Kỹ thuật trồng cây Nha Đam cho năng suất cao

Nha đam có tên khoa học là Aloe Veral, thuộc họ lô hội Aloaceae, trong dân gian còn có tên là tượng đảm, lô hội, lưỡi hổ, hỗ thiệt, long tu… là loại cây trồng cạn,có khả năng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng có số ngày nắng nhiều trong năm.

Nha đam không chỉ là một loại cây cảnh mà còn trở nên phổ biến để làm nguyên liệu chế biến các loại mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm. Do nhu cầu nha đam ngày càng gia tăng nên nhiều nhà vườn đã phát triển mô hình trồng nha đam nguyên liệu quy mô lớn và đạt hiệu quả cao.

I. Làm đất và Chọn giống

a. Làm đất

Nha đam là cây chịu được khô hạn, nhưng không chịu được ngập úng, do đó loại đất thích hợp nhất để trồng cây nha đam chính là đất tơi xốp, nhiều dinh dưỡng và thoát nước tốt. Nếu loại đất mà thoát nước kém, không thoáng khí thì cây sẽ dễ dàng bị thối rễ và chết.

Cần chuẩn bị các thành phần sau: tro, phân hữu cơ, xơ dừa, trấu theo tỷ lệ 2:1:0,5:1. Hỗn hợp trên cần được ủ kín từ 15 – 20 ngày mới được đem ra trồng. Nếu bạn có phân hữu cơ và tro đã qua sử dụng rồi thì chỉ cần trộn thêm phân trùn quế là có thể trồng được ngay.

Nên lưu ý không trồng cây ở nơi có quá nhiều cát, nó sẽ làm dinh dưỡng dần mất đi cây dễ bị còi cọc, sinh trưởng kém.

 b. Chọn giống

Hiện nay, có khoảng 300 loài Nha đam khác nhau, nhưng Nha đam ALOE VERAL lá xanh thẫm, bẹ lá to là loại dễ trồng và cho năng suất cao. Giống Nha đam ALOE VERAL đang được nông dân trồng đại trà.

Một nhánh cây nha đam cũng có thể tách trồng thành cây độc lập. Chọn cây nha đam khỏe, to, chắc thịt rồi tách ra một lá từ thân cây chính ra. Đặt phần lá vừa tách nằm ngang, chôn một phần của lá xuống dưới nước, phần gân xương lá hướng lên trên. Cũng có thể trồng bằng cách tách cây con khỏi cây mẹ. Sau khi trồng khoảng một năm xung quanh cây mẹ sẽ cho cây con. Khi cây con lớn chừng 10 cm thì có thể được tách rời cây mẹ và ươm trong vườn. Khi cây con lớn chừng 15 – 20 cm thì có thể đem trồng.

II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nha đam

Ðào cây con từ vườn ươm (khi đào nên cẩn thận, lấy được càng nhiều rễ càng tốt, nhằm thu ngắn thời gian hồi sức của cây con). Sau đó, trồng theo rãnh, với mật độ: cây cách cây 40 cm, hàng cách hàng 80 cm, như vậy số lượng cây giống khoảng 30 – 50.000 cây/ha.

Cây con mới trồng cần giúp phần lá ở trên mặt đất cao nhất có thể. Tiếp đến bạn cần giữ cho thân cây được thẳng điều này giúp rễ phát triển tốt phủ kín. Trồng Nha đam tuy dễ vì nó có thể chịu hạn song nó chỉ phát triển tốt khi có độ ẩm thích hợp,  nên giữ ẩm cho cây đặc biệt là vào mùa khô hạn khi thời tiết bắt đầu nóng gắt hanh khô (khi trồng cây trong nhà cần đặt cây ở vị trí ánh sáng thích hợp cho cây phát triển).

Khi trồng tại vườn cần lưu ý khơi thông cống rãnh giúp cây thoát nước vào mùa mưa. Tạo lưới che và phun tưới thích hợp vào mùa khô (Trồng trong nhà cần đặt cây trong chậu và vị trí nước có thể thoát).

Những cây Nha đam trồng trong nhà thì không nhất thiết phải bón phân. Bạn có thể dùng nước vo gạo để thay thế phân bón. Ngoài ra bạn có thể sử dụng phân NPK bón trong vòng 15 – 20 ngày/lần để cây xanh tươi hơn.

Đối với những cây nha đam trồng ngoài vườn nên sử dụng phân hữu cơ để bón. Bên cạnh đó có thể dùng phân hữu cơ NPK để bón thúc 1 tháng/lần. Cần lưu ý kết hợp xới đất mỗi lần bón phân để cây có thể hấp thụ dưỡng chất một cách tốt nhất. Khi bón phân đừng làm bẩn tán lá, nên bón trước khi trời mưa hoặc tưới sau khi bón để giúp dưỡng chất được hấp thu.

III. Phòng trừ sâu bệnh

Cây Nha đam thường ít bị bệnh hại do lớp biểu bì hay lớp vỏ ngoài của cây khá dày, có gai bên dưới lại là lớp dịch độc. Tuy nhiên nếu điều kiện sống không thuận lợi cây vẫn có thể mắc bệnh. Cụ thể khi mật độ cây dày, độ ẩm quá cao hay quá thấp trực khuẩn gây hại sẽ phát triển.

Biểu hiện bệnh thường gặp nhất là những đốm đen xuất hiện trên bề mặt lá, cần cắt bỏ phần lá bệnh để tránh lây nhiễm. Trồng nha đam chủ yếu lấy lá vì thế khi gặp phải tình trạng bệnh không nên dùng các biện pháp hóa học để phòng trừ.

IV. Thu hoạch

Nha đam sau khi trồng 6 tháng là có thể cho thu hoạch lứa đầu tiên, trước khi thu hoạch 3 – 5 ngày ngừng tưới để lá ngoài cô lại.

Thu hoạch những lá to phía ngoài, lá nhỏ để lại cho phát triển tiếp. Dùng dao khía nhẹ vào cuống lá rồi cắt sát gốc, tránh làm tổn thương đến cây. Nhúng phần cuống lá vào xô nước để cho chảy bớt nhựa, sau 6 – 8 tiếng có thể đóng gói lá nha đam

Hiện nay, cây Nha đam còn được sử dụng để sản xuất các loại mỹ phẩm bảo vệ và dưỡng da, cũng như dùng để làm nước giải khát. Khi trồng cây Nha đam  không phải đầu tư ban đầu cao, kỹ thuật chăm sóc đơn giản và trồng một lần có thể thu hái lâu dài, mang lại hiệu quả rất cao.

PV (Tổng hợp)

Về Phạm Minh Vương

Check Also

Giữ nguồn gen cây bản địa Đi tìm cây chuối phấn vàng trên đất Tổ

Theo chân anh Đinh Mạnh Cường, tổ viên tổ khuyến nông xã Tân Lập, (huyện …