BẮC GIANG – Tân Yên là một trong những vùng trọng điểm trồng vải sớm của tỉnh. Năm 2025, ngành chức năng và chính quyền địa phương cùng nông dân tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tích cực ứng dụng kỹ thuật
Năm 2025, huyện Tân Yên có 1.250 ha vải sớm với sản lượng ước đạt khoảng 15 nghìn tấn, tăng khoảng 2 nghìn tấn so với năm trước.
Người dân Tân Yên chăm sóc vải.
Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nên ngay từ đầu vụ, huyện đẩy mạnh hướng dẫn nông dân ứng dụng kỹ thuật mới vào canh tác. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh. Để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, ngành nông nghiệp huyện chủ động theo dõi và dự báo sinh trưởng của cây vải. Từ đó, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp cho các hộ.
Để người dân được tiếp cận với những kiến thức mới, các lớp tập huấn được tổ chức ở những xã có diện tích vải lớn như: Phúc Hòa, Hợp Đức, Liên Chung… Ví như việc nhân rộng công nghệ tưới nhỏ giọt, kỹ thuật cắt tỉa tạo tán được nhân rộng nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ mẫu mã, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Năm nay, huyện Tân Yên có khoảng 560 ha vải sớm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với hơn 200 mã vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Thái Lan… |
Ông Vy Văn Bạo ở thôn Phúc Lễ (xã Phúc Hòa) cho biết: “Gia đình tôi có 1,5 ha vải sớm trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP và được cấp mã vùng xuất khẩu sang Mỹ và EU. Vụ vải năm nay dự kiến được mùa, hiện cây sinh trưởng và phát triển tốt, quả bảo đảm theo yêu cầu, chúng tôi rất phấn khởi. Cán bộ nông nghiệp huyện thường xuyên xuống tận vườn để hướng dẫn cách thức chăm sóc, giám sát quá trình sản xuất nên chúng tôi yên tâm, thực hiện theo đúng quy trình nhằm nâng cao chất lượng quả vải”.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các quy trình sản xuất sạch không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn khiến cho quả vải to đẹp, đều hơn. Đây là những yếu tố quan trọng để vải sớm Tân Yên có thể nâng sức cạnh tranh tại các thị trường cao cấp. Năm nay, huyện có khoảng 560 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với hơn 200 mã vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Thái Lan…, tăng 15 mã so với năm 2024.
Tạo dựng “cầu nối” giữa sản xuất với thị trường
Cùng với nỗ lực trong sản xuất, huyện Tân Yên xác định công tác xúc tiến tiêu thụ là nhiệm vụ quan trọng quyết định sự thành công của mỗi mùa vụ. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, huyện đã tăng cường kết nối thương mại cả trong và ngoài nước. Trong quý I và II/2025, đoàn công tác của huyện đã tham gia các hội chợ nông sản quốc tế lớn tại Trung Quốc, Singapore và Thái Lan. Đây là cơ hội để huyện quảng bá rộng rãi vải sớm Tân Yên, giới thiệu những ưu điểm vượt trội về chất lượng và mẫu mã, từ đó tạo tiền đề cho việc ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Người dân thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) thu hoạch vải sớm. Ảnh: THẾ ĐẠI.
Đặc biệt, năm nay, huyện áp dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hơn 500 ha vải sớm tại Tân Yên đã được gắn mã QR, cho phép người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra, nắm bắt các thông tin chi tiết về vùng trồng, ngày thu hái, đơn vị sản xuất… Đây là bước tiến mới trong việc nâng cao uy tín, tính minh bạch của sản phẩm, đồng thời mở ra cơ hội để quả vải Tân Yên tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Năm nay, hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải sớm dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 5, hiện đã có nhiều nhà phân phối lớn, doanh nghiệp chế biến, hệ thống siêu thị và các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Tiki… đăng ký tham gia. Ngoài ra, huyện còn tích cực phối hợp một số sở, ngành trong quảng bá sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước như: Postmart, Voso, Alibaba, Amazon, mở ra kênh tiêu thụ hiệu quả. Đặc biệt, việc khai thác tiềm năng của nền tảng TikTok shop thông qua hình thức livestream bán hàng – một xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ cũng được địa phương triển khai.
Hiện đã có 5 doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ hơn 200 tấn vải sớm Tân Yên tại thị trường Nhật Bản – thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm. Ở thị trường nội địa, vải sớm Tân Yên tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín, được người tiêu dùng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… ưa chuộng. Các hệ thống siêu thị lớn và uy tín như WinMart, Big C, MM Mega Market, AEON… đã đăng ký thu mua hơn 5 nghìn tấn vải trong mùa vụ này.
Đồng chí Ngô Quốc Hưng, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên nhấn mạnh: “Vải sớm không chỉ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lại thu nhập cho người dân mà còn là một thương hiệu của địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh Tân Yên đến với bạn bè trong và ngoài nước. Vì vậy, huyện luôn nỗ lực đồng hành với người dân và doanh nghiệp trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ, với mục tiêu cao nhất là xây dựng vùng vải chất lượng cao, cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Do đó, UBND huyện luôn chỉ đạo các phòng chức năng, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với người dân trong quá trình sản xuất. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để các thương nhân đến thu mua, bảo đảm quá trình tiêu thụ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả.”.
Những nỗ lực nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ là hướng đi chiến lược trong sản xuất vải của huyện Tân Yên. Từ đó nâng cao thu nhập người dân, quảng bá nông sản của tỉnh ra thế giới.
Nguồn: Baomoi.com