Gặp người từng thử nghiệm nuôi lợn để lấy ‘lòng xe điếu’

‘Tôi khẳng định giờ nếu cho thử nghiệm lại thì nuôi con lợn nào bằng cách cho ăn sống, vớt bèo, rau từ ao, hồ ô nhiễm hầu như cũng có… lòng xe điếu’.

Anh Nguyễn Đình Tường – Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phát hiện tình cờ

Trong đó sẽ có con lòng dày hơn, có con lòng mỏng hơn nhưng vẫn là xe điếu. Tuy nhiên cách nuôi như vậy quá nguy hiểm. Anh Nguyễn Đình Tường – Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) khẳng định.

Năm 2000, anh bắt đầu nuôi lợn trong khu dân cư với kiểu chuồng đơn giản, nền, máng ăn bằng xi măng, lứa đầu 40 con, rồi những lứa sau 80 con. Khi đã nuôi từ 40 con lợn trở lên, anh không thể nấu cám được nữa mà cho ăn sống hoàn toàn. Trước cửa chuồng có một cái ao của người anh trai đầy bèo cái và bèo tây nên hàng ngày vợ chồng anh vớt bèo lên cho lợn ăn. Vớt hết bèo dưới ao, chiều chiều họ lại đẩy chiếc xe bò cải tiến tới các mương máng quanh làng để vớt bèo tây và rau muống hoang về băm nhỏ trộn với cám sống hay cho lợn ăn trực tiếp để tiết kiệm thức ăn.

“Khi mổ lứa lợn 80 con phần lớn đều có lòng xe điếu, có con nguyên cả bộ, có con được già nửa. Chuyện hóa ra thế này, tôi vẫn tẩy giun cho lợn nhưng không thể xuể bởi hàng ngày cho chúng ăn bèo, rau sống vớt dưới ao như thế đã nhiễm quá nhiều trứng giun, trứng sán rồi. Lợn khi ăn như vậy rất chậm lớn, lông xù, đáng lẽ nuôi 4 – 5 tháng phải được 80 – 90kg hơi thì chỉ được có 60 – 70kg hơi.

Thợ ken lòng non ra thấy đặc sán, giun đũa bên trong, chúng cứ ngọ nguậy nhìn rất ghê. Sau khi ken xong, để vào chậu lòng non co lại, săn chắc, cầm vào không khác gì cầm vào cái ngón tay vậy. Con nào càng nhiều sán thì lòng non càng dày, đúng kiểu ‘xe điếu’. Mỗi con lợn trưởng thành chỉ có bộ lòng non dài cỡ 7 – 10m chứ làm gì dài đến 40m như mới đây trên mạng họ quảng cáo.

Chủ quán lòng đang gây xôn xao dư luận.

Lúc đó, tôi nghĩ nuôi lợn theo kiểu vậy để có “lòng xe điếu” cũng hay nên lứa sau có thử nghiệm trên nửa đàn, 40 con, lại cho ăn rau sống vớt lên từ ao, hồ, mương, máng, băm ra trộn với cám sống. Tất cả chúng đều có “lòng xe điếu” nhưng có hai thứ tôi không thích. Thứ nhất là lợn chậm lớn. Thứ hai là giá chênh lệch của “lòng xe điếu” chỉ hơn lòng thường 20 – 30% do tôi chưa mổ được mà bán cho thợ mổ. Hồi ấy cũng không mấy ai biết thưởng thức đâu. Phải mấy năm sau nó mới dần được ưa chuộng.

Tôi nghĩ nuôi lợn kiểu đó lợi nhuận mình không được hưởng mà hậu quả thì phải gánh chịu là lợn chậm lớn do giun sán ăn hết chất dinh dưỡng. Thêm vào đó, lợn đã nhiễm sán trong lòng thì trong phổi, thậm chí trong máu cũng có trứng sán, không an toàn thực phẩm nên tôi không thể nuôi theo hướng đó”, anh Tường thông tin.

Nuôi an toàn lợn không còn lòng xe điếu  

Năm 2008, anh Tường di chuyển chuồng trại ra ngoài khu dân cư, nuôi theo kiểu công nghiệp và tăng số đầu lợn lên 200 con mỗi lứa.

Đầu năm 2014, cơ sở của anh là 1 trong 37 trang trại trên toàn Thành phố được Sở NN-PTNT Hà Nội chọn tham gia dự án nuôi lợn bằng cám sinh học. Dự án đã đem lại kết quả sạch về môi trường, an toàn về dịch bệnh, đặc biệt là cho ra sản phẩm thịt lợn thơm, ngon, chắc, ngọt, khác hẳn thịt lợn nuôi bằng cám công nghiệp và an toàn hơn hẳn kiểu nuôi lợn dân dã bằng cám sống, rau, bèo sống.

Hơn 10 năm nuôi cả mấy ngàn con lợn theo hướng an toàn sinh học, mổ ra không hề có “lòng xe điếu”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cuối năm 2014 dự án kết thúc, chỉ còn mình anh Tường và anh Nguyễn Trọng Long – Giám đốc HTX Hoàng Long ở huyện Thanh Oai là kiên trì bám trụ. Anh tiếp tục nhập giống, nhập cám sinh học về để nuôi, đồng thời tự tìm thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm thịt lợn sinh học.

Năm 2016, khi thấy một mình đi trên con đường mới sẽ lâu nên anh Tường tập hợp các chủ trang trại khác trong vùng để thành lập HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm. Cùng thời gian đó, Sở NN-PTNT Hà Nội lại có dự án hỗ trợ các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Cũng như dự án đầu tiên, anh tiếp tục hăng hái xin tham gia cho đến khi dự án kết thúc vào năm 2020.

Song song với quá trình nuôi lợn, từ năm 2006, anh Tường đã bắt đầu hoạt động giết mổ gia súc ngay tại chỗ, trung bình mỗi năm khoảng 500 – 700 con.

“Từ năm 2014, tôi nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, không nuôi công nghiệp cũng không nuôi dân dã nữa, đã giết mổ vài ngàn con lợn mà chưa được một bộ lòng xe điếu nào. Mỗi con lợn chỉ có đoạn lòng đầu – tức chỗ lòng non tiếp giáp với lòng già thì có dày hơn, giòn hơn nhưng không được như “lòng xe điếu”, con nào nhiều được 70 – 80cm, con nào ngắn thì chỉ được 20 – 30cm.

Hồi xưa nuôi lợn kiểu dân dã cho ăn bèo sống, cám sống thì không bao giờ tôi dám đụng đến, dám mơ đến, dám nghĩ đến “lòng xe điếu” bởi nó quá kinh khủng. Tôi vẫn nhớ có lần thái lòng ra còn đứt đôi cả con sán bên trong. Có loại sán giống như con cá đuối thu nhỏ, cánh của nó cũng nhảy nhảy trong cái chậu hệt như cá đang bơi.

Lật ngửa nó ra, tôi lấy mũi dao gảy gảy vào miệng thì nghe tiếng kêu cứ kẹt kẹt. Bởi có răng chắc như thế nên sán cắn chặt vào thành ruột tẩy ít khi mà ra được. Các loại giun, sán khác khi tẩy bị say thuốc không bấu víu được thành ruột sẽ bị trôi theo đường tiêu hóa nhưng loại sán này kể cả say thuốc răng vẫn cắn chặt vào thành ruột, treo lơ lửng như thế không xuôi theo đường tiêu hóa. Sán đó mà đi vào cơ thể người chẳng biết sẽ thành kiểu gì nữa? Còn bây giờ nuôi lợn bằng cám đã qua chế biến, uống nước sạch thì không hề có “lòng xe điếu” dù giá thị trường đang vài triệu đồng/kg cũng đành chịu…”, anh Tường khẳng định.

“Ngày xưa các cụ nuôi lợn kiểu cho thức ăn sống rồi vớt bèo, rau từ ao hồ lên cho ăn sống nốt nhưng do môi trường còn sạch nên tỷ lệ nhiễm sán ít, chỉ một số mới có ‘lòng xe điếu’. Trong sách giáo khoa trước tôi học cũng nói về vòng đời của giun sán là từ trong bụng vật nuôi, trứng theo phân thải ra môi trường vào đất, vào rau, người vô tình tiếp xúc mà không rửa sạch thì sẽ nhiễm, trứng theo phân thải ra môi trường nước, rau, bèo súc vật ăn lại bị nhiễm. Càng chỗ bẩn lại càng dễ nhiễm giun sán”, anh Nguyễn Đình Tường – Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm chia sẻ.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Nâng sức cạnh tranh cho gạo Việt

Thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa …