Hành trình từ đất dốc đến những mùa quả ngọt: [Bài 3] Hiện thực hóa khát vọng trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc

Từ trong gian khó của 10 năm trước, ít ai nghĩ vùng đất có đến 3/4 diện tích là đồi núi như Sơn La lại trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc.

Vậy mà hôm nay, từ những đồi ngô, đồi sắn bạc màu, Sơn La đã vươn lên trở thành điểm sáng, một hiện tượng nông nghiệp với hơn 85.000ha cây ăn quả. Không chỉ phủ xanh những triền đồi dốc, tỉnh còn từng bước hiện thực hóa khát vọng lớn trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.

Từ quyết sách đột phá

Cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Thông báo kết luận số 121-TB/TU về chủ trương chuyển đổi diện tích đất sản xuất lương thực ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả lâu năm. Mục tiêu là tạo đột phá đưa nông nghiệp Sơn La thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, giống cũ, năng suất thấp sang sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh cao.

Khởi hành đưa quả dâu tây Sơn La lên chuyến bay của Vietnam Airlines – bước tiến quan trọng trong hành trình đưa nông sản địa phương vươn xa. Ảnh: Nguyễn Nga.

Khi ấy, không ít hoài nghi, bởi đất dốc dễ xói mòn, hệ thống tưới tiêu thiếu thốn, nông dân chưa quen kỹ thuật, sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát. Thế nhưng từ quyết tâm cao, đã khơi dậy làn sóng chuyển mình mạnh mẽ. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Các lớp tập huấn, mô hình mẫu, chương trình hỗ trợ ghép cải tạo vườn tạp, kỹ thuật tưới nhỏ giọt, giữ ẩm bằng cỏ, sử dụng phân hữu cơ… được triển khai đồng bộ. Hàng nghìn nông dân từ bỏ cách làm cũ, dần làm quen với kỹ thuật mới, tiếp cận tư duy nông nghiệp công nghệ cao.

Xác định nếu trồng mới thì phải mất ít nhất 5 năm mới cho thu hoạch, Sơn La đã chủ động khảo nghiệm, chọn giống cây ăn quả phù hợp để ghép với cây bản địa. Nhờ đó, chỉ trong giai đoạn 2017 – 2018, hơn 13.000ha cây ăn quả đã được cải tạo, hàng chục nghìn hộ dân bước vào hành trình mới. Đặc biệt, đã rà soát, chuyển đổi trên 33.000ha cây lương thực trên đất dốc, cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Những giống cây ăn quả mới như xoài, na sầu riêng, nhãn Ánh Vàng, chanh leo vàng, dâu tây Hana… được đưa vào sản xuất. Những vùng đất dốc từng bị lãng quên nay trở thành nơi khởi đầu cho hàng loạt mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng tới xuất khẩu.

Nhãn Ánh Vàng 205 tại Sơn La được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Ảnh: Đức Bình.

Tưởng chừng bất khả thi, nhưng đã thành sự thật

Những ngày đầu đưa cây ăn quả lên đất dốc không hề đơn giản. Mùa khô thì lo cây chết vì thiếu nước, mùa mưa thì đất bị rửa trôi, bạc màu. Để thích ứng với điều kiện sản xuất đặc thù, nông dân được hướng dẫn canh tác theo hướng bền vững, ưu tiên phân hữu cơ, trồng cây theo đường đồng mức, xen canh cây ngắn ngày, giữ ẩm bằng cỏ. Nhờ vậy, đất tơi xốp hơn, hạn chế xói mòn. Quan trọng hơn cả, người dân đã sáng tạo và chủ động đưa nước lên đồi cao – điều từng bị xem là bất khả thi.

Cứ thế, diện tích cây ăn quả được mở rộng hàng năm. Các vùng chuyên canh nhãn, cam, na, mận, dâu tây, thanh long, chanh leo… dần hình thành. Trình độ canh tác của người dân nâng lên, tư duy sản xuất hàng hóa được định hình rõ ràng hơn. Năng suất, sản lượng, chất lượng trái cây tăng đáng kể. Thu nhập vì thế được cải thiện, đời sống người dân ngày càng khấm khá.

Nếu như năm 2015, Sơn La chỉ có khoảng 23.602ha cây ăn quả thì đến năm 2025, con số này đã vượt mốc 85.000ha. Toàn tỉnh có 5 vùng cây ăn quả được công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao; duy trì 202 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu; 201 chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh quả an toàn; 59 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ quả; tổng diện tích được cấp chứng nhận VietGAP trên cây ăn quả đạt trên 4.700ha, tăng gấp 37,7 lần so với năm 2015…

Những con số ấy không chỉ phản ánh quy mô, mà còn là dấu mốc của hành trình bền bỉ vươn lên từ gian khó.

Từ cắt tỉa, bao trái đến tưới nhỏ giọt…, Sơn La đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng trái cây. Ảnh: Nguyễn Nga.

Không dừng lại ở trồng trọt, Sơn La còn định hướng tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Hàng trăm HTX, tổ hợp tác được hình thành, trở thành cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, hệ thống chế biến ngày càng hoàn chỉnh với 17 nhà máy, hơn 500 cơ sở chế biến nông sản; gần 3.000 cơ sở sấy long nhãn, nông sản; hàng chục kho lạnh giúp kéo dài thời gian bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch và áp lực tiêu thụ quả tươi.

Tư duy sản xuất đã thay đổi căn bản, từ nhỏ lẻ sang liên kết, từ canh tác chính vụ sang rải vụ quanh năm, từ bán sản phẩm thô sang chế biến sâu và xây dựng thương hiệu. Giai đoạn 2017 – 2024, Sơn La đã xuất khẩu 158.395 tấn trái cây, thu về 160,8 triệu USD, vươn ra 15 thị trường như Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đài Loan, UAE… Năm 2025, tỉnh ước xuất khẩu khoảng 31.560 tấn, trị giá hơn 35,8 triệu USD.

Nhìn lại hành trình đã qua, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định: Điều cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp chính là chuyển đổi về khoa học công nghệ. Việc áp dụng các bộ giống mới, quy trình canh tác hiện đại đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trên cùng đơn vị diện tích, từ đó tăng thu nhập đáng kể cho người dân.

Điển hình như với cây xoài, trước kia thu nhập chỉ khoảng 50 triệu đồng/ha, nay nhờ chuyển đổi giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình có thể đạt 200 – 300 triệu đồng/ha. Đặc biệt, với cây na sầu riêng, có mô hình cho doanh thu tới 1,2 – 1,3 tỷ đồng/ha.

Hướng đến nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững

Thực tế, sau một thập kỷ chuyển mình, nông nghiệp Sơn La đang đứng trước những yêu cầu mới. Không chỉ là mở rộng diện tích hay tăng sản lượng, mà là nâng chất lượng, đảm bảo tính ổn định và khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, nhu cầu thị trường thay đổi nhanh chóng, lực lượng lao động trẻ còn hạn chế, tất cả buộc tỉnh phải tính đến những bước đi vững chắc hơn, có chiều sâu hơn.

Nụ cười rạng rỡ giữa mùa cam chín trên những triền đồi phủ xanh cây trái ở Mường Cơi, Phù Yên. Ảnh: Nguyễn Nga.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên hơn 90.000ha, sản lượng 765.000 tấn; đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến khi Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực trung miền núi phía Bắc; 10% diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình VietGAP và tương đương… Cùng với đó, phát triển mạnh mô hình canh tác hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ toàn diện từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến và logistics.

Sau năm 2030, định hướng là một nền nông nghiệp thông minh, nơi nông dân không còn canh tác bằng kinh nghiệm đơn thuần mà có thể theo dõi vùng trồng, thời tiết, sâu bệnh qua ứng dụng công nghệ. Mỗi sản phẩm đều được truy xuất nguồn gốc, gắn với tiêu chuẩn rõ ràng. Điều đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng, mà còn tăng độ tin cậy với thị trường trong và ngoài nước.

Để đạt được điều này, Sơn La chú trọng đổi mới các hoạt động quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương thông qua các lễ hội quả, hội chợ, hội nghị và diễn đàn xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến, nông sản đóng gói tại chỗ được ưu tiên đưa vào chuỗi giới thiệu nhằm gia tăng nhận diện và khả năng tiêu thụ.

Song song đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý, kết nối sâu rộng với các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững. Công tác quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi tiếp tục được nâng cao, hướng đến mục tiêu giữ nguyên giá trị sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu.

Yếu tố con người tiếp tục là trung tâm của chiến lược phát triển. Một nền nông nghiệp hiện đại sẽ không thể thiếu những người làm nông được đào tạo bài bản, có tư duy kinh tế, có kỹ năng vận hành công nghệ và sẵn sàng đổi mới.

Màu xanh trên đất dốc – thành quả của hành trình biến đất cằn thành vùng chuyên canh cây ăn quả. Ảnh: Đức Bình.

Sau 10 năm, điều thay đổi căn bản không chỉ ở diện tích hay sản lượng, mà là cách người dân làm nông. Từ sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, nay họ đã bước vào một quy trình chuyên nghiệp hơn, biết liên kết, biết kiểm soát chất lượng và chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Đó chính là nền tảng để Sơn La tiếp tục tiến xa hơn, với một tư duy phát triển mới, một hệ sinh thái nông nghiệp ngày càng hoàn chỉnh và mục tiêu đang dần hiện hữu: Trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc bền vững, hiện đại và mang bản sắc riêng.

Chặng đường phía trước chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Nhưng sau một thập kỷ nhìn lại, niềm tin ấy đã có cơ sở vững chắc hơn. Vì từ đất dốc, một thế hệ nông dân mới đã và đang từng bước vươn cao, với niềm tin và khát vọng đổi đời mãnh liệt.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La – ông Hoàng Văn Chất là người từng đặt nền móng đầu tiên cho chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc không giấu được niềm xúc động: “Thành công của Sơn La hôm nay là kết quả của một quá trình bền bỉ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đã thay đổi tư duy lãnh đạo, quản lý, chuyển đổi sản xuất từ nhỏ lẻ sang kinh tế nông nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh: Nếu bằng lòng với những gì đã đạt được, sẽ khó giữ được đà phát triển. Điều cần lúc này là tỉnh tiếp tục thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất, giải quyết vấn đề thị trường, đẩy mạnh chế biến để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm, đảm bảo phát triển bền vững.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

5 nhà “bắt tay” để phát triển nông nghiệp xanh bền vững

Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững rất cần có sự đồng hành …