Chủ nhiệm nhiệm vụ: : ThS. Phan Văn Hài
Và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Công ty TNHH Nghiên cứu- Sản xuất Đất Việt
Mục tiêu của nhiệm vụ:
+ Mục tiêu chung
– Xây dựng mô hình nuôi chim Trĩ đỏ khoang cổ sinh sản, thương phẩm bảo đảm tính an toàn sinh học theo hướng bền vững.
+ Mục tiêu cụ thể
– Thử nghiệm nuôi chim Trĩ ĐKC sinh sản quy mô lớn (1.500 ÷ 2.000 con) để sản xuất con giống, đúc kết kinh nghiệm xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi chim Trĩ ĐKC sinh sản.
– Thử nghiệm nuôi chim Trĩ ĐKC thương phẩm (thịt) quy mô lớn (1.500÷2.000 con) để sản xuất thịt an toàn thực phẩm, đúc kết kinh nghiệm xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi chim Trĩ ĐKC thương phẩm thịt.
– Xây dựng mô hình nuôi chim Trĩ ĐKC an toàn sinh học, tổ chức cho người dân tham quan, học tập (dùng làm nơi tập huấn chuyển giao công nghệ nuôi chim Trĩ ĐKC).
Kết quả nghiên cứu:
- Kết quả thử nghiệm thức ăn nuôi chim Trĩ ĐKC sinh sản
1.1. Khả năng đẻ trứng
Theo kết quả thu được của Viện Chăn nuôi (đề tài 62 62 01 05), đàn chim thế hệ 1 có năng suất trứng đạt 68,12 quả/mái/năm, tỷ lệ đẻ trung bình đạt 32,44%; Thế hệ 2 năng suất trứng đạt 108,56 quả/mái/năm, tỷ lệ đẻ bình quân là 45,24%/tháng và. thế hệ 3 năng suất trứng đạt 125,0 quả/mái; tỷ lệ đẻ trung bình cả giai đoạn đạt 41,03%. Như vậy năng suất trứng của chim Trĩ ĐKC được nuôi bởi Viện Chăn nuôi trong đề tài 62 62 01 05 đạt trung bình của 3 thế hệ là 100,06 ± 29,37 quả/mái/năm. Tỷ lệ đẻ đạt trung bình 39,57 ± 16,49%.
Như vậy, đàn chim Trĩ ĐKC nuôi trong Dự án của có năng suất trứng cao hơn đàn chim (3 thế hệ) của Viện Chăn nuôi (113,09 quả/mái/năm so với 100,06 quả/mái/năm), tỷ lệ đẻ của đàn chim Trĩ ĐKC nuôi trong Dự án của chúng tôi thấp hơn so với kết quả của Viện Chăn nuôi (31,63% so với 39,49%).
Chúng tôi cho rằng, sở dĩ đàn Chim Trĩ ĐKC nuôi trong Dự án là đàn chim được mua từ Vườn chim Việt (Lý Nhân, Nam Định), một cơ sở gây nuôi các loài, giống chim cảnh quý hiếm, chim ở đây đã được thuần dưỡng từ khá lâu, đồng thời trong quá trình nuôi họ đã tiến hành chọn lọc, chọn phối nên đã nâng cấp chất lượng đàn chim Trong khi đó đàn chim nuôi trong đề tài 62 62 01 05 của Viện Chăn nuôi là đàn chim khởi đầu, chưa qua quá trình chọn lọc, chọn phối để nâng cấp cất lượng.
1.2. Khả năng tận dụng thức ăn
Theo kết quả nghiên cứu cho thấy: tiêu tốn thức ăn để sản xuất ra 10 quả trứng của chim Trĩ ĐKC nuôi trong 3 lô thí nghiệm trung bình đạt 3,21 kg thức ăn/10 trứng (3.09÷3.31); thấp nhất tại lô 2 là 3,09 kg thức ăn/10 trứng; tiếp đến là lô 1 đạt 3,29 kg thức ăn/10 trứng và cao nhất tại lô 3 là 3,31 kg thức ăn/10 trứng, SD của chung là 0,57 (0,50÷0,84) và CV (%) chung là 17,65% (16,09÷25,63). Sự chênh lệch của tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng giữa 3 lô chim Trĩ ĐKC thí nghiệm là không lớn (0,23), nên giữa chúng sai khác không có ý nghĩa thống kê.
Theo kết quả của Viện Chăn nuôi (đề tài 62 62 01 05 ) thì tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng của đàn chim Trĩ ĐKC nuôi trong đề tài này đạt mức 2,72 kg TĂ/10 quả trứng (lô II là 2,6; lô I là 2,83 và lô III là 3,04 kg TĂ/10 quả trứng).
Như vậy, tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng của đàn chim Trĩ ĐKC nuôi trong Dự án của chúng tôi cao hơn so với kết quả của Viên Chăn nuôi (3,21 so với 2,72 kg TĂ/10 quả trứng. Kết quả tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng ở đàn chim Trĩ ĐKC của chúng tôi cao hơn có thể do sự kiểm soát thức ăn của chim chưa thật sự chặt chẽ, còn để rơi vài gây lãng phí nhiều.
Hình 1. Chim Trĩ ĐKC |
1.3. Chất lượng trứng giống của chim Trĩ ĐKC trong dự án
Như trong phần nội dung nghiên cứu Dự án đã thiết kế, với chim Trĩ ĐKC sinh sản bố trí 3 lô thử nghiệm về ảnh hưởng của thức ăn lên khả năng đẻ trứng, tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng và chất lương trứng giống. Thử nghiệm đã được bố trí như sau:
CT1 (TĂSS1): 100% TĂ tinh của gà đẻ trứng công nghiệp.
CT2 (TĂSS2): 70% TĂ tinh của gà đẻ trứng công nghiệp + 30% TĂ xanh.
CT3 (TĂSS3): 50% TĂ tinh của gà đẻ trứng công nghiệp + 50% TĂ xanh.
Với các kết quả thu được đã cho thấy, chim Trĩ ĐKC sinh sản trong lô 2 có một số chỉ tiêu đạt được kết quả cao hơn chim ở lô 1 và lô 3 như tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng (3,09 so với 3,31 của lô 3 và 3,29 của lô 1; hay tỷ lệ trứng có phôi là 87,78% so với 85,69% của lô 1 và 86,08% của lô 3; Tỷ lệ ấp nở 80,59% so với 77,24% ở lô 1 và 77,57% ở lô 3; Tỷ lệ chim nở ra đạt loại 1 là 75,46% so với 70,49% ở lô 3 và 73,47% ở lô 1. Tuy nhiên những sự chệnh lệch đó chưa đủ lớn, chưa vượt trội để tạo nên những sự sai khác có ý nghĩa với α = 0,05 (5%), do vậy có thể nhận xét là các khẩu phần ăn thử nghiệm đã không ảnh hưởng tới khả năng đẻ trứng, mức tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng và chất lượng trứng giống của chim Trĩ ĐKC thử nghiệm.
- Ảnh hưởng của thức ăn đến chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm
Để đánh giá ảnh hưởng của các công thức khác nhau lên chim Trĩ ĐKC, chngs tôi đã bố trí thử nghiệm 3 lô thử nghiệm với 3 công thức thức ăn như sau:
– TĂTP1: 100% TĂ tinh của gà thương phẩm công nghiệp.
– TĂTP2: 70% TĂ tinh của gà thương phẩm công nghiệp + 30% TĂ ăn xanh.
– TĂTP3: 50% TĂ của thương phẩm gà công nghiệp + 50% TĂ xanh.
Mỗi lô nuôi 12 con chim Trĩ ĐKC, diện tích chuồng nuôi 6 m2/lô, lặp lại 3 lần (A, B, C), các lô thí nghiệm bố trí ngẫu nhiên hoàn toàn.
Thức ăn tinh được dùng thí nghiệm là thức ăn cho gà của Công ty TNHH Ti Ba nhãn hiệu LOTUS, trong giai đoạn úm chim Trĩ ĐKC ở cả 3 lô đều được cho ăn cám dùng để úm gà con, đến tuần tuổi thứ 4 chim ở lô 2 và lô 3 mới được ăn thức ăn tinh + thức ăn xanh. Thức ăn xanh bao gồm: Rau muống, rau khoai lang, thân cây chuối, . .. cắt, thái nhỏ cỡ 1-2 cm. Chim ở lô 1 được cung cấp thức ăn công nghiệp trực tiếp, chim ở lô 2 và lô 3 được phối hợp thức ăn xanh với thức ăn tinh theo khối lượng khô (10-12% độ ẩm), trộn đều thức ăn xanh và thức ăn tinh ngay trước khi cung cấp cho chim Trĩ ĐKC ăn mỗi lần cho ăn.
2.1. Ảnh hưởng của thức ăn lên tỷ lệ sống của chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm
Kết quả nghiên cứu cho thấy: trong giai đoạn đầu, do chim còn non, sức chống chịu với điều kiện ngoại cảnh còn kém, sức đề kháng thấp do vậy chim Trĩ ĐKC ở cả 3 lô đều bị chết một số.
Chim ở lô 1 từ chim mới nở đến 12 tuần tuổi, thời kỳ nào cũng có chim chết, đến 12 tuần tuổi lô 1 chỉ còn 29 con (chết mất 7/36 con ≈ 18,44%) và từ tuần thư 12 đến 32 tuần tuổi chim ở lô 1 giữ mức ổn định 29 con.
Chim ở lô 2 từ chim mới nở đến 12 tuần tuổi, thời kỳ nào cũng có chim chết, đến 12 tuần tuổi lô 2 chỉ còn 30 con (chết mất 6/36 con ≈ 16,67%) và từ tuần thứ 12 đến 32 tuần tuổi chim ở lô 1 giữ mức ổn định 30 con.
Chim ở lô 3 từ chim mới nở đến 10 tuần tuổi, thời kỳ nào cũng có chim chết, đến 10 tuần tuổi lô 3 còn 30 con (chết mất 6/36 con ≈ 16,67%) và từ tuần thư 10 đến 32 tuần tuổi chim ở lô 1 giữ mức ổn định 30 con.
Như vậy, chim ở lô 3 ngừng chết sớm hơn chim ở lô 1 và lô 2 (2 tuần), số lượng chim hao hụt ở lô 3 và lô 2 là 6 con, số chim ở lô 1 hao hụt nhiều hơn lô 2 và 3 là 1 con (2,23%).
Đây là đợt nuôi chim Trĩ ĐKC đầu tiên của Dự án, chim phải mất thời gian đầu để thích ứng với điều kiện sinh thái mới, cán bộ quản lý mới bước đầu làm quen với việc nuôi chimTrĩ ĐKC, công nhân chăm sóc chim cũng còn nhiều bỡ ngỡ, công tác vệ sinh phòng bệnh chưa có nhiều kinh nghiệm, vì vậy tỷ lệ chết như thế này theo chúng tôi là hợp lý.
Theo kết quả trong đề tài của Viện Chăn nuôi thì chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm đến 20 tuần tuổi tỷ lệ nuôi sống chỉ còn 72,96%. Như vậy kết quả thu được của chúng tôi cao hơn (80,56-83,33%).
Sự khác nhau về tỷ lệ nuôi sống không quá lớn, chỉ ở mức 2,77% (giữa lô 1 so với lô 2 và lô 3 từ tuần 12 trở đi), giá trị SD chỉ ở mức 5,49-6,71, do vậy sai khác về tỷ lệ sống của chim Trĩ ĐKC giữa 3 lô là không rõ rệt.
Hình 2. Chim Trĩ ĐKC mái |
2.2. Ảnh hưởng của thức ăn lên tăng trưởng khối lượng của chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm
2.2.1. Ảnh hưởng của thức ăn lên tăng trưởng khối lượng của chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm giai đoạn 0-12 tuần tuổi
Kết quả theo dõi tăng trưởng khối lượng của chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm 0-12 tuần tuổi cho thấy, chim ở lô 1 đến 12 tuần tuổi đạt khối lượng 778,03 g/con, chim ở lô 2 đạt 798,42 g/con và chim ở lô 3 đạt 772,70 g/con, giữa lô 2 (cao nhất) so với lô 3 (thấp nhất) chênh lệch 25,72 g/con là không lớn, sai khác không rõ rệt.
Nghiên cứu nuôi chim Trĩ ĐKC của Viên Chăn nuôi đã đạt được:
Đến 12 tuần tuổi chim trống đạt 773,64 g/con, chim mái đạt 587,34 g/con, trung bình cả trống và mái là 680,05 g/con. Như vây kết quả của chúng tôi thu được cao hơn kết quả của Viện Chăn nuôi (782,48 g/con so với 680,05 g/con).
Có sự khác nhau này có thể do chim Trĩ DKC của Viện Chăn nuôi nuôi trong điều kiện khí hậu ở phía Bắc, chim phải trải qua mùa Đông với nhiệt độ thấp.
Trong giai đoạn này (0-12 tuần tuổi), tăng trọng bình quân của chim Trĩ ĐKC ở lô 1 đạt 17,97 ± 4,02 g/con/ngày, chim ở lô 2 đạt 18,49 ± 5,21 g/con/ngày và chim ở lô 3 đạt 17,89 ± 4,34 g/con/ngày. Chênh lệch giữa tăng trọng của chim ở lô 2 (cao nhất) so với tăng trọng của chim ở lô 3 (thấp nhất) là 0,6 g/con/ngày chỉ bằng 13,96% của SD trung bình của tăng trọng của chim ở cả 3 lô. Chênh lệch này là rất nhỏ, không đáng kể nên sai khác của chúng là không có ý nghĩa.
2.2.2. Ảnh hưởng của thức ăn lên tăng trưởng khối lượng của chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm giai đoạn 3-8 tuần tuổi (14-32 tuần tuổi)
Đến 14 tuần tuổi khối lượng cơ thể chim Trĩ mái đạt 662,32-763,70 g/con; chim trống đạt 986,00-1078,31 g/con và trung bình trống mái đạt 867,54 g/con. Đến 20 tuần tuổi khối lượng cơ thể chim Trĩ ĐKC mái đạt 963,30-1032.38 g/con; chim trống đạt 1253,54-1326.22 g/con; trung bình đạt 1.134,95 g/con. Đến 32 tuần tuổi khối lượng cơ thể chim Trĩ ĐKC mái đạt 1110,37-1214,00 g/con; chim trống đạt 1368,50-1430,10 g/con; trung bình đạt 1.271,39 g/con.
Kết thúc giai đoạn 3-8 tháng tuổi khối lượng cơ thể chim Trĩ ĐKC nuôi trong Dự án tăng thêm bình quân 403,00 g/con; đạt cao nhất tại lô thí nghiệm 1 (428,34 g/con), tiếp đến là lô 2 (401,05 g/con) và thấp nhất là lô 3 (381,99 g/con).
Tăng trọng của chim Trĩ ĐKC trong Dự án giai đoạn 3-8 tháng tuổi đạt trung bình 9,73 ± 0,26 g/con/ngày ở chim trống, 7,48 ± 0,41 g/con/ngày ở chim mái và trung bình chung cả trống mái là 8,61 ± 1,27 g/con/ngày.
Hình 3. Úm chim Trĩ non |
2.3. Ảnh hưởng của thức ăn lên FCR của chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm
– Mức tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể của chim Trĩ ĐKC từ mới nở đến 3 tháng tuổi tốn trung bình 4,14 kg TĂ/kg tăng trọng, thấp nhất là chim ở lô 2 (4,10), tiếp đến là chim ở lô 3 (4,15) và cao nhất là chim ở lô 1 (4,18), chênh lệch giữa lô 1 và lô 2 là 0,08 kg TĂ/kg tăng trọng.
Mức tiêu tốn thức ăn của chim Trĩ ĐKC giai đoạn 3-8 tháng tuổi đạt trung bình 3,82 kg TĂ/kg tăng trọng, thấp nhất là chim ở lô 2 (3,78), tiếp đến là chim ở lô 3 (3,80) và cao nhất là chim ở lô 1 (3,90), chênh lệc giữa chim ở lô 2 và lô 1 là 0,14 kg TĂ/kg tăng trọng.
Như vậy chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm giai đoạn mới nở-3 tháng tuôi tiêu tốn thức ăn cao hơn so với chim ở giai đoạn 3-8 tháng tuổi (4,14 so với 3,82 kg TĂ/kg tăng trong), mức chênh lệch là 0,32 kg TĂ/kg tăng trọng.
- Thử nghiệm ấp trứng để sản xuất chim Trĩ ĐKC giống
Qua thực nghiệm thu được cho thấy:
Tỷ lệ sống của chim nở ra từ trứng chim Trĩ ĐKC sinh sản nuôi trong dự án đạt trung bình là 97,23 ± 0,58%, đạt cao nhất là chim nở ra từ trứng của chim ở lô 1 (97,79%), tiếp đến là chim nở ra từ trứng của chim ở lô 2 (97,26%) và thấp nhất là chim nở ra từ trứng của chim ở lô 3 (96,63%), chênh lệch giữa chim nở ra từ trứng của chim ở lô 1 và trứng của chim ở lô 3 là 1,16%, mức hơn kém nhau này là rất nhỏ, nằm trong mức dao động cho phép.
Theo kết quả thu được của Viện Chăn nuôi (đề tài 62 62 01 05) về vấn đề ấp nở của trứng chim Trĩ ĐKC, với tổng số trứng đưa vào ấp là 4.201 quả, tỷ lệ trứng có phôi đạt 84,30% (81,31-86,81%), tỷ lệ nở/tổng số trứng đem ấp đạt: 68,23% (66,98-70,26%), tỷ lệ chim nở ra đạt chất lượng loại 1 trung bình là 64,35% (62,80-66,99%).
Như vậy, kết quả thử nghiệm ấp trứng chim Trĩ ĐC sinh sản nuôi trong dự án của Dự án cao hơn so với kết quả thu được của Viện Chăn nuôi. Có được điều này có thể do chúng tôi đã nắm vững được điều kiện bảo quả trứng để bảo đảm chất lượng trước khi đa vào ấp (thời gian bảo quản <1 tuần, nhiệt độ bảo quả <25 0C), hơn thế nữa là chúng tôi đã chọn lựa trứng đưa vào ấp bảo đảm chất lượng cần thiết theo tiêu chuẩn chọn trứng gà đưa vào ấp.
- Thử nghiệm biện pháp phòng bệnh cho chim Trĩ ĐKC nuôi nhốt
Chim thử nghiệm được chia làm 2 nhóm: Trĩ ĐKC sinh sản (TĐKCSS) và Trĩ ĐKC thương phẩm (TĐKCTP).
– Nhóm chim Trĩ sinh sản áp dụng quy trình phòng bệnh tương tự như đối với quy trình phòng bệnh cho gà giống, trong đó trọng tâm là phòng bệnh Newcattle bằng vacxin Lasota:
– Nhóm chim Trĩ ĐKC nuôi thương phẩm áp dụng quy trình phòng bệnh tương tự như đối với quy trình phòng bệnh cho gà nuôi thương phẩm, trong đó trọng tâm là phòng bệnh Newcattle bằng vacxin Lasota.
– Qua thử nghiệm lần 1 (từ 04/08/2013 đến 06/02/2014) chưa có hiệu quả, nên chim Trĩ ĐKC có tỷ lệ chết cao (41,67%).
– Thử nghiệm đợt 2-4 chúng tôi đã điều chỉnh công thức úm bằng cách, thay bóng đèn úm từ bóng đèn tròn bình thường sang bóng đèn hồng ngoại và dùng thêm vacxin Nobivac MG để phòng bệnh CRD nhờ vậy đã giảm tỷ lệ chết của chim Trĩ ĐKC rất nhiều. Qua ba lần (2-4) thử nghiệm sau tỷ lệ chết chỉ còn 8,33% và tỷ lệ sống lên tới 91,67%.
- Thử nghiệm phương pháp làm giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường
Đối với chim Trĩ ĐKC cả 2 nhóm (sinh sản, thương phẩm), chúng tôi đã chia mỗi nhóm là 2 nhóm phụ để thử nghiệm 2 phương thức nuôi là nuôi trên nền đệm lót sinh thái và nuôi trên nên bình thường như đã trình bày trong phần phương pháp nghiên cứu thử nghiệm:
Để xác định tác động của các phương thức nuôi, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra đánh giá một số thông số môi trường không khí khu vực nuôi chim. Phương pháp đo được thực hiên như sau: Mỗi tuần đo 1 lần. Vị trí đo bên ngoài chuồng nuôi, cách chuồng nuôi 5 mét, máy đo xách tay ở độ cao 0,8 m so với mặt đất. Mỗi lần đo, đo 3 lần ở 3 vị trí có toạ độ như trên, song song với chuồng nuôi.
Kết quả nghiên cứu thu được cho thấy, khả năng giảm phát thải của 02 thử nghiệm là tương đương nhau, cả 02 nhóm đều không gây ra các mùi hôi thối của phân và không gây tác hại xấu tới môi trường.
Chúng tôi nhận thấy rằng, nhóm chim Trĩ ĐKC được nuôi trên nền có đệm lót sinh thái chim sống khỏe hơn, ít dịch bệnh hơn, ít tốn công dọn chuồng, chi phí làm đệm lót sinh thái thấp hơn chi phí phun dung dịch EM thứ cấp cho nền bình thường.
Như vậy, chúng ta nên nuôi theo hình thức nền có đệm lót sinh thái (trấu, dăm bào). Với hình thức nuôi này vừa giảm được công lao động, công chăm sóc, vừa tiết kiệm chi phí trong khâu xử lý phát thải trong quá trình chăn nuôi.