ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÂM CANH HỒ TIÊU THEO HƯỚNG VIETGAP NHẰM PHÒNG BỆNH CHẾT NHANH, CHẾT CHẬM GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI BỀN VỮNG VÀ XÂY DỰNG NHÃN HIỆU HỒ TIÊU TẠI HUYỆN TÂN PHÚ, TỈNH ĐỒNG NAI.

Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Minh Đức
và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phú
Mục tiêu của đề tài:
– Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu nhằm giảm thiệt hại do dịch bệnh, phát triển sản xuất tiêu bền vững và thực hành nông nghiệp tốt theo VietG.A.P góp phần xây dựng nông thôn mới và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho hạt tiêu ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
– Nắm bắt hiện trạng sản xuất hồ tiêu tại một số vùng trồng tập trung ở huyện Tân Phú và đề xuất giải pháp phát triển.
– Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu ở huyện Tân Phú thông qua các mô hình/thực nghiệm trồng giống tiêu ghép (gốc ghép là giống tiêu Lada Belangtoeng) có khả năng chống chịu tương đối với bệnh chết nhanh và giống tiêu ghép, sử dụng phân hữu cơ và nấm đối kháng, trồng xen cây có khả năng hạn chế sự phát triển bệnh chết nhanh, chết chậm.
– Chuyển giao kỹ thuật canh tác tổng hợp sản xuất hồ tiêu bền vững và phát triển nhãn hiệu hồ tiêu Tân Phú thông qua xây dựng mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietG.A.P sang chứng nhận GlobalG.A.P theo công văn số 1438/SKHCN-QKC ngày 01 tháng 11 năm 2016.
– Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân thông qua tập huấn và hội thảo đầu bờ để nhân rộng mô hình.
Kết quả nghiên cứu:
1. Nội dung 1: Điều tra, khảo sát hiện trạng sản xuất hồ tiêu tại Tân Phú
– Diện tích, năng suất và sản lượng
Theo thống kê của Phòng Nông Nghiệp huyện Tân Phú diện tích tiêu tăng dần từ năm 2015 đến 2017 (năm 2015: 2.120 ha; năm 2016: 2.677 ha; năm 2017: 2.734 ha), năng suất trung bình giảm từ năm 2015 đến năm 2017 (năm 2015: 23,62 tạ/ha; năm 2016: 21,89 tạ/ha; năm 2017: 21,81 tạ/ha), sản lượng đạt từ 4.576 – 5.459 tấn.
– Đất đai
Cây tiêu ở huyện được trồng chủ yếu trên 2 loại đất là đất xám đen trên nền đá lộ đầu (64,17% tổng số hộ được điều tra) và sỏi cơm (35,83% tổng số hộ được điều tra).
– Giống hồ tiêu
Giống hồ tiêu được trồng phổ biến là tiêu Vĩnh Linh chiếm 68,33% số hộ điều tra, tiếp đến là giống tiêu Sẻ chiếm 25,83%, tiêu Ấn Độ chiếm 4,17%, còn lại là giống tiêu khác chiếm 1,7%.
– Quy mô vườn hồ tiêu
Đa số vườn tiêu có quy mô diện tích vườn từ 0,5 – 1 ha chiếm 58,33%, quy mô vườn trên 1 ha chiếm 27,50% số vườn điều tra, còn lại 14,17% số vườn có diện tích nhỏ hơn 0,5 ha.
– Tuổi vườn hồ tiêu
Qua kết quả điều tra cho thấy đa số các vườn tiêu ở độ tuổi trên 3 năm chiếm tỷ lệ lớn (71,67 %), tiếp đến vườn tiêu nhỏ hơn 2 năm tuổi (19,17%), tuổi vườn từ 2 – 3 năm tuổi chiếm tỷ lệ 9,17%.
– Loại hình canh tác
Có 62,5% số vườn hồ tiêu được điều tra là trồng thuần, còn lại vườn hồ tiêu được trồng xen chiếm 37,5%. Các cây trồng xen trong vườn tiêu như cà phê, điều, một số loại cây ăn quả như chuối, mít….
– Tình hình sử dụng trụ tiêu
Qua kết quả điều tra cho thấy có 91,67% số hộ điều tra sử dụng trụ sống cho vườn tiêu, chỉ có 8,33% hộ trồng hồ tiêu trụ chết (trụ gạch) để trồng tiêu.
– Thời vụ trồng
Thời vụ trồng chủ yếu là đầu mùa mưa, tập trung khoảng từ tháng 6 – 8 dương lịch khi đất đủ ẩm sau mưa. Trồng giai đoạn này để tận dụng nước mưa, giảm chi phí sản xuất.
– Thiết kế vườn
+ Với đặc điểm không chịu được ngập úng nên việc thoát nước cho vườn tiêu là quan trọng. Qua kết quả điều tra cho thấy hầu hết các vườn không làm mương rãnh thoát nước (82,5%).
+ Theo kết quả điều tra hầu hết các vườn đều không trồng cây chắn gió (chiếm 80,0%). Do các vườn tương đối gần nhau, đất không đủ rộng nên nhà vườn ít áp dụng trồng cây chắn gió.
– Kích thước hố trồng tiêu
Kích thước hố trồng được áp dụng nhỏ hơn so với khuyến cáo hoặc không theo một kích thước cụ thể (35,83% số phiếu điều tra). Kích thước quá nhỏ sẽ ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng và phát triển của cây tiêu đặc biệt giai đoạn mới trồng. Chỉ có 31,67% có kích thước trồng theo khuyến cáo, do địa hình của huyện có nhiều đá lộ đầu, tảng đá lớn nên kích thước hố trồng khó áp dụng theo khuyến cáo.
– Khoảng cách trồng tiêu
Ở các vườn trồng thuần, khoảng cách trồng là 2,5 x 2,5 m (1.600 cây/ha) chiếm tỷ lệ cao nhất 46,67%, tiếp đến là trồng dày hơn 2,5 x 2,5 m (> 1.600 cây/ha) chiếm 33,33%, trồng với khoảng cách khác chiếm 20,0% do đặc điểm vườn có nhiều đá lớn, kích thước các tảng đá khác nhau, khoảng cách 2,5 x 3,0 m (1.330 cây/ha) chỉ chiếm 6,67%. Đối chiếu với quy trình trồng tiêu thì với mật độ trồng > 1.600 cây/ha (khoảng cách < 2,5 x 2,5 m) là khá dày, khi cây lớn sẽ khó khăn cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
– Bón lót và xử lý hố trước khi trồng
Qua kết quả điều tra cho thấy có 67,5% số hộ trồng tiêu có bón lót, 32,5% là không bón lót khi trồng. Bón lót phân hữu cơ (phân bò, phân dê…) chiếm 25,00% trong tổng số hộ có bón lót), bón kết hợp phân hữu cơ và phân vô cơ (phân lân, NPK (16-16-8; 20-20-15) chiếm tỷ lệ thấp hơn (37,5% số hộ có bón lót khi trồng). Chỉ có 20,38% số hộ điều tra có xử lý với vôi bột vào hố trồng.
– Tưới nước
100% hộ được điều tra đều có sử dụng nguồn nước ngầm từ các giếng khoan để tưới cho cây hồ tiêu. Hiện có 78,33% hộ vẫn sử dụng biện pháp tưới bồn và 21,67% hộ lắp đặt hệ thống tưới cố định.
– Thoát nước
Làm mương thoát nước là rất cần thiết để tránh ngập úng và hạn chế dịch bệnh. Qua kết quả điều tra cho thấy có tới 93,33% số hộ trồng hồ tiêu không làm mương thoát nước, chỉ có 6,67% số hộ thường xuyên bồi mô, làm mương thoát nước cho vườn tiêu.
– Cắt tỉa cành:
Qua kết quả điều tra cho thấy có 70% số hộ có tiến hành cắt tỉa cành lươn mọc ra từ gốc tiêu và cành tược mọc ngoài khung thân chính kịp thời cho vườn tiêu; 30% số hộ không cắt tỉa cành kịp thời.
– Phân bón
+ Phân hữu cơ: Đa số các hộ trồng tiêu đều sử dụng phân hữu cơ bón cho cây (86,67% số hộ điều tra) như phân bò (25,00%), phân dê (37,5%), phân vi sinh (14,17%) và một số loại phân khác (10%) với liều lượng nhỏ hơn 10 kg/trụ/năm chiếm tỷ lệ cao (58,33%). Phân hữu cơ được bón 1 lần/ năm vào đầu mùa mưa, lượng phân hữu cơ nhỏ hơn 7 kg/trụ chiếm đa số (chiếm 58,33%).
+ Phân vô cơ:
Qua kết quả điều tra cho thấy 100% số hộ trồng tiêu đều bón phân vô cơ. Có đến 92,5 % số hộ sử dụng phân hỗn hợp (16-16-8; 20-20-15; 15-7-21; 19-9-19; 15-15-15).
Mức bón phân N và K20 cho cây hồ tiêu nhìn chung còn thấp và không cân đối trong khi đó lượng phân lân được bón với lượng khá cao, không đáp ứng tốt cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây, làm cho cây sinh trưởng phát triển kém, khả năng chống chịu sâu bệnh kém, năng suất hạt thấp, chất lượng hạt kém, tuổi thọ vườn cây giảm.
+ Phân bón lá: Có 73,33% số hộ sử dụng phân bón lá cho cây hồ tiêu. Một số loại phân bón lá thường được sử dụng là: Hợp Trí Super Humic, Bortrac, Kali-Phos, Calcium – Boron, Hydrophos-Zn, Cầu vồng xanh, Ba lá xanh. Số lần sử dụng cho một vụ là 2 – 3 lần.
– Sâu bệnh hại chính và tình hình sử dụng thuốc BVTV
+ Sâu bệnh hại trên vườn hồ tiêu
Rệp sáp
Bệnh chết nhanh
Nấm trên rễ, thân ngầm, thân, cành, lá, giẻ hoa, quả
Bệnh chết chậm
Bệnh thán thư
Bệnh tiêu điên
Tuyến trùng
+ Tình hình sử dụng thuốc BVTV trên vườn hồ tiêu
Qua kết quả điều tra cho thấy: Tất cả những hộ điều tra đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Số hộ sử dụng 5 lần/vụ chiếm tỷ lệ cao nhất (41,67% số phiếu điều tra), sử dụng 1 – 2 lần/vụ chiếm tỷ lệ thấp nhất (2,50%). Sử dụng thuốc > 6 lần/vụ chiếm tỷ lệ 7,5% (bảng 10).
– Hiệu quả kinh tế của vườn hồ tiêu tại huyện Tân Phú
Hiệu quả kinh tế là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng lựa chọn phát triển loại cây trồng, đồng thời quyết định mức đầu tư trong biện pháp thâm canh. Với các điều kiện đất đai, tuổi cây, mức đầu tư, giá ở từng thời điểm khác nhau sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cây hồ tiêu khác nhau.
2. Nội dung 2: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phòng trừ bệnh chết nhanh
2.1. Chuyên đề 1: Thực nghiệm trồng giống hồ tiêu ghép với gốc ghép có tính chống chịu với bệnh chết nhanh
– Kết quả chọn điểm
Dựa vào phiếu khảo sát chọn điểm chúng tôi đã chọn được 1 hộ bà Hoàng Thị Hồng Liên ở xã Phú Xuân, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, với diện tích 0,1 ha.
– Tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh chết nhanh
Sau 26 tháng trồng cây hồ tiêu ở lô mô hình có biểu hiện của bệnh chết nhanh nhưng tỷ lệ bị bệnh rất thấp 0,75%, lô đối chứng tỷ lệ bị bệnh chết nhanh chiếm 3,0% do đó chứng tỏ rằng gốc ghép Lada Belantoeng có tính chống chịu tốt với bệnh chết nhanh.
– Tỷ lệ cây hồ tiêu chết sau trồng 6 tháng
Tỷ lệ bệnh chết ở lô thực nghiệm sau trồng 6 tháng là 6,02% thấp hơn so đối chứng 11,28%. Do các cây ở lô mô hình được chăm sóc đúng quy trình.
– Tình hình sinh trưởng và phát triển cây hồ tiêu
+ Chiều cao trụ tiêu
Chiều cao cây sau trồng 6 tháng ở lô thực nghiệm và lô đối chứng khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, chiều cao cây sau 26 tháng trồng ở lô thực nghiệm cao hơn có ý nghĩa so với lô đối chứng. Chiều cao cây lô thực nghiệm đạt 203,68 cm, lô đối chứng đạt 154,43 cm.
+ Đường kính tán trụ tiêu
Đường kính tán khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa lô thực nghiệm và lô đối chứng ở thời điểm 6 tháng sau trồng. Tuy nhiên đường kính tán từ 12 tháng sau trồng đến 26 tháng sau trồng ở lô thực nghiệm rộng hơn có ý nghĩa so với lô đối chứng.
+ Chiều dài cành cấp 1:
Chiều dài cành cấp 1 lô thực nghiệm khác biệt có ý nghĩa so với lô đối chứng, chiều dài cành cấp 1 lô thực nghiệm thời điểm 26 tháng sau trồng 41,82 cm còn lô đối chứng là 38,21 cm.
– Lượng toán hiệu quả kinh tế:
Trồng tiêu sau 3 năm bắt đầu cho trái, năng suất vụ đầu ước tính khoảng 1,064 tấn/ha, đến năm thứ 10 năng suất đạt khoảng 3,724 tấn/ha. Tổng chi phí đầu tư trong 10 năm ước tính khoảng 581.260.000 đồng và doanh thu đạt khoảng 2.208.750.000 đồng. Hiệu giá thuần (NPV) đạt 843.266.840 đồng
(NPV>0) và suất nội hoàn (IRR) đạt 38% (IRR>0), do đó trồng hồ tiêu vẫn mang lại lợi nhuận cho nhà vườn
2.2. Chuyên đề 2: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ và nấm đối kháng (Trichoderma spp.) phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm
Kết quả chọn điểm mô hình sử dụng phân bón hữu cơ
Dựa vào phiếu khảo sát chọn điểm mô hình, đã chọn được 2 hộ phù hợp để xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ và nấm đối kháng (Trichoderma spp.) phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm với diện tích 1 ha tại xã Phú Xuân và xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Chủ vườn là người có khả năng tiếp thu, có kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu, nhiệt tình và có điều kiện kinh tế phù hợp ở địa phương, thống nhất ký cam kết, tự nguyện tham gia thực hiện mô hình.
Tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu ở các hộ tham gia mô hình sử dụng phân bón hữu cơ
– Bệnh chết nhanh (Phytopthora capsici)
+ Tỷ lệ bệnh chết nhanh
Điểm 1: Tỷ lệ bệnh chết nhanh ở lô mô hình giảm từ nhiễm nhẹ đến rất nhẹ (2,61% – 1,72%) trong khi đó ở lô đối chứng thì tăng từ nhiễm nhẹ đến nhiễm trung bình (3,26 – 4,32%). Trung bình qua 3 năm thực hiện mô hình ở lô mô hình (2,19%) giảm so với đối chứng (3,75%) là 41,61%.
Điểm 2: Tỷ lệ bệnh chết nhanh ở lô mô hình giảm từ 0,72% – 0,51%, trong khi đó ở lô đối chứng thì tăng từ 1,05 – 1,38%. Trung bình qua 3 năm thực hiện mô hình ở lô mô hình (0,63%) giảm so với đối chứng (1,38%) là 54,48%.
+ Chỉ số bệnh chết nhanh
Kết quả sau 3 năm làm mô hình thì chỉ số bệnh chết nhanh dao động từ 0,27 – 0,64% thấp hơn và khác biệt rất có ý nghĩa so với lô đối chứng (0,78 – 2,88%).
– Bệnh vàng lá chết chậm (do rệp sáp Pseudococcus citri hoặc/và tuyến trùng Meloidogyne incognita, kết hợp nấm Fusarium solani và một số loại nấm khác gây hại rễ)
– Tỷ lệ bệnh vàng lá chết chậm
Sau 3 năm thực hiện, tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh vàng lá chết chậm của lô mô hình đã giảm từ 36,01 – 45,41% so với lô đối chứng. Một số cây hồ tiêu trong lô mô hình bị bệnh ở mức độ nhẹ đã sinh trưởng bình thường, còn một số cây bị bệnh ở mức trung bình đang phục hồi.
Tình hình sinh trưởng của cây hồ tiêu
– Đường kính tán: Đường kính tán trước khi thực hiện ở lô mô hình dao động từ 1,17 – 1,19 m, lô đối chứng dao động từ 1,16 – 1,17 m. Sau 3 năm làm mô hình đường kính tán ở lô mô hình đạt từ 1,41 – 1,44 m (tăng từ 0,24 – 0,25 m), lô đối chứng đạt từ 1,25 – 1,27 m (tăng từ 0,09 – 0,10 m).
– Chiều dài cành cấp 1: Sau 3 năm làm mô hình thì mức tăng trưởng chiều dài cành cấp 1 ở lô mô hình tăng nhanh hơn lô đối chứng. Lô mô hình mức tăng trưởng 13,33 – 15,13 cm, trong khi đó lô đối chứng mức tăng trưởng 4,79 – 5,98 cm.
Một số chỉ tiêu chất lượng hạt hồ tiêu
– Dung trọng:
Theo tiêu chuẩn của hiệp hội hồ tiêu (IPC) tiêu chuẩn ASTA, ISO, dung trọng ≥ 550 g/lít đạt hạt tiêu đen loại 1, dung trọng từ 500 – 550 g/lít đạt hạt tiêu đen loại 2. Như vậy, dung trọng hạt tiêu của các lô mô hình đều đạt yêu cầu loại 1.
– Tỷ lệ tươi/khô
Tỷ lệ tươi/khô của lô mô hình hồ tiêu điểm 1 dao động từ 3,11 – 3,37 lần thấp hơn so với lô đối chứng dao động từ 3,28 – 3,58 lần, sự chênh lệch tỷ lệ tươi/khô trung bình 3 năm giữa các lô mô hình và lô đối chứng là 0,19 lần. Tỷ lệ tươi/khô của lô mô hình hồ tiêu điểm 2 dao động từ 3,03 – 3,28 lần thấp hơn so với lô đối chứng dao động từ 3,19 – 3,44 lần, sự chênh lệch tỷ lệ tươi/khô trung bình 3 năm giữa các lô mô hình và lô đối chứng là 0,16 lần
Năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất vườn hồ tiêu
– Số hạt/chuỗi
Trung bình 3 năm số hạt/chuỗi ở lô mô hình cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê qua phép thử t so với lô đối chứng. Ở lô mô hình số hạt/chuỗi trung bình 3 năm dao động từ 42,39 – 43,63 hạt/chuỗi, trong khi đó ở lô đối chứng số hạt/chuỗi chỉ dao động từ 40,97 – 41,69 hạt/chuỗi.
– Số chuỗi/m2 diện tích bề mặt trụ
Theo dõi một số chỉ tiêu phát triển của cây hồ tiêu sau 3 năm thực hiện, điểm 1 có số chuỗi/ m2 diện tích bề mặt trụ trung bình qua 3 năm là 316,84 chuỗi/m2, năm 2018 đạt cao nhất (331,77 chuỗi/m2), khác biệt có ý nghĩa thống kê so với lô đối chứng. Điểm 2 có số chuỗi/m2 diện tích bề mặt trụ trung bình qua 3 năm là 333,17 chuỗi/m2, năm 2018 đạt cao nhất (358,58 chuỗi/m2), khác biệt có ý nghĩa thống kê so với lô đối chứng.
– Trọng lượng 1.000 hạt hồ tiêu
Sau ba năm thực hiện mô hình cho thấy lô mô hình nhờ bón phân hữu cơ đầy đủ nên trái phát triển nhanh, giảm số hạt lép nên trọng lượng trung bình 1.000 hạt ở mô hình cao hơn lô đối chứng sự khác biệt này có ý nghĩa qua phép thử t, điểm 1 lô mô hình có trọng lượng 1.000 hạt trung bình là 43,12 g so với đối chứng là 41,28 g. Điểm 2 có trọng lượng 1.000 hạt trung bình là 44,37 g so với đối chứng là 42,19 g.
Năng suất thực thu cây hồ tiêu ở mô hình sử dụng phân hữu cơ
Năng suất trong lô mô hình (3,03 – 3,24 kg/trụ) cao hơn và khác biệt rất có ý nghĩa thống kê qua phép thử t so với lô đối chứng (2,32 – 2,44 kg/trụ), do ở lô mô hình sử dụng phân hữu cơ và nấm đối kháng (Trichoderma spp.) đã làm giảm được tỷ lệ bệnh chết nhanh, chết chậm giúp tăng năng suất cây trồng nhờ đó năng suất trong cả 2 điểm mô hình ở lô có sử dụng phân hữu cơ và nấm đối kháng (Trichoderma spp.) cao hơn so với các lô đối chứng khoảng 30,52 – 32,95%.
Hiệu quả kinh tế giữa lô mô hình và lô đối chứng
Sau 3 năm thực hiện mô hình thấy tổng chi phí đối với vườn tiêu 10 – 12 năm tuổi ở lô mô hình (227.920.000 – 236.458.000 đồng/ha/năm) cao hơn so với lô đối chứng (203.567.000 – 214.935.000 đồng/ha/năm), do chi phí vật tư, công lao động và chi khác ở lô mô hình cao hơn so với lô đối chứng. Lợi nhuận thu được ở lô mô hình (360.144.000 – 417.310.000 đồng/ha/năm) cao hơn so với lô đối chứng (223.969.000 – 257.595.000 đồng/ha/năm). Như vậy lợi nhuận ở lô mô hình tăng 60,08 – 62,00% so với lô đối chứng và tỷ suất lợi nhuận lô mô hình tăng so với lô đối chứng 44,69 – 46,16% (bảng 32, 33). Vậy sử dụng phân hữu cơ có bổ sung nấm đối kháng Trichoderma spp. Đã làm tăng hiệu quả trồng tiêu tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
2.3. Chuyên đề 3: Chuyển giao TBKT xây dựng mô hình trồng xen cây muồng sục sạc nhằm hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm trên vườn hồ tiêu
Danh sách các hộ tham gia mô hình
Dựa vào phiếu khảo sát chọn điểm mô hình, đã chọn được 2 hộ phù hợp để xây dựng mô hình trồng xen cây muồng sục sạc nhằm hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm trên vườn hồ tiêu với diện tích 1 ha tại xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Chủ vườn là người có khả năng tiếp thu, có kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu, nhiệt tình và có điều kiện kinh tế phù hợp ở địa phương. Chủ vườn đã thống nhất ký cam kết, tự nguyện tham gia thực hiện mô hình.
Tỷ lệ bệnh chết nhanh, vàng lá chết chậm
Bệnh vàng lá chết nhanh chết chậm do nấm, tuyến trùng và rệp sáp tấn công gây hại trên cây hồ tiêu, bệnh này rất nguy hiểm cho cây, ảnh hưởng đến sinnh trưởng và phát triển của cây tiêu. Vì vậy phòng trừ bệnh chết nhanh chết chậm cho cây tiêu là một yếu tố quan trọng.
Tại điểm mô hình 1: Trước khi chưa trồng xen cây muồng sục sạc trong vườn hồ tiêu thì tỷ lệ bệnh chết nhanh, chết chậm của lô mô hình 4,17% thấp hơn so với lô đối chứng, sau 36 tháng trồng xen cây muồng sục sạc tỷ lệ bệnh chết nhanh chết chậm của lô mô hình thấp hơn 55,17% so với lô đối chứng.
Tại điểm mô hình 2: Trước khi thực hiện tỷ lỷ lệ bệnh chết nhanh, chết chậm của lô đối chứng thấp hơn 3,85 % so với lô mô hình, sau 36 tháng trồng xen cây muồng sục sạc tỷ lệ bệnh chết nhanh chết chậm của lô đối chứng cao hơn 51,43% so với lô mô hình. Do đó, trồng xen cây muồng sục sạc đã có tác dụng làm giảm tỷ lệ bệnh chết nhanh chết chậm trong vườn hồ tiêu tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Chỉ số bệnh chết nhanh, vàng lá chết chậm
Chỉ số bệnh biểu hiện mức độ gây hại của bệnh. Trước khi trồng xen ghi nhận tại điểm 1 chỉ số bệnh của điểm đối chứng cao hơn so với mô hình 3,97%, sau khi trồng xen cây muồng sục sạc được 36 tháng , tại điểm 1 lô mô hình chỉ số bệnh giảm từ 1,45 xuống còn 0,74% (giảm 66,52% so với đối chứng. Tại điểm 2, trước khi trồng xen tỷ lệ bệnh chết nhanh chết chậm lô đối chứng thấp hơn 3,03% so với lô mô hình, sau khi trồng xen cây muồng sục sạc được 36 tháng chỉ số bệnh giảm từ 1,70 % xuống còn 1,07% (giảm 56,50% so với đối chứng).
Các yếu tố sinh trưởng và phát triển
– Chiều dài cành cấp 1:
Sau khi trồng xen cây muồng sục sạc chiều dài cành cấp 1 của lô mô hình và đối chứng tại 2 điểm thí nghiệm khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nguyên nhân, cây muồng sục sạc thuộc họ đậu, có tác dụng cải tạo đất, tạo sự thông thoáng cho đất, che phủ chống rửa trôi, xói mòn đất, giữ độ ẩm cho đất bên cạnh đó cung cấp một lượng đạm cho đất nên khi trồng xen với cây tiêu, cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với đối chứng.
– Đường kính tán trụ tiêu
Đường kinh tán ở lô mô hình và lô đối chứng trước khi trồng xen cây muồng sục sạc khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Sau 36 tháng trồng xen cây muồng sục sạc, đường kính tán trong trong lô mô hình (125,12 – 129,53 cm) cao hơn so với đối chứng (119,52 – 125,34 cm) và khác biệt có ý nghĩa thống kê qua phép thử t. Như vậy trồng xen cây muồng sục sạc giúp cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt.
Một số sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu
Trong quá trình thực hiện mô hình chúng tôi ghi nhận một số sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu như sau: Mức độ nhiễm sâu bệnh hại ở lô mô hình thấp hơn so với lô đối chứng.
Năng suất thực thu và các yếu tố cấu thành năng suất hồ tiêu
– Số hạt/chuỗi hồ tiêu ở mô hình trồng xen cây muồng sục sạc
Số hạt/chuỗi của lô mô hình trung bình 3 năm thực hiện đạt từ 41,48 – 41,56 hạt/chuỗi cao hơn so với lô đối chứng (38,92 – 40,40 hạt/chuỗi), nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
– Số chuỗi/m2 diện tích bề mặt trụ hồ tiêu
Số chuỗi/m2 diện tích bề mặt trụ của lô mô hình trồng xen cây muồng sục sạc cao hơn so với lô đối chứng tại cả 2 điểm mô hình và khác biệt có ý nghĩa thống kê. Số chuỗi/m2 diện tích bề mặt trụ ở lô mô hình đạt 217,09 – 228,31 chuỗi/m2 trong khi đó lô đối chứng chỉ đạt 189,91 – 205,52 chuỗi/m2 diện tích bề mặt trụ.
– Trọng lượng 1.000 hạt:
Trọng lượng 1.000 hạt của lô mô hình trồng xen cây muồng sục sạc trung bình 3 năm cao hơn so với lô đối chứng nhưng không khác biệt có ý nghĩa thống kê. Trọng lượng 1.000 hạt lô mô hình đạt 41,85 – 42,00 g. Trọng lượng 1.000 ở lô đối chứng đạt 40,03 – 41,12 g. Vậy việc trồng xen cây muồng sục sạc trong lô mô hình không ảnh hưởng nhiều đến trọng lượng 1.000 hạt.
Ảnh hưởng của việc trồng xen cây muồng sục sạc đến pH đất trồng hồ tiêu
Sau 3 năm thực hiện, pH có sự thay đổi đáng kể. pH đất ở các nghiệm thức trồng xen cây họ đậu tăng từ 5,6 – 6,1 % so với đối chứng. Như vậy việc trồng xen cây muồng sục sạc làm tăng pH đất.
