Chủ nhiệm dự án: ThS. Đậu Văn Hải
Đồng chủ nhiệm dự án: KSCN – BSTY Nguyễn Thị Vân Phương
và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Phân viện Chăn nuôi Nam bộ
Mục tiêu của dự án:
+ Mục tiêu chung
Xây dựng được mô hình chăn nuôi heo thịt từ sau cai sữa đến xuất chuồng trên đệm lót sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi heo
+ Mục tiêu cụ thể
– Đánh giá được thực trạng chăn nuôi heo và quản lý chất thải trong chăn nuôi heo trang trại/gia trại tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
– Xây dựng 3 mô hình chăn nuôi heo từ sau cai sữa đến xuất chuồng trên đệm lót sinh học, trên cơ sở đó đánh giá được mức độ giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học, đồng thời xác định được một số giải pháp khoa học công nghệ phù hợp cho chăn nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học và đánh giá được hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học.
– Chuyển giao được công nghệ chăn nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học cho một số cán bộ kỹ thuật tại địa phương và nông dân chăn nuôi.
Kết quả nghiên cứu:
1. Khảo sát thực trạng chăn nuôi và quản lý chất thải trong chăn nuôi heo
Số lao động bình quân làm việc trong trại heo gia đình quản lý ít chỉ 1,63 người. Đất đai dành cho chăn nuôi heo chiếm diện tích nhỏ bình quân 600 m2/hộ. Số lượng heo tăng liên tục do heo con sinh ra tiếp tục nuôi thịt, mỗi hộ nuôi bình quân 75 heo thịt ở các lứa tuổi (thay đổi từ 10-350 con) và 18,3 heo nái các loại (biến động 3-106 nái). Tính cả số heo con theo mẹ thì trung bình mỗi hộ nuôi 141,1 con heo (biến động 17-636 con).
Chuồng trại, toàn bộ 100% chuồng nuôi heo là chuồng hở, hướng chuồng đông hoặc đông nam. Mái tôn, sàn và vách bằng xi măng, riêng nền sàn cho heo con nuôi đến cai sữa làm bằng kim loại (chuồng sàn). Rất ít hộ có hệ thống thông khí (quạt) cho heo thịt (4/56 hộ) cũng như heo nái (3/58 hộ).
Mật độ nuôi heo cao tương ứng cho các loại heo con theo mẹ, heo cai sữa đến 20kg, heo 20-40kg, heo 40-80kg, heo trên 80kg, nái hậu bị, nái chữa, nái nuôi con là 2,41; 2,84; 2,24; 1,59; 0,74; 0,70; 0,70 và 0,73 con/m2.
Các bệnh thường xảy ra trên heo thịt nuôi đến 50kg là các bệnh tiêu chảy (43/56 hộ), bệnh về hô hấp (37/56 hộ).
Tình hình quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi heo: Chất thải rắn (phân heo tươi) được 100% số hộ thu gom trữ lại một thời gian và bán cho lái (96,67% số hộ). Chất thải lỏng của heo (nước tiểu) không thu gom riêng biệt Có 55/60 hộ (91,67%) thu gom slurry và dẫn theo các mương hoặc ống xi măng ra hệ thống biogas hoặc hồ chứa nằm cạnh chuồng trại. Có 5/60 hộ cho slurry chảy thẳng ra môi trường (kênh, rạch, suối), việc này sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có 19/55 hộ xử lý slurry đã thu gom, trong đó 18 hộ đưa vào hệ thống biogas, 01 hộ đưa vào hố ủ.
Có 43/60 hộ muốn chăn nuôi theo hướng giảm nước thải, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, gặp một số khó khăn như: thiếu kỹ thuật, vốn đầu tư, thiếu diện tích đất để bố trí công trình, thiếu công lao động để thực hiện.
Giải pháp: Cần có phương pháp, cách tiếp cận mới để thuyết phục người dân chăn nuôi theo hướng giảm nước thải, giảm ô nhiễm môi trường. Một trong những cách đó là thành lập các mô hình trình diễn nuôi heo trên ĐLSH tại địa phương, mang tính thực tế và có hiệu quả thiết thực để nông dân tin tưởng và mạnh dạn dầu tư thực hiện.
2. Xây dựng mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học
Nhiệt độ bề mặt đệm lót qua các tháng nuôi ít biến động, dao động từ 30,1-31,4 oC ở MH I, 31,0-32,4 ở MH II và 30-31,6 ở MH III và luôn thấp hơn nhiệt độ ở tầng sâu 15 cm từ bề mặt đệm.
Nhiệt độ ở độ sâu 15 cm dao động từ 45,2-46,1 0C đây là nhiệt độ thích hợp cho quá trình lên men để tiêu hủy chất hữu cơ trong đệm lót như phân và nước tiểu.
Nhiệt độ trung bình của các lứa nuôi ở chuồng đệm lót lên men (30,3OC) thấp hơn so với ở chuồng xi măng truyền thống (30,7OC), nhưng không sai khác về mặt thống kê. Ẩm độ trung bình chuồng đệm lót (60,5% ) cao hơn ở chuồng xi măng (58,4%), nhưng cũng không sai khác về mặt thống kê.
Kết quả thí nghiệm cho thấy việc áp dụng các phương pháp làm mát bằng hệ thống phun sương kết hợp quạt khi nhiệt độ chuồng nuôi trên 300C đã làm tăng độ ẩm và giảm nhiệt độ không khí chuồng nuôi luôn đảm bảo duy trì nhiệt độ trong chuồng nuôi phù hợp cho sự phát triển của heo.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, trung bình cả 3 đợt thí nghiệm, chi phí chăn nuôi/kg tăng trọng ở lô thí nghiệm là 35.370 đồng thấp hơn 1.910 đồng so với lô đối chứng (37.280 đồng/kg). Như vậy khi xuất bán, heo nuôi trên đệm lót sinh học sẽ cao heo nuôi trên nền xi măng theo phương thức truyền thống khoảng 190.000 đồng/con.
3. Chuyển giao kỹ thuật
3.1 Tập huấn kỹ thuật viên:
Số lượng kỹ thuật viên là cán bộ kỹ thuật đang làm công tác chăn nuôi, thú y tại địa phương tham gia tập huấn gồm 15 người trong 5 ngày từ ngày 4/7-08/7/2016.
Nội dung tập huấn: một số chuyên đề đã được tập huấn cho kỹ thuật viên như sau:
Ảnh hưởng của chăn nuôi heo đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu
Phương pháp quản lý chất thải trong chăn nuôi heo.
Một số kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi heo
Ứng dụng chế phẩm sinh học trong CN heo để giảm ô nhiễm môi trường.
Qui trình kỹ thuật chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Tham quan mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học
3.2 Tập huấn nông dân:
Số lượng Chủ trang trại, gia trại chăn nuôi heo trong huyện Thống Nhất tham gia tập huấn là 200 người gồm 5 lớp, 40 người/lớp, 01 ngày/lớp tại 2 xã Gia kiệm và Gia Tân: Xã Gia Kiệm: ngày 13-14/06/2016, 2 lớp; Xã Gia Tân 3 : Ngày 15-17/ 06/2016, 3 lớp.
Nội dung tập huấn: Ảnh hưởng của chất thải trong chăn nuôi heo đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe công đồng và Qui trình kỹ thuật chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Nhìn chung nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương tham gia đầy đủ, tiếp cận nội dung kỹ thuật rất tốt, về lý thuyết thông qua những từ ngữ dể hiểu, kết hợp với hình ảnh trong nội dung trình bày nên các học viên tiếp thu tốt, có sự trao đổi rất sôi nổi và đặt các câu hỏi khá thực tế. Từ đó cho thấy trình độ của người dân về chăn nuôi heo trên ĐLSH đã được cải thiện, góp phần thay đổi nhận thức chăn nuôi heo với đảm bảo vệ môi trường. Trình độ CBKT về chăn nuôi heo trên ĐLSH, thân thiện môi trường đã được nâng cao, góp phần cho sự phát triển chăn nuôi heo của điạ phương đảm bảo vệ sinh môi trường.
3.3 Hội thảo tại mô hình ĐLSH:
– Đối tượng tham gia hội thảo: Nhà quản lý kỹ thuật, hội nông dân, phụ nữ và chủ trang trại, gia trại chăn nuôi heo trong huyện Thống Nhất.
– Số cuộc hội thảo:01 cuộc; Số lượng/hội thảo: 100 người; Thời gian: 1 ngày
– Nội dung hội thảo: Đánh giá kết quả đạt được từ các mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học và những bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.
Check Also
Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi
Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là …