Phân cấp giám sát dịch bệnh tổ yến: Bước then chốt thúc đẩy xuất khẩu

Việc giao quyền chủ động giám sát cho địa phương, theo Cục trưởng Dương Tất Thắng, giúp tiết kiệm chi phí, nâng hiệu quả quản lý và gỡ điểm nghẽn lớn cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu tổ yến tiềm năng nhất của Việt Nam, Nghị định thư vừa ký giữa hai nước hồi tháng 4/2025 được kỳ vọng sẽ tạo đà bứt phá cho ngành hàng có giá trị gia tăng cao này.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng đó, vấn đề giám sát dịch bệnh tại các nhà yến nổi lên như một “hàng rào kỹ thuật”. Việc phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho các Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh, thay vì quản lý theo vùng như hiện tại, được xem là hướng đi then chốt nhằm giảm chi phí, rút ngắn quy trình và nâng cao tính chủ động cho cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng.

Cục trưởng Dương Tất Thắng: ‘Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để phát triển ngành hàng yến’. Ảnh: Bảo Thắng.

Nâng cao yêu cầu nhưng nới mở trách nhiệm

Tại Hội nghị triển khai Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc sáng 8/5 do Cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức, nhiều điểm mới trong nghị định thư được phân tích kỹ lưỡng. So với phiên bản năm 2022, văn bản năm 2025 bổ sung thêm một số yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn từ phía Trung Quốc.

Cụ thể, chỉ tiêu nhôm được bổ sung nhằm phát hiện khả năng dùng chất tẩy trong sơ chế tổ yến, bên cạnh đó là yêu cầu giám sát thêm bệnh Newcastle cùng với cúm gia cầm như trước.

Đặc biệt, phía Trung Quốc đã bỏ yêu cầu về giấy chứng nhận xuất xứ mà chỉ đòi hỏi duy nhất giấy kiểm dịch động vật. Điều này vừa giảm một bước thủ tục cho doanh nghiệp, nhưng cũng đồng nghĩa rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong truy xuất nguồn gốc và giám sát dịch bệnh ngay từ khâu đầu vào.

Về phía Việt Nam, do chưa có quy trình giám sát an toàn thực phẩm với tổ yến thô – sản phẩm vừa được Trung Quốc mở cửa xuất khẩu chính ngạch, cơ quan quản lý đang tạm áp dụng phương pháp tương tự tổ yến sạch, với tần suất lấy mẫu 2 lần/năm. Các chỉ tiêu phân tích gồm nitrit, nhôm, chì, thủy ngân.

“Trung Quốc chưa ban hành mẫu giấy kiểm dịch theo Nghị định thư mới. Để duy trì hoạt động và không gián đoạn chuỗi thương mại, hai bên thống nhất tiếp tục sử dụng mẫu giấy ký từ năm 2022 trong thời gian chờ thống nhất mẫu mới, dự kiến sẽ hoàn tất trong 1-2 tháng tới”, bà Trần Thị Thu Phương, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông, Cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ.

Việc xét nghiệm tổ yến cũng đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về xử lý nhiệt, trong đó doanh nghiệp phải đảm bảo nhiệt độ và thời gian phù hợp để tiêu diệt hoàn toàn virus cúm gia cầm và bệnh Newcastle. Bên cạnh đó, phía nhập khẩu còn đánh giá thêm các chỉ tiêu về cảm quan, mẫu mã, bao bì đóng gói… đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan giám sát và cơ sở sản xuất.

Hội nghị sáng 8/5 thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp trong ngành hàng yến. Ảnh: Bảo Thắng.

Đề xuất đổi mới mô hình giám sát 

Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng nhìn nhận, để gỡ nút thắt trong việc giám sát dịch bệnh – một trong những điều kiện bắt buộc để tổ yến được phép xuất khẩu – mô hình phân cấp giám sát dịch bệnh cho địa phương là giải pháp phù hợp nhất hiện nay.

Thay vì phụ thuộc vào hệ thống chi cục vùng vốn dàn trải và tốn kém, doanh nghiệp có thể chủ động phối hợp với chi cục thú y cấp tỉnh để lấy mẫu giám sát định kỳ tại từng nhà yến. Các đơn vị vùng sẽ giữ vai trò hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát chất lượng đầu ra.

Mô hình này không những tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp mà còn bám sát điều kiện thực tiễn từng địa phương. Điều này cũng phù hợp với định hướng phân cấp mạnh cho địa phương, trong mô hình chính quyền 2 cấp đang được triển khai trên cả nước.

Thực tế, từ khi ký Nghị định thư về tổ yến với Trung Quốc vào năm 2022, đến cuối năm 2023, Việt Nam mới có doanh nghiệp đầu tiên được phê duyệt đủ điều kiện xuất khẩu. Trong năm 2024, tổng lượng tổ yến Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt khoảng 4 tấn, chiếm chưa đầy 5% dung lượng thị trường. Hiện cả nước có 13 doanh nghiệp được phía bạn chấp thuận. Những con số này cho thấy việc kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc và chuẩn hóa quy trình sản xuất vẫn còn là rào cản lớn cần tháo gỡ.

Vấn đề càng trở nên cấp thiết khi trong thực tế, chỉ khoảng 25% nhà yến có chim về làm tổ, dẫn đến tổn thất lớn nếu không khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên đúng cách. “Việc quy hoạch lại ngành yến, đăng ký nhà yến, tích hợp các tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ, sinh học sẽ tạo nền tảng vững chắc để ngành phát triển bền vững”, ông Thắng nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Avanest Việt Nam cho rằng, giá của tổ yến Việt Nam vẫn còn cao so với sản phẩm từ Malaysia, Indonesia. Ảnh: Bảo Thắng.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Avanest Việt Nam (đơn vị xuất khẩu lô hàng yến đầu tiên sang Trung Quốc), rào cản không chỉ nằm ở kiểm dịch.

“Chất lượng tổ yến Việt Nam được đánh giá cao, nhưng nhiều cơ sở vẫn thiếu thiết bị sơ chế hiện đại, dẫn đến màu sắc tổ không đồng đều, dễ gây hiểu nhầm về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, thương hiệu yến Việt còn mờ nhạt tại Trung Quốc, chưa có sự nhận diện rõ ràng như các sản phẩm từ Malaysia hay Indonesia – những quốc gia đã có hàng chục năm kinh nghiệm xuất khẩu yến”, bà Hà bày tỏ.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cũng nhấn mạnh, rằng ngành yến có tính chất đặc thù cao. Việc nuôi yến dựa trên tập tính hoang dã, không thể thuần hóa hay kiểm soát sinh sản, dịch bệnh như vật nuôi thông thường. Vì vậy, không thể áp dụng mô hình quản lý dịch bệnh truyền thống, càng không thể chuẩn hóa quy trình như các ngành chăn nuôi khác. Đây là thách thức nhưng cũng là điểm tạo nên giá trị đặc biệt của tổ yến Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu và quan tâm nhiều hơn thị trường nội địa

Cùng với mục tiêu xuất khẩu, người đứng đầu Cục Chăn nuôi và Thú y cũng nhấn mạnh đến việc phát triển thị trường nội địa cho tổ yến, điều lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ.

Theo ông Dương Tất Thắng, nếu các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đầu tư công nghệ chế biến, minh bạch quy trình sản xuất và kiểm dịch, thì hoàn toàn có thể chinh phục người tiêu dùng trong nước.

Ông dẫn chứng: “Chúng ta đi Nhật thì có bò Kobe, sang Hàn là bò Hanwoo, vậy tại sao lại không thể mơ đến một ngày tổ yến Việt Nam được biết đến ngay tại Nội Bài như một biểu tượng quốc phẩm?”

Sản phẩm tổ yến có giá trị kinh tế cao và được xem là động lực thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Ảnh: BT.

Muốn vậy, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc đầu tư hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, và phát triển thương hiệu quốc gia cho tổ yến.

Ông Hồng Đình Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, chỉ cần cải thiện thêm một tông trắng cho tổ yến, giá trị có thể tăng thêm cả triệu đồng mỗi tổ. Điều này đòi hỏi sự nâng cấp công nghệ, tinh tế trong sơ chế, và hiểu rõ thị hiếu thị trường.

Điểm nhấn cuối cùng trong nhóm giải pháp thời gian tới được Cục trưởng Thắng nêu, là tinh thần đồng hành giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định sẽ tiếp tục lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong giải quyết các vướng mắc kỹ thuật.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm cùng hiệp hội, địa phương và cơ quan quản lý đảm bảo yêu cầu kiểm dịch, tuân thủ quy trình và chuẩn hóa thông tin công bố, nhất là vấn đề liên quan đến tỷ lệ thành phần yến trong sản phẩm cuối.

Nếu tự khai tỷ lệ yến trên 1%, doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của cơ quan thẩm quyền, theo quy định của Lệnh 248. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tự công bố dưới 1%, họ có thể đăng ký trực tiếp qua hệ thống CIFER. “Quy định đã rõ, điều quan trọng là minh bạch và trách nhiệm từ phía người sản xuất”, ông Thắng kết luận.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Nâng sức cạnh tranh cho gạo Việt

Thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa …