Nghiên cứu chọn tạo giống bưởi đường lá cam theo triệt tiêu hạt bằng biện pháp xử lý đột biến nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của giống bưởi đặc sản tỉnh Đồng Nai.

Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Lê Văn Thức

Đồng chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn An Đệ

và các công sự

Cơ quan chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ

Mục tiêu của đề tài

– Tạo thể đột biến theo hướng triệt tiêu số hạt/trái ở cây bưởi Đường lá cam Đồng Nai.

– Nghiên cứu qui trình kỹ thuật nuôi cấy in vitro cho cây bưởi Đường lá cam.

– Tuyển chọn dòng bưởi Đường lá cam theo hướng triệt tiêu số hạt/trái, trái có chất lượng ngon, năng suất cao đáp ứng tiềm năng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giúp tăng khả năng cạnh tranh giống bưởi đặc sản của tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập.

Kết quả nghiên cứu:

  1. Nghiên cứ tuyển chọn giống bưởi Đường lá cam không hạt hoặc ít hạt từ quần thể tự nhiên

Trong thời gian điều tra, khảo sát bưởi Đường lá cam từ quần thể tự nhiên từ 2007 – 2013, chúng tôi đã tuyển chọn được 01 cá thể tại vườn ông Nguyễn Thanh Nhân (Tân An – Vĩnh Cửu – Đồng Nai). Vườn có diện tích 4,2 ha với hơn 600 cây bưởi đường lá cam trồng bằng cành chiết 7 năm tuổi. Hầu hết các cây bưởi Đường lá cam trên vườn đều có số hạt/quả rất ít, nhiều quả không có hạt. Cá thể được tuyển chọn mang mã số B30DN có số hạt ít (1,8-2,4 hạt/quả), năng suất cao và phẩm chất quả ngon tương đương với giống bưởi Đường lá cam trong vùng, đặc tính ít hạt ổn định qua 4 năm theo dõi và đạt tiêu chuẩn về quả ít hạt trên cây có múi (<10 hạt/quả).

Hình 1. Vườn cây bưởi ít hạt B30DN

  1. Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật dòng hóa in vitro chồi bưởi Đường lá cam.

Chồi già (thân chồi đã rất cứng, lá đã mở lớn và chuyển xanh đậm, dài khoảng 10 – 15cm) là nguồn mẫu phù hợp để vào mẫu. Chồi được khử trùng bằng dung dịch HgCl2 0,2% trong 6 phút, và sau cùng là rửa chồi lại 6 lần bằng nước vô trùng.  Môi trường được sử dụng (MTCB MT + 0,5g/l ME + 45g/l đường sucrose + 8g/l agar + BAP 0,5 mg/l) để đánh thức chồi ngủ.

A B
Hình 2 – 3. Sự ra rễ ở mẫu lá

A. Sự ra rễ yếu ở mẫu dưới ngọn lá không tỉa lá (DNL). B. Sự ra rễ mạnh mẽ với rễ nhánh phát triển ở mẫu ngọn lá không tỉa lá (NL). (Hình chụp sau 9 tuần giâm cành, IBA 50 mg/l)

Tái sinh chồi bất định ở mẫu lóng thân in vitro trên đối tượng bưởi Đường lá cam sử dụng môi trường (MTCB + BAP 1,5mg/l), mẫu được cắt vát khoảng 30 độ có kích thước 0,7-1,0 cm. Hai tuần đầu được nuôi trong tối, sau đó chuyển ra phòng sáng với thời gian chiếu sáng 12giờ/ngày cường độ ánh sáng khoảng 2.500 lux. Sau 45 ngày phân lập chồi ưu thế. Hệ thống tái sinh chồi bất định từ lóng thân in vitro là một kỹ thuật tái sinh chồi bất định từ mô soma hiệu quả để gây tạo đột biến trên đối tượng bưởi ĐLC.

Sử dụng mô hình nuôi cấy quang tự dưỡng áp dụng trên đối tượng bưởi ĐLC từ khâu nuôi cấy lên môi trường ra rễ (MTCB + 2g/l than hoạt tính + 1mg/l IBA + 0,5 g/l malt extract), bịch sử dụng nuôi cấy là bịch nylon (12 x 20cm) với đường kính lỗ trao đổi khí 1cm và sử dụng hai loại giá thể là agar hoặc xơ dừa. Nên sử dụng ánh sáng tán xạ nhằm giúp cây quen với cường độ chiếu sáng mạnh, cây phát triển tốt, lá xanh đậm và cây dễ dàng thích nghi với môi trường ngoài vườn ươm.

  1. Nghiên cứu độ nhạy cảm phóng xạ, xử lý đột biến và phân lập đột biến của cây bưởi Đường lá cam.

Gây tạo đột biến thực vật bằng bức xạ ion hoá nói chung và bức xạ gamma (Co60) nói riêng đã chứng minh từ thực nghiệm tần số đột biến tăng dần theo liều lượng bức xạ áp dụng. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu từ trước đến nay cũng nhận thấy rằng khi tăng liều xạ thì các hiệu ứng không đáng mong muốn như tỉ lệ mẫu bị chết và những đột biến có hại cũng tăng theo.

Trên đối tượng bưởi Đường lá cam sử dụng công thức LD50 để xác định ngưỡng phù hợp cho từng loại mẫu nhằm áp dụng vào công tác chọn giống, tìm những tính trạng đột biến có lợi trên đối tượng này. Đối với mẫu mắt mầm và mẫu gióng thân (tác nhân phóng xạ nguồn gamma cell Co60)  liều phù hợp để gây tạo đột biến là liều 2-3 Krad, ở suất liều 19,24 – 22,1 rad/s.

Hình 4. Quả bưởi Đường lá cam ít hạt của cá thể 431

  1. Nghiên cứ tuyển chọn đột biến theo hướng triệt tiêu hạt từ vật liệu đã qua xử lý đột biến

Đã tuyển chọn được 2 cá thể bưởi Đường lá cam sau xử lý chiếu xạ với liều 5krad là 431 và 436 sinh trưởng tốt, không khác biệt về đặc tính thực vật, năng suất, phẩm chất so giống bưởi Đường lá cam đối chứng, hai cá thể 431 và 436 có hạt phấn bất dục cao (65 – 78%) và số hạt ít (5,72 – 7,65 hạt/quả) so với cá thể đối chứng có số hạt cao 43,31 hạt/quả.

  1. Hội thảo đầu bờ về kỹ thuật canh tác bưởi Đường lá cam.

Hình 5. Hội thảo giới thiệu giống và một số tiến bộ kỹ thuật trong canh tác bưởi Đường lá cam

Đã tổ chức 2 đợt hội thảo với 80 người tham dự vào ngày 10 và 11 tháng 12 năm 2012 tại 2 xã Tân An và Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Trong mỗi đợt hội thảo nhóm nghiên cứu đã trình bày 2 báo cáo chuyên đề về “giới thiệu một số giống bưởi mới chọn tạo” và “ một số tiến bộ kỹ thuật trong canh tác bưởi Đường lá cam” và các bài tham luận của các cấp chính quyền, hội nông dân xã, trạm khuyến nông và hội làm vườn của hai xã Tân An và Tân Bình.

Về Trần Thiếu Nga

Check Also

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là …