Biến lá khóm thành tơ sợi

Mỗi ngày, anh Nguyễn Ngọc Quyền ở Tiền Giang thu gom 2 tấn lá khóm để sản xuất 15kg tơ sợi cung ứng cho các nhà máy đánh bông, dệt vải.

Gần đây, nhằm tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất cây khóm ở vùng Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), anh Nguyễn Ngọc Quyền (ngụ xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) đã học hỏi kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư thiết bị sản xuất tơ sợi từ lá khóm. Bước đầu, sản phẩm tơ sợi được tạo ra từ lá khóm có thể dùng để sản xuất nhiều sản phẩm có ích phục vụ cuộc sống.

Lá khóm được thu gom dùng để kéo tơ sợi. Ảnh: Minh Đảm.

Buổi đầu, anh Quyền đầu tư 2 máy đánh sợi dạng nhỏ để sản xuất thử nghiệm tơ sợi từ lá khóm với công suất khoảng 2,5kg thành phẩm sợi/ngày. Theo tính toán của anh, 1ha khóm sẽ thu được 10 tấn lá. Trung bình 60kg lá khóm tươi sau khi cho vào máy sản xuất được 1kg tơ sợi thành phẩm.

Hiện anh đã đầu tư máy đánh sợi với công suất khoảng 2 tấn lá khóm/ngày để cung ứng sợi thô cho các nhà máy, trung bình mỗi ngày sản xuất ra khoảng 15kg tơ sợi từ lá khóm. Tơ sợi thô được bán cho các nhà máy với giá 175.000 đồng/kg.

Dù kết quả sản xuất có nhiều triển vọng nhưng lợi nhuận đang tương đối thấp. Nguyên nhân do chi phí nhân công thu gom lá khóm khá cao, chiếm khoảng 80% chi phí đầu vào.

“Công lao động trong sản xuất tơ sợi rất ít, chỉ cần 3 lao động là có thể vận hành các công đoạn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là chi phí nhân công thu gom lá khóm cao nên chưa thể mở rộng quy mô sản xuất”, anh Quyền nói.

Sản phẩm tơ sợi dạng thô được tách ra từ lá khóm. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Quyền cho biết đang nghiên cứu sản xuất thiết bị chuyên thu hoạch lá khóm nhằm giảm chi phí đầu vào. Từ đó, tiến tới việc mở rộng quy mô sản xuất để cung ứng cho các đối tác.

Anh tiết lộ, 3 năm tới sẽ tập trung phát triển sản xuất tơ sợi từ lá khóm. Khi ổn định, anh sẽ đầu tư nhà máy tại huyện Tân Phước để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với quy mô khoảng 10 tấn thành phẩm/tháng.

Để sản xuất được sản lượng này, công ty cần phải đầu tư từ 10 – 20 máy đánh sợi, chi phí dự kiến khoảng 5 tỷ đồng. Hiện nay, nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm tơ sợi từ lá khóm rất cao. Nhận thấy triển vọng nên anh Quyền đã liên kết với một doanh nghiệp để đầu tư dây chuyền sản xuất từ đánh sợi tơ khóm đến “bông hóa” để kéo sợi phục vụ sản xuất vải.

Đây là xu hướng của thế giới, bởi sản phẩm từ tơ sợi rất thân thiện với môi trường. Đặc biệt là giải quyết bài toán về phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường. Định hướng lâu dài, anh Quyền cho biết sẽ đầu tư điểm du lịch sinh thái gắn với tham quan học tập mô hình sản xuất tơ sợi từ lá khóm.

Máy kéo tơ, sợi từ lá khóm. Ảnh: Minh Đảm.

Ngoài sản phẩm chủ lực là tơ sợi từ lá khóm, anh Quyền còn phối hợp với Trường Đại học Tiền Giang thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở để sản xuất phân vi sinh từ vỏ lá khóm sau khi tách tơ sợi và đề tài đã được phê duyệt.

Sắp tới, anh Quyền sẽ phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh để nghiên cứu sản xuất gỗ nhẹ từ phần vỏ lá khóm sau khi tách tơ sợi. Đối với phần nước thải trong quá trình rửa tơ sợi, anh cũng được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao kỹ thuật để tạo thành phân bón hữu cơ vi sinh dùng cho cây trồng.

Khóm là một trong những cây ăn trái có diện tích lớn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với trên 15.000ha, tập trung chủ yếu tại huyện Tân Phước. Mô hình khởi nghiệp của anh Quyền đã thu về những thành công bước đầu trong việc biến phế phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm tơ sợi vải có giá trị.

Với những kết quả tích cực và đầy triển vọng, vừa qua, dự án sản xuất tơ sợi từ lá khóm của anh Quyền đã đoạt giải đặc biệt ở bảng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp của cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang” năm 2024.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Giữ nguồn gen cây bản địa Đi tìm cây chuối phấn vàng trên đất Tổ

Theo chân anh Đinh Mạnh Cường, tổ viên tổ khuyến nông xã Tân Lập, (huyện …