Chủ nhiệm nhiệm vụ: CN. Nguyễn Văn Thuộc
Và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Sở Nội Vụ tỉnh Đồng Nai
Mục tiêu của nhiệm vụ:
+ Mục tiêu chung
Nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
+ Mục tiêu cụ thể
– Làm rõ cơ sở lý luận về chính quyền cấp xã, công chức cấp xã và năng lực thực thi công vụ của công chức xã, phường, thị trấn.
– Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng năng lực thực thi công vụ của công chức ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
– Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Kết quả nghiên cứu:
- Cơ sở lý luận về năng lực thực thi công vụ của công chức xã
Đội ngũ công chức cấp xã có vị trí, vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền ở địa phương. Đến thời điểm này, đội ngũ công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến về mọi mặt; song, so với yêu cầu trong sự nghiệp đổi mới toàn diện của tỉnh thì đội ngũ này còn tồn tại một sô bất cập, yếu kém. Chính vì vậy, việc cải thiện năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã là cần thiết.
Hình 1: Anh Nguyễn Đình Dương làm công việc tiếp dân tại trụ sở công an xã (nguồn: Báo Đồng Nai) |
Trên cơ sở nghiên cứu các lý luận khoa học và cơ sở pháp lý về công chức cấp xã và năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã; tác giả phân tích làm rõ khái niệm, các yếu tố cấu thành cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã. Bên cạnh cơ sở lý thuyết, tác giả đã nghiên cứu các kinh nghiệm về nâng cao năng lực thực thi công vụ của một số địa phương trong nước để làm rõ hơn và rút ra những bài học, kinh nghiệm để phân tích thực trạng và đưa ra giải pháp phù hợp và hiệu quả.
- Thực trạng năng lực thực thi công vụ của công chức ở xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Qua nhiều năm thực hiện đổi mới, đội ngũ công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có sự chuyển biến rõ rệt về mọi mặt; trình độ, kiến thức được cải thiện với tỷ lệ công chức đạt chuẩn theo quy định cao; các kỹ năng tác nghiệp trong quá trình thực thi công vụ được công chức rèn luyện, vận dụng có hiệu quả, mức độ hài lòng của người dân được nâng lên, tỷ lệ công chức vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử, các chuẩn mực ngày được hạn chế. Song, so với yêu cầu sự nghiệp đổi mới toàn diện của tỉnh thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cụ thể: Trình độ chuyên môn của công chức cấp xã vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của tỉnh, chưa được bồi dưỡng đầy đủ theo yêu cầu; kỹ năng thực thi công vụ của công chức còn hạn chế, thiếu khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp giải quyết thực thi công vụ; thái độ ứng xử, đạo đức công vụ vẫn còn những hạn chế, hiện tượng nhũng nhiễu còn tồn tại.
Hình 2. Bản đồ hành chính tỉnh Đồng Nai |
Những hạn chế trong năng lực thực thi công vụ của công chức nêu trên được xuất phát từ cơ chế, chính sách của công chức cấp xã hiện nay chưa được rõ ràng, cụ thể; các công cụ hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực như lương, đề bạt, bổ nhiệm và các chế độ đãi ngộ khác cho công chức cấp xã chưa đủ mạnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả thực sự. Đồng thời, tinh thần, ý chí vươn lên, rèn luyện, phấn đấu tự hoàn thiện bản thân của công chức cấp xã chưa cao dẫn đến những hạn chế về năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã như hiện nay.
Với những nguyên nhân hạn chế trên, thực tế cho thấy nguyên nhân dù là khách quan hay chủ quan đều xuất phát từ các chính sách do các nhà làm luật xây dựng nên và CBCC thực hiện chính sách chưa thật sự hiệu quả, phù hợp yêu cầu thực tế. Do đó, để có thể hạn chế và khắc phục được những hạn chế nêu trên đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện các cơ chế chính sách, hoàn thiện bản thân mỗi người công chức. Và đó không phải là không thể thực hiện khi chúng ta có thể đưa ra được các giải pháp đồng bộ và nhận được sự thống nhất thực hiện cao trong hệ thống các cơ quan nhà nước và của nhân dân nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh nói riêng và của công chức nói chung.
- Phương hướng và giải pháp thực hiện nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Công tác nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Trong chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đặt ra mục tiêu hoàn thành tiêu chí chuẩn hóa đội ngũ công chức cấp xã, tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, có khả năng tiếp thu những kiến thức, phương pháp và các phương tiện làm việc tiên tiến, góp phần đảm bảo thực hiện chủ trương hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới tại các xã, phường trên địa bàn.
Trên cơ sở thực trạng đội ngũ công chức cấp xã, định hướng phát triển kinh tế – xã hội và phương hướng nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh, nhóm tác đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công chức cấp xã góp phần đáp ứng được yêu cầu thực tế của xã hội, cụ thể với các giải pháp cơ bản sau:
- Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công chức cấp xã
- Hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn đối với công chức cấp xã
- Nâng cao hiệu quả công tác sử dụng công chức cấp xã
- Hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng
- Hoàn thiện chế độ, chính sách đối với công chức cấp xã
- Xây dựng phong cách làm việc mới cho đội ngũ công chức
- Cải thiện tinh thần, thái độ làm việc, phục vụ người dân của công chức cấp xã
- Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thực thi công vụ của công chức cấp xã