Nghị quyết 57 như ‘hồi trống lệnh’ hiệu triệu nhà khoa học

Đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ đặt nhiều kỳ vọng từ hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của ngành nông nghiệp và môi trường.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành nông nghiệp và môi trường tại Bắc Ninh ngày 10/5, đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ đặt nhiều kỳ vọng từ hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của ngành nông nghiệp và môi trường.

Khẳng định quyết tâm thực hiện đồng bộ Nghị quyết 57

Hội nghị lần này là dịp quan trọng để các viện nghiên cứu và các tổ chức liên quan nâng cao nhận thức, củng cố hành động nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57. Nghị quyết này đã được Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị triển khai sâu rộng trên cả nước. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động chi tiết – một định hướng lớn cho các đơn vị nghiên cứu triển khai. Việc Bộ tổ chức hội nghị thêm một bước khẳng định quyết tâm thực hiện đồng bộ Nghị quyết và kế hoạch hành động này.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký loạt thỏa thuận hợp tác về phát triển khoa học công nghệ với các hiệp hội chuyên ngành tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức quán triệt tinh thần Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, qua đó thay đổi tư duy tiếp cận nghiên cứu theo hướng tạo ra sản phẩm đột phá. Viện cũng tiến hành rà soát từng nội dung trong 7 nhiệm vụ chính của Nghị quyết để xác định phần việc có liên quan trực tiếp, ưu tiên thực hiện ngay những nội dung trong khả năng. Với những phần còn khó khăn, vướng mắc liên quan tới cơ chế quản lý, Viện sẽ chủ động kiến nghị để từng bước tháo gỡ, thúc đẩy việc hiện thực hóa Nghị quyết vào đời sống.

Đầu tư khoa học công nghệ từ khu vực tư nhân là vô cùng quan trọng. Trong xu thế hiện nay, các viện công lập cũng cần tách ra một số bộ phận để hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ, tiến tới phát triển theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, vai trò của khoa học công lập vẫn rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, khi mà khu vực tư nhân chưa có đủ năng lực đầu tư vào nghiên cứu cơ bản.

Các đơn vị khoa học công lập cần tập trung vào các nghiên cứu nền tảng như chọn tạo giống, tạo vật liệu gốc, những việc mà khối tư nhân khó đảm đương. Sau đó, khối tư nhân có thể tiếp nhận, phối hợp triển khai ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm. Việc này cần nguồn lực lớn nên rất cần sự vào cuộc của khu vực tư nhân, từ việc góp vốn đến sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.

Thực tế, các viện nghiên cứu công lập cũng đang có cơ sở vật chất lớn, trang thiết bị hiện đại, đất đai rộng. Vấn đề đặt ra là làm sao có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân có thể đồng hành, khai thác hiệu quả những nguồn lực này.

(GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).

“Hồi trống lệnh” hiệu triệu nhà khoa học

Là đơn vị nghiên cứu và chứng nhận chất lượng đất nhưng trước đây tất cả kết quả đề tài nghiên cứu của chúng tôi đều ở dạng bản giấy. Chúng tôi rất mong có một hệ thống cơ sở dữ liệu số quản lý về thổ nhưỡng nông hóa để kiểm soát tất cả các vấn đề về chất lượng đất, qua đó cung cấp thông tin nhanh nhất, thuận lợi nhất cho người sử dụng.

TS Trần Minh Tiến – Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: Minh Phúc.

Thông qua hội nghị ngày hôm nay, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều ngành, lĩnh vực có thể kết hợp được với nhau. Đặc biệt là ngành tài nguyên, môi trường và nông nghiệp, nông thôn. Ví dụ ứng dụng công nghệ viễn thám, Big Data, AI… sẽ hỗ trợ rất đắc lực trong quản ly dữ liệu vùng trồng, kiểm soát chất lượng đất, sản xuất nông nghiệp thông minh.

Nghị quyết 57 như tiếng trống lệnh hiệu triệu các nhà khoa học thức tỉnh và nhận ra rằng mình phải làm việc tốt hơn, tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ đột phá thì mới trụ được và khẳng định giá trị. Và muốn làm tốt hơn, mình phải nhìn xung quanh và nhìn lên để xem có thể học hỏi được ai, chỗ nào có thể học hỏi được, ngành nào có thể làm được.

Đơn vị nghiên cứu của chúng tôi không dám mơ có nhiều kinh phí. Nhà nước không bao giờ cho mình tiền nếu mình làm không hiệu quả. Muốn có nguồn lực, nhà khoa học phải chứng minh được họ có thể làm được điều gì đó mới mẻ, kết quả đề tài có thể làm được những việc rất có ích và kết nối được những ngành nghề khác nhau.

(TS Trần Minh Tiến – Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa).

Có lợi rất lớn cho các doanh nghiệp

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 71 của Chính phủ và Kế hoạch 503 về thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường có lợi rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hạn chế rủi ro trong nghiên cứu. Trước đây khối doanh nghiệp tư nhân tiếp cận với các đề tài nghiên cứu nhà nước rất khó, nhưng bây giờ doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều có vai trò như nhau.

Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Đặc biệt, mặc dù nhà nước đặt hàng các đề tài khoa học, nhưng kết quả nghiên cứu có thể thuộc về cơ sở, doanh nghiệp cũng như các cá nhân. Do đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới, kể cả về giống, thiết bị, quy trình sản xuất…, từ đó mở ra hướng phát triển đột phá.

Điều cần thiết bây giờ là phải thay đổi một loạt các thể chế chính sách để phù hợp hơn, giảm bớt thủ tục hành chính trong công tác phê duyệt đề tài, thực hiện đề tài và nghiệm thu, thanh quyết toán. Qua đó thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong nước.

(Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam).

Rất hào hứng đón Nghị quyết 57

Chúng tôi là những người nghiên cứu trực tiếp và nhận thấy rằng, khi Nghị quyết 57 được triển khai vào đời sống sẽ rất hiệu quả. Ví dụ ngày xưa, một đề tài phải triển khai rất nhiều khâu, xuất phát từ đề xuất, trình cấp trên, rồi cấp hội đồng để tuyển chọn…, mất rất nhiều thời gian. Với cơ chế như hiện nay, việc triển khai sẽ nhanh hơn bởi có thể rút ngắn các khâu trung gian. Do đó, đội ngũ những người làm nghiên cứu khoa học đang rất hào hứng đón Nghị quyết 57. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số, quảng bá các kết quả nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội… sẽ giúp kết quả của các đề tài nghiên cứu đến nhanh với công chúng hơn, tính lan tỏa mạnh mẽ hơn.

(Ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tham quan các gian hàng giới thiệu một số thành tựu nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Sẽ ban hành chương trình hành động

Với tinh thần của Nghị quyết 57, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị này có tác động rất lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn thể người dân và các cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học. Bởi từ quyết sách này đặt ra nhiệm vụ và cơ chế chính sách mới, giải quyết được những khó khăn mà trước đây đã gặp phải. Đặc biệt là xác định những công nghệ chiến lược, những công nghệ lõi và những lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm trọng điểm để đẩy mạnh, nâng cao hoạt động khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Chúng tôi sẽ ban hành chương trình hành động về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở Trường Đại học Lâm nghiệp để thực hiện Nghị quyết 57, bao gồm tất cả các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu của trường như lâm nghiệp và phát triển bền vững, công nghiệp chế biến, môi trường và biến đổi khí hậu, nông nghiệp và công nghệ sinh học, kinh tế chính sách, công nghệ cao và chuyển đổi số. Tất cả các lĩnh vực này đều sẽ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 57 để đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất lâm nghiệp, phát triển các sản phẩm mới trong tương lai.

(PGS.TS Vũ Huy Đại – Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Lâm nghiệp).

Cơ hội rất lớn cho các nhà khoa học

Từ hội nghị này, chúng tôi nhận thấy cơ hội rất lớn cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Ngành nông nghiệp và môi trường có số lượng các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc rất lớn, do đó nhu cầu cao phải có các nhà khoa học đầu ngành, nhất là đội ngũ các giáo sư, tiến sĩ. Bên cạnh đó, nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ chất lượng cao cho các lĩnh vực rất lớn, trong bối cảnh khoa học công nghệ thế giới đang phát triển nhanh cùng với cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện ngành nông nghiệp và môi trường có nhiều học viện, trường đại học đầu ngành, đủ điều kiện để cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao cho cả ở trung ương và địa phương.

Chúng tôi cũng nhận thấy một số thách thức. Đó là yêu cầu chủ động các công nghệ lõi, công nghệ mới, tự chủ về khoa học công nghệ ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ có năng lực nắm bắt, sẵn sàng hội nhập quốc tế, tránh lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Mặt khác, cạnh tranh thương mại toàn cầu đặt ra áp lực chuyển đổi công nghệ, sở hữu trí tuệ ngày càng cao. Vì vậy, công tác đào tạo không chỉ đào tạo nhân lực mà cần đào tạo nhân tài, những nhà nghiên cứu xuất sắc, dẫn dắt nền nông nghiệp công nghệ cao, góp phần cho tiến trình chuyển đổi xanh đất nước.

(TS Lưu Thành Trung – phụ trách Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Biến đổi khí hậu, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).

Hội nghị tổ chức tại hội trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP Bắc Ninh) sáng 10/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Khuyến khích mạnh mẽ sự sáng tạo

Chúng tôi mong muốn được tiếp nhận thông tin về các quy định mới của Bộ Nông nghiệp và Môi trường liên quan đến lĩnh vực môi trường để định hướng hoạt động chế tạo, sản xuất, kinh doanh. Tinh thần của Nghị quyết 57 đã rất rõ ràng, khuyến khích mạnh mẽ sự sáng tạo, đổi mới của toàn xã hội. Chúng tôi nhìn nhận rất rõ vai trò của doanh nghiệp trong quá trình này.

Chúng tôi cần chủ động hơn nữa trong nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu về quan trắc, xử lý môi trường trong nước và quốc tế. Với nội lực sẵn có, chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng doanh nghiệp Việt, các nhà khoa học Việt ở khối tư nhân có đủ năng lực, trí tuệ, đam mê, nhiệt huyết để tạo nên những đột phá thực sự trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường.

(Bà Trần Thị Hiền – Phó Tổng Giám đốc Việt An Group).

Kỳ vọng chính sách khuyến khích hợp tác thực chất

Trước đây, các hoạt động nghiên cứu chủ yếu do doanh nghiệp tự đầu tư, việc tiếp cận các chương trình nghiên cứu lớn của nhà nước gặp nhiều khó khăn. Với định hướng đột phá lần này, doanh nghiệp tư nhân mong muốn có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là tham gia vào các chương trình nghiên cứu mục tiêu dài hạn, mang tính chiến lược.

Thực tế cho thấy, mối liên kết giữa khu vực nghiên cứu công lập và doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động khoa học công nghệ còn khá lỏng lẻo. Vì vậy, từ hội nghị này, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có chính sách mới khuyến khích hợp tác thực chất và hiệu quả hơn giữa hai khu vực.

Sự phối hợp giữa viện nghiên cứu công lập và doanh nghiệp sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi bên. Viện có trình độ chuyên sâu, nguồn nhân lực chất lượng cao; doanh nghiệp tư nhân lại có khả năng rút ngắn quy trình, linh hoạt hơn trong thực hiện và luôn gắn sát với nhu cầu thị trường. Nếu có thể cùng triển khai chung một nhiệm vụ hay đề tài nghiên cứu, chia sẻ thông tin minh bạch, hợp tác bình đẳng, tự nguyện thì tốc độ nghiên cứu sẽ được đẩy nhanh, hiệu quả cao hơn và đem lại lợi ích cho cả hai phía.

(Ông Lê Thanh Tùng – Giám đốc Công ty TNHH Hạt giống Việt).

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Theo dõi sát, tránh mất trắng đàn cá nước lạnh khi giao mùa

Việc theo dõi và phát hiện những biểu hiện bất thường của cá nước lạnh …