Theo chân anh Đinh Mạnh Cường, tổ viên tổ khuyến nông xã Tân Lập, (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) tôi ngược dốc lên núi Chẹn thăm vùng chuối phấn vàng mới được khôi phục.
Ông Đinh Văn Vị bên vườn chuối phấn vàng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Chúng tôi đi mãi giữa những trập trùng đồi núi nhấp nhô cho đến khi thấy một vùng xanh nõn thì dừng lại. Đó chính là đồi chuối phấn vàng của gia đình ông Đinh Văn Vị. Ông lớn lên cùng với cây chuối phấn vàng bởi giống cây trồng này gắn bó với người dân hai xã Tân Lập và Tân Minh từ khi lập xóm, dựng bản.
Mỗi gia đình người Mường quê ông thường trồng vài bụi chuối quanh vườn. Xưa, lúc đất còn tốt, mỗi bụi chuối có tuổi đời hàng chục năm, khi cây mẹ ra buồng, già rồi bị chặt đi thì cây con lại mọc, ra buồng để thay thế. Mỗi khi thấy cây chuối bị vàng lá, người già bảo sâu ăn, chặt bỏ, gom lá khô đốt rồi cây con lại mọc ra. Nay các nhà khoa học về mới bảo đó là bệnh vàng lá Panama và hiện vẫn chưa có cách chữa.
“Ngày xưa chúng tôi gọi là chuối tây. Hơn 20 năm trước có các anh khuyến nông huyện lên mới đặt tên là chuối phấn vàng, bởi lá có nhiều phấn trắng, thịt quả chuối màu vàng, rất ngọt và thơm. Cây chuối không bỏ phí bất cứ một thứ gì. Lá cắt về thả xuống ao cho cá trắm ăn. Thân cắt về thái ra cho trâu, bò, lợn, gà, vịt ăn. Hoa bán 10.000 đồng/cái. Quả bán 8.000 – 10.000 đồng/nải, tương đương 70.000 – 80.0000 đồng/buồng nhưng vào dịp Tết giá có thể lên tới 200.000 – 300.000 đồng/buồng.
Trước khi tham gia dự án, gia đình tôi chỉ có vài sào chuối nhưng đến nay trồng tới 3 ha. Không trồng chuối theo kiểu “mặc kệ nó tự phát triển” như trước mà tôi trồng theo mật độ khuyến cáo cây cách cây 4m, rồi làm cỏ, bỏ phân vi sinh. Giống thì của gia đình, phân thì dự án cấp cho, bán chuối thì tiền gia đình tiêu nên khá hiệu quả”.
Lá non có lớp phấn đặc trưng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Chỉ với 1 lao động thường xuyên là ông Vị và sản xuất trên diện tích 3 ha đất. Vườn chuối phấn vàng mới trồng 1 năm đã đem lại thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng. “Trồng chuối phấn vàng cũng không có gì phải gánh vác nặng, phù hợp với sức của một người 60 tuổi như tôi. Ngoài chuối tôi còn chăm sóc 3 con trâu và đàn gà cùng cái ao cá. Mỗi thứ đem lại một nguồn thu nhập. Chỉ tiếc là tới giờ vẫn chưa có thương hiệu cho chuối phấn vàng mà chỉ toàn là bán lẻ cho tư thương, họ đi xe thồ đến mua rồi bán về đâu tôi cũng không rõ nữa. Nếu xây dựng được thương hiệu, có đơn vị bao tiêu ổn định thì ngày công của nông dân mới đạt, diện tích trồng chuối mới tăng được”, ông Vị bày tỏ ý kiến.
Theo anh Kim Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, địa phương có hơn 3.200 ha đất và dân số trên 5.600 người, trong đó trên 70% dân tộc Mường. Tân Lập có một số cây trồng bản địa nhưng nổi trội nhất phải kể đến chuối phấn vàng. Cùng là giống chuối ấy mà trồng trên đất đá vôi ở đây có thời gian sinh trưởng 7-8 năm mới lụi nhưng trồng trên đất đỏ ở nơi khác chỉ tồn tại được 3-4 năm. Quả chuối phấn vàng trồng trên đất đá vôi khi chín vỏ bóc mỏng như tơ, thơm và ngọt đến độ lúc ăn mật dính vào cả môi.
Một buồng chuối phấn vàng chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Dương Đình Tường.
Vào thời gian đỉnh cao nhất, Tân Lập có tới 58 ha chuối phấn vàng, mỗi tuần 2-3 xe ô tô lớn trọng tải trên 10 tấn chở quả đi xuất khẩu, chưa kể xe thồ, xe ô tô nhỏ chở quả về Hà Nội tiêu thụ. 5 năm gần đây xảy ra bệnh vàng lá Panama khiến cho cây chuối khi bắt đầu ra buồng lá cứ ngả vàng, thân lụi dần và chết.
Một số bà con nản chí, đã chuyển sang cây trồng khác nên giờ diện tích chuối phấn vàng chỉ còn 47 ha, trong đó 42 ha trồng cũ và 5 ha trồng mới, theo dự án của 2 gia đình Đinh Tiến Khương (con ông Đinh Văn Vị) và Đặng Minh Đài, bước đầu thấy phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu.
“So với các cây trồng ở đây thì chuối phấn vàng vẫn là kinh tế nhất, vốn đầu tư chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha mà 1 năm sau đã thu được khoảng 150 triệu đồng/ha và không bao giờ lo ế cả. Bởi thế chúng tôi mong muốn cấp trên tìm cách chữa bệnh vàng lá Panama, đầu tư vốn hỗ trợ cho dân, phát triển chuối thành liên vùng của 2 xã Tân Lập và Tân Minh theo đúng ý nghĩa của HTX chuối phấn vàng thành lập năm 2024, đồng thời dán tem nhãn để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Chuối phấn vàng phải có thương hiệu chứ không thể mãi vô danh được”.
Cây chuối bị bệnh Panama. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cũng theo anh Quý, trước đây người Mường có kỹ thuật nấu rượu bằng quả chuối chín, bóc bỏ vỏ, rắc men, đem ủ rồi đun để tạo ra sản phẩm cuối cùng thơm phức và ngọt trong cuống họng khi uống. Tuy nhiên mươi năm trước thì phương pháp này đã dần mai một đi, phần vì cầu kỳ và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, phần vì tốc độ tiêu thụ chậm. Nếu được phục hồi thì rượu chuối sẽ đem lại giá trị gia tăng lớn cho người trồng chuối phấn vàng xã Tân Lập.
Huyện Thanh Sơn định hướng phát triển ổn định diện tích chuối phấn vàng khoảng 85 ha, đồng thời xây dựng nhãn hiệu và đăng ký tham dự chương trình OCOP. Huyện cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ tìm cách giải quyết tình trạng bệnh Panama, mà trước hết là khuyến khích dân trồng xen canh cũng như trồng mới chuối phấn vàng trên diện tích đất sạch bệnh.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn