Trồng na ‘không làm phiền đất’

Với gần 1.000 gốc na Đài Loan trồng trên đất cát cằn cỗi, nhờ lối canh tác thuận thiên, ‘không làm phiền đất’, mỗi năm anh Cương bỏ túi hơn 300 triệu đồng.

Mấy năm trước, anh Nguyễn Ngọc Cương ở xã Lý Nam (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lấy vùng đất cát bạc màu để phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, anh trồng cây keo lá tràm nhưng đất cằn cỗi khiến cây keo tràm cũng không phát triển tốt.

Sau khi thu hoạch keo tràm, anh Cương cải tạo đất để phát triển cây ăn quả. “Tôi tìm hiểu về canh tác hữu cơ và tác động đến đất trồng theo hướng thuận thiên bằng cách bồi bổ, cải tạo đất mà ở địa phương chưa ai thực hiện”, anh Cương cho hay.

Cỏ dại trong vườn được mọc tự do, khi cao đến đầu gối sẽ được cắt sát gốc để phủ cho đất. Ảnh: Tâm Phùng.

Ban đầu, anh Cương chọn trồng những cây nhanh cho trái như ổi, na… Trên khu đất rộng gần 2ha, anh lên luống (mỗi luống rộng 3 – 4m tùy theo loại cây trồng) để cây trồng không bị úng nước vào mùa mưa. Sau khi trồng cây, hằng ngày, anh đi kiếm lá, cây cỏ đưa về phủ dày trên đất, quanh gốc cây trồng. Ngoài ra, anh còn ủ phân bò trộn vôi bột để bón cho cây và rải lên bề mặt luống. Anh cho hay: “Tôi làm như vậy nhằm tạo lớp mùn hữu cơ trên bề mặt đất cát. Dinh dưỡng sẽ ngấm dần vào đất, tạo độ ẩm, giúp cho giun đất sinh sôi và tạo thành hàng vạn ‘chiếc máy cày’ bé xíu xới cho đất thêm tơi xốp”.

Khi cây ăn quả bến rễ, ra tán thì dưới đất nhiều loại cỏ dại mọc bời bời. Thay vì thuê người nhổ, cuốc xới, anh Cương để cho cỏ dại mọc tự nhiên. Khi cỏ lên quá đầu gối anh dùng máy cắt cỏ. “Mùa nào cỏ đó, tôi cắt và rải cỏ lên mặt đất. Những nơi ít cỏ thì phủ thêm lớp rơm, rạ hoặc cây bổi làm phân xanh để tiếp tục tăng dinh dưỡng cho đất, cho cây trồng”, anh Cương chia sẻ.

Cành lá cây na Đài Loan sau mỗi vụ thu hoạch được cắt tỉa để phủ vào gốc cây. Ảnh: Tâm Phùng.

Chỉ sau 3 năm áp dụng lối canh tác không làm phiền đất, anh Cương đã có thêm những kiến thức về cánh tác thuận thiên. Vùng đất cát pha bạc màu ngày nào đã thành khu vườn màu mỡ. Trên mỗi luống, anh Cương chưa bao giờ phải cày xới mà chỉ cắt cỏ, bón phân hữu cơ lên bề mặt. Chúng tôi trên những luống đất ra thăm vườn na Đài Loan, cảm nhận lớp đất xốp dưới bàn chân rất rõ ràng. Trên bề mặt đất, một lớp phân giun đùn lên dày. Anh Cương lấy que gạt lớp phân giun và xới đất lên để lộ lớp đất nâu đen màu mỡ khá dày. Đất chai cứng, hoang hóa ngày nào giờ đã màu mỡ.

Trên vùng đất này, anh Cương trồng gần 1.000 gốc na Đài Loan. Nhờ chăm bón tốt nên cây phát triển mạnh và đã cho thu hoạch mấy năm nay. Sau mỗi vụ thu hoạch, anh Cương lại cắt cành na để cây đâm chồi lên cành mới và cho nhiều hoa, nhiều quả hơn. Cành lá cắt xuống, anh lại băm, chặt nhỏ rồi vun vào các gốc cây để bổ sung chất hữu cơ cho đất.

Những năm gần đây, vườn na Đài Loan của gia đình anh Cương cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả chất lượng mỗi năm. “Giá na bán tại vườn là 80 triệu đồng mỗi tấn, mỗi vụ tôi thu về khoảng 400 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí cũng còn lãi khoảng 300 triệu đồng”, anh Cương bộc bạch.

Anh Cương cho biết đã thuê thêm đất trên vùng cát của bà con để mở rộng diện tích trồng na Đài Loan và canh tác thuận thiên, không làm phiền đất. “Đó là giải pháp để nông dân ‘nuôi đất’ và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp”, anh Cương nói.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

5 nhà “bắt tay” để phát triển nông nghiệp xanh bền vững

Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững rất cần có sự đồng hành …