Thị lực suy giảm là một phần tất yếu của quá trình lão hóa, nhưng tại sao một số người lại dễ mắc các bệnh về mắt do tuổi tác hơn những người khác? Nghiên cứu mới từ Phòng thí nghiệm Jackson (JAX) cho thấy di truyền đóng vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa của mắt, với các nền tảng di truyền khác nhau tác động đến quá trình lão hóa võng mạc theo những cách riêng biệt.
Nghiên cứu được công bố trên Molecular Neurodegeneration, đã phân tích sự thay đổi của gen và protein trong võng mạc của chín dòng chuột khác nhau, mô phỏng sự biến đổi di truyền ở người. Mặc dù tất cả chuột đều có dấu hiệu lão hóa, mức độ và tính chất của những thay đổi này khác biệt đáng kể giữa các dòng chuột.
Trước đây, các nghiên cứu về lão hóa võng mạc thường chỉ sử dụng một dòng chuột có bộ gen đồng nhất, hạn chế khả năng đánh giá vai trò của sự đa dạng di truyền.
Giáo sư Gareth Howell cho biết: “Thách thức lớn trong nghiên cứu bệnh lý mắt do tuổi tác là quá trình lão hóa không đồng nhất. Quan sát sự lão hóa trong một dòng chuột không thể đại diện cho tất cả chuột hay con người. Vì vậy, chúng tôi muốn hiểu cách bối cảnh di truyền ảnh hưởng đến quá trình lão hóa của võng mạc.”
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng chín dòng chuột với nền tảng di truyền khác nhau nhằm phản ánh tốt hơn sự đa dạng ở người, qua đó thu thập dữ liệu về những thay đổi di truyền và phân tử liên quan đến tuổi tác ở cả chuột trẻ và già. Bộ dữ liệu này hiện đã được công bố rộng rãi, giúp hỗ trợ các nhà khoa học khác trong nghiên cứu về lão hóa và mất thị lực; đồng thời mở ra hướng ứng dụng mắt như một “cửa sổ” để đánh giá nguy cơ suy giảm thần kinh.
Một trong những phát hiện quan trọng nhất của nghiên cứu là xác định được hai dòng chuột có đặc điểm giống với bệnh võng mạc ở người.
Bằng cách thực hiện các bài kiểm tra mắt tương tự như khám mắt ở người, các nhà nghiên cứu phát hiện dòng chuột Watkins Star Line B (WSB) có những đặc điểm của bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác và viêm võng mạc sắc tố; một dạng mù di truyền hiếm gặp. Trong khi đó, dòng chuột New Zealand Obese (NZO), vốn có đặc tính béo phì nghiêm trọng và tiểu đường, phát triển bệnh võng mạc tiểu đường.
Nhà nghiên cứu Olivia Marola cho biết: “Hơn nữa, phân tích gen và protein cho thấy cả hai dòng chuột này có nguy cơ cao mắc các bệnh võng mạc phổ biến liên quan đến tuổi tác. Dữ liệu phân tử mà chúng tôi thu thập đã dự đoán chính xác những bất thường trong tế bào võng mạc của hai dòng chuột này. Khi quan sát sự thay đổi đặc biệt trong tế bào hạch võng mạc của dòng NZO ở cấp độ phân tử, chúng tôi cũng phát hiện ra những thay đổi chức năng đáng kể trong các tế bào này.”
Đồng tác giả nghiên cứu Michael MacLean, giải thích: Những mô hình này sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự tiến triển của bệnh lý mắt và thử nghiệm các phương pháp điều trị tiềm năng. Đồng thời, nghiên cứu cũng giúp định hướng việc lựa chọn mô hình chuột phù hợp cho các nghiên cứu về lão hóa, hoặc xác định các gen cụ thể liên quan đến quá trình lão hóa mắt nhanh và bệnh lý như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng và võng mạc tiểu đường.
Ngoài lĩnh vực nghiên cứu thị lực, nghiên cứu này còn có thể tác động đến nghiên cứu về các bệnh thoái hóa thần kinh. Do võng mạc là phần mở rộng trực tiếp của não bộ, việc hiểu cách nó lão hóa có thể cung cấp manh mối về các bệnh như Alzheimer và sa sút trí tuệ.
Giáo sư Gareth Howell nhấn mạnh: “Mắt là một cơ quan quan trọng, và nghiên cứu này giúp lấp đầy khoảng trống trong hiểu biết của chúng ta về quá trình lão hóa. Hơn thế nữa, mắt còn là ‘cửa sổ’ vào não bộ. Bằng cách hiểu rõ quá trình lão hóa của mắt khỏe mạnh, chúng ta có thể tìm ra những phương pháp mới để đánh giá nguy cơ mắc bệnh như Alzheimer”.
Theo: vista.gov.vn