Một nghiên cứu vừa công bố trên Nature Cardiovascular Research cho thấy mặc dù hẹp động mạch cảnh có thể dẫn đến đột quỵ ở cả nam và nữ, song đặc điểm mảng xơ vữa và các triệu chứng lâm sàng thường khác biệt theo giới. Dù các loại tế bào chính trong mảng xơ vữa tương đồng giữa hai giới, cấu trúc bên trong tế bào lại có nhiều khác biệt quan trọng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây ra 17,9 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, trong đó đột quỵ và nhồi máu cơ tim chiếm tới 85%.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Katyayani Sukhavasi tại Đại học Tartu-Estonia cho biết giới tính sinh học có ảnh hưởng đáng kể đến hẹp động mạch cảnh, sự phát triển của xơ vữa động mạch và nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung; những yếu tố này còn chịu tác động bởi tuổi tác và thời kỳ mãn kinh. Nam giới có xu hướng dễ mắc và bị bệnh tim mạch sớm hơn, thường xuất hiện các mảng xơ vữa giàu lipid và có hiện tượng chảy máu trong mảng. Trong khi đó, ở phụ nữ, có thể nhờ vào tác động bảo vệ của nội tiết tố trước mãn kinh; thường phát triển hẹp động mạch cảnh muộn hơn, nhưng phổ biến hơn với hiện tượng xói mòn mảng xơ vữa.
Do đó, việc hiểu rõ các khác biệt giới tính trong hẹp động mạch cảnh là rất quan trọng. Nghiên cứu đã sử dụng công nghệ giải trình tự RNA đơn bào để phân tích các tế bào trong mảng xơ vữa lấy từ bệnh nhân nam và nữ trong quá trình phẫu thuật loại bỏ tắc nghẽn ở động mạch cổ.
Phân tích dữ liệu bằng các công cụ tin sinh học tiên tiến cho thấy có sự khác biệt đáng kể về mặt giới tính trong thành phần dưới tế bào của mảng bám động mạch cảnh, mặc dù các loại tế bào chính như tế bào cơ trơn, đại thực bào và tế bào nội mô không khác biệt nhiều.
Cụ thể, theo tiến sĩ Katyayani Sukhavasi, ở nữ giới, mảng xơ vữa chứa nhiều tế bào cơ trơn có đặc tính sinh xương, các đại thực bào giúp điều hòa miễn dịch và tế bào nội mô đang chuyển dạng thành tế bào trung mô. Ngược lại, ở nam giới, các mảng xơ vữa lại có nhiều tế bào cơ trơn giống tế bào sụn, đại thực bào tham gia vào quá trình tái tạo mô và tế bào nội mô có khả năng kích thích tạo mạch máu mới.
Nghiên cứu với tựa đề “Single cell RNA sequencing reveals sex differences in the subcellular composition and associated gene-regulatory network activity of human carotid plaques” do các tác giả Katyayani Sukhavasi, Heli Järve, Arno Ruusalepp và Johan Björkgren thực hiện, nhấn mạnh rằng việc hiểu các cơ chế phân tử và mạng lưới điều hòa gen đặc trưng theo giới trong mảng xơ vữa có thể giúp xác định các mục tiêu điều trị riêng biệt cho từng giới.
Tác giả nghiên cứu Sukhavasi khẳng định rằng việc xem xét giới tính sinh học như một biến số then chốt trong nghiên cứu về xơ vữa động mạch là rất cần thiết để có cái nhìn toàn diện hơn về bệnh lý này, từ đó nâng cao khả năng dự đoán rủi ro, chẩn đoán chính xác hơn và xây dựng các chiến lược phòng ngừa, điều trị cá nhân hóa hiệu quả cho cả nam và nữ.
Theo: vista.gov.vn