Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm các giống Lan Mokara cắt cành tại Đồng Nai

Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Dương Hoa Xô

và các công sự

Cơ quan chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh

Mục tiêu của nhiệm vụ:

– Thiết kế, xây dựng vườn lan Mokara với quy mô 5.000m2.

– Sản xuất thử nghiệm các giống hoa lan Mokara có năng suất hoa cao, màu sắc phù hợp với yêu cầu thị trường. Trên cơ sở đó xác định giống có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện sinh thái tại Đồng Nai.

– Hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác hoa lan Mokara (chăm sóc, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh) phù hợp với điều kiện Đồng Nai.

– Nhân giống, hoàn thiện quy trình nhân giống bằng phương pháp cắt đọt cải tiến (từ một số giống đang trồng trong mô hình)

Kết quả nghiên cứu:

  1. Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm các giống hoa lan Mokara cắt cành với quy mô diện tích 5.000 m2

Mô hình trồng lan Mokara được xây dựng trên diện tích 5.000 m2. Mô hình được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo độ vững chắc, chống chịu được với gió bão cấp 10, vườn lan thông thoáng phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại Đồng Nai. Cơ cấu giống được tuyển chọn kỹ lưỡng gồm 10 giống lan Mokara đã được đánh giá có triển vọng, màu sắc phù hợp với thị trường tiêu thụ.

Bảng 1. Cơ cấu giống lan Mokara trong mô hình

TT Tên giống Diện tích (m2) Số lượng cây
1 M.Dinah Shore 650 2.651
2 M.Dear Heart 500 2.291
3 M.Bangkhuntien 250 1.000
4 M. New Kitti 250 830
5 M.Chao Praya Sunset 250 886
6 M.Mutation 500 1.975
7 M. Luen Berger Gold 125 510
8 M.Luen New 125 485
9 M.Chao Praya Bangkok Sunset 125 550
10 M. Full Moon 225 750
  Tổng cộng 3000 12.000

 

30 – 45 cm
30 – 45 cm
30 – 45 cm
  1. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác hoa lan Mokara

2.1 Bón phân: có thể dùng phân bón qua lá có nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ kết hợp các chất kích thích ra rễ.

Quá trình sử dụng phân bón cho cây lan trong mô hình được tóm tắt như sau:

  1. Giai đoạn lan phục hồi và ra rễ non:

Sau khi xuống giống, cây lan còn yếu, bộ rễ chưa phát triển nên cần sử dụng phân bón lá có hàm lượng đạm cao. Lần lượt sử dụng các loại phân bón như sau: NPK 30-10-10 ®NPK 30-10-10 ® NPK 20-20-20 ® Phân bón lá Bio trùn quế 01 (Bio 01). Liều lượng sử dụng 1,5 g/lít. Đồng thời kết hợp luân phiên với chất kích thích ra rễ (TeraSorb 4, Vitamin B1, Rootplex…), liều lượng 1,5 ml/1lít nước trong mỗi lần phun phân. Định kỳ phun 2 lần/ tuần.

Từ 3 – 6 tháng đầu, phun liên tục các loại phân trên cho đến khi cây ra rễ chạm đến vỏ đậu.

Giai đoạn này không cần điều chỉnh quy trình bón phân đã được phổ biến.

Hình 1. Quy cách luống và khoảng cách trồng lan Mokara

  1. Giai đoạn sinh trưởng (sau trồng 4 – 6 tháng):

Giai đoạn này cây vừa phát triển chiều cao cây vừa ra lá mới và phân hóa mầm hoa, nên cần sử dụng phân bón lá có hàm lượng đạm, lân, kali bằng nhau kết hợp với bón phân gốc.

Lần lượt sử dụng phân bón NPK 20-20-20® Bio 03® NPK 20-20-20® NPK 30-10-10. Liều lượng 1-1,5 ml/1lít. Kết hợp luân phiên với chất kích thích ra rễ (TeraSorb 4, Vitamin B1, Rootplex…), liều lượng 1,5 ml/1lít nước trong mỗi lần phun phân. Định kỳ phun 2 lần/tuần.

