Hoa Kỳ đẩy mạnh tích trữ hàng, xuất khẩu tôm quý II/2025 có tăng mạnh?

Nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi ở nhiều thị trường chủ lực (trong đó có Hoa Kỳ), xuất khẩu tôm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2025.

Tăng trưởng tại nhiều thị trường chủ lực

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2025, ngành tôm đạt tổng kim ngạch xuất khẩu gần 940 triệu USD và chứng kiến mức tăng trưởng lên đến 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi mạnh mẽ đến từ nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản;…

Đáng chú ý, Trung Quốc và Hong Kong trở thành điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu đạt 288 triệu USD, tăng tới 125% so với quý I/2024. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng mạnh do xu hướng tích trữ cho kỳ nghỉ lễ Lao động, giúp xuất khẩu tôm hùm và tôm sú Việt Nam tăng trưởng mạnh. Giá xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc duy trì ở mức 9,6 USD/kg, tăng nhẹ so với đầu năm, dù giá tôm chân trắng vẫn chịu áp lực cạnh tranh lớn từ Ecuador và Ấn Độ, chỉ đạt 6,6 USD/kg.

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng mạnh do xu hướng tích trữ cho kỳ nghỉ lễ Lao động, giúp xuất khẩu tôm hùm và tôm sú Việt Nam tăng trưởng mạnh. Ảnh minh họa.

Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường lớn là Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng trưởng. Đặc biệt, tại thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam là Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng đến 125% so với cùng kỳ, đạt 288 triệu USD trong quý I.

Mỹ là thị trường lớn thứ hai với tổng giá trị xuất khẩu đạt 124 triệu USD, tăng 11%. Tuy nhiên, đây lại là thị trường mà tôm Việt Nam bán được với giá cao nhất, lên đến gần 11 USD/kg tôm chân trắng và 17,7 USD/kg tôm sú.

“Thuế Trump” và áp lực cạnh tranh toàn cầu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tôm Việt Nam còn đối mặt với thách thức về thuế quan và sự cạnh tranh.

Theo VASEP, cùng với việc mức thuế quan đối ứng 46% được phía Mỹ hoãn thực thi trong giai đoạn 90 ngày, xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong tháng 4 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 5, bởi các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường tích trữ hàng hóa.

Tuy nhiên, kể từ quý III/2025, xuất khẩu tôm có thể suy giảm do lượng hàng tích trữ tại Mỹ đã trở nên dồi dào, cộng thêm với việc những lô hàng vận chuyển sau ngày 20/5 có thể sẽ phải chịu thuế đối ứng dù chưa rõ sẽ được áp ở mức nào.

Xuất khẩu tôm tăng mạnh trong quý I và được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong quý II khi các nhà mua hàng Mỹ tích cực trữ hàng. Ảnh: Minh Anh.

VASEP cho biết, ngoài thuế đối ứng, xuất khẩu tôm của Việt Nam còn phải đối mặt với hai vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, cùng các quy định khắt khe về đảm bảo minh bạch nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, khiến chi phí gia tăng, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu tôm càng trở nên gay gắt với sự trỗi dậy của những quốc gia như Indonesia, Ecuador và Ấn Độ. Trong đó, Ecuador hiện đang tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tôm, nhờ vị trí địa lý gần Mỹ nên có ưu thế về chi phí logistics.

Trước những thách thức trên, xuất khẩu tôm dù khởi sắc trong nửa đầu năm nhưng vẫn còn rất khó khăn để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2025.

Nỗ lực thích ứng và mở rộng thị trường

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, doanh nghiệp ngành tôm cần triển khai nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu xuất khẩu, bao gồm đầu tư vào công nghệ chế biến, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam gắn với phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các triển lãm ngành hàng quốc tế là cơ hội lớn để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Thực tế, mức tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu tôm trong quý I/2025 có sự đóng góp quan trọng của triển lãm thủy sản toàn cầu Seafood Expo Global 2025.

Về phía chính sách, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế đối ứng, bên cạnh tận dụng các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu. Để giảm sức ép từ những bất ổn thương mại, cần giải pháp kiểm soát nguồn gốc hàng hóa và tăng cường nhập khẩu từ Mỹ.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

‘Đời du mục’ theo vịt chạy đồng

Hễ nghe nơi nào vừa thu hoạch xong lúa trên đồng, còn trơ gốc rạ …