Chăn nuôi Thái Nguyên nổi bật nhờ công nghệ: [Bài cuối] Công nghệ số thúc đẩy chuyển dịch xanh

Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hướng đến phát triển chăn nuôi xanh, tuần hoàn, nâng cao giá trị là một trong những định hướng trọng tâm của Thái Nguyên.

Trang trại gà thịt ứng dụng tự động hóa tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Ảnh: Quang Linh.

Ứng dụng công nghệ số vào quản lý dịch bệnh và chăn nuôi

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Thái Nguyên cũng đang từng bước thích nghi, đổi mới để hướng tới một nền chăn nuôi hiện đại, xanh và bền vững.

Với sự nỗ lực từ chính quyền, ngành chuyên môn và cả người chăn nuôi, Thái Nguyên đang dần xây dựng nên một bức tranh chăn nuôi số hóa, nơi dữ liệu, công nghệ và mô hình thông minh trở thành trụ cột phát triển.

Một trong những bước đi quan trọng thể hiện sự chủ động của xứ đệ nhất danh trà trong chuyển đổi số ngành chăn nuôi chính là việc ứng dụng Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) do Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai.

Thông qua hệ thống này, toàn bộ thông tin về dịch bệnh, số lượng đàn vật nuôi được cập nhật kịp thời, chính xác. Tính đến nay, Thái Nguyên đã thực hiện khai báo theo dõi 31 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, với tổng đàn chó được cập nhật lên tới hơn 260.000 con. Đây là cơ sở quan trọng để ngành thú y chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho người chăn nuôi và cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc theo dõi dịch bệnh, tỉnh còn triển khai Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu chăn nuôi (trên nền tảng attp247.vn) với sự hỗ trợ từ Tổ chức FAO và Cục Chăn nuôi. Hệ thống đã tạo cơ sở dữ liệu cho hơn 100.000 cơ sở chăn nuôi, tạo nên một kho thông tin phong phú và hữu ích, giúp người chăn nuôi quảng bá sản phẩm, đồng thời hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tăng cường kết nối với thị trường.

Việc triển khai hệ thống cấp giấy kiểm dịch điện tử qua thiết bị di động cũng là một điểm sáng. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận và xử lý hơn 30.000 hồ sơ thủ tục hành chính kiểm dịch động vật. Nhờ ứng dụng công nghệ, quá trình xử lý trở nên nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, góp phần nâng cao sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp.

Quy trình tự động hóa, hạn chế sự tiếp xúc của tác nhân bên ngoài giúp ngăn chặn dịch bệnh một cách hiệu quả. Ảnh: Quang Linh.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã kết nối thông tin giữa các trang trại, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng thông qua các ứng dụng và nền tảng trực tuyến, chuẩn hóa dữ liệu ngành trên Ứng dụng số Nông nghiệp Thái Nguyên. Đến tháng 2/2025, tỉnh đã cập nhật 386 chứng chỉ hành nghề thú y và 302 giấy chứng nhận điều kiện buôn bán thuốc thú y trên nền tảng số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngành.

Thái Nguyên đã có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng một phần hoặc toàn phần công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động chăn nuôi: như sử dụng máy vi tính để thay cho sổ sách ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi; tự động hóa trong cung cấp nước uống, máng ăn, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng trại chăn nuôi, tình hình sức khỏe, dịch bệnh của vật nuôi…

Cảm biến môi trường, cảm biến nhiệt độ, ánh sáng để giám sát nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí trong chuồng trại qua đó giúp điều chỉnh điều kiện nuôi tối ưu đã được ứng dụng tại một số trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần chăn nuôi CP chi nhánh Thái Nguyên (Trang trại chăn nuôi gà thịt của ông Nguyễn Hồng Phong tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ).

Thiết bị đeo thông minh cho vật nuôi để theo dõi sức khỏe, hoạt động và tình trạng sinh sản của vật nuôi như trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản của Công ty cổ phân chăn nuôi công nghệ cao Thái Nguyên (Trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản Trần Văn Huệ địa chỉ xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ).

Ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi luôn đòi mỏi mức đầu tư lớn. Ảnh: Quang Linh.

Những thách thức trên con đường chuyển đổi xanh

Dù đã có những bước tiến tích cực, ngành chăn nuôi Thái Nguyên vẫn đang đối mặt với không ít thách thức trên hành trình chuyển đổi số. Một trong những rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư cao cho thiết bị, công nghệ và hạ tầng số. Không phải hộ chăn nuôi nào cũng có đủ điều kiện để áp dụng các hệ thống công nghệ hiện đại như chuồng kín, máng ăn tự động hay phần mềm quản lý chăn nuôi.

Bên cạnh đó, sự phân tán, manh mún trong quy mô chăn nuôi tại Thái Nguyên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đồng bộ dữ liệu và triển khai các giải pháp công nghệ. Đặc thù chăn nuôi quy mô nhỏ, tự phát khiến hiệu quả đầu tư công nghệ bị hạn chế, khó hình thành các mô hình khép kín bài bản.

Trình độ nhận thức về công nghệ số của một bộ phận người chăn nuôi cũng chưa theo kịp xu thế. Nhiều người vẫn còn lúng túng trong việc sử dụng các phần mềm quản lý, chưa hiểu hết vai trò của công nghệ trong việc giám sát, cảnh báo bệnh tật hay theo dõi chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, việc liên kết, tích hợp dữ liệu giữa các đơn vị liên quan còn thiếu đồng bộ, thiếu chuẩn hóa, dẫn đến khó khăn trong chia sẻ thông tin và phối hợp hành động.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng (bên trái) thăm mô hình gà đẻ trứng tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Ảnh: QL.

Tại Hội nghị Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đã nhấn mạnh: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi để hướng đến phát triển chăn nuôi xanh, tuần hoàn, nâng cao giá trị là một trong những định hướng trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới”

Theo đó, ngành chăn nuôi Thái Nguyên cần xây dựng một kế hoạch hành động mang tính chiến lược và tổng thể, tập trung phát huy các tiềm năng sẵn có, đặc biệt là đàn gà và đàn lợn theo thế mạnh truyền thống của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong phát triển ngành chăn nuôi, từ cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng đến tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đồng thời, cần lựa chọn một số trang trại tiêu biểu để kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, xây dựng mô hình điểm chuyển đổi số trong chăn nuôi. Những mô hình này không chỉ là nơi thực hành, trình diễn mà còn là hạt nhân lan tỏa kinh nghiệm, kỹ thuật đến cộng đồng chăn nuôi trên địa bàn.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu trong năm nay sẽ tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình chăn nuôi số hiện đại trong và ngoài nước, giúp cán bộ, doanh nghiệp và người chăn nuôi tiếp cận kiến thức mới, mở rộng tầm nhìn, sẵn sàng thích nghi với nền nông nghiệp số.

Song song, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên sẽ chủ trì hướng dẫn xây dựng các mô hình chăn nuôi xanh, tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm, chất thải làm phân bón, biogas… tiến tới hình thành một nền nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Chuyển đổi số không phải là đích đến, mà là hành trình đổi mới toàn diện từ tư duy đến hành động. Với sự quyết tâm của chính quyền, sự vào cuộc của các ngành chuyên môn và đặc biệt là sự đồng hành của người chăn nuôi, Thái Nguyên đang từng bước xây dựng nên một ngành chăn nuôi hiện đại – nơi dữ liệu, công nghệ và con người cùng phối hợp để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc.

Trên hành trình ấy, vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua, nhưng với chiến lược đúng đắn và sự sáng tạo trong cách làm, ngành chăn nuôi Thái Nguyên hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Cây ăn quả trên đất dốc – Biến không thành có, biến khó thành dễ

Từ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cây ăn quả …