Rầy nâu (Nilaparvata lugens Stal.) và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera Horvath) là hai đối tượng sâu hại nguy hiểm và thường xuất hiện cùng nhau trên ruộng lúa. Trong nghiên cứu này, 17 giống lúa gieo trồng phổ biến tại vùng Đồng bằng sông Hồng được đánh giá nhân tạo tính kháng với rầy nâu và rầy lưng trắng. Kết quả đánh giá cho thấy không có giống nào biểu hiện tính kháng (cấp 0 – 3) với cả hai loài sâu hại nói trên. Bên cạnh đó, 17 giống lúa được trồng tại Nam Định và theo dõi biến động quần thể rầy trong cả 2 vụ lúa năm 2020. Kết quả điều tra cho thấy, sự khác biệt về mật độ rầy giữa các nhóm không rõ ràng, ngoại trừ với quần thể rầy nâu ở vụ Xuân: mật độ trung bình trên nhóm cấp 9 cao gấp 2 lần trên nhóm cấp 7. Nhìn chung, mật độ rầy trong năm 2020 là thấp, không bao gồm một số giống trong nhóm nhiễm nặng rầy nâu cấp 9 ở vụ Xuân. Quần thể rầy nâu xuất hiện ở giai đoạn lúa trỗ và đạt đỉnh cao mật độ ở giai đoạn chín sáp. Trong khi đó, đỉnh cao mật độ của rầy lưng trắng có thể ở giai đoạn sớm hoặc muộn hoặc cả hai nhưng mật độ trung bình luôn thấp hơn so với của rầy nâu.
Check Also
Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất sản phẩm nori từ rong Porphyra thu hoạch ở vùng biển Khánh Hòa
Bài viết tập trung khảo sát, đánh giá giá trị dinh dưỡng và tính an …