Bón phân vào gốc (Dynamic Lifter hoặc Bounce Back), bỏ phân cách gốc 7 – 10 cm, mỗi gốc 5 – 7 viên phân. Định kỳ mỗi tháng bỏ 1 lần. Rải ngay trên lớp giá thể vỏ đậu.

Giai đoạn này điều chỉnh về số lần bỏ phân bón gốc (1 tháng/1 lần) so với quy trình đã được phổ biến (3 tháng/lần).

  1. Giai đoạn ra hoa

Giai đoạn sau trồng 6 tháng cây lan bắt đầu ra hoa, nên cần sử dụng phân bón lá có hàm lượng đạm, lân, kali bằng nhau, đồng thời bổ sung thêm loại phân có hàm lượng kali cao khi cần kích thích ra hoa nhiều. Kết hợp sử dụng thêm các loại phân bón gốc.

Lần lượt, luân phiên sử dụng các loại phân bón như sau: NPK 20-20-20 ® 20-20-20 ® 6-30-30 ® Multi – K (NPK 13 -0 – 46)® Rong biển®Bio 03 (hoặc Bio 04). Liều lượng 1,5 ml/1lít nước. Định kỳ phun 2 lần/tuần.

Ngoài ra, cần bổ sung phân bón gốc loại hữu cơ dạng viên như Dynamic Lifter, Bounce Back hoặc Parker Neem Cake, lượng bón 5 – 7 viên/gốc. Định kỳ 1 tháng bón 1 lần. Sau mỗi đợt cắt hoa, cần phải bổ sung dinh dưỡng có hàm lượng đạm cao để cây hồi phục và tập trung ra hoa đợt kế tiếp.

2.2 Tưới nước: Cây lan Mokara không chịu được ngập úng nhưng cần độ ẩm cao. Hàng ngày tưới nước cho lan 2 lần vào buổi sáng (kết thúc trước 9 giờ) và buổi chiều (kết thúc trước 4giờ). Vào mùa mưa, tùy theo thời tiết có thể giảm số lần tưới, nếu cây đủ ẩm không cần tưới. Những thời điểm giao mùa, ban đêm thường xuất hiện sương muối, cần phải kịp thời tưới sớm để lá không sót hoặc dễ phát sinh bệnh do độ ẩm cao.

So với điều kiện trồng lan Mokara tại TP. HCM, tại điểm triển khai mô hình diễn biến thời tiết thường khắc nghiệt hơn với khí hậu nóng đều quanh năm, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 25,4 – 27,2 0C, do đó cần phải điều chỉnh nước tưới và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã chủ động điều chỉnh liều lượng phân bón (1,5 g/1 lít nước), số lần sử dụng phân bón phù hợp (2 lần/tuần đối với phân bón lá và 1 tháng/lần đối với phân bón gốc).

2.3 Phòng trừ sâu bệnh hại

Kết quả điều tra và theo dõi sâu bệnh hại trên cây lan Mokara cho thấy một số loại sâu bệnh chủ yếu xuất hiện tại mô hình như sau:

Tình hình bệnh hại trên các giống lan Mokara tại mô hình giai đoạn 3 tháng sau trồng (cấp bệnh)

TT Tên giống lan Mokara Thối đọt Thối nhũn lá Rụng lá chân Đốm đen Khô đầu lá
1 M.Dear Heart 0 0 0 5 3
2 M.Dinah Shore 0 0 0 5 2
3 M.Chao Praya Sunset 3 5 5 0 0
4 M. Bangkhunthien 0 3 5 0 0
5 M. New Kitti 5 2 5 0 0
6 M.Mutation 0 0 0 0 0
7 M.Chao Praya Bangkok Sunset Gold 1 2 5 0 0
8 M. Luen New 0 2 5 0 0
9 M. Luen Berger Gold 0 2 5 0 0
10 M. Full Moon 1 0 4 0 0

 

Trong quá trình trồng các giống lan tại mô hình vườn lan, đã phát hiện một số giống lan mẫn cảm đối với điều kiện ngoại cảnh dễ bị nấm bệnh tấn công, do đó cần lưu ý thời vụ xuống giống, tránh rơi vào thời điểm mùa mưa, ẩm độ cao là môi trường thích hợp cho nấm bệnh phát sinh. Trong số 10 giống trồng thử nghiệm nổi bật 7 giống có khả năng thích nghi tốt với điều kiện trồng, ít bị nhiễm nấm bệnh, cụ thể là: M. Dear Heart, M. Dinah Shore, M. Mutation, M. Bangkhuntien, M. Full Moon, M. Luen New, M. Luen Berger Gold.

2.4 Tình hình sinh trưởng, phát triển của các giống lan Mokara

+ Chiều cao cây

Giai đoạn đầu, cây lan mất 5-6 tháng để phục hồi và để thích nghi dần với điều kiện trồng. Từ tháng thứ 6 trở đi, hầu hết các giống lan đều sinh trưởng phát triển tốt, nhanh ra rễ, lá xanh đẹp.

Giai đoạn từ 18 – 24 tháng sau trồng, chiều cao cây của các giống so với ban đầu tăng từ 30,6 – 69,4 cm. Một số giống có sức tăng trưởng chiều cao cây vượt trội như: M.Deart Heart, M. Dinah Shore, M. Mutation, M. Luen New, M. Luen Berger Gold. Sau 24 tháng trồng cây được cắt đọt để nhân giống.

+ Khả năng ra hoa của các giống khảo nghiệm

Trong 6 tháng đầu, phát hoa được cắt bỏ để không ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây. Bắt đầu từ tháng thứ 7 trở đi, các giống được đo đếm số liệu về số hoa và chất lượng cành hoa.

Từ tháng thứ 13 trở đi, các giống các giống đều gia tăng số lượng phát hoa /cây, đáng kể là giống M. Dinah Shore, M. Mutation, M. New Kitti, M. Luen New. Riêng 2 giống M. Dear Heart và M. Full Moon có màu hoa đẹp (màu đỏ và màu vàng) rất được ưa thích nhưng ra hoa muộn hơn.

+ Chất lượng cành hoa của các giống lan Mokara           

Thời kỳ đầu tính từ khi trồng đến 6 tháng sau khi trồng, lưc này cây bắt đầu ra hoa nhưng phát hoa còn ngắn. Cây càng lớn, càng phát triển thì phát hoa càng dài.

Tại thời điểm 24 tháng sau khi trồng, một số giống như M. Chao Praya Sunset, M. Luen New, M. Luen Berger Gold, M. Chao Praya Bangkok Sunset Gold cho phát hoa dài nhất đạt từ 57,8 – 80,3 cm. Các giống còn lại có chiều dài phát hoa tương đương nhau đạt từ 48,8 – 56,7 cm.

Hình 2. Thu hoạch hoa lan Mokara tại mô hình

(a) M. Bangkhuntien; (b) M. Mutation; (c) M. Dear Heart; (d) M. Dinah Shore

+ Thu hoạch hoa cắt cành

Tính từ tháng 03/2013 đến tháng 5/2014, số lượng cành hoa thu hoạch từ các giống lan Mokara trồng thử nghiệm tại mô hình là 80.000 cành, trong đó năm 2013 là 23.620 cành, năm 2014 là 56.380 cành. Tỷ lệ cành loại 2 chỉ có 5.375 cành, chiếm 6,7% tổng số cành hoa thu hoạch. Sau khi trồng 3 – 4 tháng, một số giống ra hoa sớm như M. Bangkhuntien, M. Chao Praya Sunset. Đến giai đoạn 12 tháng sau trồng, tất cả các giống đều ra hoa, trung bình 7-10 ngày thu hoạch một đợt hoa. Số lượng cành hoa thu được sau 30 tháng trồng đạt 80.000 cành.

2.5 Đánh giá khả năng thích nghi của các giống lan Mokara

Kết quả đánh giá về khả năng sinh trưởng, phát triển, chống chịu sâu bệnh của 10 giống lan Mokara đang trồng tại mô hình, có thể chia các giống lan Mokara thành 4 nhóm theo khả năng sinh trưởng, ra hoa và khả năng chống chịu sâu bệnh như sau:

+ Nhóm 1: Cây thích nghi tốt, sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, siêng hoa, màu sắc tươi đẹp, gồm 4 giống: M.Deart Heart, M. Dinah Shore, M. Mutation, M. Bangkhuntein.

+ Nhóm 2: Cây chậm tăng trưởng chiều cao, ra hoa sớm, siêng hoa, dễ bị bệnh rụng lá chân và bị côn trùng cắn cánh hoa: M. Chao Praya Sunset, M. Chao Pray Bangkok Sunset Gold.

+ Nhóm 3: Cây sinh trưởng khỏe nhưng dễ bị bệnh vàng lá và chậm ra hoa, hoa nhạt màu hoặc quá tối: M. Full Moon, M. Luen New, M. Luen Berger Gold

+ Nhóm 4: Cây thích nghi kém, nhiễm bệnh rụng lá chân và thối đọt: M. New Kiti

Trên cơ sở phân nhóm như trên, nhóm thực hiện nhận thấy nhóm 1 có thể phát triển tốt trong điều kiện khí hậu tại Đồng Nai.

Hình 3. Hệ thống tưới nước đã sử dụng tại mô hình

(a)- Tưới phun tự động; (b)- Tưới bằng tay

  1. Ứng dụng biện pháp nhân giống cắt đọt cải tiến để sản xuất cây giống

Sau 6 tháng, số chồi con trung bình đạt từ 1,71 – 3,71 chồi/cây, trong đó giống M. Dear Heart và M. Mutation có khả năng nảy chồi cao nhất. Các giống còn lại có thời gian cắt đọt muộn hơn 4 tháng để tăng cường sức sinh trưởng của cây nhằm tăng chiều cao cây và kích thích tạo rễ.

Kết quả nhân giống cho thấy, đọt giống sau khi trồng sang diện tích mới đều sinh trưởng phát triển tốt, rễ ra tập trung đến nay cây bắt đầu ra hoa. Đối với cây mẹ sau khi cắt đọt 6 tháng đã phát sinh chồi con, trung bình đạt 1,71 – 3,71 chồi con/cây. Tổng số chồi con hiện có là 18.879 chồi. Chồi con phát triển khỏe, có 1 – 2 rễ, chiều cao trung bình 15 – 30cm và đạt tiêu chuẩn cây giống.

  1. Cơ giới hóa tưới nước giống lan Mokara với quy mô 5000 m2

Hệ thống tưới phun sương được lắp đặt cho toàn bộ diện tích vườn lan 5000m2, trên cơ sở tự lắp đặt. Bộ lọc nước, bộ định giờ, đầu phun nước sử dụng các sản phẩm của công ty Netafirm. Chế độ tưới được cài đặt tự động.

Mỗi ngày tưới 3 – 4 lần, mỗi lần 4 – 5 phút. Tùy tình hình thời tiết có thể điềuchế độ tưới phù hợp.

Việc đưa hệ thống tưới tự động vào mô hình đã giảm hoàn toàn công lao động cho khâu tưới nước, đồng thời vườn lan luôn luôn được duy trì ẩm độ và nhiệt độ phù hợp cho cây lan, giúp cây lan sinh trưởng phát triển tốt.

  1. Tổ chức hội thảo đầu bờ

Sau 1 năm triển khai mô hình sản xuất thử nghiệm hoa lan Mokara cắt cành tại Trại thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai có thể thấy đây là một mô hình trình diễn, với quy mô diện tích lớn (5000 m2), được thiết kế theo hướng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Đồng Nai.

Để kịp thời giới thiệu mô hình đến các đơn vị trong ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai và các cá nhân yêu thích nghề trồng hoa, chúng tôi đã tiến hành tổ chức Hội thảo đầu bờ tại địa điểm xây dựng mô hình vào tháng 7/2013.

Hình 4. Hội thảo đầu bờ tại mô hình (tháng 7/2013)

Về Trần Thiếu Nga

Check Also

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là …