Chủ nhiệm dự án: TS. Bùi Xuân Khôi
và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ
Mục tiêu nghiên cứu:
+ Mục tiêu chung: Phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững và xây dựng mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho sản phẩm hồ tiêu ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
+ Mục tiêu cụ thể:
– Đánh giá những thuận lợi, khó khăn của nhà vườn khi sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững và giải pháp khắc phục.
– Các mô hình trình diễn tăng năng suất 10 – 15%, tăng hiệu quả kinh tế 15 – 25% so với đối chứng, cây hồ tiêu sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế nhiễm bệnh chết nhanh.
– Tạo đầu ra thông qua việc xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phầm hồ tiêu.
– Chuyển giao công nghệ thông qua đào tạo kỹ thuật viên, tập huấn, hội thảo đầu bờ.
Kết quả nghiên cứu:
1. Điều tra hiện trạng sản xuất hồ tiêu, tình hình sử dụng cây trụ tiêu và tiêu thụ hồ tiêu trên địa bàn huyện Xuân Lộc
1.1 Hiện trạng sản xuất hồ tiêu ở huyện Xuân Lộc
Theo thống kê của phòng Nông Nghiệp huyện Xuân Lộc năm 2014, toàn huyện có khoảng 2.505 ha tiêu với 1.6 ha cho sản phẩm và sản lượng đạt 4.977 tấn và chỉ tính trong năm 2014 diện tích trồng mới là 656,5 ha. Diện tích trồng tiêu tập trung chủ yếu ở các xã Xuân Thọ, Suối Cao, Xuân Trường, Xuân Bắc, Xuân Hiệp và Lang Minh.
Xã Xuân Thọ và Suối Cao là 2 xã có diện tích trồng hồ tiêu tập trung trên diện tích lớn của huyện Xuân Lộc. Năm 2014, xã Xuân Thọ có 775 ha hồ tiêu trong đó có 588 ha đã cho thu hoạch, xã Suối Cao có 715,9 ha hồ tiêu trong đó có 379 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch. Đây là hai xã liền kề có diện tích trồng tiêu tập trung phù hợp để phát triển vùng hồ tiêu chuyên canh của huyện Xuân Lộc.
Giống hồ tiêu được trồng phổ biến là giống Vĩnh Linh, mật độ trồng phổ biến từ 1.300 -1.600 trụ/ha phù hợp với khuyến cáo, đa số các vườn đều trồng thuần thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch. Có 98% số hộ trồng trụ sống cho hồ tiêu. Có hơn 48% số hộ lắp hệ thống tưới cố định số còn lại là tưới bồn, 100% số hộ trồng mới đều làm mương thoát nước cho cây hồ tiêu. Những vườn hồ tiêu lâu năm hầu hết chưa làm rãnh thoát nước, 1 số nhà vườn làm hố thoát nước tại chỗ.
Đối với phân bón hữu cơ đã có 100% nhà vườn sử dụng tuy nhiên lượng phân bón còn ít chưa phù hợp với khuyến cáo. Còn phân vô cơ 100% nhà vườn đều sử dụng, các loại phân vô cơ dùng phổ biến là phân Ure, lân, kali, NPK 16:16:8, NPK 20:20:15, NPK 15:15:15, NPK 19:9:19,lượng phân bón chủ yếu theo theo kinh nghiệm của nhà vườn, qua điều tra cho thấy nhà vườn bón phân đạm và lân cao trung bình hơn so với khuyến cáo, hàm lượng kali hơi thấp.
Đối với sâu bệnh hại: Bệnh chết nhanh và chết chậm là 2 loại bệnh quan trọng nhất trên cây hồ tiêu, qua điều tra cho thấy vẫn xuất hiện nhiều ở 2 xã Xuân Thọ và Suối Cao. Đặc biệt là bệnh chết nhanh, nhiều vườn hồ tiêu đã bị chết hàng loạt. Nhà vườn vẫn chưa phòng trừ hiệu quả bệnh chết nhanh mặc dù nhà vườn đã sử dụng rất nhiều loại thuốc hóa học để phòng trị. Các loại sâu bệnh hại trên lá, thân nhìn chung nhà vườn có thể phòng trừ được.
Năng suất hồ tiêu trung bình đạt hơn 3 tấn/ha, có một số hộ cá biệt đạt được năng suất từ6 – 10 tấn/ha, đây là những hộ vườn tiêu có độ tuổi từ 8 – 12 năm và có kinh nghiệm trong sản xuất. Phần lớn các hộ có năng suất từ 2,5 – 3,5 tấn/ha và dung trọng của hạt tiêu dao động từ 480-600 g/lít.
Cây hồ tiêu là loại cây trồng đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Ước tính 1ha tiêu cho năng suất 2 tấn/ha với giá bán hiện nay là 200.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu được làkhoảng 258.970 triệu đồng/ha/năm. Đối với những vườn hồ tiêu >8 năm tuổi và người dân có kinh nghiệm trong sản xuất thì sản lượng tiêu thu hoạch được có thể được 7 tấn/ha và lợi nhuận thu được là 1.199,4 triệu đồng/ha/năm.
1.2 Tình hình sử dụng cây trụ tiêu ở huyện Xuân Lộc
Với điều kiện thời tiết ở miền Đông Nam Bộ và chế độ canh tác của nhà vườn huyện Xuân Lộc nên sử dụng trụ sống cho hồ tiêu, mỗi loại trụ có ưu nhược điểm riêng. Theo đánh của nhiều nhà vườn cũng như theo đánh giá của chúng tôi thì cây gòn, cây sầu đâu, lồng mức, keo dậu là 4 loại trụ thích hợp nhất với điều kiện đất đai ở 2 xã Xuân Thọ và Suối Cao.
1.3 Tình hình thu mua hạt tiêu ở huyện Xuân Lộc
Kênh tiêu thụ hạt hồ tiêu chủ yếu ở huyện Xuân Lộc là: Người trồng tiêu – Người thu gom – Đại lý thu mua – Doanh nghiệp chế biến hồ tiêu xuất khẩu. Việc tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu thông qua kênh tiêu thụ này đã làm cho nhà vườn luôn ở thế bị động về giá bán và thường xuyên bị thương lái ép giá do nhà vườn không cập nhật thông tin về giá cả thị trường hàng ngày. Việc bán hồ tiêu cho công ty sẽ được hưởng giá cả cao hơn so với bán qua lái thương nhưng đa số nhà vườn thường không bán hết toàn bộ hạt hồ tiêu, mỗi lần họ chỉ bán lượng nhỏ (0,2 – 1 tấn/lần) để chi tiêu gia đình, số còn lại chờ giá bán. Vì vậy, để có thể liên kết được với các công ty thu mua, nhà vườn cần phải liên kết lại với nhau để có sản lượng lớn công ty mới ký hợp đồng thu mua.
2. Xây dựng các mô hình trình diễn
2.1 Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp vườn hồ tiêu giai đoạn kiết thiết cơ bản
Sau 20 tháng thực hiện mô hình thâm canh hồ tiêu giai đoạn kiến thiết cơ bản đã làm cho cây hồ tiêu sinh trưởng tốt, chưa nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm và virus.
2.2 Xây dựng mô hình thâm canh hồ tiêu giai đoạn kinh doanh.
Kết quả chọn điểm mô hình: Dựa vào phiếu khảo sát chọn điểm mô hình chúng tôi đã chọn được 7 hộ tham gia mô hình thâm canh ở 2 xã Xuân Thọ và Suối Cao.
Sau 2 năm thực hiện mô hình thâm canh hồ tiêu giai đoạn kinh doanh đã làm cho cây hồ tiêu sinh trưởng phát triển tốt, chưa nhiễm bệnh chết nhanh và ít nhiễm chết chậm, năng suất hồ tiêu tăng từ 12,7 – 17,9%, hiệu quả kinh tế tăng từ 19,92-23,17% so với đối chứng.
2.3 Xây dựng mô hình trồng xen cây hồ tiêu trong vườn cà phê giai đoạn kinh doanh
Cây hồ tiêu xen canh trong vườn cà phê sau trồng 18 tháng sinh trưởng phát triển tốt, chưa bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm và bệnh virus, hiện cây cà phê vẫn chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây hồ tiêu. Mặt khác, so sánh giữa cây cà phê trong mô hình và cây cà phê đối chứng trồng thuần vẫn chưa thấy có sự khác biệt rõ nét. Điều này chứng tỏ, nếu chăm sóc hồ tiêu trong vườn cà phê đúng quy trình cả cây hồ tiêu và cà phê đều sinh trưởng phát triển tốt tương đương so với vườn hồ tiêu trồng thuần. Tuy mô hình chưa trái nên chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế, nhưng qua phân tích ở trên mô hình xen canh hồ tiêu trong vườn cà phê chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn vườn hồ tiêu thuần hay vườn cà phê thuần.
3. Xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm
Mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã giúp nhà vườn và HTX có thêm thông tin về thị trường tiêu thụ hồ tiêu. Đã giới thiệu các công ty thu mua hồ tiêu có uy tín trên thị trường. Các nhà vườn tham gia mô hình đã ký được hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng kinh tế với số lượng 20,1 tấn với giá cao hơn 5.000đ/kg với công ty TNHH Nguyên Lộc, HTX hồ tiêu Xuân Thọ cũng đã bán được hơn 30 tấn hạt hồ tiêu.
4. Chuyển giao công nghệ
4.1 Đào tạo kỹ thuật viên “Sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững”
Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Xuân Lộc, UBND xã Xuân Thọ và Suối Cao tổ chức khóa đào tạo kỹ thuật viên cho 10 nhà vườn ở xã Xuân Thọ và Suối Cao từ ngày 12/5/2014 – 21/5/2014. Các học viên sau khi đào tạo lý thuyết và thực hành đã nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, có khả năng áp dụng tốt kỹ thuật sản xuất hồ tiêu và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nhà vườn trồng hồ tiêu trong huyện khi nhân rộng dự án. Cuối khóa học, học viên tham gia bài kiểm tra, kết quả cả 10 nhà vườn đều đạt yêu cầu được Trung tâm cấp giấy chứng nhận “Kỹ thuật viên Sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững”.
4.2 Tập huấn chuyển giao kỹ thuật
Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Xuân Lộc, UBND xã Xuân Thọ và Suối Cao đã tổ chức 1 lớp tập huấn ở xã Xuân Thọ và 1 lớp ở Suối Cao với số lượng học viên là 40 lượt người/lớp. Thời gian tập huấn từ ngày 20/6 – 21/6/2014.
Kết quả đạt được: Sau buổi tập huấn, qua phiếu khảo sát cho thấy 100% nhà vườn hài lòng về nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Cả 80 nhà vườn tham gia lớp tập huấn đều hiểu được quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững và có thể áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất hồ tiêu tại địa phương.
4.3 Hội thảo đầu bờ
Sau 22 tháng thực hiện mô hình trình diễn, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Xuân Lộc, UBND xã Xuân Thọ, UBND Suối Cao, UBND xã Xuân Hiệp, UBND xã Xuân Bắc đã tổ chức hội thảo đầu bờ cho 80 nhà vườn nhằm giới thiệu các kết quả đạt được của mô hình và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng trong mô hình, đặc biệt đã hướng dẫn cụ thể các nhà vườn bón phân cân đối, sử dụng phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh, cách sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh hại. Qua buổi hội thảo, các nhà vườn hồ tiêu có thể trao đổi kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu và cùng thảo luận những những thuận lợi và khó khăn khi sản xuất theo hướng bền vững. Từ đó, các nhà vườn đã nắm vững được kỹ thuật canh tác hồ tiêu.
Check Also
Thiết kế, tổng hợp, nghiên cứu tính chất phát quang, khả năng xúc tác và hoạt tính chống ung thư của phức chất platin với một số phối tử carbene dị vòng nitơ
Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn …