Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững rất cần có sự đồng hành của của 5 nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông.
Ông Hồ Xuân Hùng-Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS
Sáng 8/5, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức diễn đàn doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà: Nhà nước, Nhà băng, Nhà Doanh nghiệp, Nhà khoa học và Nhà nông”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng-Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết nông nghiệp luôn giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân, là trụ đỡ vững chắc trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên đất – nước, yêu cầu cao về chất lượng nông sản và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho nông dân, bảo vệ môi trường và giữ gìn tài nguyên cho thế hệ tương lai.
Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức diễn đàn nhằm kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đặc biệt là 5 nhà gồm nhà nước – nhà băng – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – và nhà nông. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng nhằm đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi để chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn và thân thiện với môi trường; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp không chỉ bằng vốn mà bằng công nghệ, quản trị và thị trường. Ngoài ra, tham dự diễn đàn cũng là cơ hội để nông dân tiếp cận tri thức mới, vốn tín dụng ưu đãi và thị trường tiêu thụ ổn định.
Tiến sỹ Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Tại diễn đàn, Tiến sỹ Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh ngành nông nghiệp ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu nhưng nông nghiệp là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng. Số liệu thống kê cho thấy sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm 50% nếu không sử dụng phân bón, trong khi đó khoảng 2,5% – 10% (tùy theo quốc gia) tổng lượng phát thải khí nhà kinh liên quan đến phân bón. Vì vậy, một số công ty phân bón đã bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”, bao gồm cung cấp năng lượng cho quy trình Haber-Bosch bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu khác tập trung vào việc tìm kiếm các phương pháp tổng hợp amoniac thay thế. Nhiều công ty sản xuất phân đạm ure tại Việt Nam đã triển khai thu hồi CO2 từ khí thải trong quá trính sản xuất để giảm phát thải như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) mỗi năm thu hồi được 40 nghìn tấn CO2.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực giảm phát thải trong sản xuất, việc sử dụng phân bón cũng đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính như triệt để áp dụng “sáng kiến 4 Đúng”( đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách) cũng như tăng cường sử dụng các loại phân bón hiệu quả cao (EEF) như phân đạm giải phóng chậm, có kiểm soát, phân nitơ ổn định hoặc phân dúi sâu (UDP) để tránh thất thoát nitơ, giảm phát sinh khí N2O. Ngoài ra, song hành với việc sử dụng phân bón hợp lý, việc nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới, vừa đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp xanh, vừa giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản cũng như giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải chính là một hướng tiếp cận cần được tăng cường phát triển, Tiến sỹ Phùng Hà nhấn mạnh.
Ông Đào Duy Nam – Phó Giám đốc Khu vực Miền Bắc Ngân hàng Nam Á. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đào Duy Nam – Phó Giám đốc Khu vực Miền Bắc Ngân hàng Nam Á cho biết việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp xanh và bền vững là trách nhiệm không chỉ của người nông dân mà còn của doanh nghiệp – đặc biệt là các tổ chức tài chính như Nam Á Bank. Trong tầm nhìn chiến lược, Ngân hàng Nam Á xác định rõ ba định hướng lớn để đồng hành cùng nhà nông. Cụ thể, Ngân hàng Nam Á phát triển tài chính toàn diện và tín dụng xanh cho nông nghiệp, trong đó triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho các mô hình sản xuất nông nghiệp trồng lúa chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đồng hành chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho bà con nông dân, trong đó đã đưa các sản phẩm, dịch vụ tài chính lên nền tảng số, từ tài khoản thanh toán, tiết kiệm đến vay vốn, bảo hiểm. Ngoài ra, Ngân hàng Nam Á đã kiến tạo chuỗi liên kết giá trị giữa nông dân – doanh nghiệp – ngân hàng – thị trường. Theo đó, thông qua các chương trình tài trợ theo chuỗi hệ sinh thái ngành thủy sản, ngành cao su và ngành chè… để phát huy hiệu quả kinh tế từ người nuôi trồng đến doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và tổ chức tín dụng. Đặc biệt, Ngân hàng Nam Á Bank sẽ tập trung triển khai đẩy mạnh tín dụng xanh – một phần trong định hướng phát triển bền vững và ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), trong đó các sản phẩm tín dụng xanh, đầu tư vào các vùng nguyên liệu sạch, tài trợ chuyển đổi năng lượng trong nông nghiệp sẽ được ngân hàng ưu tiên thực hiện, ông Đào Duy Nam chỉ rõ.
Đề xuất các giải pháp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong phát triển nông lâm nghiệp bền vững, Tiến sỹ Mai Quang Vinh-Viện trưởng Viện Công nghệ Xanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cho nhấn mạnh cần có sự đồng bộ của khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và thể chế, chế tài quản lý, hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cần thúc đẩy nâng cao nhận thức và thực hành của các hợp tác xã nông nghiệp về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế nông lâm nghiệp phát thải thấp. Cùng đó, các bộ, ngành chức năng cần có giải pháp và chế tài thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật thực hành các Tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế cân bằng Net Zero – giảm phát thải, xác nhận tín chỉ carbon, tem nhãn sinh thái Việt Nam đáp ứng cam kết Net – Zero của Chính phủ tại COP26 và yêu cầu của hội nhập quốc tế từ năm 2028. Đặc biệt, việc tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường, chuyển đổi xanh gắn với phát thải thấp và tiêu chuẩn ESG cho hợp tác xã nông nghiệp là rất quan trọng. Ngoài ra, việc đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận công nghệ và phát triển thị trường; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường và năng lực cạnh tranh cho các hợp tác xã nông nghiệp cũng là giải pháp cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Tiến sỹ Mai Quang Vinh đề xuất.
Nguồn: Baomoi.com