Krông Nô triển vọng thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao

Với đà phát triển như hiện nay, Krông Nô có triển vọng trở thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông trong tương lai không xa.

Đổi thay vùng đất cằn

Nằm phía đông bắc tỉnh Đắk Nông, huyện Krông Nô từng là vùng đất khó khăn nhất tỉnh bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và di chứng nặng nề của chiến tranh. Những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là địa bàn hoạt động chiến lược, là hậu phương vững chắc của lực lượng cách mạng.

Chiến tranh qua đi, đất đai nơi đây trở nên hoang hóa, phèn chua, bạc màu. Người dân quay về dựng lại cuộc sống trong vô vàn khó khăn, không điện, không đường, không nước tưới…

Nhưng trong gian khó ấy, tinh thần bám đất, giữ làng, tinh thần khởi nghiệp từ nông nghiệp của người dân Krông Nô chưa bao giờ tắt, biến đất khô cằn thành vùng canh tác hiệu quả.

Những năm gần đây, Krông Nô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Người dân áp dụng kỹ thuật canh tác mới, lựa chọn cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt chú trọng các mô hình nông nghiệp bền vững.

Người dân xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô thu hoạch lúa vụ xuân 2025 trong niềm vui được mùa. Ảnh: Thanh Hải.

Gia đình ông Đặng Thế Hùng ở thôn Nam Thanh, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô trồng hơn 1,5ha ngô thương phẩm. Mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch gần 16 tấn ngô. Mặc dù thời tiết khá thất thường, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và lựa chọn giống ngô phù hợp nên năng suất cao và ổn định.

“Ngày trước, người dân sống ở vùng đất này cực khổ lắm, gần như để có cái ăn đã khó chứ chưa nói đến dư giả. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về vốn, giống tốt, phù hợp với khí hậu, cộng với sự quyết tâm vươn lên của người dân nên đa phần bà con đã dần ổn định cuộc sống”, ông Hùng phấn khởi.

Tương tự, hộ bà Hoàng Thị Mai, trú thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô đưa giống lúa ST24 vào canh tác từ vụ đông xuân năm 2017. Từ đó đến nay, hiệu quả kinh tế mang lại thấy rõ khi 1,8ha lúa của gia đình bà cho năng suất trung bình 8,4 tấn/ha, cao hơn gần 2 tấn/ha so với các giống lúa trước đây.

Theo bà Mai, việc sản xuất lúa ST24 và áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP lúc đầu gặp khá nhiều khó khăn, nhưng qua quá trình sản xuất, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên việc sản xuất đã trở nên dễ dàng, hiệu quả kinh tế được nâng lên.

“Nếu không nhờ cách canh tác mới, giống lúa mới phù hợp thì chúng tôi có cố gắng nhiều hơn nữa năng suất cũng không đảm bảo. Hiện tại, ngoài trồng lúa, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác cũng tận dụng thời vụ trồng luân canh thêm một số cây trồng ngắn ngày khác như ngô, đậu…để tăng thu nhập”, bà Mai chia sẻ.

Theo lãnh đạo xã Buôn Choáh, nhờ sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương trong tuyên truyền thay đổi cách canh tác, đưa giống mới vào sản xuất nên đời sống của những hộ trồng lúa cũng như các cây trồng khác trên địa bàn đã có những thay đổi hết sức tích cực.

Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao xã Buôn Choah được UBND tỉnh Đắk Nông ký quyết định công nhận năm 2021 với tổng diện tích gần 539ha gồm 408 hộ và 02 HTX tham gia (HTX lúa gạo Buôn Choáh và HTX nông nghiệp Buôn Choáh), có 2 sản phẩm OCOP 3 Sao. Đến nay, diện tích sản xuất lúa ST24, ST25 đạt 85% diện tích.

Sản phẩm lúa ST24, ST25 có chất lượng cao, cơm dẻo, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng và giá bán cao hơn từ 500 – 1.000 đồng/kg so với các giống lúa khác trên thị trường. Hiện nay, diện tích trồng lúa ST24, ST25 tại Buôn Choáh đã chiếm trên 80% diện tích lúa của xã với khoảng 150ha mỗi vụ. Mô hình này không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn giúp bà con nông dân có thu nhập cao và ổn định, đồng thời quy trình canh tác theo hướng hữu cơ giúp bảo vệ môi trường.

Triển vọng thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô, những năm gần đây, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sản xuất nông nghiệp của địa phương đã từng bước chuyển mình tích cực. Để có thành quả hôm nay, không thể không nhắc tới vai trò của người dân trong việc chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật.

“Như tại xã Buôn Choáh, nơi từng là vùng trũng của huyện, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp hàng trăm hộ nông dân nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Trên 600ha đất ruộng, người dân không chỉ trồng lúa mà còn thực hiện luân canh, xen canh với cây hoa màu, cải tạo đất bằng chế phẩm sinh học. Nhờ đó, thu nhập bình quân từ trồng lúa của người dân đạt từ 60 – 70 triệu đồng/ha/vụ”, ông Lộc chia sẻ.

Nông dân huyện Krông Nô hỗ trợ nhau thu hoạch ngô. Ảnh: Thanh Hải.

Cũng theo ông Lộc, nhiều hộ dân còn liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, hạn chế rủi ro về giá. Đặc biệt, các mô hình trồng cây ăn trái như bơ, sầu riêng, cam, quýt… tại các xã Nam Đà, Nâm Nung đang trở thành hướng đi mới, giúp người dân làm giàu từ nông nghiệp.

Theo UBND huyện Krông Nô, hiện toàn huyện có 31 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng vai trò tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số trong quản lý mùa vụ, chăm sóc cây trồng.

Việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart đã giúp nông sản Krông Nô tiếp cận người tiêu dùng trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm như bơ, sầu riêng, lúa gạo của huyện cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 – 4 sao, giúp nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, những năm gần đây, huyện cũng chú trọng phát triển cây dược liệu bản địa như sâm cau, đinh lăng, đây là những cây phù hợp với vùng đất bán sơn địa, vừa giúp cải thiện thu nhập, vừa bảo tồn nguồn gen quý bản địa. Các mô hình này đang từng bước được nhân rộng tại các xã Đắk Sôr, Nam Nung, thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, tạo chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Nông dân Krông Nô phấn khởi thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Thanh Hải.

Từ vùng đất từng chìm trong lửa đạn, Krông Nô hôm nay đã khác. Cảnh đói nghèo, đất khô nứt nẻ ngày nào đã nhường chỗ cho những cánh đồng lúa trĩu hạt, những vườn cây trĩu quả và những nụ cười no ấm của người dân.

Với đà phát triển như hiện nay, Krông Nô sẽ không chỉ là “vùng đất hồi sinh” mà còn có triển vọng trở thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông trong tương lai không xa.

Sự đổi thay của Krông Nô không chỉ nằm ở những con số về năng suất hay thu nhập mà còn thể hiện trong diện mạo nông thôn mới đang ngày càng khởi sắc. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, điện, nước, internet phủ khắp các thôn bản. Những căn nhà kiên cố thay thế dần những mái nhà tạm bợ ngày nào. Con em trong làng được học hành đầy đủ, nhiều người đã quay trở lại quê hương khởi nghiệp bằng mô hình nông nghiệp.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Giữ nguồn gen cây bản địa Đi tìm cây chuối phấn vàng trên đất Tổ

Theo chân anh Đinh Mạnh Cường, tổ viên tổ khuyến nông xã Tân Lập, (huyện …