (24.8%).
Thanh thiếu niên nghiện Internet thường sử dụng các ứng dụng: vào các trang mạng xã hội (54.8%), chơi trò chơi trực tuyến (46.0%), giải trí (40.8%), tán gẫu (35%), lướt web để đọc tin tức (35%).
Thanh thiếu niên nghiện Internet thường truy cập Internet tại nhà (52.9%) và tại tiệm Internet (44.6%) và thường truy cập bằng máy tính để bàn (54.8%) và điện thoại di động có kết nối Internet (42.0%). Chính vì thế, thanh thiếu niên nghiện Internet chi trả tiền cho một tháng sử dụng Internet tương đối ít, dưới 300 ngàn (65.4%). Tuy nhiên, cũng có nhiều em sử dụng số tiền trên 5 triệu một tháng cho các dịch vụ liên quan đến Internet (2.4%).
Đa số thanh thiếu niên nghiện Internet có hoạt động off – line, và thường off – line để gặp gỡ bạn bè (45.9%).
+ Nhận thức của các nhóm khách thể nghiên cứu về các yếu tố nguyên nhân gây nghiện Internet – game online ở thanh thiếu niên.
Thanh thiếu niên nghiện Internet thường cho rằng, lý do mình mong muốn sử dụng Internet là do: 1) Dễ tiếp cận thông tin, không tốn nhiều công sức để tìm kiếm (63%); 2) Sử dụng Internet do nhu cầu giao lưu học hỏi (41.1%); 3) Internet có chức năng về âm thanh, xem phim, nghe nhạc mà thanh thiếu niên thích (38.6%); 4) Internet giúp thỏa mãn nhu cầu kết bạn, mở rộng quan hệ (37.0%); 5) Sử dụng Internet là cách để giải tỏa nỗi cô đơn, sự “cô lập” và sự thiếu quan tâm của cha mẹ, bạn bè (35.4%); 6) Internet giúp thoát khỏi những căng thẳng từ cuộc sống gia đình và những áp lực từ cuộc sống, học tập trong nhà trường hoặc áp lực từ gia đình (34.6%).
Phụ huynh và giáo viên thường cho rằng thanh thiếu niên nghiện Internet là do bạn bè rủ rê, do thiếu các sân chơi lành mạnh, do Internet có nhiều chức năng cuốn hút giới trẻ, do tò mò. Giáo viên cho rằng thanh thiếu niên nghiện Internet còn do vấn đề thất bại trong học tập, hay nghề nghiệp.
Chủ tiệm Internet thường cho rằng, thanh thiếu niên nghiện Internet là do thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ (69.6%), thiếu sân chơi thực tế dành cho các em (45.7%), các trò chơi trên mạng thu hút các em (56.5%).
Từ việc khảo sát chéo giữa các nhóm khách thể về nhận thức của họ tại sao thanh thiếu niên nghiện Internet, chúng tôi cho rằng, thanh thiếu niên nghiện Internet chủ yếu là do chức năng của Internet có nhiều lợi ích, cuốn hút với giới trẻ, thanh thiếu niên thiếu sự quan tâm, chia sẻ từ cha mẹ và bạn bè, người thân, do thiếu sân chơi ở thực tế, sử dụng Internet như một cách thoát khỏi những áp lực từ học tập, cuộc sống, từ sự cô đơn ở cuộc sống thực.
+ Nhận thức của các nhóm khách thể nghiên cứu về ảnh hưởng của tình trạng nghiện Internet – game online đến thanh thiếu niên.
Thanh thiếu niên nghiện Internet – game online thường bị ảnh hưởng đến vấn đề đau nhức cơ thể (nhất là vùng mắt và vùng đầu), khó khăn về cảm xúc (mệt mỏi, căng thẳng), khó khăn về nhận thức (khó tập trung chú ý), và giấc ngủ.
Nghiện Internet – game online ảnh hưởng đối với thanh thiếu niên bao gồm: giảm thời gian tham gia các hoạt động thực tế, thầy cô giáo than phiền về thành tích học tập, công việc, ít dành thời gian nói chuyện với anh chị em, bạn bè, thành tích học tập – công việc bị giảm sút, không muốn giao tiếp với người xung quanh.
Thanh thiếu niên nghiện Internet thường chia sẻ nhân dạng cá nhân trên mạng Internet, chia sẻ hình ảnh cá nhân trên mạng, liên hệ điện thoại với bạn trên Internet, hẹn hò với bạn trên Internet, nhận được lời đề nghị gặp mặt trực tiếp với bạn trên Internet, nhận được lời đề nghị quan hệ tình cảm trên mạng Internet.
Giáo viên và phụ huynh thường cho rằng, thanh thiếu niên nghiện Internet thường ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, thành tích học tập –công việc, mối quan hệ, tính cách cá nhân và các vấn đề hành vi chống đối xã hội.
+ Nhận thức của giáo viên, phụ huynh, và chủ tiệm Internet về các giải pháp phòng ngừa, can thiệp thanh thiếu niên nghiện Internet – game online ở Đồng Nai.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại Đồng Nai cũng như trên cả nước hiện nay chưa có bất cứ mô hình dự phòng và can thiệp với thanh thiếu niên nghiện Internet – game online. Các hoạt động mang tính dự phòng chỉ mới manh nha, mang tính chất phong trào như tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, khuyên nhủ các em chứ chưa đi vào chuyên sâu như các mô hình thay đổi nhận thức – hành vi như trên thế giới đã làm. Các hoạt động can thiệp thì dường như chưa có. Tại Việt Nam, đã có một số mô hình can thiệp, nhưng vẫn chưa hệ thống và chưa có nghiên cứu thực chứng, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của các bác sĩ, hay những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tại Đồng Nai chưa có mô hình can thiệp nào cho thanh thiếu niên nghiện Internet – game online.
Qua tham khảo các mô hình dự phòng, can thiệp, điều trị nghiện Internet – game online ở một số nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa kỳ và Hàn quốc(xem phần cơ sở lý luận), đồng thời, qua khảo sát thực trạng nghiện Internet – game online ở Đồng Nai, chúng tôi xây dựng một mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa nước ta nói chung, và đặc biệt ở tỉnh Đồng Nai nói riêng. Mô hình sẽ được thể hiện trên sơ đồ như sau:
Hình 2. Sơ đồ mô hình can thiệp, phòng ngừa nghiện Internet – game online ở thanh thiếu niên tại Đồng Nai
- Trình bày và đánh giá kết quả thử nghiệm mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên giảm nghiện internet – game online
Hình 3. Giới tính và tuổi của mẫu thực nghiệm là thanh thiếu niên nghiện Internet – game online
Từ kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và thực trạng nghiện Internet – game online tại Đồng Nai, chúng tôi đề xuất mô hình và đã thực nghiệm một số hoạt động của mô hình cho thấy có hiệu quả rõ rệt sau thời gian thực nghiệm. Mô hình đề xuất là một mô hình với một mạng lưới đa dạng từ nhà trường, trung tâm chuyên biệt, các tổ chức xã hội và gia đình và thành tố hỗ trợ chủ yếu là thanh thiếu niên. Tiếp cận mô hình của chúng tôi không chỉ tập trung vào các hoạt động can thiệp đa dạng với các mức độ điều trị từ hóa dược và tâm lý mà còn tập trung vào các hoạt động phòng ngừa đa dạng bằng các hoạt động hỗ trợ tại trường học, nâng cao nhận thức – hành vi dành cho cả phụ huynh và chính các em học sinh. Chúng tôi coi mô hình tập trung vào hoạt động phòng ngừa là chủ yếu và quyết định. Một trung tâm chuyên chuyên biệt là linh hồn của mô hình, có sự phối hợp điều trị với Bệnh viện Tâm thần, sự phối hợp trong các hoạt động đánh giá, sàng lọc và phòng ngừa với trường học, các tổ chức xã hội (Đoàn thanh niên) là định hướng mô hình hỗ trợ nhằm giảm nghiệm Internet – game online ở thanh thiếu niên tại Đồng Nai mà chúng tôi đề xuất.
Hình 4. Ý kiến của phụ huynh tham gia thực nghiệm về nguyên nhân nghiện Internet ở thanh thiếu niên