Chủ nhiệm đề tài: TS. Bùi Xuân Khôi
và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững
+ Mục tiêu chung
Nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ.
+ Mục tiêu cụ thể
– Đánh giá tình hình sản xuất sầu riêng tại huyện Cẩm Mỹ có đối chiếu với các tiêu chí của tiêu chuẩn VietGAP;
– Xác định biện pháp làm chín trái sầu riêng có hiệu quả, an toàn;
– Mô hình sản xuất sầu riêng được cấp giấy VietGAP với diện tích 8 ha, năng suất tăng 15-20% và hiệu quả kinh tế tăng 10-15% so với vườn sản xuất đại trà;
– Chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua các lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên, hội thảo;
– Xây dựng nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm sầu riêng Cẩm Mỹ;
– Có 1 – 2 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sầu riêng cho các hộ tham gia mô hình;
– Hoàn thiện sổ tay “Qui trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Cẩm Mỹ”.
- Điều tra hiện trạng sản xuất sầu riêng đối chiếu với các yêu cầu của VietGAP và biện pháp làm chín trái ở huyện Cẩm Mỹ
1.1. Điều tra hiện trạng sản xuất sầu riêng đối chiếu với các yêu cầu của VietGAP ở huyện Cẩm Mỹ
Kết luận về kết quả điều tra hiện trạng sản xuất sầu riêng đối chiếu với các yêu cầu của VietGAP ở huyện Cẩm Mỹ:
– Các tiêu chí trong yêu cầu sản xuất VietGAP được 100,0% số hộ điều tra tuân thủ: Sử dụng phân bón và thuốc BVTV có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam; mua thuốc BVTV đúng nơi quy định; Không tái sử dụng các bao bì, thùng chứa phân bón, thuốc BVTV, hóa chất để chứa đựng sản phẩm; Vỏ bao, gói thuốc BVTV, phân bón sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định; Có biện pháp kiểm soát, tránh sự xâm nhập của động vật vào vườn trong giai đoạn;
– Các tiêu chí chưa được nhà vườn tuân thủ: Chưa được tập huấn đầy đủ về quy trình sản xuất sầu riêng VietGAP; chưa có đầy đủ nhà kho để bảo quản phân bón và thuốc BVTV; chưa có sơ đồ khu vực sản xuất; chưa có đầy đủ quy trình sản xuất sầu riêng theo VietGAP; chưa ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ và theo biểu mẫu VietGAP; chưa thu hoạch đúng thời điểm để sản phẩm cho chất lượng tốt; chưa đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV khi thu hoạch; chưa có biện pháp quản lý sản phẩm như phân tích mẫu trái, quy định về truy xuất nguồn gốc; Điều kiện làm việc cho người lao động chưa được đảm bảo theo yêu cầu VietGAP như trang bị đầy đủ thuốc, dụng cụ y tế và bảng hướng dẫn sơ cứu khi bị ngộ độc hoá chất, thuốc BVTV; chưa thực hiện kiểm tra nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Tất cả các tiêu chí mà nhà vườn chưa tuân thủ hay tuân thủ chưa đầy đủ đều có thể thực hiện được nếu nhà vườn nắm được qui trình VietGAP, tầm quan trọng của sản xuất VietGAP và mong muốn tham gia VietGAP.
1.2. Điều tra khảo sát biện pháp làm chín trái sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ
Qua điều tra cho thấy, các thương lái và nhà vườn thướng sử dụng HPC-97 HXN và hoa quả thúc chín tố để nhúng chín trái sầu riêng, 1 số vựa trái cây lớn có sử dụng thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc (nhãn mác của Trung Quốc) và Thái Lan, tuy nhiên chúng tôi không rõ tên thuốc chính xác.
Trong thời gian vừa qua có nhiều bài báo (báo nông nghiệp, báo đời sống Việt Nam, báo vnexpress, báo dân trí, …) phản ánh việc thương lái sử dụng các hóa chất có chứa hoạt chất Carbendazim và Tebuconazole để nhúng trái sầu riêng nhằm hạn chế thối trái do nấm. Trong quá trình điều tra biện pháp làm chín trái sầu riêng. Chúng tôi đã lấy ngẫu nhiên 3 mẫu trái sầu riêng ở 3 cơ sở buôn bán trái sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ phân tích 2 hoạt chất Carbendazim và Tebuconazole tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3. Kết quả cho thấy cả 3 mẫu trái đều không phát hiện có dư lượng 2 hoạt chất trên trái sầu riêng.
