Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đặng Thanh Sơn và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phú
Mục tiêu của đề tài:
+ Mục tiêu chung:
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình, tập huấn và hội thảo để nâng cao năng suất và chất lượng mãng cầu ta góp phần cải thiện thu nhập cho nhà vườn ở huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
+ Mục tiêu cụ thể:
-Nắm bắt hiện trạng sản suất mãng cầu ta tại huyện Tân Phú, đánh giá những tồn tại so với tiêu chuẩn VietGAP và đề xuất giải pháp phát triển.
-Xây dựng được các mô hình trồng mới giống triển vọng; cải tạo và thâm canh tổng hợp vườn thời kỳ kinh doanh với diện tích 14ha, cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất tăng > 20% và hiệu quả kinh tế tăng > 15%.
-Xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu ta ở huyện Tân Phú theo tiêu chuẩn VietGAP với mục tiêu đạt chứng nhận 5 ha trong thời gian thực hiện dự án.
-Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc mãng cầu ta cho người dân thông qua đào tạo kỹ thuật viên, tập huấn và hội thảo đầu bờ để nhân rộng mô hình.
Kết quả nghiên cứu:
1. Điều tra, khảo sát hiện trạng sản xuất mãng cầu ta tại Tân Phú và so với yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP
– Điều tra khảo sát hiện trạng sản xuất mãng cầu ta ở Tân Phú và so sánh với yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: Bằng phương pháp dùng phiếu soạn sẵn để phỏng vấn nhà vườn, 60 phiếu điều tra đã được thu thập thông tin tại 40 nhà vườn trồng mãng cầu ở xã Phú Lộc, 10 nhà vườn ở xã Trà Cổ, 5 nhà vườn ở xã Phú Thịnh và 5 nhà vườn ở thị trấn Tân Phú. Kết quả điều tra cho thấy sản xuất mãng cầu ta ở Tân Phú còn theo kinh nghiệm là chính. Hầu hết vườn mãng cầu ta được nhân giống bằng phương pháp ương hạt. Số hộ được học tập, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chiếm tỷ lệ còn ít. Kỹ thuật bón phân phần lớn số hộ áp dụng liều lượng bón thấp, tỷ lệ các loại dinh dưỡng chưa cân đối và giai đoạn bón chưa phù hợp, dẫn tới năng suất không ổn định, chất lượng không đồng đều và tuổi thọ vườn cây thấp. Tỷ lệ hộ xử lý ra hoa thành công còn thấp. Phẩm cấp quả đáp ứng yêu cầu thị trường cao cấp chiếm tỷ lệ rất thấp. Sâu bệnh nhiều đặc biệt là rệp sáp, ruồi đục quả, sâu đục quả, bệnh đốm đen trên quả, bệnh thối gốc, bệnh đốm rong và đốm mốc. Đối chiếu với các tiêu chí VietGAP thì khu vực trồng mãng cầu ở Tân Phú có thể sản xuất theo VietGAP nhưng kỹ năng sản xuất của người dân chưa sẵn sàng, cần được huấn luyện, cũng như phải xây dựng và bổ sung nhiều về cơ sở vật chất cho sản xuất.
2. Xây dựng mô hình trồng mới và chăm sóc cây mãng cầu ta thời kỳ kiến thiết cơ bản
Mô hình trồng mới và chăm sóc cây mãng cầu ta thời kỳ kiến thiết cơ bản: 01 ha trên 2 điểm mô hình đã được xây dựng. Sau khi chuyển giao giống; kỹ thuật trồng và thâm canh mãng cầu ta giai đoạn kiến thiết cơ bản. Qua 24 tháng sau trồng cây trong mô hình sinh trưởng và phát triển vượt trội so với sản xuất đại trà, phù hợp ở Tân Phú. Giống và kỹ thuật từ mô hình có khả năng nhân rộng trong sản xuất.
3. Xây dựng mô hình cải tạo thâm canh tổng hợp vườn mãng cầu thời kỳ kinh doanh
Mô hình cải tạo thâm canh vườn mãng cầu thời kỳ kinh doanh: 13,3ha trên 19 điểm mô hình đã được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Kỹ thuật tác động trong lô mô hình giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt; năng suất tăng 31,89%; lợi nhuận tăng 27,99%; tỷ số lợi ích chi phí biên của mô hình so với đối chứng là 1,99 lần. Kỹ thuật của mô hình có thể nhân rộng ở nơi có điều kiện tương tự.
4. Xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP
Mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP: 5ha trên 5 điểm mô hình đã được chứng nhận VietGAP, với năng suất cao, chất lượng tốt, sản phẩm an toàn.
5. Đào tạo kỹ thuật viên sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP
Dự án đã đào tạo 15 kỹ thuật viên do các xã giới thiệu về sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP. Khóa học được tổ chức 03 tuần tại Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ. Chương trình bao gồm phần lý thuyết và thực hành. Tham quan học hỏi mô hình tiên tiến. Sau khoá học, học viên được cấp giấy chứng nhận về sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP.
6. Tập huấn nhà vườn về kỹ thuật canh tác mãng cầu ta
Đã tổ chức xong 4 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thâm canh cây mãng cầu ta cho nhà vườn tại địa phương của các xã thuộc huyện Tân Phú có trồng nhiều mãng cầu ta: Phú Lộc, Trà Cổ, Phú Thịnh. Tổng cộng có 160 nhà vườn tham dự và được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
7. Tổ chức hội thảo đầu bờ
Đã tổ chức 2 đợt hội thảo đầu bờ với 100 lượt người tham dự đánh giá và thảo luận về kỹ thuật chuyển giao tại các mô hình thực hiện thuộc dự án.
8. Tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm của dự án
-Nhóm nghiên cứu và Tổ hợp tác cây mãng cầu ta Phú Lộc đã tiến hành thực hiện công việc giới thiệu quảng bá sản phẩm mãng cầu đến các Hội chợ, hội thi, các công ty tiêu thụ trái cây, siêu thị và được nhiều khách hàng biết đến. Sản phẩm mãng cầu ta Tân Phú được siêu thị Co.op mart chấp nhận.
-Thông qua hội thảo đầu bờ, đại diện một số công ty tiêu thụ trái cây cũng được mời tham dự để liên kết tiêu thụ sản phẩm mãng cầu của dự án.
9. Thông tin tuyên truyền và biện pháp khuyến khích nhân rộng kết quả của dự án
– Các mô hình được các chủ vườn tiếp tục duy trì chăm sóc và sản xuất; được Hội nông dân xã tiếp nhận kỹ thuật và tiếp tục nhân rộng, chuyển giao thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp tại địa phương.
– Tuyên truyền kỹ thuật sản xuất mãng cầu ta thông qua tập huấn, hội thảo, nhờ đội ngũ Kỹ thuật viên, nói chuyện trên đài, đăng trên website.Chủ vườn, hội nông dân, tổ hợp tác xã tiếp tục liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ qua các phương thức như: chào hàng trực tiếp, quảng bá qua hội thảo, đăng trên website, từ đó phát triển tiêu thụ góp phần cho phát triển sản xuất.
Sau khi dự án thực hiện năng suất trong vùng tăng từ 4,2 tấn/ha lên 5,2 tấn/ha. Đa số người dân nắm bắt và làm chủ được công nghệ mới như tỉa cành tạo tán, tỉa quả để nâng cao phẩm cấp quả, quản lý dinh dưỡng tổng hợp, xử lý ra hoa, phòng trừ sâu bệnh và kỹ thuật sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP.
Check Also
Thiết kế, tổng hợp, nghiên cứu tính chất phát quang, khả năng xúc tác và hoạt tính chống ung thư của phức chất platin với một số phối tử carbene dị vòng nitơ
Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn …