Từ các mô hình trồng thử nghiệm thành công, Quảng Bình đang triển khai nhân rộng ra sản xuất giống sắn mới HN1 kháng bệnh khảm lá, năng suất cao.
Tỉnh Quảng Bình có diện tích trồng sắn nguyên liệu khoảng 7.000ha cung cấp cho hai nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn.
Những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn đã lan rộng trên diện tích trồng sắn của tỉnh, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Có năm, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn lên đến 80% tổng diện tích, làm giảm đáng kể năng suất, sản lượng sắn nguyên liệu. Do tốc độ lây lan của bệnh khảm lá sắn nhanh, mức độ ngày càng nặng nên năng suất giống sắn KM94 từ 50 tấn/ha giảm xuống chỉ còn dưới 20 tấn/ha.
Mô hình trồng thử nghiệm giống sắn HN1 tại xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch) cho năng suất cao và kháng được bệnh khảm lá. Ảnh: Tâm Phùng.
Trước tình hình trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình (Sở KH-CN Quảng Bình) đã triển khai Đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá, năng suất cao để phục vụ canh tác sắn bền vững tại tỉnh Quảng Bình” do PGS.TS Trần Thị Hoàng Đông (Đại học Nông lâm Huế) làm chủ nhiệm và Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh (Công ty Long Giang Thịnh) chủ trì thực hiện.
Theo ông Phan Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở KH-CN Quảng Bình, đây không chỉ là giải pháp khoa học mà còn là hướng đi bền vững, giúp nâng cao năng suất, bảo vệ nguồn giống, bảo đảm hiệu quả kinh tế và phát triển sản xuất sắn theo hướng an toàn, ổn định. “Giống sắn mới kháng được bệnh khảm lá không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn giúp phát triển ngành hàng sắn tại tỉnh Quảng Bình”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty Long Giang Thịnh cho hay, Công ty có nhà máy chế biến tinh bột sắn Long Giang đang thu mua sắn nguyên liệu cho nông dân. Việc tuyển chọn được giống sắn mới kháng được bệnh khảm lá, cho năng suất cao và ổn định sẽ mang lại hiệu quả sản xuất cho bà con, đồng thời cũng đảm bảo nguyên liệu tốt cho nhà máy hoạt động.
Hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình trồng thử nghiệm giống sắn HN1 tại huyện Bố Trạch. Ảnh: Tâm Phùng.
Từ niên vụ sắn năm 2023 – 2024, Công ty Long Giang Thịnh đã phối hợp với huyện Bố Trạch và Quảng Ninh (Quảng Bình) để triển khai các mô hình trồng giống sắn HN1 trên các chân đất truyền thống đã trồng giống sắn giống KM94 trước đây.
Ông Dương Đình Tố (xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch) tham gia mô hình trồng giống sắn HN1 do Công ty cung cấp với diện tích 2ha cho biết, trước đây, gia đình trồng giống sắn KM94 có năng suất cao nên sản xuất có lãi 40 – 50 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên mấy năm gần đây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá từ đầu vụ nên năng suất giảm mạnh, có vụ chỉ còn lãi 10 – 15 triệu đồng.
Mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Công ty, trồng với mật độ phổ biến từ 12.500 – 15.000 cây/ha và sử dụng phân bón NPK theo đúng tỷ lệ. Thời gian sinh trưởng của giống sắn HN1 từ 10 – 12 tháng. “Tôi làm mô hình đã được hai vụ nên cũng có kinh nghiệm canh tác. Năng suất giống sắn HN1 trung bình đạt từ 40 – 50 tấn/ha tùy từng vùng đất”, ông Tố cho biết.
Giống sắn HN1 kháng bệnh khảm lá và cho năng suất cao trên vùng đồi huyện Bố Trạch. Ảnh: Tâm Phùng.
Cũng theo ông Tố, giống sắn HN1 ngoài năng suất cao, dễ canh tác còn có nhiều ưu điểm vượt trội như hàm lượng tinh bột trên 25%, dù trồng trên đất canh tác đã trồng giống KM94 nhiều vụ trước bị bệnh khảm lá nặng nhưng giống mới HN1 vẫn không có biểu hiện bệnh khảm lá. Điều này giúp người trồng sắn rất yên tâm.
“Công ty đã triển khai thành công 3 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Tây Trạch, xã Phú Định (huyện Bố Trạch) với tổng diện tích 6ha. Các mô hình đều cho kết quả khả quan với năng suất trung bình từ 40 – 50 tấn/ha và đều kháng được bệnh khảm lá. Đây là cơ sở để nông dân đưa vào sản xuất giống sắn mới trên diện rộng”, ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty Long Giang Thịnh cho hay.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn