Với chủ trương trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong công tác áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển đa dạng, phong phú các nguồn nguyên liệu kết hợp với ngành công nghiệp chế biến nhằm tạo ra những dòng sản phẩm có chất lượng cao, số lượng lớn và ổn định. Trong đó không thể không nhắc tới vai trò của các HTX tiên phong ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên và các hộ dân liên kết, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo.
Mới đây, đại diện nhiều HTX trên địa bàn TP. Phú Mỹ và huyện Châu Đức đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến. Nội dung của các lớp tập huấn là phổ biến Luật ATTP; các mối nguy về ATTP; bảo đảm ATTP trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; cách bảo quản, chế biến, hướng đến kinh tế xanh.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để cây nhãn phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nông dân đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất.
Sản xuất sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu là định hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sở hữu vườn nhãn trái vụ diện tích 4ha, ông Trần Văn Xuyên, ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, nhãn trái vụ thường được xử lý ra hoa từ tháng 11, 12 âm lịch và giai đoạn quan trọng để trái đạt chất lượng và năng suất là khoảng tháng 3-4. Giai đoạn này thường rơi vào mùa nắng nóng nên việc chăm sóc cũng phải kỹ lưỡng, trong đó quan trọng phải đủ nước cho cây phát triển.
“Tôi đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho toàn bộ vườn nhãn được vài năm nay. Có hệ thống tưới này, tôi đã giảm được tiền điện, công tưới rất nhiều. Với 4ha nhãn này, nếu tưới thủ công mất 10 công, nhưng sử dụng hệ thống tưới phun chỉ mất khoảng 4 công. Việc đầu tư hệ thống tưới phun tự động còn giữ ẩm đất quanh gốc, giúp cây nhãn rụng hoa ít, ra trái ổn định”, ông Tuyên chia sẻ.
Thấy được hiệu quả của việc lắp hệ thống tưới phun tự động, ông Trương Đình Nam, cũng ở ấp Phú Lâm, đã đầu tư hệ thống này để tưới cho 1,7ha nhãn. Nhờ được cung cấp đủ nước, nhất là vào mùa khô, hoa nhãn bung đều, không bị rụng.
“Chỉ cần bật công tắc khoảng 30 phút, hệ thống tưới phun mưa đã tự động đáp ứng đủ nhu cầu nước cho các cây trồng trong nhà vườn, đơn giản và thuận lợi hơn rất nhiều so với cách làm cũ, đồng thời giúp cây phát triển tốt”, ông Nam hồ hởi nói.
Trên địa bàn xã Hòa Hiệp có hơn 400ha nhãn, chủ yếu là xuồng cơm vàng và nhãn Thái Ido, tập trung ở các ấp Phú Quý, Phú Sơn và Phú Lâm. Khu vực này thường xuyên phải chịu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Các tháng mùa khô, nguồn nước tích trữ trong công trình thủy lợi và nguồn nước mặt, nước ngầm khô cạn. Để giảm thiểu tối đa tác động của việc thiếu nước, nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp nâng cao năng suất cây trồng.
Theo tính toán của người trồng nhãn, việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất cây trồng 6-15% so với canh tác truyền thống; đồng thời tiết kiệm 30-50% chi phí công lao động để tưới và chăm sóc, tiết kiệm 30-40% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống. Đặc biệt, đây là một trong những ứng dụng hiệu quả trong ứng phó với hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu.
Tăng giá trị từ chế biến sâu
Cuối tháng 3 vừa qua, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, TP. Phú Mỹ đã giới thiệu sản phẩm chế biến từ trái bưởi như mứt, nước bưởi lên men, bưởi xuất khẩu. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục ra mắt thêm nhiều sản phẩm từ bưởi như tinh dầu bưởi, trà hoa bưởi, nhang bưởi. Đây là hướng đi mới của HTX nhằm nâng cao giá trị cho trái bưởi Sông Xoài đã được dày công xây dựng thương hiệu, đồng thời đạt chuẩn OCOP 4 sao cũng như có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.
Các HTX và doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong liên kết theo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản nhờ gắn với chế biến sâu.
HTX Bưởi da xanh Sông Xoài là một minh chứng về chế biến sâu sau thu hoạch là cách để gia tăng giá trị nông sản. Ngoài việc đẩy mạnh khâu liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn góp phần giải quyết đầu ra, tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích, việc làm này đã được nhiều HTX, doanh nghiệp (DN), trang trại triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Có thể kể đến như sản phẩm chế biến sâu từ tiêu Bầu Mây của Công ty CP Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) như tiêu một nắng, tiêu sữa, tiêu không hạt… Ngoài ra, DN này còn có nhiều sản phẩm chế biến từ củ hoài sơn như sữa, bún, hoài sơn sấy lát. Các sản phẩm từ tiêu Bàu Mây đã xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao về chất lượng như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore, Canada, Dubai.
Tại huyện Châu Đức, HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2023 nhưng đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết với nông dân, DN xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua trái ca cao tươi và hạt ca cao phơi khô lên men. HTX hiện có 3 sản phẩm: bột ca cao nguyên chất, chocolate đen và bột ca cao 3 trong 1 đã được công nhận OCOP 4 sao.
Theo khảo sát, nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua với sự đầu tư công nghệ, liên kết sản xuất đạt chuẩn về an toàn thực phẩm đã xuất khẩu vào thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU. Tuy nhiên, hầu hết hàng xuất khẩu là sản phẩm tươi, chưa qua chế biến, do đó giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Điều này cũng dẫn đến tình trạng thiếu tính ổn định về đầu ra…
Hiện nay, ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đang kêu gọi các DN vào cuộc, liên kết với nông dân, HTX hình thành chuỗi giá trị đối với nông sản chủ lực của tỉnh. Tỉnh cũng đang đầu tư phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 7.000ha, tạo nền tảng cho vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến sâu. Cùng với đó là triển khai nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến theo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản, giải quyết bài toán về thị trường tiêu thụ cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Điểm tựa” giảm nghèo, làm giàu
Với nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực, công tác giảm nghèo của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, trở thành một điểm sáng của cả nước về giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2024, tổng hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh là 736 hộ, chiếm tỷ lệ 0,23% so với tổng số hộ dân; giảm 403 hộ so với đầu năm. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia.
Toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đã có 40/40 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 34/40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14/40 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 35%; 7/7 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Hiện nay, tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, công nhận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2025.
Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM là 80 triệu đồng/người/năm và 86 triệu đồng/người/năm đối với các xã xây dựng NTM nâng cao. Tính đến cuối tháng 3/2025, toàn tỉnh có 214 sản phẩm của 120 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (101 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao).
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thời gian tới, tỉnh ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị. Đồng thời, ưu tiên giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 100% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó huyện Long Đất đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh.
Nhằm thực hiện những mục tiêu lớn này, Bà Rịa – Vũng Tàu xác định việc phát triển khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX là một trong những giải pháp căn bản và quan trọng. Hiện, toàn tỉnh có 113 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX; tạo việc làm cho 2.318 lao động khu vực nông thôn. Năm 2025, tỉnh khuyến khích, vận động, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc làm nòng cốt, hạt nhân thành lập tổ hợp tác (THT), HTX nông nghiệp; phối hợp với các sở ngành, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và phân phối hàng hóa.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 198 HTX, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.845 lao động. Trong đó có 172 HTX đang hoạt động, lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số với 113 HTX. Tổng nguồn vốn hoạt động hơn 1.444 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 980 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 46 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2023…
Với mục tiêu củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các HTX, THT nông nghiệp, tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KTTT tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các chính sách hỗ trợ về khoa học, công nghệ; kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách về thuế; xây dựng sản phẩm OCOP, tham gia xúc tiến thương mại, giúp các DN, HTX, THT tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu liên kết của đối tác.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho biết, để KTTT phát huy tiềm năng, lợi thế hơn trong năm 2025, Liên minh HTX tỉnh khuyến khích xây dựng mối liên kết giữa các HTX, THT với DN nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030; hướng dẫn, tư vấn HTX xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, khoa học kỹ thuật; nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý HTX; chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình hay, đề xuất, nhân rộng ở địa phương mình.
Nguồn: Baomoi.com