Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Xuân Hùng
và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Trường Đại học Lâm nghiệp Cơ Sở 2
Mục tiêu của đề tài:
– Mục tiêu chung: Góp phần bảo vệ các HST đất ngập nước và vùng bán ngập, hạn chế và ngăn chặn các loài thực vật ngoại lai xâm hại tại Đồng Nai.
– Mục tiêu cụ thể:
i) Xác định được tập đoàn cây bản địa có khả năng sống và sinh trưởng trong vùng bán ngập tại địa phương.
ii) Tuyển chọn và trồng thử ít nhất 3 loài cây bản địa có triển vọng trong vùng bán ngập làm cơ sở xây dựng các đề xuất kỹ thuật trồng rừng trên đất bán ngập.
Kết quả nghiên cứu:
1. Một số đặc điểm của lập địa tượng tác động đến thảm thực vật
Khu vực nghiên cứu có địa hình khá bằng phẳng, không sự chia cắt lớn nên không có tiểu vùng khí hậu do địa hình tạo nên. Khí hậu trong vùng nghiên cứu thể hiện đầy đủ các đặc trưng của khí hậu miền Đông Nam Bộ mưa theo mùa nên chế độ thủy văn trên hồ cũng diễn biến theo quy luật này.
Thảm thực vật ít, mưa lớn tập trung theo mùa đã làm tăng xói mòn đất ở những nơi có độ dốc cao. Vào mùa khô thực vật sinh trưởng kém, độ che phủ giảm đã làm tăng độ bốc hơi nước bề mặt, mạch nước ngầm hoạt động mạnh, quá trinh feralit xẩy ra mạnh đã làm tăng sự tích tụ sắt, nhôm trong đất, tạo nên kết von, một số nơi đã có hiện tượng đá ong hóa làm mất dần tiềm năng sản xuất của đất.
Một bộ phận người dân vẫn thường xuyên canh tác trên đất bán ngập nhưng không có biện pháp bảo vệ chống xói mòn nên nguy cơ mất đất sản xuất ngày càng cao.
Từ số liệu điều tra các nhân tố cấu thành dạng lập địa, lựa chọn và nhóm các tiêu chuẩn phân chia, kết quả phân chia như sau:
Bảng 1.1: Thống kê các dạng lập địa trên đất bán ngập
TT |
Tên dạng
lập địa |
Thành phần dạng lập địa | Diện tích
(ha) |
Tỷ lệ
(%) |
|
1 | I | Fp Rk (I – II) (1 – 2) ao(1) [ 6] | 972,6 | 12,6 | |
2 | II | Fp Rk (I – II) (1 – 2) ao(2) [5] | 1425,5 | 18,5 | |
3 | III | Fp Rk (II – III) (2 – 3) ao (3) [4] | 2547,3 | 33,1 | |
4 | IV | Fp Rk(II – III) (2 – 3) ao (4) [3] | 1173,9 | 15,2 | |
5 | V | V1 | Fp Rk III 3 ao(5) [2] | 768,5 | 10,0 |
V2 | Fp II 2 a1(5) [2] | 84,0 | 1,1 | ||
6 | VI | VI1 | Fp Rk III 3 a1(6) [1] | 481,7 | 6,2 |
VI2 | Fp II 2 a1 (6) [ 1] | 70,0 | 0,9 | ||
7 | VII | Fp Rk IV 4 ao(1 – 6) [1 – 6] | 187,0 |
2,4 |
2. Điều tra nghiên cứu chọn cây trồng
Trên cơ sở kết hợp giữa thực tiễn điều tra và nghiên cứu tổng quan kết hợp với kinh nghiệm của nhóm nghiên cứu đề tài lựa chọn các loài sau để đưa vào trồng thử nghiệm:
Gáo vàng (Nauclea orientalis L), Trai Nam Bộ (Fagraea fragrans Roxb), Bằng lăng nước (Lagerstroemia speciosa), Sao đen (Hopea odorata), Lộc vừng (Barringtonia acutangula).
3. Kỹ thuật gieo ươm một số loài nghiên cứu
3.1 Cây gáo vàng
Quả sau khi thu hái về đem ủ cho quả chín đều thịt quả mềm, sau đó trà sạch lớp thịt quả, đem phơi hạt khô. Xử lý hạt bằng cách ngâm hạt trong thời gian 1 ngày đêm sau đó đem ủ hạt khoảng 3 ngày rửa chua hàng ngày. Sau 3 – 4 ngày hạt bắt đầu nẩy mầm. Khi gieo đem trộn đều với cát khô. Luống gieo được làm đất kỹ thời gian đầu che bóng bằng lưới linon 50%. Sau khi gieo 10 – 12 tuần tuổi đem cấy cây vào bầu.
Trong quá trình gieo ươm cần chú ý dải thuốc trừ mối, kiến xung quanh luống gieo. Trong giai đoạn cây mạ cần lưu ý các bệnh mốc sương và thối cỏ rễ, ở giao đoạn này cây rất mẫn cảm với các loại phân bón vì vậy trong quá trình chăm sóc chỉ cần tưới nước đầy đủ và làm cỏ thường xuyên.
3.1.1. Ảnh hưởng của hỗn hợp ruột bầu đến sinh trưởng đường kính của gáo vàng gáo vàng 6 tháng tuổi
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy:
+ Đường kính gốc cây trung bình của Gáo vàng 6 tháng tuổi ở nghiệm thức Đối chứng là 1.22 cm. Ở CT2 (H2): 98% đất +2% super lân là 1.49cm, ở CT3 (H3): 98% đất +2% NPK là 1.29, CT4 (H4): 94% đất + 6% Vi sinh là 1.42cm các công thức còn lại đường kính gốc dao động từ 1.44cm – 1.49cm
+ Mức độ phân hóa đường kính thân cây trong từng công thứ thức diễn ra khá lớn (phụ biểu 4.1); biến động về đường kính ở các công thức dao động từ 12.34% – 19.67% , nhỏ nhất ở Công thức 2 (98% đất +2% super lân) , cao nhất ở Công thức nghiệm thức đối chứng. Khi thành phần hỗn hợp rut bầu khác nhau, thì sinh trưởng đường kính của gáo vàng 6 tháng tuổi cũng có sự khác biệt rất lớn về mặt thống kê (F = 20.883; P < 0,001) (phụ biểu 4.1). Sự khác biệt này biểu hiện rõ thành 4 nhóm theo thứ tự đường kính tăng dần trong đó nhóm 1 bao gồm những cây không được bón phân , nhóm 2 được bón 2% NPK, nhóm 3 được bón + 6% Vi sinh và 10% phân bò hoai +2% NPK, nhóm 4 được bón 2% super lân, 10% Phân chuồng + 2% super lân và 8% phân vi sinh + 2% NPK. Trong đó công thức bón 10% phân bò hoai +2% NPK nằm cả ở nhóm 3 và nhóm 4
3.1.2. Ảnh hưởng của hỗn hợp ruột bầu đến sinh trưởng chiều cao của gáo vàng gáo vàng 6 tháng tuổi
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy:
+ Chiều cao thân cây trung bình của gáo vàng 6 tháng tuổi có trị số thấp nhất ở nghiệm thức đối chứng 70. Cao nhất ở nghiệm thức 5 (88% đất + 10% Phân chuồng + 2% super lân) là 92.62cm. Chiều cao thân cây trong từng nghiệm thức có sự phân hóa khá mạnh từ 11.6% ở nghiệm thức 6(88% đất + 10% phân bò hoai +2% NPK) đến 17.9 % ở nghiệm thức 3 (98% đất +2% NPK). Sau 6 tháng tuổi, chiều cao của Gáo vàng dưới ảnh hưởng của hỗn hợp ruột bầu khác nhau có sự khác biệt rất lớn về mặt thống kê (F = 30.073; P < 0,001) (phụ biểu 4.1). Theo sự khác biệt về chiều cao thân cây, có thể phân chia cây con gáo vàng 6 tháng tuổi thành 5 nhóm; trong đó nhóm 1 có chiều cao thấp nhất (70.48cm) tương ứng với các nghiệm thức đối chứng, nhóm hai có chiều cao 78.58cm tương ứng với nghiệm thức 7 (90% đất + 8% phân vi sinh + 2% NPK), nhóm 3 có chiều cao trung bình từ 83.60cm – 87.70 tương ứng với các nghiệm thức 3 (98% đất +2% NPK), 4 (94% đất + 6% Vi sinh), 6(88% đất + 10% phân bò hoai +2% NPK), nhóm 4 có chiều caotrung bình lớn nhất là 91.62cm tương ứng với nghiệm thức 2, nhóm năm có chiều cao lớn nhất trong toàn bộ thí nghiệm là 92.62cm tương ứng với nghiệm thức 5 (88% đất + 10% Phân chuồng + 2% super lân )
.
Như vậy, tổng hợp những kết quả phân tích phản ứng của Gáo vàng với hỗn hợp ruột bầu có thể đi đến nhận định rằng. Khi gieo ươm Gáo vàng trên nền đất xám phù sa cổ ở Đồng Nai, hỗn hợp ruột bầu tốt nhất là 89% đất + 10% phân chuồng hoai. + 1% supelân.
3.2 Cây Trai Nam Bộ
Quả sau khi thu hái về đem ủ cho quả chín đều có màu đỏ tươi thịt quả mềm, sau đó trà sạch lớp thịt quả, đem phơi khô ở nơi không có ánh sáng trực xạ. Xử lý hạt bằng cách ủ hạt trong cát có nhiệt độ 70 -80 0C khoảng 6 -8 giờ trước khi gieo.
Luống gieo được làm đất kỹ thời gian đầu che bóng bằng lưới linon 75%. Cần dải thuốc trừ mối, kiến xung quanh luống gieo.
Sau khi gieo khoảng 20-25 ngày cây bắt đầu nảy mầm, khi cây mầm được khoảng 12 tuần tuổi chiều cao đạt 2-3cm đem cấy cây vào bầu. Trong giai đoạn cây mạ cần lưu ý các bệnh mốc sương và thối cỏ rễ.
3.2.1. Ảnh hưởng của hỗn hợp ruột bầu đến sinh trưởng đường kính của Trai Nam bộ 12 tháng tuổi
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy:
+ Đường kính gốc cây trung bình của Trai nam bộ 12 tháng tuổi ở nghiệm thức Đối chứng là 0.9 cm. Ở các công thức còn lại dao động từ 1.41cm – 1.61cm Trong đó đáng chú ý là các công thức 2 (98% đất +2% super lân), công thức 5(88% đất + 10% Phân chuồng + 2% super lân), công thức 6 (88% đất + 10% phân bò hoai +2% NPK)
+ Mức độ phân hóa đường kính thân cây trong từng công thứ thức diễn ra khá lớn (phụ biểu 4.2); biến động về đường kính ở các công thức dao động từ 13.69% – 21.45 %. Khi thành phần hỗn hợp ruột bầu khác nhau, thì sinh trưởng đường kính của Trai nam bộ cũng có sự khác biệt rất lớn về mặt thống kê (F =94.793; P < 0,001) (phụ biểu 4.2). Sự khác biệt này biểu hiện rõ thành 5 nhóm theo thứ tự đường kính tăng dần trong đó nhóm 1 bao gồm những cây không được bón phân , nhóm 2 thuộc công thức 7 (90% đất + 8% phân vi sinh + 2% NPK) và 4 (94% đất + 6% Vi sinh), nhóm 3 thuộc công thức 3 (98% đất +2% NPK) , nhóm 4 thuộc công thức 2(98% đất +2% super lân) và 6 (88% đất + 10% phân bò hoai +2% NPK) nhóm 1 thuộc công thức 5 (88% đất + 10% phân bò hoai +2% NPK)
3.2.2. Ảnh hưởng của hỗn hợp ruột bầu đến sinh trưởng chiều cao của Trai Nam bộ 12 tháng tuổi
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy:
+ Chiều cao thân cây trung bình của Trai nam bộ 12 tháng tuổi có trị số thấp nhất ở nghiệm thức đối chứng 57cm. Cao nhất ở nghiệm thức 5 (88% đất + 10% Phân chuồng + 2% super lân) là 110cm. Chiều cao thân cây trong từng nghiệm thức có sự phân hóa khá mạnh từ 9.22% ở công thức 2 đến 17% ở công thức 3
Sau 12 tháng tuổi, chiều cao của Trai nam bộ dưới ảnh hưởng của hỗn hợp ruột bầu khác nhau có sự khác biệt rất lớn về mặt thống kê (F = 183.046; P < 0,001) (phụ biểu 4.2). Theo sự khác biệt về chiều cao thân cây, có thể phân chia cây con Trai nam bộ 12 tháng tuổi thành 6 nhóm; trong đó nhóm 1 có chiều cao thấp nhất (57cm) tương ứng với công thức đối chứng, nhóm hai có chiều cao cm 85.29cm tương ứng với công thức 3 (98% đất +2% NPK), nhóm 3 có chiều cao trung bình từ 90cm, tương ứng với công thức 7 (90% đất + 8% phân vi sinh + 2% NPK), nhóm 4 có chiều cao trung bình đạt 95cm tương ứng với công thức bón phân 2 (98% đất +2% super lân) , nóm năm có 2 công thức bón phân, công thức 4 đạt 102.9cm (94% đất + 6% Vi sinh), công thức 6 đạt 103.5cm (88% đất + 10% phân bò hoai +2% NPK), nhóm 6 có chiều cao trung bình lớn nhất là 110.4cm tương ứng với công thức bón phân 5 (88% đất + 10% Phân chuồng + 2% super lân).
.
Nhận xét chung
Như vậy, tổng hợp những kết quả phân tích phản ứng của Trai nam bộ 12 tháng tuổi với hỗn hợp ruột bầu có thể đi đến nhận định rằng, Trai nam bộ là loài cây chưa cần nhiều NPK để sinh trưởng và phát triển trong giai đoạn gieo ươm . Khi gieo ươm trai nam bộ trên nền đất xám phù sa cổ ở Đồng Nai, hỗn hợp ruột bầu tốt nhất là dùng 2% phân Supelân kèm theo 10% phân chuồng hoai.
4. Xây dựng mô hình phục hồi rừng trên vùng bán ngập
– Căn cứ vào kết quả thống kê các loài cây phân bố tự nhiên tại vùng bán ngập.
– Căn cứ vào đặc điểm của vùng đất bán ngập (mức nước ngập, thời gian ngập nước, độ dốc mặt đất, độ dày tầng đất, thảm thực vật hiện có, tình hình sử dụng đất)
– Căn cứ vào mức độ đại diện cho đặc điểm tự nhiên của vùng đất bán ngập cũng như kết quả điều tra tình hình dân sinh kinh tế và lực lượng lao động của khu vực nghiên cứu.
– Căn cứ vào điều kiện vận chuyển và quản lý bảo vệ mô hình rừng trồng
Đề tài tiến hành lựa chọn địa điểm bố trí mô hình tại vùng đất bán ngập thuộc ấp 4 xã Mã Đà nằm trong tiểu khu 121 thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên văn hoá đồng nai quản lý
Kiểu mô hình I. Trồng rừng mới thuần loài cây Gáo vàng tại vùng bán ngập
Kiểu mô hình II. Trồng rừng mới hỗn loài tại vùng bán ngập
5. Đề xuất hướng sử dụng đất
(1) Đối với dạng lập địa không thuận lợi
Dạng lập địa I, II, III có tổng diện tích 4945,4 ha, trong đó có 2398,1 ha thuộc cao trình 50 – 54 m, luôn bị nước ngập thường xuyên qua các năm. Để ổn định nguồn nước cho nhà máy và đáp ứng điều kiện sống bình thường của các loài thủy sinh, góp phần ổn định sinh thái thì cần phải điều tiết, luôn duy trì lượng nước thấp nhất trên hồ giới hạn ở cao trình 54 hoặc 53 m vào cuối mùa khô.
Dạng lập địa VII: Dạng này có cấp độ dốc lớn trên 30 độ, tầng đất mỏng (< 30 cm), tỷ lệ đá lẫn lớn hơn 50%. Lập địa có diện tích 187,0 ha, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng thể (7710,5 ha). Tình trạng mặt đất nhiều nơi có vết nứt lớn. Hướng khắc phục là kiểm tra đánh giá mức độ an toàn trong khu vực, kè đá ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao.
(2) Đối với dạng lập địa có tiềm năng
a. Dạng tiềm năng ít thuận lợi
Dạng lập địa V: có mức ngập sâu từ 3 đến 4 m, thời gian ngập nước từ 5 đến 6 tháng, thời gian không bị ngập nước từ 6 đến 7 tháng. Căn cứ vào cấp độ dốc được phân thành 2 dạng lập địa có những tiêu chí đặc trưng riêng với hướng sử dụng như sau:
– Dạng lập địa V1: Fp Rk III 3 a0 (5) [2], có diện tích khá lớn 768,5 ha, cấp độ dốc từ 20 – 300. Thành phần dinh dưỡng đất ở mức trung bình. Hướng sử dụng dạng lập địa này là trồng cây Gáo vàng; cây giống được tạo bầu từ vườn ươm 6 – 12 tháng để thân cây có chiều cao trên 1.5 m,.
– Dạng lập địa V2: Fp II 2 a1(5) [2], có diện tích 84,0 ha, cấp độ dốc thấp từ 10 – 20 độ, tầng đất dầy 50 – 100 cm, mức ngậpsâu 3 – 4 m. Thành phần dinh dưỡng ở mức trung bình. Thời gian không bị ngập nước từ 6 đến 7 tháng trong năm. Dạng lập địa này có tiêu chí khá thuận lợi để phát triển nông lâm nghiệp. Để có hướng sử dụng lâu dài cần có biện pháp bảo vệ đất, Có thể trồng rừng hỗn giao để phòng hộ loài Sao đen và gáo vàng.
b. Dạng tiềm năng thuận lợi
Dạng lập địa VI: có mức ngập sâu từ 1 đến 2 mét, thời gian ngập nước từ 4 đến 5 tháng, thời gian không bị ngập nước từ 7 đến 8 tháng. Căn cứ vào cấp độ dốc được phân thành 2 dạng lập địa có những tiêu chí đặc trưng riêng với hướng sử dụng như sau:
Dạng lập địa VI1: Fp Rk III 3 a1(6) [1]
Dạng lập địa này có diện tích 481,7 ha, trên đất phù sa cổ và đất bazan xám. Độ dốc khá lớn từ 20 – 30 độ. Chỉ tiêu dinh dưỡng đất ở mức trung bình, độ pH thấp. Độ dầy tầng đất 30 – 50 cm, tỷ lệ đá lẫn 25 – 30%. Mức độ xói mòn khá lớn do có độ dốc cao. Từ đặc điểm này hướng đề xuất sử dụng chính là trồng rừng kinh tế với loài cây chính là Gáo vàng với mật độ 1100cây/ha để hạn chế xói mòn,
Dạng lập địa VI2: Fp II 2 a1 (6) [ 1]
Dạng lập địa này có diện tích 70,0 ha trên đất phù sa cổ. Độ dốc nhỏ từ 10 – 20 độ. Chỉ tiêu dinh dưỡng đất ở mức trung bình khá, độ pH thấp. Độ dầy tầng đất 50 – 100 cm, tỷ lệ đá lẫn 25%. Mức độ xói mòn nhỏ do có độ dốc thấp. Từ đặc điểm này hướng đề xuất sử dụng chính là trồng rừng kinh tế với cây Sao + Gáo vàng và phát triển nông nghiệp. Biện pháp làm đất, canh tác thích hợp nhất để hạn chế xói mòn bảo vệ tiềm năng đất.