Hiện tại, các loại thuốc thúc chín hoa quả vẫn chưa có trong danh mục thuốc được phép sử dụng của Bộ. Toàn bộ các loại thuốc được phát hiện đều chỉ là “ngoài luồng” thậm chí thuốc nhập từ Trung Quốc nên có thể nói việc sử dụng các loại thuốc thúc chín hoa quả như đu đủ, mít, xoài, đu đủ… là bất hợp pháp.
Thuận lợi, khó khăn và giải pháp để sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ
Thuận lợi:
– Điều kiện tự nhiên huyện Cẩm Mỹ phù hợp cho sự phát triển của cây sầu riêng (đất đai, nguồn nước, khí hậu).
– Vùng sản xuất chưa bị ô nhiễm nguồn đất và nước tưới.
– Cẩm Mỹ có diện tích sầu riêng lớn, trồng khá tập trung và giao thông thuận tiện nên khá thuận lợi cho việc liên kết tiêu thụ sản phẩm.
– Người dân có nhiều kinh nghiệm trong canh tác sầu riêng, một số nhà vườn đã áp dụng khá tốt kỹ thuật canh tác cây sầu riêng.
– Chất lượng trái sầu riêng ngon và được thị trường rất ưa chuộng.
– Được sự quan tâm của chính quyền địa phương.
– Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu tươi sang Trung Quốc hơn 70% qua đường tiểu nghạch. Trung Quốc đang xem xét để cấp phép cho sầu riêng được nhập khẩu chính nghạch vào Trung Quốc với điều kiện phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật; phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc và phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc. Sản xuất theo VietGAP sẽ đáp ứng được yêu cầu đó. Do đó, đây là điều kiện thuận lợi kích thích nhà vườn sản xuất sầu riêng phải thực hiện theo VietGAP mới có khả năng tiêu thụ được sản phẩm.
Khó khăn:
– Diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ. phần lớn từ 1-2 ha. Chất lượng trái sầu riêng trong vùng chưa đồng đều. Thu hoạch sầu riêng gặp khó khăn.
– Phần lớn nhà vườn chưa nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất theo VietGAP vẫn còn lối tư duy cũ, chưa có thói quen ghi chép về nhật ký đồng ruộng thường xuyên và đầy đủ do đó khó có thể truy nguyên được nguồn gốc.
– Chi phí triển khai sản xuất theo GAP cao khiến một số nông dân chưa đủ vốn để đáp ứng cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn GAP.
– Chưa có thị trường rõ ràng cho sản phẩm đạt GAP và không GAP.
– Chưa có thuốc xử lý chín trái cây nằm trong danh mục được phép sử dụng của bộ NN&PTNT.
Giải pháp:
– Để sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP nhà vườn cần phải thay đổi tư duy về cách chăm sóc sầu riêng hướng đến sản xuất bền vững thông qua các khóa đào tạo kỹ thuật viên, tập huấn, hội thảo đầu bờ và xây dựng mô hình trình diễn để người dân chứng kiến tận mắt kết quả của việc áp dụng đúng quy trình canh tác.
– Tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nhà vườn trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường nội địa và hướng xuất khẩu.
– Cần qui hoạch riêng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng mã vùng trồng.
– Xây dựng hợp tác xã liên kết giữa các nông hộ, đơn vị thu mua, thực hiện liên hoàn các khâu từ canh tác, thu hoạch, phân phối sản phẩm, xây dựng thương hiệu đủ mạnh đứng vững trên thị trường.
– Xây dựng nhãn hiệu tập thể sầu riêng cho huyện Cẩm Mỹ để nâng cao uy tín trên thị trường.
– Các cơ quan chuyên ngành nhà nước cần nghiên cứu và nhanh chóng cấp phép số chất xử lý chín trái cây và chất bảo quản an toàn đã được thế giới công nhận để nhà vườn và thương lái sử dụng.
Qua kết quả phân tích kim loại nặng (arsen, chì, đồng và kẽm) trong 4 mẫu đất trồng và kim loại năngg (arsen, thủy ngân, chì và cadimi) 4 mẫu nước tưới (nước giếng khoan) ở xã Nhân Nghĩa và Xuân Bảo cho thấy đất trồng và nước giếng khoan đều đạt yêu cầu để sản xuất VietGAP. Như vậy, vùng sản xuất sầu riêng chưa ô nhiễm kim loại nặng vượt mức cho phép nên có thể sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đánh giá về kết quả thí nghiệm xử lý chín trái sầu riêng
– Xử lý chín trái sầu riêng bằng HPC-97 HXN, hoa quả thúc chín tố thì trái bắt đầu chín sau 4 ngày, chất lượng trái giảm khi kể từ ngày 6 ngày sau xử lý (3-5 sau khi trái chín).
– Nghiệm thức để tự nhiên (đối chứng – không xử lý): Sau khi xử lý 7 ngày: Trái bắt đầu chín, màu sắc vỏ trái không tươi, cuống trái bị hỏng, tỷ lệ hao hụt cao (18,99%), thịt trái chín không đều, ít sượng, thịt trái vàng không đều. Sau 9 ngày, nhiều trái đã bị hỏng.
– Nghiệm thức sử dụng máy phát khí Ethylene GE-60 cũng cho trái sầu riêng chín sau 4 ngày xử lý, sau 5-7 ngày chất lượng trái không giảm. Màu sắc trái vỏ trái xanh, tươi lâu hơn, màu sắc thịt trái đồng đều, không bị sượng và xơ, hao hụt trọng lượng cũng giảm so với 3 nghiệm thức còn lại. Đặc biệt, sử dụng máy phát khí Ethylene GE-60 không gây độc hại cho sản phẩm.
Như vậy, trong 4 nghiệm thức thì nghiệm thức sử dụng máy phát khí Ethylene GE-60 để xử lý chín trái sầu riêng cho kết quả tốt nhất.
4.1. Kết quả áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho mô hình sản xuất sầu riêng
Cả 8 vườn của 8 hộ tham gia mô hình đều đạt các tiêu chí của VietGAP. Tổ chức FCC đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho THT cây sầu riêng Nhân Nghĩa với tổng diện tích là 17,4ha, giấy chứng nhận có hiệu lực từ ngày 16/07/2018 đến ngày 15/07/2020 (hiệu lực 2 năm), mã số chứng nhận VietGAP TT-12-03-75-0010.
4.2. Đánh giá tình hình sâu bệnh hại, năng suất, chất lượng trái và hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP
* Tình hình sâu bệnh hại chính trên cây sầu riêng ở các vườn mô hình
Bệnh xì mủ thân, thối nhũn trái, cháy lá, sâu đục trái, sâu ăn bông, sâu đục trái và rệp sáp là các loại sâu bệnh hại chính với tần suất gây hại khá phổ biến ở các vườn canh tác sầu riêng trong khu vực thực hiện mô hình. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện của các loại sâu bệnh này tại các vườn của mô hình đã giảm rõ rệt so với vườn đối chứng. Sau 2 năm triển khai quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM với việc bón phân cân đối, sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục, cắt tỉa cành/ tạo tán giúp vườn thông thoáng, tiêu huỷ trái bệnh, tăng cường sử dụng các chế phẩm phòng trừ sinh học, nấm đối kháng giúp cải thiện hệ sinh thái vườn và cây phát triển khoẻ mạnh.
Trước khi thực hiện mô hình, năng suất giữa các vườn mô hình và vườn đối chứng (cùng năm tuổi và điều kiện sản xuất) tương đương nhau. Năng suất trung bình ở các vườn mô hình đạt 17,38 tấn/ha/năm và vườn đối chứng là 17,40 tấn/ha/năm.
Ở vụ thu hoạch thứ nhất (vụ 1), năng suất ở các vườn mô hình dao động từ 18,53 – 21,82 tấn/ha/năm và năng suất trung bình là 19,44 tấn/ha/năm. Với năng suất trung bình này, cao hơn vụ thu hoạch trước khi thực hiện mô hình và cao hơn vườn đối chứng (18,21 tấn/ha/năm)
Ở vụ thu hoạch thứ hai (vụ 2), năng suất ở các vườn mô hình dao động từ 21,25 – 23,87 tấn/ha/năm và năng suất trung bình đạt 22,15 tấn/ha/năm. Với năng suất trung bình này, cao hơn vụ thu hoạch vụ 1 (trước khi thực hiện mô hình) là 27,66% và cao hơn vườn đối chứng là 16,57%
– Tỷ lệ thịt trái sầu riêng giữa các vườn mô hình và vườn đối chứng dao động từ 37,10 – 38,85% nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê theo phép thử t-test.
– Tỷ lệ trái bị sượng và tỷ lệ xơ ở trái sầu riêng của các mô hình đều giảm rõ rệt, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê theo phép thử t-Test so với đối chứng.
Hiệu quả kinh tế của các điểm mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP so với vườn đối chứng (tính cho 1ha/năm. Chi phí đầu tư cho 1ha VietGAP trong mô hình là 245 triệu đồng/ha/năm, trong khi vườn đối chứng chỉ đâu tư 198 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 47 triệu đồng/ha/năm. Tổng thu nhập ở vườn mô hình là 1.139 triệu đồng/ha/năm và vườn đối chứng là 893 triệu đồng/ha/năm (bảng 38).
Lợi nhuận thu được từ vườn mô hình là 894 triệu đồng/ha/năm cao hơn so với vườn đối chứng (695 triệu đồng/ha/năm). Tỷ suất lợi nhuận ở vườn mô hình là 3,65 lần cao hơn so với vườn đối chứng (3,51 lần) (bảng 38). Như vậy lợi nhuận thu được từ vườn mô hình VietGAP cao hơn vườn đối chứng là 28,6%.
Qua phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các biện pháp của nhà vườn. Như vậy, với việc sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn (bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng), an toàn cho người lao động và môi trường mà còn giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm uy tín trên thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
5.1. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật
– Số lượng lớp tập huấn: 3 lớp
– Địa điểm: xã Nhân Nghĩa, Xuân Bảo, Bảo Bình và Xuân Quế
– Thời gian tập huấn: 3 ngày/lớp, trong đó: Xã Xuân Bảo và Bảo Bình: từ ngày 20/04 – 22/04/2017; Xã Nhân Nghĩa: từ ngày 25/04 – 27/04/2017; Xã Xuân Quế: từ ngày 25 – 28/6/2017
– Số lượng nhà vườn tham dự: 40 lượt nhà vườn/lớp. Tổng số học viên là 120 người.
5.2. Đào tạo kỹ thuật viên sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP
– Thời gian của khóa đào tào: 10 ngày, Địa điểm đào tạo: Nhà Văn hóa Tân Lập, xã Nhân Nghĩa
Sau khóa học, học viên được phát bài kiểm tra cuối khóa. Kết quả đánh giá cuối khóa học, 10 nhà vườn đều đạt yêu cầu và được Trung tâm cấp giấy chứng nhận đào tạo KTV.
5.3. Hội thảo đầu bờ kết hợp với trao giấy chứng nhận VietGAP
– Số buổi hội thảo: 2 buổi
– Thời gian tổ chức hội thảo: Ngày 23/8/2018 và ngày 20/9/2018
– Địa điểm: Vườn mô hình sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Trần Văn Hải và hộ ông Cao Thọ Tráng và Hội trường UBND xã Nhân Nghĩa.
Từ kết quả thực hiện mô hình của dự án và kết quả các đề tài, dự án khác có liên quan, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững đã biên soạn quy trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Cẩm Mỹ với đầy đủ nội dung đáp ứng quy định của tiêu chuẩn VietGAP hiện hành. Các nội dung được trình một cách dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tế sản xuất và có hình ảnh minh họa cụ thể cho từng nội dung để nhà vườn vận dụng ngay được vào sản xuất.
Số lượng: 100 cuốn.
Trung tâm đã xây dựng thiết kế nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cẩm Mỹ”, ban hành các quy chế sử dụng và quản lý nhãn hiệu tập thể. Trình hồ sơ lên Cục sở hữu Trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) và đã được Cục sở hữu Trí tuệ chấp nhận hồ sơ hợp lệ với tên nhãn hiệu tập thể là “Sầu riêng Cẩm Mỹ” do Hội nông dân huyện Cẩm Mỹ là đơn vị quản lý và sử dụng. Đang chờ Cục sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cẩm Mỹ”.
Số đơn: 4-2019-07981, ngày chấp nhận đơn: 18/3/2019
Nơi nhận đơn: Cục Sở hữu trí tuệ, văn phòng đại diện tại Tp. Hồ Chí Minh.
THT đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trái sầu riêng với cở sở thu mua Tráng năm 2018 là 257,6 tấn, giá bán là 52.000đ/kg; Năm 2019 THT đã ký kết hợp đồng bán sản phẩm sầu riêng cho công ty Công ty Cổ phần nông sản sạch Việt Nam là 286 tấn, giá bán là 52.000đ/kg.