Một số chỉ tiêu chất lượng hạt hồ tiêu
– Dung trọng tiêu
Dung trọng là chỉ tiêu quan trọng nhất đánh giá chất lượng hạt tiêu. Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội hồ tiêu (IPC) tiêu chuẩn ASTA, ISO, dung trọng ≥ 550 g/lít đạt hạt tiêu đen loại 1, dung trọng từ 500 – 550 g/lít đạt hạt tiêu đen loại 2. Dung trọng của tiêu trong mô hình cao hơn so với đối chứng. Dung trọng ở lô mô hình hồ tiêu tại điểm 1 đạt trung bình 3 năm là 563,36g/lít, tăng 1,47% so với lô đối chứng. Lô mô hình hồ tiêu tại điểm 2 đạt trung bình 565,69 g/lít tăng 1,63% so với đối chứng, như vậy do áp dụng các biện pháp tổng đã hợp làm tăng dung trọng tiêu tại các điểm trong mô hình.
– Tỷ lệ tươi/khô hạt hồ tiêu
Tỷ lệ tươi/khô của lô mô hình hồ tiêu tại điểm 1 trung bình đạt 3,50 lần thấp hơn khác biệt rất có ý nghĩa thống kê so với lô đối chứng. Tỷ lệ tươi/khô của lô mô hình hồ tiêu tại điểm 2 trung bình đạt 3,33 lần thấp hơn khác biệt rất có ý nghĩa thống kê so với đối chứng.
Hiệu quả kinh tế
Sau 3 năm thực hiện mô hình thấy tổng chi phí đối với vườn tiêu 10 – 12 năm tuổi ở lô mô hình (234.816.000 – 257.192.000 đồng/ha/năm) cao hơn so với lô đối chứng (214.502.000 – 239.990.000 đồng/ha/năm), do chi phí vật tư, công lao động và chi khác ở lô mô hình cao hơn so với lô đối chứng. Lợi nhuận thu được ở lô mô hình (344.701.000 – 367.982.000 đồng/ha/năm) cao hơn so với lô đối chứng (223.969.000 – 258.921.000 đồng/ha/năm).
2.4. Nội dung 3: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cây hồ tiêu theo hướng canh tác bền vững và đạt chứng nhận Global G.A.P
Dựa vào phiếu khảo sát chọn điểm mô hình, đã chọn được 3 hộ phù hợp để xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cây hồ tiêu theo hướng canh tác bền vững và đạt chứng nhận Global G.A.P với diện tích 3 ha tại xã Phú Xuân, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Chủ vườn là người có khả năng tiếp thu, có kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu, nhiệt tình và có điều kiện kinh tế phù hợp ở địa phương, thống nhất ký cam kết, tự nguyện tham gia thực hiện mô hình.
2.4.2. Kết quả phân tích mẫu đất, nước và hạt hồ tiêu
Trước khi tiến hành chọn điểm mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng canh tác bền vững và đạt chứng nhận Global G.A.P, nhóm thực hiện tiến hành điều tra khảo sát hiện trạng sản xuất hồ tiêu, lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích đánh giá nguy cơ gây nhiễm bẩn sản phẩm, nguyên nhân gây ô nhiễm và biện pháp khắc phục theo tiêu chí.
– Mẫu đất
Đối chiếu kết quả với mức độ giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong đất (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất QCVN 03-MT:2015/BTNMT tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy hàm lượng kim loại nặng Arsen (As), Chì (Pb), Cadimi (Cd), đồng (Cu) và Kẽm (Zn) trong các mẫu phân tích đều dưới mức giới hạn tối đa cho phép.
– Mẫu nước
Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT tháng 8 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì hàm lượng kim loại nặng trong các mẫu nước tưới bao gồm Arsen, Chì, Cadimi và Thủy ngân đều dưới với mức giới hạn tối đa cho phép. Vì vậy, nguồn nước tưới cho cây hồ tiêu được đảm bảo chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn Global G.A.P
Qua đánh giá hiện trạng đất và nguồn nước tưới của các hộ tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng canh tác bền vững và đạt chứng nhận Global G.A.P ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cho thấy tất cả các chỉ tiêu đều đạt theo quy định Global G.A.P, do đó nguồn nước và đất trồng ở các hộ này đều có điều kiện thuận tiện để chuyển sang sản xuất theo Global G.A.P
– Mẫu hạt tiêu:
Sau khi áp dụng đúng quy trình của việc sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P, chúng tôi đã phân tích các chỉ tiêu trên mẫu hạt hồ tiêu để đánh giá mức độ an toàn của sản phẩm. Kết quả cho thấy, cả 3 điểm mô hình đều không phát hiện được hàm lượng kim loại nặng As, Pb, Cd, Hg, dư lượng thuốc BVTV,
không có vi sinh vật Salmonella, như vậy, sản phẩm hạt hồ tiêu đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Global G.A.P
2.4.3. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật
Nhà vườn tham gia thực hiện mô hình Global G.A.P đã được Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ tập huấn về
– Nhận thức về tiêu chuẩn Global G.A.P trồng trọt
– Các nguyên tắc quản lý kiểm soát mối nguy (HACCP)
– Nhận thức tiêu chuẩn ISO 9001 trong sản xuất trồng trọt
– Sử dụng máy móc và an toàn lao động
– IPM và sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả
– An toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân
– Sơ cấp cứu
– Kỹ năng đánh giá nội bộ tiêu chuẩn Global G.A.P
– Kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global G.A.P
– Ghi chép nhật ký sản xuất
– Xây dựng các cơ sở hạ tầng (kho phân bón, thuốc BVTV, nhà vệ sinh, nơi xử lý chất thải).
Ngoài tập huấn cho các chủ hộ, Trung tâm còn tập huấn cho công nhân làm việc trong khu vực sản xuất về qui trình canh tác (bón phân, phun thuốc, tỉa cành, vệ sinh vườn, tưới tiêu và thu hoạch), vệ sinh cá nhân và cách sơ cứu khi bị tai nạn lao động.
2.4.4. Xây dựng hệ thống quản l ý Global G.A.P
– Tập huấn cho ban điều hành Global G.A.P áp dụng đúng qui trình quản lý hệ thống chất lượng của Global G.A.P, bao gồm quản lý hồ sơ, tài liệu, kiểm tra và giám sát các hoạt động sản xuất hồ tiêu của các tổ viên.
– Trong nhóm tham gia mô hình bầu chọn người làm trưởng ban điều hành Global G.A.P, đây là người có khả năng quản lý và làm việc theo nhóm, có uy tín và nhiệt tình trong công việc
2.4.5. Soạn thảo tài liệu, biểu mẫu
– Cán bộ kỹ thuật phối hợp với Ban Quản lý tổ hợp tác xây dựng hệ thống tài liệu, biểu mẫu phù hợp theo yêu cầu của tiêu chuẩn Global G.A.P và các quy định hiện hành của Nhà nước.
– Hướng dẫn cán bộ chủ chốt của hệ thống quản lý chất lượng áp dụng hệ thống tài liệu; lưu trữ hồ sơ tại tổ hợp tác.
2.4.6. Thống nhất qui trình sản xuất Hồ tiêu và vẽ sơ đồ vườn sản xuất
Dựa vào qui trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Số 730/QĐ-BNN-TT, ngày 05 tháng 03 năm 2015 về Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hồ tiêu) kết hợp với kết quả điều tra, khảo sát và tiếp cận thực tế chúng tôi đã điều chỉnh qui trình sau đó thống nhất với tổ hợp tác để nhà vườn áp dụng.
Cán bộ tư vấn hướng dẫn nhà vườn vẽ sơ đồ vườn sản xuất thể hiện hệ thống sản xuất bao gồm diện tích, tổng số cây/vườn, kho chứa hoặc các vị trí sản xuất khác, đánh mã số vườn trồng cho từng tổ viên.
2.4.7. Xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu của G.A.P
Cán bộ tư vấn đã hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí cho nhà vườn hoàn tất xây dựng cơ sở vật chất cần thiết theo yêu cầu của GAP như: kho phân bón, kho thuốc BVTV, kho để dụng cụ làm vườn, nhà vệ sinh, bồn rửa tay, hệ thống xử lý nguồn nước sinh hoạt, hố xử lý thuốc BVTV dư thừa, nơi xử lý bao bì thuốc và rác thải cho các mô hình sản xuất hồ tiêu.
2.4.8. Hướng dẫn nhà vườn thực hiện đúng qui trình canh tác và ghi chép nhật ký sản xuất
– Hàng tháng Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã cử cán bộ kỹ thuật tư vấn hướng dẫn trực tiếp các nhà vườn áp dụng đúng qui trình canh tác hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global G.A.P. Mỗi nhà vườn đều có lịch chăm sóc vườn cụ thể, chỉ được sử dụng các loại phân bón và thuốc BVTV theo qui định của tổ hợp tác.
2.4.9. Tiến hành kiểm tra và đánh giá nội bộ
Sau khi đã hoàn tất các nội dung theo yêu cầu của Global G.A.P, tháng 8/2018 nhóm tư vấn tiến hành kiểm tra, đánh giá nội bộ hệ thống quản lý chất lượng của tổ hợp tác và các nông hộ sản xuất theo Global G.A.P
2.4.10. Hướng dẫn tổ hợp tác làm hồ sơ đăng ký chứng nhận và lập hồ sơ khắc phục
– Hướng dẫn lựa chọn tổ chức chứng nhận Global G.A.P có uy tín từ các Tổ chức chứng nhận Global G.A.P.đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay;
– Hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký chứng nhận Global G.A.P
– Hướng dẫn Ban Quản lý tổ hợp tác chủ nông hộ, công nhân làm việc với chuyên gia đánh giá trong quá trình đánh giá chứng nhận:
+ Huấn luyện cách trả lời phỏng vấn của chuyên gia đánh giá;
+ Huấn luyện sắp xếp, kiểm tra tài liệu, hồ sơ lưu trữ để chứng minh quá trình quản lý sản xuất và kinh doanh đạt theo yêu cầu tiêu chuẩn Global G.A.P..
– Hướng dẫn thực hiện hành động khắc phục và lập báo cáo hành động khắc phục:
+ Hướng dẫn Ban Quản lý tổ hợp tác, chủ nông hộ, công nhân nhà đóng gói thực hiện hành động khắc phục;
+ Hướng dẫn Ban Quản lý tổ hợp tác lập báo cáo hành động khắc phục.
Tổ chức chứng nhận độc lập đến đánh giá hệ thống sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P.:
Sau khi tư vấn cho THT lựa chọn tổ chức chứng nhận, THT đã chọn tổ chức chứng nhận AGRICERT – Certificacao de Producos Allmentares Lda đến đánh giá hệ thống sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P. của 3 tổ viên THT.
2.4.11. Tình hình sâu bệnh hồ tiêu
Bệnh chết nhanh
Trước khi thực hiện mô hình, cả 3 điểm mô hình đều bị bệnh chết nhanh ở mức độ rất nhẹ đến nhẹ (1,43 – 2,71%). Sau 36 tháng thực hiện mô hình các cây hồ tiêu trong mô hình sinh trưởng tốt, tỷ lệ bệnh chết nhanh giảm rõ rệt so với trước khi thực hiện mô hình (giảm 47,22 – 73,68%), cả 3 điểm đều ở mức độ bệnh rất nhẹ.
Bệnh chết chậm
Bệnh xuất hiện hầu hết các vườn hồ tiêu ở giai đoạn kinh doanh. Khi bệnh chết chậm xuất hiện cây có biểu hiện sinh trưởng chậm lại, cành lá nhỏ dần và dần dần chuyển sang màu vàng, năng suất thấp dần, thời gian từ khi bệnh xuất hiện đến khi cây chết có thể 1- 3 năm thập chí còn dài hơn. Bệnh có thể phòng trị và phục hồi được nếu không quá nặng.
2.4.12. Năng suất hạt hồ tiêu khô
Sau 3 năm xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững và theo tiêu chuẩn GAP, năng suất hồ tiêu được nâng cao do áp dụng đúng theo quy trình sản xuất. Cả 3 mô hình đều cho năng suất hạt hồ tiêu khô (3,52 – 4,46 tấn/ha/vụ) cao hơn so với đối chứng (2,98 – 3,46 tấn/ha/vụ). Năng suất lô mô hình tăng hơn so với đối chứng 21,80 – 36,28%, do vườn mô hình chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật canh tác.
2.4.13. Dung trọng hạt hồ tiêu
Dung trọng là chỉ tiêu quan trọng nhất đánh giá chất lượng hạt tiêu. Dung trọng ở các điểm mô hình dao động từ 593 – 612 g/lít, vườn đối chứng dao động từ 542 – 548 g/lít. Theo tiêu chuẩn của tiêu chuẩn ASTA hạt hồ tiêu sạch có dung trọng ≥ 570 g/lít, theo hiệp hội hồ tiêu quốc tế IPC dung trọng hạt tiêu đen loại 1 dung trọng ≥ 550 g/lít, loại 2 từ dung trọng từ 500 – 550 g/lít. Dung trọng hạt tiêu của các điểm mô hình đều đạt yêu cầu của tiêu chuẩn ASTA và IPC. Dung trọng hạt hồ tiêu trong mô hình cao hơn đối chứng là do trong mô hình hạt tiêu được thu hoạch đúng độ chín.
2.4.14. Một số chỉ tiêu chất lượng hạt hồ tiêu ở mô hình GlobalG.A.P
Kết quả phân tích một số chỉ tiêu chất lượng hạt tiêu ở các điểm mô hình Global G.A.P ghi nhận các chỉ tiêu chất lượng khác đạt tiêu chuẩn của ASTA.
2.4.15. Hiệu quả kinh tế ở mô hình thâm canh tổng hợp cây hồ tiêu theo hướng canh tác bền vững và đạt chứng nhận GlobalG.A.P
Tổng chi phí ở lô mô hình (248.319.000 – 272.509.000 đồng/ha/năm) cao hơn so với lô đối chứng (206.972.000 – 234.128.000 đồng/ha/năm). Do lô mô hình áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P đã làm tăng chi phí đầu tư (công lao động; chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng: kho phân bón, kho thuốc BVTV, nhà vệ sinh, khu pha thuốc BVTV; chi phí phân tích mẫu; chi phí vật tư phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, chi phí chứng nhận) so với vườn sản xuất đại trà. Chi phí tăng thêm ở lô thực hiện so với lô đối chứng 15,80- 20,84%, nhưng doanh thu lô mô hình (528.327.000 – 680.855.000 đồng/ha/năm), tăng 28,21- 44,00%. Lợi nhuận từ lô hình (280.008.000 – 408.345.000 đồng/ha/năm) cao hơn so với lô đối chứng (205.105.000 – 270.739.000 đồng/ha/năm), tăng 36,52- 74,03%. Tỷ suất lợi nhuận lô mô hình đạt từ 1,13– 1,50 lần cao hơn so với đối chứng chỉ đạt từ 0,99- 1,20 lần, do đó tỷ suất lợi nhuận đã tăng từ 13,79– 50,28 % so với lô đối chứng (bảng 58, 59, 60).
2.5. Nội dung 4: Tập huấn và hội thảo đầu bờ
2.5.1. Tập huấn nhà vườn
– Đối tượng: Các hộ tham gia thực hiện mô hình, những nhà vườn và các cán bộ địa phương có nhu cầu.
– Qui mô: 5 lớp cho 5 xã, mỗi lớp 40 học viên (xã Tà Lài: 40 lượt người; xã Phú Lộc: 40 lượt người; xã Phú Xuân: 40 lượt người; xã Phú Thanh: 40 lượt người và xã Trà Cổ: 40 lượt người thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
– Kết quả đạt được: Các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật được tổ chức đúng thời gian và đảm bảo được các nội dung đưa ra: Các nhà vườn bước đầu đã nắm bắt được tình hình sản xuất cây hồ tiêu ở địa phương, những yêu cầu của thị trường cây hồ tiêu, từ đó có hướng đi đúng trong sản xuất hồ tiêu của gia đình. Họ thấy rằng, sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GAP giúp cho sản xuất hồ tiêu đạt hiệu quả hơn, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và góp phần ổn định thị trường tiêu thụ.
2.5.2. Hội thảo đầu bờ
Trong quá trình thực hiện Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ phối hợp chặt chẽ với UBND và Hội Nông dân xã Phú Xuân và xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
– Quy mô: 02 hội thảo, mỗi hội thảo có 40 người gồm các hộ nông dân tham gia mô hình, cán bộ và nhà vườn địa phương.
Kết quả cho thấy có đến 95,00% số người đánh giá tốt về khả năng nhân rộng của mô hình, 96,25% số người đánh giá tốt về mức độ thành công của mô hình và trên 95,0% số người đánh giá mức độ phù hợp kỹ thuật, kiểm soát sâu bệnh hại (bảng 61).
2.6. Xây dựng nhãn hiệu hồ tiêu tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai
Đã hoàn thành hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “Lộc Thịnh” cho Hội Nông dân huyện Tân phú (thuộc thị xã Tân Phú, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
– Hồ sơ đã được Cục Sở hữu Trí tuệ thẩm định, xem xét, bổ sung và được cấp giấy đăng ký chứng nhận số 279394 theo Quyết định số 21804/QĐ – SHTT ngày 10/4/2017

Về Trần Thiếu Nga

Check Also

Thiết kế, tổng hợp, nghiên cứu tính chất phát quang, khả năng xúc tác và hoạt tính chống ung thư của phức chất platin với một số phối tử carbene dị vòng nitơ

Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn …