Quy trình kỹ thuật và những lưu ý trong chăn nuôi gà hữu cơ

Chăn nuôi gà hữu cơ lài gì? 

Chăn nuôi gà hữu cơ không có nghĩa là chỉ cho gà ăn thức ăn hữu cơ, tránh bổ sung thức ăn công nghiệp tổng hợp mà còn tập trung vào việc đáp ứng và thỏa mãn các nhu cầu khác của vật nuôi như môi trường sống của vật nuôi, nhằm đảm bảo tốt cho sức khỏe và phúc lợi của vật nuôi hạn đồng thời hạn chế tối đa các tác động bất lợi như nuôi cố định, nhốt chuồng. 

Như vậy trong chăn nuôi gà mà không đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ, không đảm bảo phúc lợi động vật, không đủ diện tích nuôi gà, thêm vào đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sẽ không được phép tồn tại trong canh tác hữu cơ. 

Gà được nuôi trong điều kiện có bãi thả ngoài trời

Vì sao người tiêu dùng hiện nay ưa chuộng sản phẩm hữu cơ? 

– Giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường. 

– Chất lượng tốt nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao hơn vì các thực phẩm hữu cơ hoàn toàn không chứa các hóa chất độc hại, chất lượng thịt thơm ngon, dai, có độ ngọt tự nhiên, tăng tính ngon miệng cho người tiêu dùng. 

– Sử dụng thực phẩm hữu cơ cũng là góp phần bảo vệ môi trường chung của chúng ta.

Những nguyên tắc cơ bản trong chăn nuôi gà hữu cơ 

– Vật nuôi được di chuyển một cách tự do, thoải mái 

– Vật nuôi được cung cấp đầy đủ thức ăn 

Không làm tổn thương vật nuôi 

– Sử dụng các biện pháp ngăn ngừa phòng bệnh hơn là điều trị bệnh, khi gà bị bệnh sử dụng các biện pháp thuốc thiên nhiên. 

– Không nuôi động vật từ công nghệ biến đổi gen và chuyển phôi.

– Duy trì sức khỏe tốt cho gà: đảm bảo thức ăn và nước uống đầy đủ và sạch sẽ, diện tích chuồng trại thích hợp, phân bổ giới tính đồng đều phù hợp với độ tuổi, kiểm soát vắc xin phòng bệnh và thuốc thú y đúng theo tiêu chuẩn hữu cơ.  

– Có thể sử dụng muối biển, muối mỏ, nấm men, enzyme, đường, rỉ mật, mật ong trong quy trình chăn nuôi gà hữu cơ. 

Chuồng trại

Khu vực chuồng trại chăn nuôi gà hữu cơ phải được khoanh vùng và phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không chăn nuôi hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện. Chuồng trại phải có diện tích rộng rãi đáp ứng nhu cầu chạy nhảy và tìm kiếm thức ăn của đàn gà. Mật độ nuôi trong chuồng đối với gà thịt 8 con/m2, gà đẻ 6 con/m2; Mật độ nuôi ngoài trời gà nhỏ 580 con/ha, gà đẻ 230 con/ha. Chuồng trại phải có nơi để chứa, ủ phân, chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng. Chuồng trại để gà trú ngụ phải có kết cấu vững chắc, nền chuồng được phủ bằng rơm rạ, vỏ bào, cát hoặc nền đất có cỏ và phải thiết kế các cửa ra vào thích hợp với kích cỡ của gà.

Lựa chọn con giống

Gà giống phải được ấp nở từ các trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ hoặc phải là con của các cặp bố mẹ được nuôi dưỡng theo các điều kiện của tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu gà giống từ các nguồn không nuôi theo phương pháp hữu cơ có thể đưa vào nuôi lúc gà mới nở. Không được sử dụng các giống biến đổi gen.

  Gà giống phải khỏe mạnh, có khả năng kháng bệnh và thích nghi với điều kiện tại địa phương, nên ưu tiên sử dụng các giống gà bản địa.

Thức ăn và nước uống

Thức ăn: Không được sử dụng cám tổng hợp bán sẵn trên thị trường, không sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng hoặc kích thích sản lượng trứng để sử dụng cho gà nuôi hữu cơ. Thức ăn nuôi gà hữu cơ phải được làm từ nguyên liệu hữu cơ 100%. Sử dụng các nguyên liệu như cám gạo, ngô nghiền, bột đậu tương được trồng theo phương pháp hữu cơ có thể bổ sung thêm bột cá nhưng phải đảm bảo về nguồn gốc. Việc phối trộn thức ăn phải phù hợp với từng giai đoạn của gà.

Đối với gà thịt: Giai đoạn gà con 0 – 4 tuần tuổi nhu cầu đạm tối thiểu 20%, giai đoạn từ 5 tuần tuổi đến xuất bán nhu cầu đạm 16 – 18%. Chế độ ăn giai đoạn gà con 0 – 4 tuần tuổi cho ăn tự do cả ngày lẫn đêm; Giai đoạn 5 tuần tuổi đến xuất chuồng cho ăn 2 lần/ngày kết hợp với khả năng tự kiếm ăn của gà.

Đối với gà đẻ được chia thành 5 giai đoạn: Gà con, gà hậu bị, gà đẻ khởi động, gà đẻ pha I và gà đẻ pha II.

Gà con 0 – 6 tuần tuổi: Trong 3 tuần đầu, cho gà ăn tự do cả ngày lẫn đêm, sau 3 tuần tuổi cho ăn hạn chế theo khối lượng cơ thể gà ở các tuần tuổi (đối với gà trống 4 – 6 tuần tuổi cho ăn từ 44 – 54g thức ăn/ngày tương đương với khối lượng cơ thể 605 – 860g; gà mái cho ăn từ 40 – 50g thức ăn/ngày tương đương với khối lượng cơ thể 410 – 600g.

Gà hậu bị 7 – 20 tuần tuổi: Nhu cầu hàm lượng đạm giảm theo độ tuổi từ 7 – 9 tuần tuổi hàm lượng đạm trong thức ăn khoảng 19%; từ 10 – 20 tuần tuổi nhu cầu hàm lượng đạm 15,5 – 16%, lượng thức ăn hạn chế theo trọng lượng của gà cụ thể: Gà trống cho ăn tăng dần từ 58 – 108g thức ăn/con/ngày, tương đương với khối lượng cơ thể từ 1 – 2,8kg, gà mái từ 54 – 105g thức ăn/con/ngày, tương đương với khối lượng cơ thể từ 0,7 – 2kg.

 Gà đẻ khởi động 21 – 24 tuần tuổi: Tăng dần lượng thức ăn cho gà và hàm lượng đạm đảm bảo ở mức 17,5 – 18 %.

Đẻ pha I từ 25 – 40 tuần tuổi: Thức ăn cung cấp cho gà ở giai đoạn này từ 140 -160g/con/ngày. Hàm lượng đạm duy trì ở mức 17,5 %.

Đẻ pha II từ 41 – 64 tuần tuổi: Thức ăn giảm dần từ xuống 145g – 120g/con/ngày.

Nước uống: Đàn gà phải được uống đầy đủ, nguồn nước uống phải sạch theo phương pháp hữu cơ để duy trì đầy đủ sức khỏe và sức đề kháng của gà.

Phòng và trị bệnh

Phòng bệnh: Cho gà thường xuyên vận động ngoài trời để tăng miễn dịch tự nhiên. Bảo đảm mật độ nuôi thả thích hợp tránh để xảy ra các vấn đề về sức khỏe. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như vệ sinh chuồng trại và bãi chăn thả, phòng bệnh bằng vắc xin, các chế phẩm sinh học…

Trị bệnh: Đối với nuôi gà hữu cơ không được dùng thuốc kháng sinh, thuốc thú y tổng hợp hóa học để điều trị bệnh. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm thảo dược, các nguyên tố vi lượng, các chất khoáng. Khi xảy ra dịch bệnh đặc biệt không có cách xử lý nào khác hoặc trong trường hợp do luật pháp yêu cầu thì được phép dùng thuốc thú y, thuốc diệt ký sinh trùng và thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, phải ghi chép đầy đủ và lưu hồ sơ chi tiết về việc điều trị, thuốc thú y đã dùng và thời gian đào thải thuốc. Cách ly đàn gà bị bệnh và khi xuất bán không được gắn nhãn mác sản phẩm hữu cơ.

Quản lý sức khỏe đàn gà

Gà phải được nuôi trong không gian mở, thích hợp cho vận động, không được nuôi nhốt trong lồng. Dụng cụ chứa, xử lý chất thải, kể cả nơi ủ phân, nước thải phải được thiết kế để phòng ngừa ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước. Sau mỗi đợt nuôi phải để trống chuồng trại trước khi nuôi đàn mới, khu vực chăn thả ngoài trời cũng phải có thời gian để thực vật phục hồi lại.

PV (Tổng hợp)

Về Phạm Minh Vương

Check Also

Chủ động phòng tránh thiên tai nhờ hệ thống khoanh vùng, cảnh báo sớm

Ở các vùng cao, ngưỡng mưa gây ra lũ quét và sạt lở đất phụ …