Nghiên cứu quy trình nuôi lợn sinh sản đạt năng suất cao

Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đã và đang phát triển cả về qui mô và tính chuyên hóa. Thành tựu chăn nuôi đã khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội ở nước ta. Theo số liệu thống kê của Cục chăn nuôi, tổng số đầu lợn ở nước ta trong những năm gần đây giao động trong khoảng từ 27 đến 29 triệu, trong đó tổng đàn lợn nái khoảng 4 triệu con (chiếm 14.6% tổng đàn). Tuy nhiên, nếu nhìn nhận về số đầu nái so với tổng đàn của chúng ta là chiếm tỷ lệ quá cao so với thế giới, ví dụ như Thái Lan quy mô đầu lợn năm 2013 là 35,1 triệu con, nái 1,01 triệu con chiếm trên 2,88% tổng đàn, điều này buộc chúng ta phải thừa nhận một thực tế là chất lượng và năng suất sinh sản trong chăn nuôi lợn của chúng ta là quá thấp.

Hiện nay người chăn nuôi ở quy mô trang trại và quy mô nông hộ chủ yếu sử dụng lợn nái ngoại sinh sản giống ngoại và con lai có năng suất cao, tập trung chủ yếu là giống lai giữa Landrace và Yorkshire. Tuy nhiên, mỗi trại có một cách quản lý và cách chăm sóc khác nhau nên năng suất của đàn lợn nái cũng rất khác nhau. Ở quy mô trang trại năng suất sinh sản của lợn nái giống Landrace, Yorkshire và con lai giữa 2 giống này ở vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long tương ứng là 21,20; 22,41; 21,68 và 20,22 lợn con cai sữa/nái/năm. Trong số các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của đàn nái cơ bản, khẩu phần ăn và phương thức nuôi lợn nái sinh sản đóng một vai trò rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất ở một lứa đẻ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất ở các lứa sau. Để đạt được yêu cầu như tăng số lợn con cai sữa/nái/năm (≥ 23 lợn con cai sữa), tăng tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa (≥ 93%) và tăng chất lượng đàn lợn con cai sữa, việc chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý đàn lợn nái sinh sản cần được coi trọng.

Quy trình kỹ thuật chăn nuôi đang là vấn đề quan trọng trong chăn nuôi lợn nái của nước ta. Tuy nhiên, mỗi vùng, miền có điều kiện chăn nuôi lợn nái khác nhau: Con giống, trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật, chuồng trại, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, điều kiện khí hậu khác nhau đã có tác động khác nhau đến năng suất sinh sản của lợn nái, đặc biệt là lợn nái cao sản, do vậy, nhằm xây dựng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái lai giữa Landrace và Yorkshire phù hợp từng giai đoạn (lợn hậu bị, lợn mang thai và nuôi con) để nâng cao năng suất sinh sản ≥ 23 con cai sữa/nái/năm và tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa ≥93%, nhóm nghiên cứu do TS. Trần Thị Bích Ngọc, Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng đầu đã đề xuất và được chấp thuận thực hiện đề tài: “Nghiên cứu quy trình nuôi lợn sinh sản đạt năng suất cao”. Đề tài này kế thừa nghiên cứu về quy trình nuôi dưỡng lợn cái hậu bị giống LY và YL của Đoàn Vĩnh và cũng kế thừa các quy trình của cơ sở chăn nuôi nuôi thử nghiệm và các quy trình được đúc rút từ các kết quả nghiên cứu trước đây.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài thu được các kết quả sau:

1. Từ kết quả điều tra thực trạng chăn nuôi lợn nái ngoại, đề tài đưa ra một số kết luận sau:

– Hàm lượng protein và tỷ lệ lysine tiêu hóa/ME trong thức ăn hỗn hợp cho lợn nái ngoại sinh sản (giai đoạn hậu bị, mang thai và nuôi con) ở các trang trại điều tra hoặc cao hơn (trên 10%), hoặc thấp hơn (trên 10%) so với khuyến cáo của NRC (1998, 2012), Danbred (2010) và Danish Pig Production (2008). Số lợn con cai sữa/nái/năm trung bình ở các trại điều tra là 22,63 con. Đây là nguyên nhân gây ra hoặc lãng phí thức ăn hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho vật nuôi, dẫn đến năng suất sinh sản thấp hơn nhiều so với tiềm năng di truyền của chúng;

– Lượng thức ăn ăn vào của lợn nái nuôi con là 4,56kg/con/ngày, thấp hơn so với khuyến cáo của NRC (1998 và 2012), bởi vậy cần tăng lượng thức ăn ăn vào để đáp ứng đủ lượng thức ăn nhằm tăng khối lượng lợn con cai sữa và giảm hao hụt khối lượng của lợn mẹ;

– Kết quả này là cơ sở xác định khẩu phần ăn hợp lý và phương thức cho ăn cho lợn nái lai giữa Landrace và Yorkshire nhằm nâng cao năng suất sinh sản.

2. Đã xây dựng được quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái lai giữa Landrace và Yorkshire. Những điểm mới nổi bật của quy trình như sau:

– Giai đoạn hậu bị: Hàm lượng protein thô và tỷ lệ lysine tiêu hóa/ME thích hợp trong khẩu phần ăn ở giai đoạn 30-60kg và 60kg-PGLĐ tương ứng là 17%; 2,81g/Mcal và 15%; 2,44g/Mcal; Áp dụng cho ăn hạn chế 90% từ ĐDLĐ đến trước PGLĐ 14 ngày, và cho ăn tự do trong vòng 14 ngày trước PGLĐ; tốc độ vòi uống đối với lợn hậu bị 1 lít/phút

– Giai đoạn mang thai: Hàm lượng protein thô và tỷ lệ lysine tiêu hóa/ME thích hợp trong khẩu phần ăn là 13,57% và 1,95 g/Mcal; Áp dụng cho ăn ngày 2 lần (sáng, chiều), từ 0-35 ngày ăn mức 2,2 kg – 2,5 kg, từ 36 – 90 ngày ăn mức 2,2 kg, từ 91 – 110 ngày ăn mức 2,5 kg – 3,0 kg, từ 111 đến 114 ăn mức giảm dần từ 2,5 xuống 1,0 kg; tốc độ vòi uống đối với lợn mang thai 2 lít/phút

– Giai đoạn nuôi con: hàm lượng protein thô và tỷ lệ lysine tiêu hóa/ME thích hợp trong khẩu phần ăn là 18% và 2,75 g/Mcal; Áp dụng cho ăn 4 lần/ngày, sáng 7h00 – 7h30 và 11h00 – 11h30, chiều 4h00 – 4h30 và tối 8h00 – 9h00; tốc độ vòi uống đối với lợn nuôi con 2,5 lít/phút 92

3. Áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng của đề tài cho lợn nái sinh sản ở một số trại chăn nuôi đã cho kết quả tốt hơn so với quy trình mà các trại hiện đang áp dụng, cụ thể như sau:

Trong điều kiện chuồng kín: Tăng khối lượng hàng ngày tính chung cho cả giai đoạn hậu bị cao hơn từ 5,5%; Tuổi động dục lần đầu, phối giống lần đầu sớm hơn 3,5 ngày; Tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa đạt 94,66%; Số con cai sữa/nái/năm đạt 25,30 con và cao hơn 5,85%;  Khối lượng lợn con cai sữa/ổ tăng 11,82%; Chi phí thức ăn cho 1kg lợn con cai sữa giảm 22,09%.

Trong điều kiện chuồng hở: Tăng khối lượng hàng ngày tính chung cho cả giai đoạn hậu bị ở miền Bắc, Trung và Nam cao hơn tương ứng là 7,8%; 7,0% và 6,5%; Tuổi động dục lần đầu, phối giống lần đầu sớm hơn 3,5 ngày; Tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa ở miền Bắc, Trung và Nam tương ứng là 94,73; 94,26 và 94,53%;  Số con cai sữa/nái/năm ở miền Bắc, Trung và Nam đạt tương ứng là 24,65; 24,06; 24,38 và cao hơn so với quy trình hiện tại là 6,16%; 4,29% và 4,86%;  Khối lượng lợn con cai sữa/ổ ở miền Bắc, Trung và Nam tăng tương ứng là 11,28; 8,21 và 8,20%; Chi phí thức ăn cho 1kg lợn con cai sữa giảm từ 22,55%; 18,90% và 18,33%.

4. “Tỷ lệ lysine tiêu hóa/ME thích hợp trong thức ăn của quy trình nuôi lợn nái lai giữa Landrace và Yorkshire” được Cục Chăn nuôi công nhận là Tiến bộ kỹ thuật.

Nhóm đề tài kiến nghị các cơ sở chăn nuôi lợn nái lai Landrace và Yorkshire nên áp dụng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng của đề tài ở giai đoạn hậu bị, mang thai và nuôi con.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16570/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Theo: P.T.T (NASATI)

Về Nguyễn Xuân Tâm

Check Also

Cuộc thi chạy half-marathon dành cho robot tại Trung Quốc

Cuộc thi chạy half-marathon đầu tiên dành cho robot vừa được tổ chức tại Trung …