Chủ nhiệm đề tài: ThS. Vũ Thị Minh Châu
KS. Đỗ Văn Thịnh
và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ
Mục tiêu của đề tài:
Nâng cao năng suất và góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế vườn cà phê và điều ở huyện Trảng Bom.
Đối với cây cà phê
– Đánh giá những thuận lợi, khó khăn của nhà vườn khi sản xuất cà phê trong điều kiện hiện nay và đề xuất biện pháp giải quyết;
– Năng suất tăng từ 15 – 20% và hiệu quả kinh tế tăng từ 20 – 25% ở lô mô hình cưa đốn trẻ hóa so với lô đối chứng (không cưa đốn) đối với cây cà phê;
– Năng suất tăng từ 20 – 25% và hiệu quả kinh tế tăng từ 25 – 30% ở lô mô hình ghép cải tạo so với lô đối chứng (không ghép cải tạo) đối với cây cà phê;
– Năng suất tăng từ 10 – 15% ở lô mô hình trồng giống cà phê mới so với lô đối chứng (canh tác theo nhà vườn);
– Chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trồng cà phê thông qua tập huấn, hội thảo đầu bờ và đào tạo kỹ thuật viên.
Đối với cây điều
– Đánh giá những thuận lợi, khó khăn của nhà vườn khi sản xuất cà phê trong điều kiện hiện nay và đề xuất biện pháp giải quyết;
– Cải thiện năng suất vườn điều già cỗi bằng trồng mới giống điều cao sản năng suất cao.
– Năng suất tăng từ 15 – 20% và hiệu quả kinh tế tăng từ 20 – 25% ở lô mô hình thâm canh tổng hợp cây điều so với lô đối chứng.
– Chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trồng điều thông qua tập huấn, hội thảo đầu bờ và đào tạo kỹ thuật viên.
Kết quả nghiên cứu
1. Hiệu quả kinh tế – xã hội
– Tăng thu nhập cho người tham gia mô hình: Thu nhập trực tiếp từ tổng 3 năm thực hiện ở các mô hình cà phê và điều đều đã được khẳng định lợi nhuận trong thực tế như sau: mô hình cưa đốn trẻ hóa vườn cà phê ở lô mô hình kỹ thuật là 52.734.160 đồng/ha cao hơn lô đối chứng 72,82%; mô hình ghép cải tạo vườn cà phê là 73.482.560 đồng/ha cao hơn lô đối chứng 149,19%; mô hình trồng mới thâm canh tổng hợp cây cà phê ở lô mô hình bước đầu đã cải thiện được năng suất, góp phần tăng thu nhập so với lô đối chứng; mô hình cải tạo vườn điều già cỗi bằng trồng giống mới ở vườn mô hình bước đầu ta thấy đã cải thiện năng suất, góp phần tăng thu nhập so với vườn đối chứng; mô hình thâm canh tổng hợp vườn điều giai đoạn kinh doanh ở lô mô hình là 117.668.500 đồng/ha cao hơn lô đối chứng 60,51%.
– Dự án đã đào tạo 15 kỹ thuật viên; tập huấn và hội thảo 400 nhà vườn hiểu biết và có thể thực hành quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, cây điều đạt hiệu quả cao. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn của các kỹ thuật viên, nhà vườn trồng cà phê, điều mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất cà phê, điều.
– Dự án đã tạo công ăn việc làm, giúp cho đời sống người dân được cải thiện góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, ổn định an ninh chính trị ở địa phương.
2. Hiệu quả môi trường
– Quá trình tham gia thực hiện dự án người nông dân sản xuất cây cà phê, cây điều đã từng bước ý thức việc tuân theo đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, cây điều đạt hiệu quả cao để vừa tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa góp phần bảo vệ môi trường.
– Tăng cường kiến thức, kỹ năng giúp nhà vườn sử dụng hợp lý và hiệu quả phân bón, nông dược giảm tác động đối với môi trường và đối với sức khỏe người sản xuất.
– Cải thiện dinh dưỡng đất, giúp cân bằng hệ sinh thái trong đất, tăng độ phì nhiêu đất nhằm đảm bảo tính bền vững, giảm xói mòn và thoái hóa đất.
– Giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng diện tích phủ xanh, tác động có lợi cho môi trường.
3. Khả năng duy trì và nhân rộng kết quả của dự án
Sau thời gian Dự án triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả trực tiếp về mặt kinh tế xã hội và môi trường. Do đó nhà vườn tham gia mô hình trong dự án sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã được chuyển giao. Ngoài ra các mô hình trình diễn đã có tác động tốt đến các nhà vườn trồng cà phê và điều lân cận, họ được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cũng như chủ vườn trong mô hình hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, cây điều đạt hiệu quả cao.
+ Đối với cây cà phê:
Hiện tại giá cả cà phê bấp bênh, bên cạnh đó một số loại cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như: bưởi da xanh, sầu riêng, bơ, chuối… vì vậy tâm lý nhà vườn muốn chuyển đổi sang các loại cây trồng này mà không muốn đầu tư và mở rộng diện tích cho cây cà phê. Tuy nhiên, việc nhà vườn tự ý chuyển đổi cây trồng một cách ồ ạt dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu làm giảm hiệu quả kinh tế. Vì vậy, chính quyền địa phương cần vận động và tuyên truyền cho người dân tiếp tục duy trì và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của dự án bằng: Áp dụng ghép trẻ hóa bằng dòng vô tính TR4 và kết hợp trồng xen thêm một số loại cây ăn quả như: bơ, sầu riêng, chôm chôm…với khoảng cách trồng xen 9 x 9 m hoặc 10 x 10 m (tương đương 100 – 125 cây trồng xen/ha) để tăng thu nhập.
+ Đối với cây điều:
Nên trồng mới và thay thế những vườn điều cũ kém hiệu quả bằng trồng giống PN1, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh theo quy trình của dự án để áp dụng trên những vùng đất thiếu nguồn nước tưới và canh tác các loại cây trồng khác không đem lại hiệu quả.
Từ các kết quả đạt được của dự án, với sự hỗ trợ tuyên truyền của Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, UBND các xã An Viễn, Sông Thao, Bàu Hàm tới người dân ở địa phương thì khả năng duy trì và nhân rộng kết quả của dự án trong thời gian tới sẽ đạt hiệu quả cao.
Check Also
Thiết kế, tổng hợp, nghiên cứu tính chất phát quang, khả năng xúc tác và hoạt tính chống ung thư của phức chất platin với một số phối tử carbene dị vòng nitơ
Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn …