Những năm qua, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Thể hiện rõ vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, các cấp Hội Nông dân (HND) trên toàn tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, những vườn ổi ở xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy cho hiệu quả kinh tế cao.
“Điểm tựa” vững chắc
Năm 2023, từ định hướng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa, Chi hội trồng trọt xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thuỷ được thành lập với 15 thành viên. Ngay sau khi thành lập, Chi hội đã nhận được sự hỗ trợ của HND tỉnh với 1.800kg phân bón cùng khoản vay 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện triển khai dự án “Nâng cao chất lượng ổi quả”. Từ kết quả khả quan bước đầu, năm 2024 HND huyện chỉ đạo HND xã phát triển mô hình và thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ xã Hoàng Xá. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh cây ổi theo hướng an toàn và quy trình VietGAP; đồng hành, hướng dẫn HTX lập hồ sơ, thủ tục chứng nhận OCOP cho quả ổi Hoàng Xá.
Đồng chí Đào Công Hoàng – Chủ tịch HND xã Hoàng Xá cho biết: “Với mục tiêu tiếp sức cho hội viên phát triển sản xuất bền vững, năm 2024, HTX tiếp tục được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ vật tư, phân bón và giải ngân 500 triệu đồng cho 10 hộ vay vốn. Ngoài ra, HND huyện cũng quay vòng nguồn quỹ 300 triệu đồng cho 6 hộ vay chăm sóc, nâng cao chất lượng vườn ổi. Nhờ đó, diện tích trồng ổi của HTX đã tăng từ 10ha lên hơn 14ha. Chính quyền, HND xã đang xây dựng kế hoạch tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm ở các tỉnh để nâng cao trình độ sản xuất cho các hội viên”.
Nhiều năm nay, táo xanh được xem là cây trồng lợi thế của huyện Thanh Sơn, trong đó chủ lực ở xã Lương Nha, nổi bật là mô hình trồng táo xanh của HTX rau, củ, quả Lương Nha. Song hành với hỗ trợ kỹ thuật, HND các cấp đã đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho hội viên. Năm 2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân 400 triệu đồng cho 10 hội viên đầu tư cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới nước và mở rộng diện tích trồng táo… Đưa chúng tôi tham quan vườn táo xanh của các hộ dân trong HTX, anh Lê Thành Đông – Giám đốc HTX rau, củ, quả Lương Nha chia sẻ: “Hơn 20 năm bén rễ ở đồng đất Lương Nha, chất lượng, hiệu quả kinh tế của quả táo xanh đã được khẳng định. Nhờ sự hỗ trợ của HND và chính quyền địa phương về vốn và kỹ thuật, các thành viên HTX đã mạnh dạn mở rộng quy mô, từng bước nâng cao thu nhập; thương hiệu táo Lương Nha ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến”. Sản phẩm táo Lương Nha luôn được thương lái đặt mua ngay tại vườn, giá bán ổn định từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trung bình cho mỗi hộ từ 200 – 250 triệu đồng/năm.
HND huyện Thanh Sơn hiện có 13 chi hội nghề nghiệp, 24 tổ hội nghề nghiệp, 21 tổ hợp tác, 38 HTX với trên 17.400 hội viên. Xác định các hoạt động hỗ trợ nông dân là một trong những chương trình trọng tâm, các cấp HND trong huyện đã tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Hội tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Cùng với ổi Hoàng Xá, táo xanh Lương Nha, nhiều nông sản tiêu biểu của tỉnh như: Tương nếp truyền thống Tân Đức, gà đồi Lam Sơn, thịt thính xứ Mường, gạo nếp Quạ đen, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung… ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh cao nhờ sự tiếp sức kịp thời từ HND.
Sản phẩm OCOP của các hội viên nông dân tham gia các phiên chợ quảng bá, xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.
Đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp bền vững
Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng quan trọng trợ giúp nông dân Phú Thọ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập. Hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đạt gần 60 tỷ đồng cho vay 237 dự án với 1.563 hộ vay. Trong đó nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác là 15,5 tỷ đồng; nguồn vốn cấp tỉnh 21 tỷ đồng; nguồn vốn cấp huyện 21 tỷ đồng. Các cấp HND đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng là gần 1.900 tỷ đồng; quản lý gần 980 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 31.400 thành viên tham gia vay vốn.
Đồng chí Hà Thị Thanh Hương- Chủ tịch HND huyện Thanh Thủy cho biết: Phát huy vai trò “điểm tựa” cho các hội viên, HND huyện tiếp tục tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với HND tỉnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Đối với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Hội sẽ vận động, hỗ trợ hội viên phát huy tiềm năng, xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn; liên kết với nhà sản xuất để tiêu thụ sản phẩm cho hội viên”.
Nhờ cơ chế, chính sách phù hợp của địa phương, sự hỗ trợ, tiếp sức kịp thời của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và các nguồn vốn vay ưu đãi giúp nông dân trên địa bàn tỉnh vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động, nhiều hội viên đã vươn lên trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Năm 2024, toàn tỉnh có trên 85.500 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi; 40 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được thành lập với 460 thành viên.
Cùng với đó, các cấp Hội chủ động thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan tư vấn hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ hội viên mua vật tư nông nghiệp, máy công cụ, phân bón trả chậm… Tổ chức nhiều chương trình hội nghị tập huấn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo sản phẩm OCOP năm 2024 cho gần 500 hội viên nông dân trên địa bàn các huyện: Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Ba, Đoan Hùng; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng phát triển thương hiệu 6 sản phẩm OCOP: “Rượu gạo Nguyên Hương 19”, “Rau sắn chua” tại huyện Thanh Ba; “Mỳ gạo Cự Thắng” tại huyện Thanh Sơn; “Chè khô Tây Cốc” tại huyện Đoan Hùng; “Cá thính Phúc Sen” tại huyện Phù Ninh; “Nem chua Phước Duyên” tại huyện Cẩm Khê.
Đặc biệt, các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm tổ chức từ 3 – 5 “Phiên chợ quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và Nông sản an toàn”, mỗi phiên chợ có từ 18 – 20 gian hàng với trên 100 sản phẩm OCOP và nông sản an toàn của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ trên 6.000 hộ nông dân đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử. Đến nay đã có hơn 100 sản phẩm được các cấp hội tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu.
Đồng chí Lê Thị Quỳnh – Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, HND tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách tại cơ sở, tạo điều kiện phát huy tối đa vai trò trong việc hỗ trợ hội viên. Hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn vốn vay để đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng, tránh tình trạng đầu tư không hiệu quả dẫn đến nợ xấu, nợ quá hạn; đẩy mạnh các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông – lâm nghiệp, đặc biệt là sản xuất theo hướng hàng hóa. Việc định hướng và kết nối thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân sẽ là yếu tố then chốt, giúp hội viên không chỉ mở rộng sản xuất mà còn nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, không chỉ giúp nông dân cải thiện thu nhập, tạo ra động lực mạnh mẽ để nhiều hội viên vươn lên, phát triển kinh tế gia đình bền vững”.
Nguồn: Baomoi.com