VOV.VN – Giá ca cao thế giới tăng kỷ lục, nhiều chuyên gia nhận định, đây là thời cơ để ngành hàng ca cao Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Với tỉnh Đắk Lắk, cơ hội càng rõ rệt khi tỉnh vừa chớp cơ hội thị trường, vừa đẩy mạnh liên kết và áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn bền vững.
Từ đầu năm 2025 đến nay, giá ca cao thô trên thị trường quốc tế đã tăng hơn gấp đôi, kéo theo giá ca cao trong nước cũng tăng vọt. Tại Đắk Lắk, giá ca cao hạt khô đầu tháng 5 đã chạm ngưỡng 240.000 – 260.000 đồng/kg, hơn gấp 2 lần so với năm ngoái và là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá tăng cũng giúp nông dân yên tâm đầu tư vào loại cây này.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất hạt ca cao Tân Thành, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hợp tác xã hiện có 15 thành viên, với 36 hecta trồng ca cao, sản lượng hàng năm đạt gần 72 tấn hạt khô. Để phát triển bền vững, hợp tác xã đã chủ động sản xuất ca cao theo hướng tuần hoàn và liên kết với doanh nghiệp tại địa phương cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm cho các xã viên.
Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất hạt ca cao Tân Thành, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động sản xuất ca cao theo hướng tuần hoàn .
“Hai năm gần đây giá cả rất tốt, bà con chăm sóc cây ca cao đã mang lại hiệu quả năng suất đi lên, liên kết chế biến tuần hoàn với các công ty giá cả ổn định”, ông Nguyễn Văn Sỹ phấn khởi.
Theo TS. Trương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, sau hơn chục năm suy giảm liên tiếp, Đắk Lắk chỉ còn gần 1.400 hecta ca cao, giảm trên 1.000 hecta so với cuối năm 2012. Nhưng với đà 3 năm liên tiếp tăng cả giá bán và thứ hạng chất lượng, cơ hội phát triển của ca cao Đắk Lắk đã trở lại: “Thuận lợi thứ nhất là giá cả đang phục hồi, cầu nhiều hơn cung. Đây là điều kiện thuận lợi để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng sản phẩm. Thứ 2, hiện nay người ta đang quan tâm đến kinh tế tuần hoàn. Nó sẽ làm gia tăng giá trị ngành hàng. Khi đã cải thiện được đời sống của bà con nông dân thì người ta sẽ quan tâm đến ngành hàng ca cao trong thời gian tới”.
Giá ca cao tăng vọt, bà con ở xã nghèo Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trúng lớn
- Đặng Bá Đàn, Trưởng văn phòng đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, phân tích, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mô hình ca cao tuần hoàn còn tạo ra vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế – điều kiện tiên quyết để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đáng chú ý, hạt ca cao Việt Nam (chủ yếu là giống Trinitario) được Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) xếp vào nhóm ca cao có hương vị tốt. Đây là cơ sở để có thể phát triển dòng socola cao cấp mang thương hiệu Việt. TS. Đặng Bá Đàn cho biết, nhiều vùng nguyên liệu ca cao hiện nay được tổ chức sản xuất khoa học, có liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Nếu tiến xa hơn một bước, thực hiện một vòng tuần hoàn lớn từ nghiên cứu giống đến phát triển thị trường, cây ca cao hoàn toàn có thể trở thành cây trồng chủ lực mới, nhất là ở các vùng đất đỏ bazan ở Đắk Lắk, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
“Chúng ta phải đầu tư vào vấn đề nghiên cứu khoa học, có những mô hình thí điểm rồi nhân rộng và những chương trình dự án. Đầu tiên phát động những doanh nghiệp đi đầu tiên phong kết nối với người nông dân trong chuỗi sản xuất ca cao tạo thành 1 hệ thống tuần hoàn trong đó tái tạo đảm bảo tính phát triển bền vững, tái tạo tận dụng tài nguyên trong điều kiện tài nguyên khan hiếm”, TS. Đặng Bá Đàn cho hay.
Dự án ca cao tuần hoàn, khép kín sản xuất, chế biến, tiêu thụ… được triển khai sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân Đắk Lắk
Theo tổ chức Helvetas (tổ chức hợp tác phát triển phi lợi nhuận) tại Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu ca cao xuất khẩu lớn nhưng nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng được chưa tới 30%. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng thu mua với giá cao nếu hạt ca cao đạt chuẩn lên men, không dư lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Tổ chức Helvetas tại Việt Nam cho biết, quá trình tổ chức này hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường các nước châu Âu và Hoa kỳ, Helvetas nhận ra, Việt Nam cần quy hoạch lại các vùng trồng ca cao, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và tín dụng để khôi phục diện tích. Điều đó sẽ giúp sản phẩm có lý lịch, xuất xứ rõ ràng, là “tấm vé” để thâm nhập các thị trường khó tính. Ông Lương hy vọng, việc Chính phủ Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ được cụ thể hóa bằng các chính sách phù hợp trong nông nghiệp, và ca cao sẽ được hưởng lợi để phát triển mạnh mẽ.
“Hiện nay, các chủ trương của nhà nước đang rất ủng hộ trong áp dụng kinh tế tuần hoàn. Hy vọng trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có các hướng dẫn chính sách cụ thể để triển khai dự án tuần hoàn ca cao đảm bảo tăng được thu nhập cho nông dân cũng như doanh nghiệp. Đồng thời, giảm tác động môi trường đối với ngành ca cao tại Việt Nam”, ông Phạm Văn Lương cho biết.
Với giá trị kinh tế cao, tiềm năng thị trường rộng mở và sự phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, cây ca cao đang có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ tại Đắk Lắk. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa thời cơ này, cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp đến người nông dân – từ quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật, tín dụng đến xây dựng chuỗi liên kết và mô hình sản xuất tuần hoàn. Nếu làm được điều đó, không chỉ ca cao Đắk Lắk, mà cả ngành hàng ca cao Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản chất lượng cao toàn cầu.
Nguồn: Baomoi.com