Công tác quản lý nghề cá ở Việt Nam trong những năm qua chủ yếu được thực hiện thông qua các biện pháp mang tính kỹ thuật như giới hạn kích thước mắt lưới tối thiểu của ngư cụ khai thác, cấm khai thác ở các khu vực bãi đẻ, bãi giống tự nhiện và quy định kích cỡ khai thác tối thiểu đối với một số loài hải sản mà chưa xem xét tương tác của hoạt động nghề cá đến nguồn lợi và hệ sinh thái.
Tiếp cận hệ sinh thái còn là khái niệm khá mới, hầu như chưa được triển khai áp dụng trên diện rộng trong thực tiễn ở Việt Nam do còn thiếu thông tin khoa học cũng như kinh nghiệm trong việc phân tích tương tác giữa hoạt động nghề cá với nguồn lợi và các thành phần cấu thành hệ sinh thái. Để từng bước áp dụng tiếp cận hệ sinh thái vào thực tiễn quản lý nghề cá biển nước ta, nhóm nghiên cứu của TS. Vũ Việt Hà tại Viện nghiên cứu hải sản đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu Quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái” từ năm 2015 đến năm 2019.
Đề tài hướng đến thực hiện ba mục tiêu sau:
Xây dựng được bộ tiêu chí phân loại vùng biển theo chức năng hệ sinh thái; xây dựng được sơ đồ phân bố các vùng biển theo hệ sinh thái phục vụ quản lý nghề cá và sơ đồ phân 2 vùng quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái và đề xuất được nguyên tắc, phương thức khai thác ở các vùng sinh thái và giải pháp, kiến nghị điều chỉnh chính sách trong quản lý nghề cá biển
Từ các dữ liệu đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản, các yếu tố môi trường và hải dương học cơ bản, dữ liệu nghề cá và sinh học nghề cá, nhóm nghiên cứu đã phân tích, xác định và lựa chọn được bộ tiêu chí phân loại vùng biển theo chức năng sinh thái gồm 8 tiêu chí chính, mỗi tiêu chí chính là tập hợp gồm nhiều chỉ số khác nhau.
Bằng các phương pháp phân tích nội suy kết hợp với phương pháp phân tích không gian và phương pháp phân tích nhóm, vùng biển Việt Nam đã được phân nhóm tương đối thành 15 phân vùng sinh thái có đặc điểm đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản, môi trường hải dương học đặc trưng. Mười lăm phân vùng sinh thái trên toàn vùng biển Việt Nam phân loại thành 3 phân vùng quản lý nghề cá.
Các mục tiêu của quản lý nghề cá biển dựa trên hệ sinh thái phù hợp với đặc điểm nguồn lợi hải sản và nghề cá nước ta là 1) Mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học; 2) Mục tiêu bảo vệ nguồn giống hải sản và 3) Mục tiêu bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở ban đầu cho việc đề xuất áp dụng mô hình quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái trong điều kiện Việt Nam. Dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài, nhốm nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị mang tính cốt yếu, hướng tới quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái ở nước ta như sau:
+ Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái làm căn cứ cho việc triển khai nghiên cứu, xây dựng kế hoạch quản lý, kế hoạch hành động và chiến lược khai thác theo tiếp cận hệ sinh thái. Mặc dù luật thuỷ sản số 18/2017/QH14 đã thông qua và có hiệu lực thi hành từ tháng 01/2019, tuy nhiên vấn đề quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái cần có các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.
+ Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản phục vụ quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái trong thực tiễn. Ưu tiên các nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi đa loài, tương tác giữa các loài trong chuỗi thức ăn, tương tác giữa các loài hải sản với hoạt động khai thác, ảnh hưởng của hoạt động nghề cá đến sinh cảnh và hệ sinh thái. Khuyến khích các nghiên cứu cải tiến ngư cụ khai thác nhằm giảm thiểu khai thác xâm hại nguồn lợi và khai thác không chủ ý đối với các loài hải sản.
+ Tăng cường các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế sinh học và kinh tế xã hội nghề cá để giải quyết các mâu thuẫn giữa vấn đề bảo vệ nguồn lợi, quản lý nghề cá với sinh kế của cộng đồng ngư dân sống phụ thuộc vào nghề cá.
+ Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ, Ngành, các bên liên quan trong việc lập kế hoạch quản lý và kế hoạch thực hiện quản lý nghề cá.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16725/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Theo: N.P.D (NASATI)