Ít ai ngờ nông dân xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) có ngày đổi đời với cây mắc ca vốn rất lạ lẫm với họ.
Người trồng mắc ca đầu tiên ở Bình Định
Theo ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), trước năm 1975, làng K8 có tên là làng Kon Blo, còn xã Vĩnh Sơn có tên là xã Lơ Pinh, vùng đất này là khu căn cứ địa cách mạng. Trong chiến tranh, nơi đây không ngừng bị địch càn quét, hứng chịu nhiều bom đạn.
“Ngày xưa, làng K93 ở xã láng giềng Vĩnh Kim là nơi hoạt động của cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Định. Trên địa bàn xã Vĩnh Sơn hồi ấy có sân bay của Mỹ, sân bay này nằm dưới lòng hồ thủy điện Trà Xom bây giờ”, ông Đinh Khánh nhớ lại.
Vườn mắc ca 700 cây của ông Đặng Văn Khánh tại làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đến nay đã cho quả 8 năm. Ảnh: V.Đ.T.
Chiến tranh đi qua, đồng bào Bana ở Vĩnh Sơn xây dựng cuộc sống với những cây trồng truyền thống như lúa, mì (sắn), bắp (ngô). Từ khi tỉnh Bình Định có chính sách hỗ trợ giống lúa lai cho đồng bào vùng cao, năng suất lúa ở Vĩnh Sơn được nâng lên, chứ trước đây cây lúa ở Vĩnh Sơn cho gạo ăn không đủ. Đến năm 2000, người dân Vĩnh Sơn tìm cách đổi đời với cây cà phê nhưng không thành công. Về sau, nhờ trồng rừng sản xuất nên thu nhập của người dân Vĩnh Sơn có phần được cải thiện.
Vĩnh Sơn được thiên nhiên ưu đãi khí hậu ôn hòa, mang nét rất riêng của một vùng tiểu khí hậu thích hợp với nhiều cây trồng ôn đới. Nơi đây được mệnh danh là “Đà Lạt giữa Bình Định”.
Trước năm 2009, ông Đặng Văn Khánh (sinh năm 1959) ở làng K8, xã Vĩnh Sơn được dự lớp tập huấn về cây có múi cho 6 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong đợt tập huấn này, ông có dịp trò chuyện về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Vĩnh Sơn với vị chuyên gia người Úc. Nghe chuyện của ông Khánh, vị chuyên gia người Úc liền khẳng định khí hậu của Vĩnh Sơn rất phù hợp với cây mắc ca, đồng thời giới thiệu về loài cây đã làm giàu cho không ít nông dân Úc.
Năm 2012, UBND huyện Vĩnh Thạnh mở lớp tập huấn về cây mắc ca, tại lớp tập huấn có giới thiệu cơ sở bán cây giống mắc ca trên Tây Nguyên. Nhớ lại những điều vị chuyên gia người Úc từng nói, ông Khánh liền lên Đắk Lắk tham quan vườn thực nghiệm cây mắc ca của Viện Eakmat. Với quyết tâm cao, khi đi Đắk Lắk ông Khánh mang sẵn tiền để mua 700 cây giống mắc ca về trồng trên diện tích 2ha đất rẫy của gia đình tại làng K8.
“Đúng ngày 22/12/2012, tôi tiến hành xuống giống 700 cây mắc ca trên diện tích 2ha. Khi ấy, người làng nói ra nói vào rằng tôi dư tiền, tự nhiên đi trồng cây “mắc nợ”. Thú thật, lúc ấy lòng tôi có chút hoang mang, nhưng không lung lạc, tôi vẫn chăm chỉ chăm sóc vườn mắc ca đầu tiên của tỉnh Bình Định”, ông Đặng Văn Khánh chia sẻ.
Năm nay, vườn mắc ca của ông Khánh đậu quả rất sai, quả to, đồng đều. Ảnh: V.Đ.T.
5 năm sau, năm 2017, trong vườn mắc ca 700 cây của ông Khánh có 2 cây làm nên “kỳ tích” là đã ra những chùm hoa đầu tiên. Vợ chồng ông Khánh khóc vì mừng. Mừng vì niềm hi vọng của mình đã thành hiện thực.
“Với hơn 700 cây mắc ca, năm đầu tiên tôi thu được vài ba tạ hạt, mừng rớt nước mắt. Bước sang năm 2018, 2019 năng suất vườn mắc ca tăng dần nhờ tôi đầu tư bón phân chuồng hàng năm, làm sạch cỏ để cây phát triển. Những năm sau, thừa thắng xông lên, tôi tiếp tục nhân rộng diện tích mắc ca, đến nay tôi đã trồng được hơn 10ha. Những diện tích mắc ca tôi trồng như là tài sản của gia đình, tôi chia cho 2 đứa con mỗi đứa hơn 3ha, vợ chồng tôi còn giữa lại 4ha để lấy thu nhập dưỡng già”, ông Khánh chia sẻ.
Đến năm 2025, 4ha mắc ca của ông Khánh cho quả năm thứ 8. Năng suất năm sau cao hơn năm trước. Với hiệu quả hiển hiện, cây mắc ca đã khẳng định vị thế trên vùng cao Vĩnh Sơn.
Bán mắc ca nhanh như bán vàng
Năm nay, khoảng giữa tháng 8, vườn mắc ca của ông Khánh sẽ cho thu hoạch rộ. 700 cây mắc ca trồng đầu tiên vào năm 2012 nhờ được ông đầu tư chăm sóc tốt nên đến năm nay có thể đạt năng suất 5 – 6 tấn quả/ha. Với giá hạt mắc ca khoảng 85.000đ/kg (hạt tươi đã bóc vỏ) như hiện nay, ông Khánh cầm chắc thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha.
Hạt mắc ca (hạt tươi đã tách vỏ) hiện đang được thương lái thu mua 85.000đ/kg. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Khánh chia sẻ thêm: Từ ngày thu hoạch lứa quả đầu tiên vào năm 2017 đến nay, giá hạt mắc ca luôn ổn định ở mức từ 85.000 – 95.000đ/kg. Đầu ra không phải lo, cứ đến tháng 7 dương lịch hàng năm là thương lái ở Gia Lai gọi điện, sau khi thống nhất giá cả và ngày thu hoạch, đến ngày thương lái chở máy sạc vỏ qua Vĩnh Sơn để thu mua hàng. “Cân được bao nhiêu thương lái tính ‘tiền tươi’ bấy nhiêu, bán mắc ca nhanh như bán vàng vậy”, ông Khánh phấn khởi.
Những ngày thương lái về thu mua mắc ca, xã Vĩnh Sơn như có hội. Năm 2024, mắc ca có giá 85.000đ/kg (hạt tươi đã bóc vỏ). Trước đó 1 năm, mắc ca loại 1 có giá đến 120.000đ/kg, nhà ai trồng mắc ca thì tiền vào ùn ùn.
Sau thành công mô hình trồng mắc ca của ông Khánh, đồng bào Bana ở xã Vĩnh Sơn nhanh chóng nhân rộng cây trồng này, đến nay diện tích mắc ca ở Vĩnh Sơn đã tăng đến trên 100ha.
Ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho hay: Diện tích mắc ca trên địa bàn xã đang phát triển rất tốt. Trong đó, 4ha của ông Đặng Văn Khánh và 2ha của một hộ khác ở làng K8 đang thời kỳ kinh doanh, còn lại hiện một số diện tích đã cho quả chiến, còn lại đã được 2 – 3 năm tuổi.
Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, huyện đã lập đề án quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó có quy hoạch vùng trồng cây mắc tại xã vùng cao Vĩnh Sơn. “Diện tích có thể phát triển cây mắc ca ở Vĩnh Sơn còn rất nhiều. Trên địa bàn Vĩnh Sơn hiện đang có khoảng 20.000ha keo, nếu chuyển đổi diện tích trồng keo sang trồng mắc ca ắt sẽ nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao. Huyện sẽ vận động bà con trồng mắc ca theo chuỗi để đăng ký sản phẩm OCOP”, ông Thông chia sẻ.
Vợ chồng ông Đặng Văn Khánh tự sạc vỏ lấy hạt mắc ca bán cho thương lái. Ảnh: V.Đ.T.
Cũng theo ông Thông, mức đầu tư trồng mới cho cây mắc ca không nhiều, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân Vĩnh Sơn. Theo tính toán, với quy cách cây cách cây, hàng cách hàng 6m, mỗi ha trồng được 310 cây mắc ca. Tổng chi phí từ mua cây giống, đào hố, bón phân lót, thuê công trồng, mua máy bơm và ống dẫn nước… cho 1ha mắc ca hơn 48,7 triệu đồng, đây là mức đầu tư không quá sức đối với người dân Vĩnh Sơn.
“Trong quá trình đợi cây mắc ca cho quả, nông dân có thể trồng xen vào vườn mắc ca cây chanh dây. Sau 6 tháng trồng, chanh dây sẽ cho quả, đây là cây “lấy ngắn nuôi dài”, giúp người trồng có thu nhập để đầu tư cho cây mắc ca. Bước sang năm thứ 5 cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch trái chiến”, ông Đặng Văn Khánh, chủ vườn mắc ca 4ha ở làng K8, xã Vĩnh Sơn cho hay.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn